Sao Mai Xuân Hảo: Thế giới của chúng tôi không có scandal

Chủ Nhật, 21/07/2019, 13:41
Lê Xuân Hảo là một giọng bass hiếm có của làng thanh nhạc Việt Nam. Sau Giải nhất Sao mai 2009 dòng nhạc thính phòng, anh chọn ở lại làm giảng viên của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội và là một gương mặt nổi bật của nhiều chương trình ca nhạc lớn. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27-7, anh ra mắt MV “Nơi ấy là Trường Sa” để tri ân những người lính đảo đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


- Có vẻ như bây giờ nhiều nghệ sĩ rất biết “tận dụng” các ngày kỷ niệm để ra album hoặc làm các MV, đó cũng là cách họ hâm nóng tên tuổi của mình. Còn anh thì sao?

+ Với tôi, 27-7 là một ngày đặc biệt và linh thiêng, tôi muốn mang tiếng hát của mình tri ân những người đã hy sinh xương máu vì bình yên của Tổ quốc. “Nơi ấy là Trường Sa” là một sáng tác của Xuân Nghĩa - ca khúc được rất nhiều người yêu mến và thể hiện. Tôi đặc biệt thích “Nơi ấy là Trường Sa” bởi những lời ca chân thật về cuộc sống của các chiến sĩ nơi biển đảo.

Lê Xuân Hảo trong MV “Nơi ấy Trường Sa”.

Ca từ của ca khúc rất chân thật chứ không có lời nào hoa mỹ, phô trương, hay nói quá hiện thực. Mỗi ca từ, giai điệu đều cho tôi cảm nhận rõ ràng về đời sống của những người lính đảo, về những gió sương vất vả mà họ trải qua mỗi ngày vì Tổ quốc… Lời hát cũng chính là lời tôi mong muốn gửi tới người nghe, đó là cuộc sống rất thật ở Trường Sa với nhiều vất vả và gian nan nhưng những người lính vẫn luôn lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin yêu vào cuộc sống.

- Anh đã từng thành công và được yêu mến với rất nhiều những ca khúc về biển đảo như: “Nơi đảo xa”, “Mùa Xuân nơi Trường Sa”.... Hình như anh có một sự gắn bó đặc biệt nào đó với biển đảo?

+ Tôi đã từng ra đảo, cảm nhận đầy đủ những khó khăn vất vả và vô cùng ngưỡng mộ sự kiên cường, anh dũng cũng như những gian khó của những người lính đảo, MV “Nơi ấy là Trường Sa” của tôi như một lời sẻ chia, động viên những người lính. Tôi mong họ thấy được, chúng ta luôn bên họ và hướng về họ. Tôi nghĩ đến trách nhiệm công dân của mỗi người nghệ sĩ - chiến sĩ. Thế hệ các cô chú mang tiếng hát át tiếng bom, hát giữa mưa bom bão đạn, hát trên nhà máy, công trường.

Thế hệ chúng tôi hôm nay, may mắn hơn, được lớn lên trong hòa bình. Nhưng những chuyến đi hát cho những người lính, đến từng vùng quê giúp tôi hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của hai từ nghệ sĩ - chiến sĩ.  Nghệ sĩ không chỉ có sự lấp lánh hào quang trên sân khấu. Tôi yêu những giây phút giản dị, hát cho những người lính, cho người dân ở khắp mọi vùng đất nước, những trải nghiệm đó mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc, giúp tôi hát hay hơn, sâu sắc hơn.

- Dòng nhạc cách mạng mà anh theo đuổi có ba cái tên quá nổi tiếng là Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn. Anh có bị áp lực bởi họ?

+ Ba anh Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn đã quá quen thuộc trong lòng công chúng. Vì thế, chúng tôi sẽ khó khăn hơn để tạo dựng tên tuổi cho mình. Chúng tôi phải cố gắng, nỗ lực, chỉn chu từ giọng hát đến ngoại hình để tiếp nối con đường các anh đã đi. Tôi nghĩ đó là một con đường  dài nên không vội vàng được. Quan trọng là mình luôn tâm huyết và nỗ lực, tìm tòi hướng đi, cách hát mới.

Thế mạnh của tôi là đi lên từ chính giọng hát của mình và tôi luôn kiên định với con đường đó. Đất diễn cho các ca sĩ hát nhạc cách mạng bây giờ khá rộng lớn, các ca sĩ Sao mai cũng khá đắt show chứ không chỉ có mấy người tên tuổi. Nhiều nơi thích các gương mặt mới và quan trọng là chúng tôi không ngừng trau dồi, học hỏi để tồn tại lâu với nghề.

- Nhìn lại chặng đường khá dài từ năm 2001, khi bước chân vào Nhạc viện đến bây giờ, anh có nghĩ, giá như với lợi thế về ngoại hình, đi theo dòng nhạc nhẹ anh sẽ nổi tiếng hơn, giàu có hơn không?

+ Khi bước chân vào học từ năm 2001, thầy Bùi Gia Khánh nói với tôi, giọng của em không hợp nhạc thị trường và hướng cho tôi đi con đường này. Từ đó tôi miệt mài học, cho đến bây giờ vẫn không ngừng học. Càng tìm hiểu và đi sâu vào dòng nhạc thính phòng, tôi càng say mê. Đó là những bản tình ca đẹp về quê hương đất nước và tôi hạnh phúc khi được mang tiếng hát ngợi ca quê hương đất nước đến cho mọi người. Âm nhạc lạ lắm, nó có khả năng kết nối kỳ diệu.

Những lời ca đẹp và bay bổng có khả năng làm cho tâm hồn con người đẹp hơn, trong trẻo hơn. Tôi không hối hận vì mình chọn con đường này. Các sĩ dòng nhạc cách mạng không nổi tiếng như nhạc nhẹ, nhưng họ luôn nhận được sự tôn trọng, thương yêu của khán giả. Thế giới của chúng tôi trong lành hơn, không có scandal, được yêu quý và tôn trọng vì chính giọng hát của mình chứ không phải vì hào quang lấp lánh bên ngoài. Có thể chúng tôi không nổi tiếng bằng các bạn trẻ nhưng chúng tôi sẽ tồn tại lâu bền với nghề.

- Anh lựa chọn làm giảng viên ngay khi ra trường, điều đó có hạn chế con đường biểu diễn và đi kèm với nó là sự nổi tiếng?

+ Tôi thuộc biên chế Quân đội, ngày xưa luôn mơ ước trở thành ca sĩ trong Quân đội. Làm nghề giáo giúp tôi không ngừng trau dồi, học hỏi để làm mới mình, nó giúp tôi bền nghề hơn. Tôi chọn con đường “hữu xạ tự nhiên hương”, cứ yêu, cứ bền bỉ với tình yêu của mình, đến lúc chúng tôi sẽ đón nhận được tình yêu của khán giả.

- Nhưng có vẻ như bây giờ các bạn trẻ không còn mặn mà với dòng nhạc truyền thống, hay họ thiếu kiên nhẫn để đi một con đường dài?

+ Sinh viên bây giờ không tha thiết với dòng nhạc này vì đòi hỏi nhiều thời gian, sự khổ luyện. Có khi hơn 10 năm miệt mài học mà chắc gì đã gặt hái được thành công. Bây giờ, lớp 40 thì chỉ có 4-5 bạn theo dòng nhạc này thôi. Còn trụ lại với nghề cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi đi dạy 9 năm rồi mà quay đi quay lại toàn học sinh theo nhạc nhẹ. Các em bây giờ chọn con đường dễ dàng hơn.

Tôi có hai học sinh rất nổi tiếng trong giới trẻ là Quân JK và Phan Mạnh Quân, MV của hai em này có đến mấy chục triệu lượt view, trong khi MV tôi chỉ có vài ngàn người xem. Tôi chỉ nói với học sinh của mình rằng, các em phải làm chủ sân chơi của mình, dù theo dòng nhạc nào tôi cũng tôn trọng, nhưng đừng bị những giá trị ảo lôi cuốn, nhanh nổi thì cũng nhanh tàn. Những gì không đi từ thực lực, từ tài năng và tâm huyết thì nó cũng không có đất tồn tại lâu dài.

Xuân Hảo và Bùi Thúy trong một MV.

- Nhiều nghệ sĩ dòng nhạc cách mạng làm live show riêng. Năm ngoái Vũ Thắng Lợi cũng làm một đêm “Khát vọng” rất thành công. Còn anh, anh có dự định làm một live show của riêng mình?

+ Con đường tôi đi và đối tượng tôi hướng đến là những người trung tuổi. Tôi tự hào là một trong những ca sĩ đắt show của dòng nhạc đỏ, một gương mặt được mời tham gia nhiều sự kiện lớn của đất nước, mới đây tôi là solid chính của chương  trình giao lưu văn hóa Việt Nam và Trung Quốc tại Bắc Kinh.

Còn một đêm nhạc đó là mơ ước lớn nhất trong đời nghệ sĩ nhưng quan trọng là mình phải đủ độ chín trong nghề. Làm live show phải tính kỹ vì tầm ảnh hưởng và thành công của live show như thế nào, không phải cứ có tiền muốn là làm. Tôi quan tâm nhiều hơn đến những đóng góp của mình cho đời sống âm nhạc chứ không phải sự nổi tiếng hay ánh hào quang.

- Từ năm 2016 đến nay, anh khá im hơi lặng tiếng. Vì sao vậy?

+ Đó là thời điểm có nhiều chuyện xảy ra trong cuộc sống của tôi, công việc, gia đình không thuận lợi. Nhưng năm nay, có lẽ sẽ là một năm nhiều dấu ấn của tôi, tôi sẽ ra một album siêu trầm, từ trước đến nay chưa ca sĩ nào hát và một DVD với nữ ca sĩ Huyền Trang, gồm những bài hát về quê hương đất nước. Tôi nghĩ, album siêu trầm sẽ là một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời làm nghề của tôi.

Tôi thử làm một thứ gì đó mới, khác biệt để thỏa mãn đam mê của mình. Ở Việt Nam chỉ có một cái micro có thể thu được giọng trầm này thôi, nó mộc nhất và thật nhất có thể, tôi cũng chờ đợi và hào hứng với dự án này. Tôi vô tình xem một MV của một ca sĩ Trung Quốc hát giọng bass và anh truyền cảm hứng cho tôi tìm tòi cái mới và riêng của mình. Có thể đó là một dấu ấn trong cuộc đời làm nghề của tôi để tiếp cận khán giả trẻ.

- Anh được coi là “mỹ nam” của làng Sao Mai. Nhưng có vẻ như cuộc sống của anh khá bình yên. Làm thế nào để anh dung hòa được công việc và cuộc sống gia đình?

+Vợ tôi luôn tin tưởng tôi. Gần 10 năm lấy nhau, tôi vẫn chưa làm gì để vợ phải lo lắng, mất niềm tin. Ngược lại, cô ấy luôn là chỗ dựa bình yên cho tôi khi trở về. Điều đó rất quan trọng với người nghệ sĩ.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Mỹ Vân (thực hiện)
.
.
.