Nhiếp ảnh gia Việt kiều Đặng Mỹ Hạnh:

Săn lùng vẻ đẹp từ miền hoang dã

Thứ Hai, 22/08/2016, 10:28
Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra triển lãm ảnh nghệ thuật mang tên “Sải cánh hoang dã” của nhiếp ảnh gia Việt kiều Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh - hai tay máy có danh tiếng trên thế giới chuyên về thể loại ảnh nghệ thuật wildlife (đời sống hoang dã), từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế uy tín.

Đặc biệt, Đặng Mỹ Hạnh là một nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt duy nhất, chuyên nghiệp về thể loại nghệ thuật wildlife trên toàn thế giới. Suốt 15 năm qua, chị đã lặn lội đi qua nhiều quốc gia, các châu lục để “săn tìm” vẻ đẹp lạ lùng, kỳ thú của đời sóng thiên nhiên hoang dã...

Với nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh, đây là lần đầu tiên chị trở về Việt Nam kể từ ngày theo gia đình sang Mỹ định cư. Vốn là một người viết báo, viết văn có sở thích đi khám phá những miền đất mới, ban đầu Đặng Mỹ Hạnh đến với nhiếp ảnh như một cách có thêm một công cụ để thực hiện niềm đam mê của mình.

Máy ảnh hẳn là một công cụ hoàn hảo để chị ghi lại những hình ảnh sinh động về phong tục, tập quán, nét văn hóa bản địa của những vùng đất mà chị đi qua trước khi chúng đi vào những trang bút ký, ký sự đầy màu sắc phiêu du, đẹp lạ lùng và đầy nữ tính của chị.

Cho đến một buổi sáng, khi đang ngồi trong nhà, chị nhìn thấy một cánh hạc trắng bay lên đầu ngọn sóng mang một vẻ đẹp kỳ thú, chị chợt nhận ra rằng sự bất ngờ là đặc tính đem đến một vẻ đẹp không gì sánh được của thiên nhiên.

Vốn là người phụ nữ viết lách thiên về đời sống nội tâm sâu lắng, Đặng Mỹ Hạnh phát hiện ra những vẻ đẹp đến từ thiên nhiên hoang dã có thể chạm đến những góc khuất sâu kín trong tâm hồn con người. Chính vì thế, chị đã quyết định theo đuổi thể loại ảnh nghệ thuật về đời sống hoang dã.

Đặng Mỹ Hạnh tâm sự: “Với tôi, khi quan sát cuộc sống, tôi thấy mỗi khía cạnh của đời sống đều đem đến cho tôi một thông điệp nào đó. Thế giới loài vật cũng vậy. Mỗi con vật với những tập tính riêng, cũng phải trải qua các điều kiện khắc khổ để sinh tồn cũng cho tôi những cảm nhận, liên tưởng đến đời sống của con người.

Vì thế, trở về Việt Nam để tổ chức triển lãm lần này, tôi muốn đề cao tính nhân bản của con người trong việc đối xử với thiên nhiên hoang dã, muốn đem đến cho công chúng vẻ đẹp lộng lẫy từ thiên nhiên, để từ đó con người có những hành động thiết thực để bảo vệ những vẻ đẹp ấy, để chúng không bị mất đi.

Vẻ đẹp của thiên nhiên cũng chính là liều thuốc tinh thần hữu ích khiến cho con người tìm được sự bình an, cân bằng trước áp lực cuộc sống hiện đại mỗi ngày một căng thẳng hơn”.

Tìm thấy lối đi cho mình, Đặng Mỹ Hạnh vẫn biết việc dấn thân vào thể loại ảnh thiên nhiên hoang dã chuyên về chim thú là một con đường đầy chông gai. Nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc, nhưng hoạt động của chim thú trong tự nhiên còn là những khoảnh khắc diễn ra chỉ trong chớp mắt, không lặp lại và cũng không thể dàn xếp.

Động vật hoang dã lại vô cùng nhạy cảm với âm thanh, tiếng động, nó đòi hỏi ở người chụp sự kiên nhẫn, chịu đựng gian khổ, có khi phải bất động trong nhiều giờ liền. Vì thế, chụp được một bức ảnh ưng ý về một loài vật nào đó, Đặng Mỹ Hạnh nhiều khi mất tới cả tháng trời.

Đối với những loài chim di cư, cũng có khi phải trở lại vùng đất ấy theo mùa trong vài năm liền thì mới chụp được những khoảnh khắc mơ ước. Chính niềm đam mê bất tận đã khiến Đặng Mỹ Hạnh không nhụt chí khi đối mặt với nỗi khó khăn vất vả, không từ bỏ khi phải đối mặt với hiểm nguy.

Đến nay, Đặng Mỹ Hạnh khi thì cùng người đồng nghiệp của mình, khi thì đi một mình đã đi qua 35 bang trên tổng số 50 bang của nước Mỹ, qua hết các nước Bắc Mỹ như Canada, Mehico, đến Bắc cực, tiến xuống các nước Trung Mỹ, Nam Mỹ, xuống Nam cực và bay sang cả châu Phi.

Không chỉ lặn lội đi nhiều nơi trên thế giới để chụp ảnh chim thú, nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh phải trang bị cho mình một khối lượng kiến thức khổng lồ về các loài chim thú, đặc tính về từng loài trước khi tiếp cận chúng để chụp có hiệu quả và tránh đi sự hiểm nguy cho bản thân.

Cũng nhờ thế, bên cạnh những bức ảnh đẹp đến lay động trái tim người xem, Đặng Mỹ Hạnh còn là tác giả của những ký sự có sức hấp dẫn mê hoặc về những vùng đất, về những điều kỳ lạ của thế giới muông thú nơi chị từng đi qua.

Là phụ nữ với bản năng làm mẹ mãnh liệt, nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh đặc biệt say mê và thích thú với những hình ảnh thể hiện tình mẫu tử trong thế giới loài vật. Chị say mê với hình ảnh những chú chim non háo hức chờ mẹ đem mồi về, cách những con chim mẹ dạy con tập bay, hay các loài thú ăn thịt dạy con cách săn mồi...

Để chụp được những hình ảnh thể hiện tình mẫu tử của loài hạc Đồi Cát, chị cũng phải mất tới 5 tuần, ngày nào cũng cõng balo đồ nghề ra đi từ khi trời chưa sáng, đến khi về trời đã tối sập.

Trong chuyến đi đến rừng châu Phi, Đặng Mỹ Hạnh đã ghi lại được những khoảnh khắc đặc biệt của đàn sư tử non cụp tai, cụp đuôi với đôi mắt sợ sệt khi mẹ chúng đi săn mồi qua đêm. Sáng hôm sau, chúng cũng dậy thật sớm ra khỏi hang đứng ở những mỏm đất cao để ngóng mẹ về và những biểu cảm vui mừng khi nhìn thấy bóng mẹ từ xa... 

Những hình ảnh ấy có tác động mãnh liệt đến cảm xúc của Đặng Mỹ Hạnh, đem đến cho chị một “cái nhìn từ tâm” về thế giới loài vật và chị muốn truyền “cái nhìn từ tâm” này đến với công chúng qua những khuôn hình chị đã săn lùng, tích lũy suốt 15 năm qua ở triển lãm ảnh "Sải cánh hoang dã".

Đặng Mỹ Hạnh kể rằng, có nhiều đêm một mình một lều bạt “cắm rễ” trong rừng Nam Mỹ hay khu bảo tồn thiên nhiên châu Phi nghe tiếng sư tử gừ trên đồi và tiếng hà mã gầm dưới sông mà lạnh toát sống lưng.

Dấn thân vào con đường có nhiều hiểm nguy, bất trắc rình rập, nhiều người tưởng Đặng Mỹ Hạnh phải “gan lỳ”, nhưng có khi chị vẫn chết lặng nhìn thấy rắn rết, vẫn có khi bật khóc khi chỉ có một mình trong những cơn mưa rừng nhiệt đới dữ dội của Nam Mỹ phải tìm mọi cách để che chắn cho khỏi ướt máy móc.

Có những lúc chị cũng tự trách bản thân tại sao lại để mình khổ sở thế này khi những lần bị muỗi độc đốt sưng tấy cả tháng trời mới lành, hay việc nằm suốt đêm trong đầm lầy đến khi trời sáng mới phát hiện cá sấu cũng nằm kề bên...

Một số tác phẩm của Đặng Mỹ Hạnh trưng bày tại triển lãm "Sải cánh hoang dã".

Nhưng rồi, khi nỗi sợ hãi hay những đau đớn về thể xác qua đi thì niềm đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh, với đời sống chim thú hoang dã của Đặng Mỹ Hạnh vẫn còn đó. Chị cho rằng, đó chỉ như thứ “gia vị” khiến cuộc sống của chị thêm phong phú chứ không thể trở thành những vật cản trên con đường chị đã, đang và sẽ đi...

Đặng Mỹ Hạnh nhớ nhất kỷ niệm về chuyến đi chụp chim cú tuyết, chị đã phải đứng trong tuyết ở nhiệt độ âm 28 độ trong nhiều giờ, đến nỗi đôi chân đã “đóng băng” như sắp hoại tử, còn máy ảnh thì cũng gần như đóng băng không thể lấy nét.

Thế nhưng, khi ngắm nhìn thành phẩm là những chú chim cú tuyết ẩn mình trong tuyết lạnh chờ săn mồi với đôi mắt vàng rực, mọi nỗi cơ cực đã trải qua như tan biến. Niềm hạnh phúc khi có được những khuôn hình hằng ao ước khiến chị thêm kiên nhẫn, thêm tự tin, thêm mạnh mẽ để bước tiếp trên đường thiên lý...

Sự trải nghiệm và dấn thân cũng đã mang về cho nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh nhiều giải thưởng quốc tế uy tín như: Giải nhất  International “Milvus” Nature Photography Contest (Heron in Heaven; Huy chương bạc (Science & amp; Nature) - International Loupe Awards -professional photographers category; giải chung kết của BBC Wildlife Photographer of the Year Awards 2014;  Cornell Lab of Ornithology- featured photographer; Tác phẩm được tuyển chọn triển lãm quốc tế International "Milvus" (Collision Course)...

Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh chia sẻ rằng, với chị, các giải thưởng chưa bao giờ trở thành mục đích của những chuyến hành trình xuyên lục địa để tìm kiếm những hình ảnh độc đáo, giàu tính nhân văn từ thiên nhiên hoang dã.

Với chị, giải thưởng chỉ có tính chất đánh dấu một sự tiến bộ nào đấy của bản thân và sự tiến bộ ấy đã được ghi nhận mà thôi.

Lúc nào Đặng Mỹ Hạnh cũng chỉ đau đáu với câu hỏi: “Những bức ảnh của mình sẽ đem đến cho công chúng điều gì? Ngữ ảnh ấy sẽ có tác động như thế nào đến tâm cảm những người ngắm nhìn chúng?”.

Song song với triển lãm “Sải cánh hoang dã”, Đặng Mỹ Hạnh cùng người bạn đồng hành của mình là Andy Nguyễn đã có những chuyến đi điền dã đến một số địa chỉ có chim thú hoang dã ở Việt Nam và tổ chức một số buổi nói chuyện chuyên đề trao đổi về kỹ thuật chụp đời sống hoang dã với các bạn trẻ yêu thích thiên nhiên ở Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh cũng mong muốn rằng, trong thời gian tới đây, chị sẽ có những chuyến đi chụp thiên nhiên hoang dã Việt Nam và sẽ tổ chức một triển lãm riêng về thế giới chim thú ở Việt Nam nhằm thức tỉnh ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi sinh, môi trường và những vẻ đẹp tiềm ẩn trong thế giới tự nhiên trước những nguy cơ bị hủy hoại, tuyệt chủng.

Nguyệt Hà
.
.
.