Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh:

Phim bây giờ cái gì cũng có, chỉ thiếu tư tưởng

Chủ Nhật, 20/08/2017, 13:58
Có một câu của Giám đốc Liên hoan phim Cannes - ông Thierry Fremaux - mà đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh rất tâm đắc, đó là: "Điện ảnh là một phương tiện để suy tư về thế giới, về những người khác và về chính mình". Điều đó đúng với ông. Ông bảo, ngay từ khi bước chân vào con đường này, ông đã xác định làm phim để làm gì. Và cho tới bây giờ, nhà đạo diễn nổi tiếng này vẫn không thấy hối hận vì quyết định đó.


Vừa qua, tại không gian Salon văn hóa Cà phê thứ Bảy ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi nói chuyện "Phim Đặng Nhật Minh dưới góc nhìn người nước ngoài". Ở tuổi 80, người làm nên những bộ phim "vàng" cho điện ảnh Việt Nam như "Thị xã trong tầm tay", "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Cô gái trên sông", "Thương nhớ đồng quê", "Trở về", "Mùa ổi"… vẫn nhiệt tình và "sẵn lòng" với điện ảnh. Hằng ngày, ngoài đọc báo, đọc sách, tập thể dục, ông vẫn viết đều đặn. Dù cho kịch bản đó không được dựng thành phim thì ông vẫn viết. Ông bảo, "không viết thì biết làm gì"?

Nhắc đến những bộ phim của mình, ông bảo, bây giờ cũng được coi là đồ cũ rồi. Nhưng "đồ cũ cũng có giá trị của nó. Đó là việc khi ta nhìn thứ đồ cũ ấy, ta nhớ lại một thời kì gắn liền với nó. Xem phim của tôi, dù đó là những bộ phim cũ nhưng cũng gợi lại được không khí của một thời, thậm chí có những bộ phim cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn giá trị".

Đạo diễn Đặng Nhật Minh, một trong những tên tuổi lớn của nền điện ảnh Việt Nam.

- Thưa đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, những bộ phim của ông sau khi công chiếu đều gây chấn động với dư luận. Bên cạnh một số lời khen, cũng có không ít lời đả kích, thậm chí tẩy chay?

+ Đúng là hồi đó, những bộ phim của tôi sau khi công chiếu đã gây ra một sự chấn động lớn đối với nhiều người. Trước đó, không có ai làm phim như Đặng Nhật Minh làm cả. Ví dụ như phim "Thị xã trong tầm tay" (1983), nhiều người lên tiếng phản đối vì cho rằng phim khó hiểu quá. Không có đầu có cuối, thời gian thì đảo lộn…

Tuy nhiên, rất may cho tôi, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI (1983), trong thành phần Ban giám khảo có nhiều nhà văn, nhà văn hóa lớn như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Hoàng Trung Thông, các đạo diễn kì cựu như Trần Vũ, Phạm Kỳ Nam... lại rất ủng hộ nên bộ phim này được Giải thưởng Bông sen vàng ở hạng mục Kịch bản phim xuất sắc nhất. Sau này gặp lại nhà thơ Chế Lan Viên thì được ông kể rằng, kết thúc Liên hoan phim trở về TP. Hồ Chí Minh, nhiều người hỏi nhà thơ vì sao lại ủng hộ bộ phim của tôi.

Chế Lan Viên nói với tôi một câu làm tôi rất cảm động: "Đến bây giờ, tôi vẫn không ân hận khi trao cho cậu Giải thưởng Bông sen Vàng, cậu cứ làm tiếp để chứng minh đánh giá của chúng tôi với cậu là chính xác". Rồi sau đó, tôi có "Bao giờ cho đến tháng Mười" -   một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại do CNN bình chọn.

Nhiệm vụ của tôi là làm phim. Còn đánh giá sau khi bộ phim được công chiếu, đó là quyền của khán giả. Mình có muốn ngăn họ nói xấu về mình cũng không ngăn được. Tôi cũng không vì những phản ứng đó mà hoang mang. Lúc đó, tôi chỉ biết cười. Tôi làm nên tôi hiểu bộ phim của mình như thế nào. Vả lại, nếu tác phẩm của tôi có giá trị thật thì cái ao này dìm anh xuống thì những nơi khác họ sẽ nhìn nhận anh. Làm phim tốt thì không sợ. Chỉ sợ làm phim dở mới lo.

- Ông đánh giá phim Việt Nam bây giờ như thế nào?

+ Nói chung, phim bây giờ kĩ thuật tốt, âm thanh tốt, hình ảnh tốt, những pha võ thuật cũng tốt. Ngày xưa đánh đấm buồn cười lắm. Bây giờ xem thì thấy không kém gì phim Mỹ. Chưa kể, phim bây giờ cũng đủ thể loại, từ tình cảm, hài, kinh dị, đến trinh thám, hành động… đủ cả !

- Ý ông, đó là một bước tiến bộ?

+ Cũng chẳng phải là tiến bộ, mà nó đúng, nó hợp với xu thế. Xã hội nào thì sẽ có nền điện ảnh tương ứng với nó. Nền điện ảnh là con đẻ của xã hội này. Xã hội này có những nhân vật như thế.

NSƯT Lê Vân (trái) trong phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" và NSND Minh Châu trong phim "Cô gái trên sông" - 2 bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Phim bây giờ cái gì cũng đầy đủ. Chỉ thiếu tư tưởng mà thôi. Khán giả xem xong phim mà chẳng có suy nghĩ gì cả. Ra khỏi rạp là quên luôn phim. Muốn bộ phim có tư tưởng thì người làm ra nó cũng phải có tư tưởng cái đã.

- Ông đánh giá như thế liệu có khắt khe quá không?

+ Tôi vẫn nói với các anh em trẻ: Mình nên xác định sớm việc mình làm phim để làm gì? Đạo diễn nào mà trả lời được sớm thì tốt. Không thì đến một lúc nào đó cũng sẽ trả lời được nhưng có lẽ đã muộn rồi.

Có một câu của Giám đốc Liên hoan phim Cannes - ông Thierry Fremaux - mà tôi rất tâm đắc đó là: "Điện ảnh là một phương tiện để suy tư về thế giới, về những người khác và về chính mình". Điều đó đúng với tôi. Tôi làm phim để tôi suy tư về những điều mà tôi quan sát, tôi thấy, tôi chiêm nghiệm... Ngay từ khi tôi bắt đầu vào con đường này, tôi đã xác định làm phim để làm gì? Là để tôi suy tư, chứ điện ảnh không phải là để giải trí.

- Quan điểm của ông rõ ràng đang ngược lại với quan điểm của số đông khán giả xem phim bây giờ. Nhiều người cho rằng, điện ảnh cũng là một trong những yếu tố cấu thành nền giải trí, và xem phim cũng là một cách để con người ta giải trí…

+ Quan điểm của tôi ngay từ đầu đó là, Đặng Nhật Minh không làm phim giải trí. Giải trí thì đi xem phim làm gì? Đi xem xiếc có phải vui hơn không? Hoặc là nghe hòa nhạc… Thế thôi. Thiên hạ nghĩ như thế nào thì tôi không biết, nhưng quan điểm đó của tôi nhất quán từ đầu.

Cũng chẳng ai bảo tôi là đi con đường này, phải như thế này, thế kia. Tất cả là do tôi tự rút ra mà thôi. Tôi cho rằng, đi xem phim là để lĩnh hội được một điều gì đó, để cho tâm hồn mình trong sáng hơn, mình muốn sống tốt đẹp hơn, hiểu hơn về con người và xã hội. Bây giờ mà nói ra những điều như thế này, có khi tôi bị người ta cho rằng như thế là lạc hậu cũng nên.

- Đa số phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh đều được chuyển thể từ các tác phẩm văn học mà chính ông là tác giả. Có lẽ vì thế, xem phim của ông, chất văn học thể hiện rất rõ…  

+ Trong phim của tôi bao giờ cũng có chất văn học. Tôi học từ văn học rất nhiều. Tôi đọc nhiều và tôi nghĩ tôi thấm cũng nhiều. Tôi nghĩ, điện ảnh không tách rời văn học được. Văn học làm nền, giúp cho bộ phim của chúng ta có chiều sâu, tính triết lí. Không có văn học thì trơ.

Yếu tố âm nhạc cũng quan trọng không kém. Tôi hay lồng các làn điệu dân ca vào phim của mình. Phim bây giờ chủ yếu là để giải trí, nên họ lọ mọ tìm hiểu, dùng dân ca làm gì cho mệt, dùng nhạc điện tử là xong. Cũng chả cần dàn nhạc như trước làm gì. Đơn giản, rẻ tiền, lại nhanh. Ngày xưa dùng cả dàn nhạc thu công phu. Giờ muốn nhạc gì cũng có, như cái máy.

Có người nhận xét rằng diễn viên bây giờ lo chạy sô nhiều quá nên không hết mình với vai diễn, đọc thoại như trả bài. Tất nhiên, chạy sô cũng là một trong những nguyên nhân, nhưng lời thoại nhạt nhẽo, kịch bản nhạt nhẽo, nhập tâm để làm gì?

Làm diễn viên, ai mà chẳng chờ đợi một kịch bản hay, một vai diễn tốt; nếu có, ai mà chẳng hết mình với nó? Ngay bản thân họ khi đọc kịch bản, có cảm xúc gì đâu thì làm sao bắt họ diễn cảm xúc được? Điều đó phải xuất phát từ cái gốc cơ. Lời thoại vô duyên, nhạt nhẽo, không hàm ý. Diễn viên thoại nhanh cho xong việc, cầm tiền đi về. Muốn diễn xuất tốt thì kịch bản phải tốt, câu chuyện phải cảm động thì diễn viên mới nhập vai tốt được.

- Còn yếu tố dân tộc trong phim thì sao, thưa đạo diễn?

+ Giờ có những bộ phim khi xem xong, tôi chả biết phim Việt Nam hay phim Hàn Quốc, hay là phim Hồng Kông. Thậm chí, những diễn viên người Việt Nam đóng đấy nhưng mình cứ ngờ ngợ như nước ngoài. Phát âm hình như cũng lơ lớ. Một thứ tiếng Việt ở đâu đó.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh và Nhà thơ, Giáo sư người Hà Lan - ông Gebuijs.

Có lẽ họ nói tiếng Anh quen rồi, giờ nói tiếng Việt tự dưng "ngượng mồm" chăng? Phim chẳng cần biết nước nào, lồng tiếng Hàn vào thì thành phim Hàn, lồng phim Thái thành phim Thái, lồng tiếng Nhật thành phim Nhật.

- Là người đi trước, ông có lo ngại về điều đó không?

+ Lo ngại cũng không thay đổi được chuyện gì. Quy luật tất yếu rồi. Với lại, nếu phim thương mại thì chả cần tính dân tộc. Cũng giống như nước uống Coca-cola thì cần vị sầu riêng, vị xoài để làm gì? Nó là thứ nước uống không đặc trưng cho xứ nào. Thế mới là thương mại. Thương mại là đặc điểm của văn hóa đại chúng. Phim nghệ thuật mới cần.

Tại sao ư? Vì bên cạnh có cái chung của nhân loại, phim nghệ thuật phải mang tinh thần của vùng đất, miền đất cụ thể nào đó. Tiếp cận một tác phẩm điện ảnh Việt Nam, người nước ngoài rất quan tâm xem đất nước đó như thế nào, có đặc điểm văn hóa gì, tâm lí con người dân tộc đó ra sao… Điều đó làm nên sự hấp dẫn của vùng dân cư này đối với những người sống ở vùng dân cư khác.

- Xin cảm ơn đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.