Sao thể thao thành sao chính trị

Thứ Sáu, 17/08/2018, 16:34
Ngày 26-7, huyền thoại bóng chày Pakistan Imran Khan tuyên bố đã chiến thắng trong cuộc bầu cử mới nhất, với cam kết cải thiện cả kinh tế lẫn các mối quan hệ với Ấn Độ và Mỹ.


Kết quả của Ủy ban bầu cử Pakistan (ECP) hôm 27-7 cho thấy đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông Khan, còn gọi là Phong trào Công lý Pakistan, giành 115 ghế trong tổng số 272 ghế tại Quốc hội. 

Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - Nawaz (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif - người đang ngồi tù vì tội tham nhũng - về nhì với 62 ghế. 

Trong khi đó, đảng Nhân dân Pakistan (PPP) - được dẫn dắt bởi ông Bilawal Bhutto Zardari, con trai của cố Thủ tướng Benazir Bhutto - chiếm 43 ghế.

Những thách thức trước mắt

Mặc dù không giành đủ 137 ghế đa số cần thiết nhưng với kết quả ngoài mong đợi, đảng của ông Khan có vẻ không gặp trở ngại trong việc liên minh với các đảng nhỏ để thành lập chính phủ mới. Thủ tướng đắc cử 66 tuổi này loại trừ khả năng bắt tay với ông Sharif cũng như đối thủ Bhutto.

Theo tờ Reuters, một khi thành lập chính phủ mới, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông Khan là tránh một cuộc khủng hoảng tiền tệ sau 4 lần phá giá đồng rupee kể từ tháng 12 năm ngoái. Islamabad cũng có thể phải tìm kiếm gói cứu trợ lần thứ hai từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kể từ năm 2013. 

Khẳng định kinh tế là thách thức lớn nhất mà Pakistan đối mặt, ông Khan tuyên bố sẽ cải thiện việc điều hành đất nước, tạo điều kiện cho kinh doanh và thu hút vốn đầu tư từ các công dân Pakistan sống ở nước ngoài. Để chứng tỏ quyết tâm, chính trị gia này khẳng định ông sẽ ở trong một căn nhà nhỏ thay vì dinh Thủ tướng - nơi ông dự kiến chuyển thành Viện Giáo dục dành cho người dân.

“Kế hoạch sắp tới của tôi là đẩy mạnh đào tạo nguồn lao động thủ công trong nước, đồng thời giảm thiểu thất nghiệp cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo có cuộc sống ấm no hơn. Bên cạnh đó, tôi cam kết sẽ mạnh tay đối với nạn tham nhũng - thứ bệnh đã làm mục nát đất nước này trong suốt thời gian qua. Luật pháp của Pakistan cũng sẽ được điều chỉnh nhằm kiến tạo nên sự bình đẳng giữa tất cả công dân thuộc mọi tầng lớp”, ông Khan nhận định.

Về đối ngoại, mối quan hệ vốn rạn nứt sâu sắc giữa Pakistan và Mỹ trong nhiều thập kỷ càng trở nên khó đoán dưới thời ông Khan. Theo trang Daily Beast (Mỹ), ông Khan là chính trị gia chống Mỹ nhiều nhất Nam Á; đồng thời quy trách nhiệm cho Mỹ về các vấn đề của Pakistan. Dù chỉ trích Mỹ đối xử với Paskitan như "tấm thảm chùi chân" và gọi việc phải gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump là "thuốc đắng", nhưng ông Khan nói mình vẫn sẽ uống.

Đối với Ấn Độ, ông Khan cũng bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ. Theo ông, khu vực tranh chấp Kashmir là vấn đề cốt lõi giữa hai nước và cần được giải quyết thông qua đàm phán. Xoa dịu căng thẳng với Ấn Độ được các đời thủ tướng Pakistan xem là cách tốt nhất để kéo giảm chi tiêu quân sự. 

Ông Khan hứa sẽ cùng với Ấn Độ làm bền chặt hơn mối quan hệ láng giềng cũng như tạo ra một thỏa thuận hòa bình giữa hai nước. Ông cũng khẳng định, trên cương vị người lãnh đạo tối cao của Pakistan, sẽ đưa đất nước đi đúng hướng và phát triển mạnh mẽ trong khu vực.

Cơ hội này không những giúp đảng PTI nắm quyền thống soái tối cao trong khu vực mà còn giúp ông Khan hiện thực hóa "giấc mơ" đưa Pakistan trở thành quốc gia Hồi giáo có trang bị vũ khí hạt nhân. 

Theo chia sẻ của ông Khan vào ngày 26-7: “Khao khát này bắt đầu được khơi dậy trong tôi 22 năm về trước và thầm cảm ơn đến ngày hôm nay, điều đó đang dần dần trở thành hiện thực. Chúng tôi sẽ tiếp quản và đưa đất nước đi theo sách lược  hoàn toàn mới, không như cách mà những nhà lãnh đạo đi trước đã làm”.

Tuy nhiên, ông Shebaz thuộc phe đối lập với đảng PTI, lại tỏ rõ thái độ không phục trước kết quả bầu cử lần này và đưa ra chỉ trích sâu cay. Tại hội nghị hôm 25-7, ông Shebaz nói rằng: “Tất cả hoàn toàn là sắp đặt. Nếu kết quả đã rõ ràng như vậy và nhà nước này rơi vào vòng kiểm soát của PTI thì đúng là lòng tin và sự ủy thác của người dân Pakistan đang bị đặt nhầm chỗ”. 

Đáp trả lại lời lẽ từ phe đối lập, ông Khan cho hay sẽ điều tra xem liệu có bất cứ sai phạm hay dàn xếp nào xung quanh cuộc bầu cử này hay không. Vị tân Tổng thống cũng mong muốn, với trách nhiệm của một nhà lãnh đạo, sẽ hợp nhất các đảng phái, tạo nên một nền chính trị trung lập, bền vững.

Cơn sốt Imran Khan

Ông Imran Khan trở thành một “hiện tượng” trong nền chính trị của Pakistan kể từ năm 2011. Báo chí khi đó đã dùng từ "cơn sốt" để nói đến hiện tượng thu hút cử tri của ông. Sinh năm 1952, về tuổi đời Imran Khan không còn trẻ nữa. 

Trong những năm 70-80 thế kỷ 20, Khan là cầu thủ bóng cricket nổi tiếng của Pakistan. Ông là thành viên đội tuyển quốc gia Pakistan đoạt cúp vô địch thế giới năm 1982 tại Úc. Sau khi giải nghệ, Khan chủ yếu tập trung vào công tác xã hội, từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo, xây bệnh viện từ thiện giúp người bệnh ung thư,…

Năm 1996, Khan tham gia vào chính trường với việc lập ra đảng Tehreek-e-Insaf, chủ trương chống tham nhũng. Ông nổi tiếng là một người theo chủ thuyết Hồi giáo truyền thống và chống Mỹ quyết liệt. Năm 2005, báo chí Pakistan từng đăng vụ việc tờ tuần báo Newsweek của Mỹ bị Khan công kích kịch liệt vì đã đăng một bài báo báng bổ kinh Koran của đạo Hồi. 

Ông Khan đã tổ chức họp báo, đả kích bài báo đồng thời yêu cầu Tổng thống Pakistan lúc đó là Pervez Musharraf làm sao buộc tờ báo Mỹ phải xin lỗi người Pakistan. Và khi Tổng thống Musharraf không làm được như yêu cầu, ông Khan đã công khai chỉ trích ông Musharraf với lời lẽ nặng nề. Năm 2010, có lần Khan đã tuyên bố thẳng thừng trước một phái đoàn nghị sĩ Mỹ rằng các chính sách của Mỹ ở Pakistan, kể cả việc không kích bằng máy bay không người lái, là "nguy hiểm và cần phải thay đổi".

Chính trường Pakistan lâu nay hoạt động dựa trên "3chân kiềng" lớn là quân đội, đảng PML của cựu Thủ tướng Sharif và đảng cầm quyền khi đó - đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của Tổng thống Asif ali Zardari. Trong cái thế “3 chân kiềng” đó, sự vươn lên mạnh mẽ của ông Khan khiến người ta nghĩ đến một sự thay đổi lớn đang diễn ra ở Pakistan. 

Thật vậy, Khan có được sức hút mạnh mẽ đối với công chúng là do ông là một nhân tố mới, hoàn toàn khác so với những chính khách quen thuộc hiện nay, vốn bị dân chúng Pakistan chán ghét vì những tai tiếng tham nhũng và nhất là "lụy" người Mỹ. 

Nhưng ông Khan thì khác. Nói rằng ông "hoàn toàn trong sạch" thì có vẻ hơi quá nhưng sự thật dù tham gia chính trường gần 20 năm, nhưng xét bề dày lịch sử chính trị thì ông giống như một "vùng đất mới", chưa có tì vết gì. Và chủ trương chống tham nhũng là át chủ bài của ông Khan.

Tuy nhiên, "cơn sốt Imran Khan" vẫn không thể giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử trước, mãi cho đến cuộc bầu cử vừa qua.

Như Sơn
.
.
.