Đạo diễn Đức Thịnh:

Sân khấu ế khách, tôi chuyển qua làm phim

Thứ Tư, 08/07/2015, 10:00
Ngoài lý do bắt nguồn từ sân khấu, việc làm phim chiếu rạp khiến đạo diễn phim "Ma dai" gặp nhiều khó khăn ban đầu trong quan hệ với vợ - diễn viên Thanh Thúy.

- Sau thành công của phim "Ma dai", anh rút ra kinh nghiệm gì trong việc làm phim chiếu rạp?

- Làm phim chiếu rạp, kịch bản phải lấy tính thực tế làm đầu, không được ảo mộng nhiều quá. Tức là câu chuyện trong phim phải gần gũi hoặc tương đồng hay có thật trong đời sống hàng ngày, gần gũi với đối tượng đến rạp.

Người viết kịch bản phải nghĩ đến tính hấp dẫn của từng phút trên phim. Hiện tại có rất nhiều thứ lôi cuốn khán giả, nếu bộ phim chỉ cần năm đến sáu phút đầu tiên không lôi cuốn là bị khán giả chán rồi. Không làm cho họ thích thú thì cũng không tạo được hiệu ứng truyền miệng từ khán giả, dẫn đến bộ phim dễ gãy đổ.

Sau phim này, tôi cố gắng làm bộ phim tiếp theo hấp dẫn hơn với thể loại hài- hành trình. Chất hài trong phim này không phải từ những mảng miếng của nhân vật mà từ tình huống và thông điệp của câu chuyện. Nhân vật của tôi được đặt vào tình huống gây hài, tự họ phải ứng biến với tình huống đó. Để làm được điều đó, khâu chọn diễn viên rất quan trọng. Dĩ nhiên, tôi cũng chú trọng diễn viên có sức hút nhưng người đó phải có đủ năng lực để đảm nhận nhân vật của tôi.

- Hiện nay phim hài xuất hiện khá nhiều trên thị trường, vì sao anh vẫn tiếp tục khai thác?

- Nếu nhiều phim xuất hiện mà phim nào cũng hay thì khán giả là người được hưởng nhiều quyền lợi nhất khi cùng lúc được thưởng thức một bữa tiệc nhiều màu sắc. Nhưng nhiều phim mà phim nào cũng dở hoặc chỉ một vài phim hay thì khán giả là người thiệt thòi. Tôi nói vậy để thấy thị trường phim ảnh luôn có những kẽ hở và cơ hội cho bất kỳ đạo diễn nào đam mê.

Tất nhiên, trước khi đặt bút viết kịch bản, tôi cùng nhà sản xuất phải ngồi phân khúc thị trường, xem phim mình muốn nhắm đến đối tượng nào. Phải khẳng định rằng hiện nay dòng phim hài nhảm và hài - hành động khá ăn khách. Khán giả họ đã quá mệt mỏi sau một ngày làm việc, họ không muốn đến rạp để khóc sướt mướt rồi về ám ảnh với câu chuyện trong phim, dù đó là phim hay, mang đậm tính nghệ thuật. Yếu tố giải trí nằm ở chỗ, khán giả cảm thấy vui vẻ, thoải mái, nhẹ nhàng khi họ tìm đến tác phẩm của mình để giải quyết căng thẳng sau một ngày lao động hết công suất.

- Anh nói sao về quá trình anh chuyển từ đạo diễn sân khấu qua đạo diễn điện ảnh?

- Giữa hai quá trình này tôi đã có một bước đệm là làm đạo diễn phim truyền hình. Từ 2009 đến nay tôi chỉ diễn thôi chứ chưa dựng vở sân khấu nào. Lý do là sân khấu ế khách do không cạnh tranh được với nhiều loại hình giải trí khác.

Nhiều lúc tôi thấy đạo diễn sân khấu thật cô độc và bất lực trong khát vọng nghệ thuật. Sau thành công của vở "Nỏ thần" (2009), đến nay tôi chưa dựng thêm vở nào. Vì nếu có dựng, tôi sẽ cho ra đời những tác phẩm không đúng như khát vọng của mình. Tôi tự tìm một con đường khác để phấn đấu, để đam mê, đó là điện ảnh. Thật sự tôi chưa bao giờ cảm thấy chán sân khấu mà chỉ thấy bất lực.

Ngoài chuyện cạnh tranh với rất nhiều loại hình giải trí đang hấp dẫn giới trẻ, người làm sân khấu phải tự xoay sở, sáng tạo với cơ sở vật chất đã lạc hậu hàng chục năm. Tình hình chung của sân khấu đều vậy, người nghệ sĩ không tìm được cách thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn về đề tài, về kịch bản, dàn dựng.

Ở Mỹ bây giờ người ta đã làm những vở rất hấp dẫn như người nhện còn mình là những vở hài, những mảng, miếng cứ quăng qua quăng lại. Đã chảy máu chất xám, phương tiện lại thiếu thốn, khán phòng không được nâng cấp…hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ.

Đây cũng là điều tất yếu bình thường, khi sân khấu không bán vé được thì mình phải chuyển hướng. Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta đừng coi một vở kịch, một bộ phim là tác phẩm nữa mà hãy coi nó như một sản phẩm. Sản phẩm thì phải có người mua, phải tuân theo quy luật cung cầu của thị trường. Để kéo khách hàng, người làm ra nó phải chào mời thế nào, cách thức ra sao để đáp ứng thị hiếu của họ. Cứ chăm chăm làm những cái mình nghĩ, mình thích, nhiều khi sẽ không bán vé được.

Đức Thịnh và Ngân Khánh trong “Ma dai”.

- Anh gặp khó khăn, thuận lợi gì khi làm phim điện ảnh?

- Tôi không gặp khó về chuyên môn mà gặp khó trong thời gian đầu khi hai vợ chồng có quan điểm làm việc khác nhau.

Khởi đầu là Thúy,  khi tôi chưa nghĩ đến thì Thúy đã đi trước một bước và động viên tôi: "Tại sao anh không thử trong khi anh có năng lực, thậm chí còn hơn một số người khác nữa". Ban đầu tôi rất rụt rè nhưng Thúy động viên tôi, cứ làm thử và "Ma dai" là phép thử đầu tiên của chúng tôi.

Cô ấy có thể làm việc từ sáng tới tối, còn tôi vừa làm vừa chơi. Tôi cảm giác Thúy mang phong cách lạnh lùng, quyết đoán của một doanh nhân còn tôi vẫn làm việc theo cảm hứng của người nghệ sĩ. Điều này tạo ra nhiều sự khác biệt buộc tôi phải thích nghi. Giờ tôi nói ra sao, gặp ai, làm gì cũng không thể thoải mái như trước. Mọi việc đều được cô ấy sắp đặt, tính toán cho vừa vặn.

- Cảm giác của anh ra sao trước sự thay đổi này?

- Điều đó khiến tôi bỡ ngỡ và thấy Thúy rất khác. Cô ấy đi học làm kinh doanh một cách nghiêm túc. Cách Thúy tiếp nhận một sự kiện hay một thông tin nào đó cũng rất khác trước, theo cách của một doanh nghiệp. Đó là thuận lợi cho tôi dù thỉnh thoảng chúng tôi vẫn tranh cãi vì tôi vẫn giữ tính cách của một nghệ sĩ trong mình.

Sau rồi tôi thấy điều đó đúng. Nhịp sống bây giờ không dung dưỡng được những người có tốc độ chậm theo cái kiểu thích thì mới làm. Vì vậy tôi cố điều chỉnh, vận động mình để bắt nhịp với Thúy. Vì tôi thấy điều đó có lợi. Chẳng hạn, trước đây tôi rất dốt ngoại ngữ, thấy ở đâu nói tiếng Anh là tôi lảng đi chỗ khác. Bây giờ các đối tác toàn nói tiếng Anh, buộc tôi phải đi học mà không ai giục.

Càng về sau, tôi càng thấy Thúy làm tốt hướng đi mới. Tôi dần thích nghi và hiểu công việc của vợ hơn để chia sẻ. Nhà tôi bây giờ có một nghệ sĩ và một doanh nhân. Tuy nhiên tôi luôn nhắc Thúy nếu có cơ hội nên trở lại đóng phim. Tôi nghĩ cô ấy là một nữ diễn viên đẹp và giỏi nghề.

- Vợ chồng anh thường xuyên dành cho nhau những lời có cánh trước công chúng. Thực tế thì sao?
Đức Thịnh và vợ - diễn viên Thanh Thúy.

- Vợ chồng tôi cũng giống như bất cứ cặp vợ chồng nào khác, cũng có mâu thuẫn, cãi vã. Tôi cho rằng, cặp vợ chồng nào không cãi vã tức là chẳng còn chuyện gì để nói với nhau. Quan trọng là sự cãi vã đó đi đến một quan điểm thống nhất.

Tôi là người đòi hỏi cảm xúc, một khi tôi đã không thích là không làm và cũng không ai tác động được. Vấn đề từ phía tôi rất đơn giản. Đôi khi đàn ông chỉ cần một ly nước pha đúng lúc, một lời hỏi thăm, động viên của vợ. Vấn đề đối đãi lại mới khó. Đàn ông Việt Nam rất dở trong cách chăm sóc người phụ nữ của mình mà tôi là một trong số đó. Trong khi đàn ông phương Tây luôn coi vợ là tình nhân, nhắn tin, gửi lời nói và những cử chỉ yêu thương mọi lúc, mọi nơi thì đàn ông Việt mình rất khô, có khi cả tháng không hỏi thăm vợ được một, hai câu xem vợ muốn gì, cần gì...Tôi đang cố gắng khắc phục để hạn chế phần nào nhược điểm đó. Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể mượn công việc để quan tâm đến nhau. Chẳng hạn, cô ấy hài lòng khi tôi hỏi: "Hôm nay công việc của em có gặp khó khăn gì không".

- Anh nghĩ sao nếu nói anh đang bị lép vế trước vợ mình?

- Có một số điều tôi lép vế trước cô ấy thật. Nếu nói tôi sợ vợ chắc là đúng vì tôi luôn giả vờ như vậy.

Tôi không lép vế Thúy trong công việc. Thực sự mà nói Thúy cần tôi hơn tôi cần Thúy. Cô ấy có thể mời đạo diễn khác thì cũng có nhà sản xuất khác đặt vấn đề với tôi. Chuyện kiếm tiền thì 50/50. Nói tôi không có thu nhập bằng vợ thì vụ này hên xui thôi, có lúc hơn có lúc thua. Nhưng cuối cùng, kiếm được bao nhiêu, tôi cũng giao hết cho vợ nên tôi không so đo làm gì cho mệt.

Tôi chỉ thua cô ấy về năng lực làm việc. Cô ấy có thể kiên trì làm cả ngày còn tôi vừa làm vừa chơi. Về ngoại hình thì khỏi nói, tôi nổi tiếng xấu từ xưa đến nay. Tôi là đàn ông nên chẳng sợ gì. Tôi chỉ sợ mình không có duyên, không văn minh và lịch sự. Còn nói tôi không nổi tiếng bằng vợ thì không chắc.

Minh Châu (thực hiện)
.
.
.