NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ:

Phải giữ khát vọng và niềm tin của diễn viên

Thứ Tư, 03/01/2018, 13:27
Những ngày cuối năm bận rộn, mặc dù ở cương vị Giám đốc một nhà hát đang vào thời điểm khó khăn, NSƯT Chí Trung vẫn là một gương mặt chạy show của các chương trình Tết.


Anh dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện nhân dịp năm mới về niềm tin, về con đường phía trước của nhà hát và tất nhiên, về năm cuối cùng trong vai trò Táo quân.

- Từ khi anh làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát đã có những thay đổi. Hình như anh đang lái con thuyền đi theo một hướng khác?

+ Thực ra, mọi công việc không quá bỡ ngỡ với tôi, tôi đã làm trợ lý cho Giám đốc Trương Nhuận 5 năm và gắn bó với Nhà hát 39 năm rồi, nung nấu sự thay đổi từ rất lâu chứ không phải được lên giám đốc rồi hứng lên mà làm. Tôi biết chắc chắn một điều rằng, tôi là người cuối cùng ra khỏi Nhà hát ở thế hệ 1. 

Nhiệm vụ, sứ mệnh của tôi là lấy lại khách, lấy lại thị phần khán giả cho Nhà hát Tuổi trẻ. Cái mất khách này không hoàn toàn lỗi của bọn tôi mà lỗi của xu thế nữa. Tôi đi khắp nơi trên thế giới, chỉ có vài ba nơi đỏ đèn như sân khấu Broaway thôi còn sân khấu truyền thống cũng bi đát lắm. 

Ở ta, sân khấu Sài Gòn năng động thế mà cũng bê bết, NSND Hồng Vân cũng vất vả, NSND Thành Lộc buộc phải chạy theo thị trường và khi theo thị trường thì đánh mất một số khách truyền thống. Tôi xoay sang làm sân khấu ca múa nhạc, bởi nhà hát có cả ca múa và kịch. Chúng ta phải đầu tư đa ngành, chứ không thể ngồi dựng mỗi chính kịch. Nhiệm vụ làm chính kịch đã có Nhà hát Kịch - Anh Cả đỏ làm. 

Vừa qua, chúng tôi đã làm hai đêm Bolero, nhạc Huy Du và "Hương sắc mùa xuân", không phải để kiếm tiền một đêm mà nhằm cho thương hiệu của đoàn ca múa nhạc lan tỏa và dần dần mọi người sẽ nhớ đến chúng tôi là một thương hiệu. Nó có thể chưa hay và không có ngôi sao, nhưng có bản sắc riêng. 

Đến năm 2021, Nhà hát Tuổi trẻ phải tự thu chi hoàn toàn, nên tôi nghĩ, bằng mọi cách nhà hát phải tồn tại. Giám đốc đến rồi đi, họ chỉ lái con tàu trong giai đoạn đó thôi. Năm 2018 kỷ niệm 40 năm nhà hát, thành tích có, danh tiếng có, nhưng hoạt động thực sự hiệu quả thì không có, rỗng hoàn toàn tiết mục.

- Nhưng nhiều người nói Chí Trung đang biến Nhà hát Tuổi trẻ thành một sân khấu tạp kỹ?

+ Đừng bắt chúng tôi tự đóng khung mình, mọi giá trị đều có thể thay đổi. Bên cạnh làm các show ca nhạc, chúng tôi vẫn dựng chính kịch. Nhà hát vừa dựng vở "Hoa cúc xanh bên đầm lầy" của tác giả Lưu Quang Vũ. 

Tôi cho đấu thầu đạo diễn, mỗi người sẽ đưa ra một ý tưởng thuyết phục hội đồng nghệ thuật để có những tác phẩm thể hiện sự khát khao nhất, mới mẻ nhất và tâm huyết nhất. Đó là mong muốn đổi mới một cách thực sự. 

Còn diễn viên, sắp tới tôi tổ chức một cuộc thi để kiểm tra năng lực và khát vọng, có nhiều diễn viên ở đây 3-4 năm nhưng chẳng biết là ai, nhiều thành phần ăn lương nhà hát mà không làm gì. 

Tôi đang khoác trên mình vị trí đầu tàu kéo cả một đoàn tàu cứ đi mãi trên con đường thiên lý mà không có ai tiếp sức cả, dầu cũng hết, đường ray cũng mòn, trên tàu mọi người cứ ôm nhau sung sướng nhưng không biết đoàn tàu đang đi đâu, làm gì. 

Tôi nói với nhân viên rằng, chúng ta như một tàu thủy cờ hoa rực rỡ, với 39 năm, rất yêu thương nhau nhưng chúng ta hoàn toàn đứng yên trong đoạn cuối một con sông và hai bên khán giả đứng nhìn chúng ta chứ không lên tàu. Con tàu được sơn phết bằng tiền bao cấp nên sắc xi cũng xỉn rồi. 

Muốn ra biển, ra thị trường phải đóng tàu với, mã lực lớn mới ra được, chứ chỉ loanh quanh trong ao nhỏ không phát triển được. 160 con người phải trở thành 160 chiến binh, không thì tôi sẽ thải loại bớt.

- Ai cũng nói đến câu chuyện sân khấu phải thay đổi, nhưng thay đổi như thế nào còn là câu chuyện phải bàn. Như vừa rồi, sân khấu Lucteam ra đời, liệu có tạo nên một cú hích cho sân khấu, theo anh?

+ Tôi luôn ủng hộ những tiếng nói mới mẻ, nhưng những tiếng nói đó được khán giả đón nhận đến đâu là điều cần bàn và cần thời gian. Tôi rất thích vở "Quẫn" của Lucteam và đang mời Trần Lực tham gia làm vở "Tin ở hoa hồng" của Lưu Quang Vũ vào dịp kỷ niệm 40 năm Nhà hát. 

Tôi muốn phong vị mới ấy. Đó là khát vọng 20 năm của Trần Lực bây giờ mới được thể hiện. Nhưng sang đến "Cơn ghen của Lọ Lem" tôi không thích. Đang hy vọng "Hai Bà Trưng" như thế nào? Đổi mới là vô cùng cần thiết, nhưng đổi mới thế nào là câu chuyện đáng bàn. 

Tôi sang Nhật xem sân khấu truyền thống của Nhật, họ hát nhảy múa như Broaway, đó là đổi mới nhưng người ta vẫn xem, tất cả các đối tượng già trẻ xếp hàng dài chờ mua vé. Đó là đổi mới đúng nghĩa. Nếu đổi mới chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình thì còn phải tính. 

Chúng ta làm một món ăn mới, lúc đầu ai cũng hào hứng, nhưng nếu cả mấy ngày đều ăn món pizza đó, sẽ chán. Vẫn phải là cơm nhưng cơm thế nào mới là vấn đề.

Chí Trung vẫn là một gương mặt đắt show.

- Vậy theo anh, sự đổi mới đó phải như thế nào?

 + Trước tiên phải có một chủ thể nghệ thuật, phong cách thể hiện có thể mới nhưng vấn đề khán giả quan tâm vẫn phải là những trăn trở, đau đáu, không được làm chỉ để thỏa mãn chính mình, sung sướng mà không tiếp đất được cũng không ổn. 

Bản chất cuối cùng của sân khấu là đến với khán giả, không thể thỏa mãn một tầng lớp tiểu thị dân quá thấp cũng không thể chỉ thỏa mãn tầng lớp thượng lưu không bao giờ bỏ tiền ra mua vé. 

Đối tượng lớn nhất của tôi là khách văn phòng có chữ, có đôi chút tâm sự và những người muốn hướng đến các hoạt động cộng đồng đó là rạp. Giờ cũng hiếm lắm vì họ có nhiều mối quan tâm quá. Đến lúc nào sân khấu trở lại ngày xưa, chắc không bao giờ có. Ngày xưa một vở ra diễn một mạch 75 suất không nghỉ ngày nào, còn bây giờ chỉ mong có 7 suất thôi và diễn cách đều ra để dồn khách. Đó là thực tế. 

Tôi từng tự chất vấn mình rất nhiều lần, có phải vì mình bất tài, không bắt kịp xu thế, nhưng nhìn lại, tôi nghĩ, đó là tất yếu thôi và tôi bình tĩnh đi con đường của mình. 

Quan trọng là mình giữ được khát vọng và niềm tin của 160 con người ở đây để chờ một ngày mai tươi sáng hơn. Họ vào đây không hoàn toàn yêu nghệ thuật mà cần một chỗ đứng nào đó. Làm sao yêu lăn xả vào được khi lương chỉ gần 2 triệu đồng. Kinh tế phải phát triển thì văn hóa mới có cơ hội thăng hoa được.

- Trần Lực cho rằng, sân khấu chưa khai thác hết thế mạnh của nó để thu hút khán giả. Còn anh, anh nghĩ sao?

+ Cả tôi và Trần Lực đều đang hướng tới thị trường và mỗi người tiếp cận một phân khúc khán giả riêng. Tôi ủng hộ những cái mới, mang màu sắc mới cho sân khấu. Cái mới ấy có hợp với thị trường hay không thì còn chờ. Sân khấu nhạc kịch của Phi Phi Anh cũng thế, nó chỉ nằm ở phân khúc khán giả nhất định và chỉ một vài đêm diễn chứ nếu diễn dài kỳ thì còn là vấn đề.

 Nhà hát Tuổi trẻ đang mở ra nhiều con đường, tuy nhiên, tôi xác định, làm nghệ thuật thì nên thế nào. Bởi nghệ thuật cũng giống như mối quan hệ anh và em. Anh mặc comple, ca-vát đẹp đẽ sang trọng mà nàng mặc quần soóc, áo ngắn cũng lệch pha, còn nàng mặc xiêm y rực rỡ, sang trọng mà chàng mặc quần bò rách cũng không ổn. 

Hai sự hòa đồng ấy rất cần tính toán ở từng vở diễn, từng chương trình. Tính nghệ thuật ở từng buổi diễn không bất biến mà phải thay đổi. Không thể ra một tiêu chuẩn cho nhà hát và mặc định mình theo tiêu chuẩn đó. 

Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cho phù hợp, tất nhiên tôi không phải là con biến sắc hay ngũ sắc nhưng rõ ràng bản chất sân khấu cũng là người phục vụ khán giả, không thể chạy theo những xu hướng thấp hèn để thỏa mãn thị hiếu của một đối tượng nhưng cũng không thể chỉ chạy theo tầng lớp cao cấp mà phải dung hòa. 

Phải đa sắc mới tồn tại được trong thời điểm khó khăn này. Một nhà hát nói gì thì nói cũng phải đỏ đèn để giữ lửa cho diễn viên, không thì họ bỏ đi làm phim hết và nhà hát đâu còn tồn tại.

Đây sẽ là năm cuối cùng Chí Trung đóng Táo quân.

- Lại bắt đầu một năm mới, ai cũng quan tâm đến Táo quân. Anh có chia sẻ đây là năm cuối cùng đóng Táo quân. Vì sao vậy? Anh thấy mình nhàm và chán rồi sao?

+ Tôi không nghĩ mình cũ và nhàm, Táo quân là một thương hiệu đã tồn tại 15 năm nay, không có một sản phẩm văn hóa nào được đại chúng yêu mến bền bỉ như thế. Và nhờ Táo quân nên thương hiệu cá nhân của bọn tôi cũng được đẩy lên nhiều. Tôi không phải là người duyên dáng lắm trong Táo quân.

Trước đây chị Minh Vượng đã nghỉ, rồi chị Minh Hằng và bây giờ đến tôi. Tôi chỉ là một cộng tác viên khiêm tốn trên con thuyền hoa đó thôi. Với những vai duyên dáng như Ngọc Hoàng hay Nam Tào, Bắc Đẩu không bỏ được chứ tôi thì không sao. Tôi muốn nghỉ từ năm ngoái, nhưng đạo diễn Đỗ Thanh Hải không chịu. 

Năm nay lại kỷ niệm 15 năm Táo quân, chắc đạo diễn muốn mời Nam - Bắc cùng làm. Sau năm nay, chắc tôi nói lời từ biệt với Táo quân. Tôi già rồi, không thể thức đêm thức hôm tới 2,3h sáng để tập cùng các bạn rồi trở về nhà lúc 4,5h, 7h lảo đảo dậy đi làm. Tôi sẽ nói với đạo diễn Đỗ Thanh Hải: "Cho anh làm nốt năm nay thôi, còn sang năm, anh xin làm khán giả của em".

- Khán giả sẽ hụt hẫng nếu anh không còn đóng Táo quân, vì fan hâm mộ của anh nhiều lắm. Anh sẽ nói gì với họ?

+ Thực ra, năm ngoái tôi xin nghỉ rồi nhưng Hải không cho. Một phần vì Hải yêu quý tôi. Mặt khác, Hải nói, tất cả mọi người đều duyên dáng rồi. Anh giống như một dấu chấm trong một bài văn hay. Nhưng ở đời phải biết mình là ai. Đã đến lúc, tôi nên dừng lại. Cái gì cũng  thế, như đỉnh cao trèo lên thì sẽ biết bên kia là triền dốc. 

Biết đâu sang năm sẽ có một ê kíp hay ho hơn, trẻ hơn, mang đến một sắc màu mới hơn. Không có gì là không thể thay thế. Cũng như một năm mới lại đến và chúng ta lại nhìn về phía trước để lấy niềm tin và hy vọng để bước tiếp trên con đường nghệ thuật gian nan này.

 - Vâng, cảm ơn cuộc trò chuyện của anh. Chúc anh một năm mới bình an và chèo lái con thuyền Nhà hát Tuổi trẻ đi ra biển lớn. 
V.Hà (thực hiện)
.
.
.