Pakistan rúng động vì lệnh bắt thủ tướng

Thứ Sáu, 01/02/2013, 16:15

Ngày 15/1 vừa qua, Toà án tối cao Pakistan đã ra lệnh bắt giữ đương kim Thủ tướng Raja Pervez Ashraf với cáo buộc đã nhận hối lộ và hoa hồng để thông qua các dự án điện vào năm 2010 khi ông còn giữ chức Bộ trưởng nước và năng lượng. Vụ việc có thể đẩy Pakistan vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới.

Yêu cầu bắt giữ Thủ tướng trong vòng 24 giờ

Chánh án Tòa án tối cao Iftikhar Muhammad Chaudhry ngày 15/1 đã ra lệnh bắt giữ 16 bị cáo, trong đó có cả Thủ tướng Ashraf và 3 cựu Bộ trưởng trong vòng 24 giờ và báo cáo lại tòa án vào ngày 16/1. "Chánh án đã ra lệnh bắt tất cả những người liên quan, bất kể là ai và ở vị trí nào. Tiếp sau đó, Chủ tịch của NAB (cơ quan giám sát chống tham nhũng) sẽ chịu trách nhiệm điều tra vụ việc cùng với các cộng sự của mình", Aamir Abbas, một luật sư nói với các phóng viên. Đây được coi là một "đòn" đánh mạnh vào Chính phủ Pakistan và đảng Nhân dân cầm quyền.

Theo Toà án Tối cao Pakistan thì Thủ tướng Ashraf đã có hành vi nhận hối lộ liên quan đến các dự án phát điện tại nước này vào năm 2010 khi ông còn ngồi ghế Bộ trưởng nước và năng lượng. Đồng thời, ông Ashraf cũng bị cáo buộc đã dùng tiền có được từ rất nhiều vụ tham nhũng để mua bất động sản ở London, Anh. Trên thực tế, khi còn là Bộ trưởng nước và năng lượng, ông Ashraf đã nhiều lần gặp những rắc rối về các chương trình gây tranh cãi do Bộ mình quản lý.

Quyết định này được đưa ra khi một giáo sĩ có tên là Tahirul Quadri rất được lòng nhiều người và cũng được quân đội hậu thuẫn, yêu cầu giải tán nghị viện và Thủ tướng Chính phủ phải từ chức. Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung thành những đám đông lớn tại thủ đô Islammabad. Truyền hình địa phương đã phát đi hình ảnh những người biểu tình ăn mừng khi biết tin này.

Trong bài phát biểu dài gần 40 phút trên bản tin sáng ngày 15/1, giáo sĩ Tahirul Quadri, nói rằng, sứ mệnh của Chính phủ đã kết thúc và kêu gọi những người dân tham gia biểu tình. "Giải tán Chính phủ hoặc để chúng ta làm điều đó. Chiến thắng, chiến thắng và chiến thắng", giáo sĩ Quadri nói trước đám người biểu tình.  Báo chí thế giới đưa tin, tính đến ngày hôm qua, 16-1 đã có khoảng 30 nghìn người tập trung trên đường dẫn vào Toà nhà Chính phủ, yêu cầu cải cách hệ thống bầu cử và kêu gọi các ứng cử viên tranh cử đảm bảo không tham nhũng.

Trước tình hình biểu tình lan rộng, lực lượng an ninh đã buộc phải dùng các biện pháp mạnh để giải tán đám đông như bắn chỉ thiên và dùng hơi cay. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pakistan, ông Rehman Malik đã lên tiếng nói rằng, Chính phủ nước này sẽ không nhượng bộ ông Qadri vì đó là những yêu cầu "vô lý và không phù hợp với hiến pháp".

Tiếng nói người trong cuộc

Trước thông tin trên, Thủ tướng Ashraf lên tiếng phủ nhận những cáo buộc liên quan đến vụ việc. Các nhà nghiên cứu đang đặt câu hỏi rằng, tại sao một giáo sĩ ít được biết đến trong chính trường Pakistan như ông Quadri, đột nhiên lại có thể điều khiển một đám đông lớn và chi phối cả các phương tiện truyền thông như vậy. Talat Masood, một vị tướng đã nghỉ hưu và là một nhà phân tích chính trị cho biết, Tòa án Tối cao đã có sự kết hợp với lực lượng quân đội và giáo sĩ Quadri để thực hiện hành động này.

Các nhà nghiên cứu khẳng định, lệnh bắt trên không đồng nghĩa với việc Thủ tướng phải từ chức ngay lập tức. Chánh án Toà án tối cao Pakistan cũng nhấn mạnh vụ việc trên không ảnh hưởng đến cuộc tổng tuyển cử của nước này, dự kiến diễn ra vào tháng 3. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra khiến người ta lo ngại về những bất ổn chính trị mà Chính phủ sẽ phải đối mặt, có thể một cuộc khủng hoảng chính trị mới đã bắt đầu... Và trước tiên là vấn đề kinh tế, ngay sau khi thông tin về lệnh bắt giữ Thủ tướng được công bố, thị trường chứng khoán Karachi đã sụt giảm nghiêm trọng

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.