Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang: Phải biết mình là ai và muốn gì

Thứ Hai, 05/02/2018, 14:53
Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang trở về nước với dự án mới "Nam Nhi" - một cuộc đối thoại giữa ngũ tấu dây với quan họ, thử nghiệm mới trong hành trình đối thoại Đông - Tây mà Quang đang theo đuổi. Hành trình Quang gặp chính mình trong sự kết nối giữa Việt Nam và thế giới.


- Từ "Song hành" đến "Hà Nội duo" kết hợp cùng nhạc sĩ Nguyên Lê và bây giờ là "Nam Nhi", cho thấy con đường của Quang đã thành hình, trong hành trình khai phá âm nhạc dân gian trên nền đương đại...

+ Đến bây giờ, tôi đã định hình con đường đi của mình, đó là làm những gì mới mẻ đương đại trên chất liệu truyền thống của nhạc Việt. Trong dự án mới này, tôi phối 8 bài quan họ cổ cho ngũ tấu dây, kết hợp với giọng của tôi, không có âm nhạc dân tộc.

Tôi muốn tôn vinh quan họ Bắc Ninh trong một không gian âm nhạc khác, mới mẻ, không lẫn với bầu, sáo, nhị, đó là một quá trình thể nghiệm, một kết nối Đông Tây rất thú vị. "Song hành" mới chỉ là những khai phá ban đầu, đến "Hà Nội duo" kết hợp với nhạc sĩ Nguyên Lê… Còn album này là sản phẩm đầu tiên do tôi hòa âm, phối khí, tôi muốn lắng nghe chính mình và xem sự kết hợp đó vang lên sẽ như thế nào.

- Và quan họ đã vang lên trong một không gian khác, mới mẻ, trừu tượng hơn. Vì sao lại là quan họ chứ không phải chèo hay xẩm?

+ Dự án này lấy cảm hứng từ buổi đi xem một đêm nhạc pop hòa âm cho tứ tấu dây ở một festival âm nhạc tại Bỉ, tôi thấy rất thú vị và nghĩ rằng phải làm gì đó để kết nối với âm nhạc Việt Nam. Tôi nghĩ đến quan họ, tôi rất thích quan họ cổ, mê lắm nhưng chưa có dịp làm, tôi chọn ngũ tấu thay vì tứ tấu. Tôi yêu quan họ từ bé vì thế tôi muốn mang quan họ ra nước ngoài, trong một không gian âm nhạc khác của chính mình. Tôi rất hứng khởi nên viết một mạch trong hai tuần là xong.

- Trong cuộc gặp gỡ đó, giữa phương Đông- phương Tây- giữa quan họ và ngũ tấu đàn dây, Quang nhận ra điều  gì?

+ Quan họ luyến láy, rung vuốt kiểu ngũ âm nên tôi dùng ngũ tấu vì nó có thể luyến láy, rung vuốt được. Đó là điểm chung giữa âm nhạc phương Tây và nhạc Việt. Tôi đi sâu hơn vào thế giới âm thanh thay vì dùng hòa âm của ghi ta hay piano.

Và trong hành trình đó, tôi nhận ra, âm nhạc có khả năng kết nối, phương Đông- phương Tây, Việt Nam và thế giới. Với tôi, khi thu âm xong, đó là một trải nghiệm cần thiết cho mình, cho hành trình đi tìm cái mới của người nghệ sĩ, một không gian hoàn toàn mới dù tôi đã tiết chế phần hòa âm không quá trừu tượng để không gây sốc cho khán giả.

- Mang quan họ vào một không gian đương đại, Quang có sợ mình sẽ làm biến tấu quan họ?

+ Tôi không sợ vì tôi hát không sai chất quan họ, giai điệu và lời bài hát vẫn là quan họ, chỉ hòa âm là khác thôi. Nhưng tôi không hát với tư cách là một nghệ nhân bảo tồn những vốn cổ của ông cha, tôi hát với tinh thần của một nghệ sĩ độc lập. Nhìn rộng hơn, sâu xa hơn thì đó là bước đi phát triển và có sự kết nối văn hóa thay vì mình cứ nghe theo kiểu bảo tồn.

Tôi chủ ý mời 5 nghệ sĩ thu âm đến từ 5 quốc gia khác nhau, một bạn Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Việt Nam. Người thu âm đến từ Ấn Độ, đó là tính quốc tế của âm nhạc. Lúc đầu các nghệ sĩ thấy khó nhưng càng làm họ càng hứng thú vì lạ và mới, có yếu tố đương đại trong đó. Đây là cơ hội lan tỏa âm nhạc quan họ ra nhiều quốc gia khác nhau. Trong thời gian tới tôi sẽ làm show, các nghệ sĩ trong nhóm cũng rất muốn sang Việt Nam biểu diễn.

- "Nam nhi", đó cũng là con đường Quang chọn, thỏa chí tang bồng, tự do cho những sáng tạo mới chứ không đóng khung mình. Nhìn lại gần 10 năm đi ra nước ngoài, Quang thấy mình đã đi tới đâu trong hành trình đó?

+ Tôi muốn trải nghiệm bản thân bằng nhiều hình thức khác nhau. Bởi thế giới âm nhạc mênh mông lắm, càng đi càng mênh mông. Bản chất âm nhạc là ngôn ngữ của thế giới, tôi đi ra và được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, có cơ hội biểu diễn ở nhiều quốc gia, ở đâu họ cũng nhận ra đó là âm nhạc của Việt Nam.

Tôi rất vui, sự kết nối ở đây là bản sắc Việt Nam trong đó, họ thấy ngay đó là nhạc Việt, phải đậm và rõ bản sắc như thế, nếu không tôi lại giống một người Trung Quốc hay Nhật Bản. Công việc của tôi không phải là bảo tồn, tôi là nghệ sĩ trên sân khấu, muốn biểu thị không gian âm nhạc riêng của mình cho mọi người cùng nghe và chia sẻ. Tôi vẫn đang trên hành trình với những thể nghiệm. Thời gian tới, tôi sẽ đi nhiều hơn, để lắng nghe, để khám phá những vùng miền âm nhạc, văn hóa khác nhau của Việt Nam.

- Càng ngày, người ta càng nói về sự kết nối, hòa nhập nhưng cũng  nói nhiều hơn về bản sắc, về sự sính ngoại trong nhạc Việt?

+ Tôi rất may xuất thân là nghệ sĩ của âm nhạc truyền thống. Nếu không học thì tôi không hiểu sâu và âm nhạc cổ truyền không ngấm vào mình đến thế. May hơn nữa là tôi biết hát và hát khá hay nhạc của mình. Điều đó làm nên bản sắc riêng của tôi và giúp tôi định vị mình dù sống bất cứ ở đâu.

Tôi từng viết mấy bài nhạc pop nhưng nhạc pop với tôi rất khó định hình, nghe cứ giống giống nhau. Sự định hình sáng tạo cá nhân trong một bài pop rất ít. Ở nước ngoài họ làm đương đại hẳn, pop nhưng đương đại với nhạc điện tử, nghe trong không gian âm nhạc mới và cá tính thay vì những bài pop đèm đẹp hòa âm bay bay, giống nhau.

Tôi nghĩ điều quan trọng là mình phải biết mình là ai và biết mình muốn gì. Tôi thuần túy Việt Nam, biết mình muốn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam theo hướng đương đại đó. Gần đây tôi thích làm những sản phẩm âm nhạc mới lấy chất dân gian như kèn Mông.

Bây giờ con đường định hình rõ ràng rồi, cứ thế làm thôi. Sau "Nam nhi", tôi kết hợp chất liệu âm nhạc dân tộc trên lời thơ của Phan Lê Hà - Giáo sư Đại học Hololulu, Hawaii, dự định ra mắt giữa năm 2018. Cuối hè 2018, sẽ là album âm nhạc dân tộc Việt Nam cùng những sáng tác mới của tôi, thực hiện cùng hai nghệ sỹ người Senegal và Iran.

- Và Quang sẽ trở về Việt Nam chứ?

+ Một vài năm nữa tôi sẽ trở về, bây giờ, tôi về Việt Nam thường xuyên hơn. Vì tôi có kết nối với Việt Nam rất mạnh, đó là nguồn năng lượng và cảm hứng của tôi. Tôi không thể ở Hà Lan mãi được, tôi sợ chất sáng tác sẽ thay đổi khi mình sống mãi ở một nơi xa xôi như thế. Vì thế tôi sẽ trở về, sống ở Việt Nam và đi tiếp con đường của mình, con đường sáng tác và biểu diễn âm nhạc của mình.

- Nhưng Quang có hình dung  con đường của một nghệ sĩ độc lập ở Việt Nam chông gai như thế nào?

+Tôi không mấy bận tâm đến điều đó, mình cứ đi thôi, vì phía trước  đã nhìn thấy con đường. Tôi thấy may mắn khi được ra nước ngoài học, lúc đầu tôi hơi sốc vì những thứ mình học quá mới mẻ, sốc cả về văn hóa vì nó quá khác biệt. Tôi từng hoài nghi về việc mình đi học nhưng dần dần tôi nhận ra, đó mới chính là những thứ mình cần.

Phải đi ra tôi mới nhìn thấu những giá trị văn hóa bản địa, thấy được bản gốc của văn hóa Việt Nam. Ra nước ngoài, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, người nghệ sĩ cần xác định mình đến từ đâu, nền tảng của mình là ở đâu. Không có cái riêng thì mình lờ nhờ, làng nhàng, rất khó phát triển.

- Nhưng người Việt khá dè dặt với những thể nghiệm?

+ Người Việt rất thích nghe nhạc có lời, dễ nghe, dễ hát, điều đó liên quan đến trình độ thưởng thức. Nếu âm nhạc đi vào trừu tượng hơn thì rất khó nghe, khó tiếp cận với khán giả Việt Nam. Nên chắc chắn những thử nghiệm của tôi ở Việt Nam sẽ không dễ dàng được chấp nhận.

Nhưng không sao. Với một nghệ sĩ, thứ nhất là phải làm được gì mới mẻ, hấp dẫn, thứ hai là được làm cái mình thích, sau đó mới đến khán giả thích. Thay vì chiều lòng khán giả thì hãy làm những gì có thể sáng tạo nhất, sự khác biệt sẽ làm nên những cá tính. Thực tế, tôi đã nghe thấy những tiếng nói mới mẻ dù đang nhỏ lẻ về một sự thay đổi nào đó.

 Hiện tại âm nhạc Việt Nam đang giẫm chân tại chỗ nhưng chắc chắn nó sẽ thay đổi. Nhiều nghệ sĩ đang hướng đến đương đại nhiều hơn là những gì quen tai. Cả một cộng đồng thích nghe nhạc quen tai, có lời, dễ nghe cũng là một rào cản cho nghệ sĩ. Nó liên quan đến thẩm mỹ âm nhạc, dù âm nhạc là cảm xúc, nhưng cảm xúc sẽ thay đổi nếu tư duy và thẩm mỹ âm nhạc của mình được nâng cao hơn.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của Quang.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.