"Ông vua" lầm lũi kiếp phong trần

Thứ Ba, 13/08/2013, 14:37

Ông để tóc dài, buộc túm như muốn thể hiện một chút phong cách nghệ sĩ còn sót lại của thời xa vắng. Mái tóc trắng như cước của ông dễ làm người khác liên tưởng đến một cá tính phong trần, chịu chơi dù rằng tuổi của ông đã chạm ngưỡng "thất thập". Hằng ngày, ông vẫn chạy xe máy một mình, tha thẩn một mình ở góc khuất của quán cà phê bờ sông Sài Gòn và vẫn nốc bia hơi vài cữ. Ông luôn trong trạng thái đê mê cùng ma men để quên hết quá khứ lẫy lừng của một ông "bầu vua" từng "đội gió, đạp sóng" suốt hai thập niên.

Thời hoàng kim của một ông "bầu vua"

Trong số 4 "tứ kiệt" ngự trị trên sân khấu đại nhạc hội Sài Gòn những năm cuối thập niên 70 đầu 80 của thế kỷ trước, tôi muốn nhắc đến ông bầu Ngọc Giao.

Vào thời điểm ấy, sự hiện diện của bốn ông đã làm rung chuyển Sài Gòn, trong tay họ nắm hầu hết các sân khấu lớn, tạp kỹ và nhà hát, họ thâu tóm toàn bộ giới ca sĩ, nhạc sĩ mà tên tuổi còn vang bóng đến ngày hôm nay như Chế Linh, Giao Linh, Mạnh Cường… Người đời dành cho họ những mĩ từ bóng bẩy nhất: "Những ông bầu vua". Thứ tự xếp hạng sẽ là: Nhất Biếu (Hoàng Biếu) nhì Giao (Ngọc Giao) tam Đặng (Sĩ Đặng) tứ Ngọc (Duy Ngọc)".

Thời gian và vật đổi sao dời nay chỉ còn lại bầu Ngọc Giao và Duy Ngọc, hai ông còn lại đã về với đất sau những tháng ngày chống chọi với tuổi già và bệnh tật.

Ngọc Giao ngày hôm nay là một ông già tóc trắng như cước, chạy xe lang bạt ngoài đường, lầm lũi một mình trong những quán cà phê ven sông Sài Gòn. Tôi hơi bất ngờ bởi tác phong ấy của Ngọc Giao, dường như tuổi già không có nghĩa lý gì với ông bầu này.

Mỗi ngày, ông vẫn nhậu vài độ với bạn bè, nhậu thâu đêm suốt sáng, hết két này đến két khác. Ông bảo, giờ chỉ nhậu thôi, không nhậu đời vô vị lắm, sẽ chết sớm. Ông suy nghĩ và triết lý như vậy, hơi kỳ quặc, ngồ ngộ nhưng tôi thấy ông rất khỏe ở tuổi 73 với triết lý sống khác người ấy.

Quay lại "thời hoàng kim" của Ngọc Giao hơn hai thập niên, con người này sống trên "núi tiền" cùng danh dự và ánh hào quang lấp lánh. Những năm Sài Gòn mới giải phóng, đời sống người dân còn khó khăn thì Ngọc Giao đã sống như một ông vua không thiếu thứ gì trên đời. Xe hơi có, nhà cửa có, bồ bịch thay liên tục và nắm trong tay nhiều tạp kỹ lớn cùng hàng lớp ca sĩ, nhạc sĩ có tiếng.

Mối tình "đũa lệch" mới đơm hoa của bầu Giao.

Không dừng lại ở đó, Ngọc Giao còn "thúc" quân ra miền Trung rồi miền Bắc, lọt vào tận đất Thủ đô biểu diễn. Đoàn biểu diễn của Ngọc giao đi đến đâu có trống chiêng khua khoắng vang dội.

Nhân dân miền Trung dù nghèo khó, ngày còng lưng trên cánh đồng nhưng tối đến vẫn nhịn ăn để mua vé đi xem hát. Người miền Bắc mê cải lương, nô nức đi xem khiến cho những đêm cháy vé từ rất sớm. Ông bầu Ngọc Giao lấy bao tải đựng tiền, tiền nhiều vô kể, cuộc sống của anh em trong đoàn no đủ, sung sướng.

Nhưng tiền trời cho rồi cũng bị đất lấy lại. Có tiền, Ngọc Giao đổ vào những cuộc ăn chơi trác táng. Người vợ luôn sát cánh cùng ông, đã sinh cho ông 5 đứa con có đủ trai đủ gái, đùng một cái bỏ theo trai. Người đàn ông làm bà ấy chết mê chết mệt là con trai đất Hà Nội.

Cái đêm bà thú tội với Ngọc Giao là đêm mà Ngọc Giao đang chìm đắm trong cơn say. Nhưng cơn say không đủ lớn để khiến ông quên đi tất cả. Ông im lặng, không gầm lên như con thú, không túm tóc xé áo như kiểu ghen tuông vẫn thường hay có, ông gật đầu liên tục. Ngay trong đêm, ông kéo vợ dậy, dắt tới trao tận tay cho người tình vụng trộm của bà ấy. Rồi ông tuyên bố, từ nay dứt nghĩa vợ chồng.

Ngọc Giao bỏ đoàn hát, ai muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Một mình Ngọc Giao lao thân ra màn đêm thành phố Hà Nội. Ông cay cú người đàn ông cướp vợ mình, thế là triền miên những tháng ngày lủi thủi, sẵn có tiền, Ngọc Giao đổ vào những cuộc chơi đêm với gái điếm.

Ngọc Giao bất cần mọi thứ, khi tiền rỗng túi, tình rỗng tim, ông mới thất thểu đi kiếm ăn. Đời Ngọc Giao "lên voi xuống chó" trong phút chốc. Vốn có sẵn máu nghệ sĩ, có chút tài lẻ làm xiếc, ông ra những công viên, nơi công cộng múa máy làm trò rồi kiếm vài đồng bạc lẻ của người xem. Chẳng mấy chốc, Ngọc Giao đã xây dựng một gánh hát có thu nhập, tiền lại vào đầy túi nhưng lần này thì tình không còn đầy tim nữa.

Ăn chơi chán, Ngọc Giao vẫn chỉ là "con ngựa bất kham" không có bến đậu. Ngọc Giao quay về Sài Gòn làm lại cuộc đời rạn nứt bằng hai bàn tay trắng và một trái tim đau.

Thơ Ngọc Giao là sự dồn ứ của một tâm hồn rách.

"Thôi đành cho gió thổi vèo cuốn đi"

Sau 30 năm lang bạt hết Nam lại Bắc, cuộc đời ông bầu Ngọc Giao trải qua những cung bậc thăng hoa ngập tràn và bất hạnh tột cùng, lúc sung sướng như tiên khi lại tiền rỗng túi. Ông chả còn gì sau lớp bụi mờ thời gian và sự mài mòn của đôi bàn chân. Phụ nữ thấy ông có tiền thì nhào tới hết lại nhả ra như con ong hút mật, hút tàn một bông hoa rồi bay đi biền biệt.

Đau đớn đã chai mòn, cay cú chỉ làm héo mòn thân xác, Ngọc Giao quay sang ném tất cả vào những trang thơ. Cũng lạ, có ai nghĩ Ngọc Giao sẽ làm thơ và trở thành nhà thơ mà giới văn nghệ sĩ vẫn gọi như bây giờ. Không ai còn nhớ đến một ông bầu vua từng nổi đình nổi đám hơn 30 năm về trước. Đệ tử, đàn em dưới trướng của ông nay đều thành đạt, giàu có cũng chả ai quan tâm đến "sếp" ngày xưa nữa.

Ngọc Giao thu mình trong nỗi cô đơn, ông sáng tác thơ để nén và để vứt nỗi cô đơn hiện hữu. Thơ của ông thế này: "Mấy mươi năm dở khóc dở cười/ Bao năm lặn lội/ Cuộc đời được thua/ Đời nghệ sĩ/ Cánh chim bằng đã mỏi/ Đường giang hồ/ kiểm lại đời ta… Ta về đây/ Vĩnh biệt đời xinh đẹp/ Mệt quá rồi, muốn ngủ chưa yên". (Trích trong tập “Thôi đành cho gió thổi vèo cuốn đi”).

Ngọc Giao không nhận mình là nhà thơ mà chỉ là người làm thơ vì một nhu cầu bức xúc không thể chia sẻ cùng ai, ông đã thú thực rằng: "Thơ không phải là gốc đời của tôi, nó chỉ là tiếng nấc nhỏ. Thơ tôi không vần nó tự do ứa trào và cũng tự nó mắc nghẹn ở đâu đó tận cuống lòng. Thơ tôi là dòng thoát của cảm hứng, là tiếng nói huyên thuyên không niêm luật. Ai nói tôi ngông tôi chịu". Đối với Ngọc Giao, làm thơ chỉ để cởi lòng khi không thể chia sẻ với ai.

Tưởng rằng con tim đã khô héo nhưng Ngọc Giao lại tìm được người phụ nữ bằng tuổi con thứ của ông. Cô ấy đến với ông bằng tình cảm chân thành hay giả dối không ai biết nhưng thời gian đầu họ sống vô cùng hạnh phúc. Cô ấy vốn là một đào trong đoàn hát năm xưa, hai người vụng trộm một thời gian thì chính thức ra mắt với đàn con.

Bầu Ngọc Giao (phải) chụp cùng ca sĩ Chế Linh trong một lần hội ngộ.

Ngọc Giao đổ vốn mở một quán cà phê nhà vườn ở quận 2. Cô vợ trẻ ở nhà làm bà chủ còn Ngọc Giao ngày qua tháng nọ khăn gói quả mướp đi theo những công trình xây dựng mà người em họ dành cho ông vị trí giám sát. Trái tim yêu của Ngọc Giao luôn thổn thức mỗi đêm nằm ôm chăn một mình, ông nhớ vợ tha thẩn mà không thể chợp mắt.

Thế rồi đùng một cái, trong cái đêm gió bấc Lào Cai thổi xuyên lớp chăn mỏng, cô vợ ở nhà đã "dũng cảm" nhắn một cái tin quyết tâm chia tay với Ngọc Giao. Không tin vào thực tế phũ phàng, Ngọc Giao bỏ hết công việc về nhà để hỏi rõ ngọn ngành sự việc, nhưng cô vợ mặt "lạnh như tiền" không chút quyến luyến. Ngọc Giao đau như ai cứa nát tim mình, ông lầm lũi ký giấy chia gia tài để giải thoát cho vợ.

Ngọc Giao ra đi hai bàn tay trắng, ông tìm về mảnh vườn nhỏ tại Thanh Đa (quận Bình Thạnh, Tp HCM) dựng căn nhà tạm ở một mình. Lần này, Ngọc Giao không còn cay cú nữa, ông cũng chẳng còn sức lực tiền tài đâu mà đi ăn chơi sa đọa như thời trai trẻ. Ông âm thầm gặm nhấm nỗi cô độc, lặng lẽ khóc trên mỗi dòng thơ không niêm luật: "Dìu dặt yêu em từ đâu nhỉ/ Cô đơn âm ỉ lạnh đáy lòng/ Chân tóc chân răng đều theo dõi/ Hòa tan trong máu đỏ trắng vàng".

Tôi khâm phục cái khả năng yêu của Ngọc Giao, gần hết đời người mà ông vẫn tràn trề tình yêu, một tình yêu không kém phần mãnh liệt. Nhưng đời Ngọc Giao yêu bao nhiêu thì đau khổ bấy nhiêu, đàn bà đến với ông có lẽ cũng chỉ vì tiền mà thôi.

Thế mà ông nào có chịu nghỉ, hôm rồi gặp ông lang thang ở cà phê bờ sông, vừa khen ông dạo này hồng hào và trẻ ra, ông khoái chí khoe luôn một mối tình mới toanh. Nói rồi ông rút điện thoại alô ngay cho "vợ" ra trình diện. Tôi hỏi ông quen lâu chưa, ông xòe bàn tay đưa lên ba ngón rồi mỉm cười ý nhị: "Hình như được ba tháng rồi, kiếm người "nâng khăn sửa túi" mà. Thôi kệ, đến đâu hay đến đó".

Câu nói buông lửng, bất định của Ngọc Giao dường như ông cũng đoán trước được tương lai và cái hậu của mối tình. Có đàn bà, Ngọc Giao sẽ sáng tác sung sức hơn, chuẩn bị xuất bản cuốn hồi ký cuộc đời gì đó.

Đời Ngọc Giao là thế, từ ông bầu vua vang bóng một thưở, trắng tay, tay trắng đến cuối đời nhưng vẫn yêu ngay cả khi không còn yêu được nữa. Ngoài kia, sông Sài Gòn lăn tăn gợn sóng, dải lục bình lững lờ trôi về đâu, tôi không biết. Nhưng bên bậu thềm quán cà phê, có đôi tình già, tình non đang ríu rít tình tứ mặc kệ ngày mai sẽ ra sao

Ngọc Thiện
.
.
.