Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh:

Sự đón nhận của khán giả là nguồn cảm hứng để tôi làm bộ phim kế tiếp

Thứ Tư, 20/01/2016, 13:16
Vượt mặt "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" để trở thành hiện tượng phòng vé vào tháng cuối cùng của năm 2015, bộ phim "Em là bà nội của anh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vẫn đang phủ sóng ở tất cả các rạp trên toàn quốc vào những ngày đầu năm mới. Với anh, một bộ phim hay phải chạm đến cảm xúc của người xem và chiến thắng của "Em là bà nội của anh" thực sự là hoàn hảo khi khán giả đã khóc, đã cười cùng những nhân vật của mình.


- Trở thành bộ phim Việt đạt doanh thu cao nhất năm qua với hơn 1,2 triệu lượt người đến rạp, đạt doanh thu 85 tỷ đồng (hơn 4 triệu USD), có thể coi đây là một thắng lợi lớn của toàn bộ ê-kip thực hiện không, thưa anh?

+ Tôi nghĩ rằng, một bộ phim thành công thì đương nhiên đó là một thắng lợi lớn của ê-kip làm phim. Thế nhưng, với tôi, sự thành công của "Em là bà nội của anh" mang một ý nghĩa lớn hơn là một thắng lợi phòng vé. Nó chứng minh với tôi một điều mà tôi từng nghi ngại trước nay, rằng thị hiếu khán giả của chúng ta phải chăng chỉ tập trung vào các bộ phim hài nhảm, vào các ngôi sao phòng vé, thay vì vào một bộ phim được làm từ một kịch bản hay chạm đến cảm xúc người xem.

"Em là bà nội của anh" không có những tên tuổi "ngôi sao bảo chứng phòng vé", từ dàn diễn viên đến tên tuổi đạo diễn, chưa kể không ít trong số diễn viên của bộ phim từng bị gắn với các phim "thảm họa". Thế nhưng, từ ngày bộ phim công chiếu cho đến nay, hầu như mỗi ngày tôi đều nhận được những lời khen, những lời tâm sự rất tình cảm, những chia sẻ cảm xúc đến từ những người bạn, những người quen và cả những khán giả của bộ phim. Có những khán giả đến nắm tay tôi trong những buổi giao lưu, chia sẻ rằng họ đã lâu không ra rạp xem phim, nhưng con cái của họ đã đưa họ đến xem bộ phim và họ đã rất xúc động vì bộ phim này khiến họ không chỉ cười mà còn rơi nước mắt.

Làm được một bộ phim kéo cả những khán giả lâu năm không đến rạp để xem, để rồi có thể trở thành đề tài để cả gia đình ba thế hệ trò chuyện, cùng đồng cảm chia sẻ cảm xúc, với tôi, điều đó mới thật sự là một thành công lớn. 

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, khán giả không bao giờ quay lưng với những bộ phim chạm đến cảm xúc của họ.

- Sẽ ra sao nếu có người gọi Phan Gia Nhật Linh là "ông hoàng phòng vé"?

+ Chẳng sao cả, việc người ta gọi tôi là "ông hoàng phòng vé" hay danh hiệu gì đi nữa là việc của họ. Hôm nay họ có thể gọi tôi là "ông hoàng", nhưng ai biết được ngày mai họ sẽ gọi mình là gì. Tôi biết mình đang ở đâu, điều đó quan trọng hơn. 

- "Em là bà nội của anh" thắng lớn trong nước nhưng nếu thắng ở thị trường quốc tế nữa, hẳn sẽ hoàn hảo hơn?

+ Tôi không nhắm đến thị trường quốc tế, nếu có may mắn thắng ở thị trường quốc tế thì cũng chỉ là một điểm son thêm mà thôi. Với tôi, chiến thắng của "Em là bà nội của anh" đã đẹp và hoàn hảo.

- Điện ảnh Việt trong năm qua khởi sắc với một số cái tên tiêu biểu. Tuy nhiên, có người cho rằng sự tiêu biểu ấy cũng chỉ quanh quẩn trong cái "ao làng" mà thôi. Anh nghĩ sao?

+ Tôi nghĩ rằng ai gọi nước mình là cái "ao làng" thì có lẽ họ có vấn đề lắm. Tôi không biết ở Việt Nam mình có bao nhiêu người làm phê bình lý luận điện ảnh có thể vượt qua "ao làng" để có thể đánh giá điện ảnh nước nhà so với thị trường điện ảnh quốc tế, nhưng lại rất nhiều "ếch nhái" thích đánh giá cả nền điện ảnh bằng cách ngó lên cái miệng giếng trời. Những kiểu nhận định xuất phát từ những người không am hiểu chuyên môn về điện ảnh, về thị trường điện ảnh, tôi nghĩ, cũng không nên quan tâm đến làm gì cho nặng đầu.

- Theo anh, chúng ta đã có thị trường phim Việt chưa? Nếu chưa, chúng ta thiếu điều gì?

+ Chúng ta đang dần dần hình thành thị trường phim ảnh trong 10 năm trở lại đây, và chúng ta thiếu mỗi thứ một chút. Điều đó cũng không có gì đáng lo ngại, bởi mỗi năm, tự bản thân thị trường điện ảnh sẽ rút kinh nghiệm để phát triển hơn. Có lẽ sự thiếu nhất, với tôi, là những chính sách hỗ trợ cho điện ảnh nội địa để cạnh tranh với các phim nhập khẩu, cũng như các chính sách và Luật Điện ảnh rõ ràng, chặt chẽ và giúp cho người làm phim có cơ hội sáng tạo hơn.

"Em là bà nội của anh" trở thành hiện tượng phòng vé vào những ngày cuối năm 2015, đầu năm 2016.

- Anh được đào tạo ngành đạo diễn phim tại Mỹ. Sau khi về nước, sao không làm đạo diễn luôn, sao phải đi một đường vòng với nhiều vị trí khác nhau như thế, thưa anh?

+ Mỗi người có một con đường để đi, và đây là con đường mà tôi chọn lựa. Mỗi đạo diễn sẽ có lý do để họ làm bộ phim này hay không làm bộ phim kia, và tôi cũng vậy. Tính tôi cẩn thận, làm gì cũng muốn chắc chắn phải đúng. Đi học ở Mỹ về, tôi hiểu rằng kiến thức mình học chỉ là một chuyện, cách mà mọi người ở đây làm việc không giống như ở Mỹ, và nếu mình cứ áp đặt những thứ mình được học ở Mỹ cho môi trường làm việc ở Việt Nam thì mình sẽ dễ dàng gặp thất bại. Tôi mất nhiều thời gian để làm việc trong nhiều vị trí khác nhau, để hiểu được những khó khăn, những khúc mắc, những ưu thế của một đoàn phim Việt Nam, để tích lũy kinh nghiệm cho bộ phim đầu tay của mình suôn sẻ. Tôi cũng chờ đợi một nhà sản xuất có niềm tin vào mình, có cùng tầm nhìn với mình, để có thể làm bộ phim mà mình thật sự yêu thích nó. Chính vì thế, tôi không nghĩ rằng nó mất thời gian, bởi cuối cùng thành công mình đạt được hôm nay, những người khác có thể mất nhiều năm hơn mới đạt được.

- Là đạo diễn, anh thấy làm lại một bộ phim hay làm một bộ phim mới khó hơn?

+ Tôi nghĩ, dù làm lại hay làm mới, thì làm nên bộ phim hay mới khó. Còn lại, đều là dễ hết.

- "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thành công phần lớn là vì có cảnh đẹp. "Em là bà nội của anh" thành công một phần nhờ nhạc phim. Đó có phải là một trong những "kĩ xảo" để dẫn người xem đến rạp không, thưa anh?

+ Tôi không làm phim dựa trên "kĩ xảo" (mà tôi cũng không nghĩ yếu tố hình ảnh hay âm nhạc là "kĩ xão"). Một bộ phim là một tổng hòa của câu chuyện, diễn xuất, hình ảnh, âm nhạc.... Nếu một đạo diễn chỉ chăm chút cho một yếu tố mà bỏ quên những yếu tố khác, tôi nghĩ, bộ phim ấy sẽ là một thất bại. Việc khán giả đón nhận bộ phim và thấy, ồ hình ảnh đẹp quá, âm nhạc hay quá, diễn xuất tuyệt vời quá, là những điều mà có lẽ nhà làm phim, hay ít nhất như tôi, không thể nào đoán trước được. 

"Em là bà nội của anh" thành công một phần nhờ nhạc phim, nhưng cũng một phần nhờ kịch bản hay, một phần khác nhờ dàn diễn viên xuất sắc, một phần khác nữa nhờ quay phim rất có dụng ý không phô trương, một phần khác nữa nhờ dựng phim có tiết tấu tốt nhịp nhàng mà với khán giả số đông không có chuyên môn sẽ không thể nào nhận ra được sự xuất sắc của nó... Có rất nhiều yếu tố "một phần" đó để tạo nên thành công cho "Em là bà nội của anh"; và với tư cách của một đạo diễn, tôi đều đầu tư công sức của mình vào mọi yếu tố đó để tạo nên một bộ phim hoàn hảo nhất có thể.

- Anh thấy thị hiếu của khán giả Việt ra sao?

+ Họ vô cùng khó đoán, hôm nay họ thế này, ngày mai họ thế khác, nhưng tôi tin, họ không quay lưng với những bộ phim chạm đến cảm xúc của họ.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cùng những diễn viên chính trong phim "Em là bà nội của anh".

- Được biết, anh là một trong những đồng sáng lập liên hoan phim trực tuyến YxineFF tồn tại nhiều năm nay. Đối tượng hướng đến của liên hoan này là các tác giả làm phim trẻ. Đến nay, đã có nhiều gương mặt được định hình và giới thiệu chưa, thưa anh?

+ Năm 2010, Vũ Ngọc Phượng đoạt giải "Trái Tim Hồng" cho bộ phim được khán giả bình chọn; và năm 2015, Phượng đã làm bộ phim đầu tay rất xuất sắc - "Vẽ đường cho yêu chạy". Đỗ Quốc Trung và Trần Dũng Thanh Huy đều đoạt giải cao trong mùa YxineFF 2012, và cả hai bạn đều có dự án phim dài được giới thiệu ở liên hoan phim Busan 2015. Đoàn Trần Anh Tuấn thắng giải "Phim hay nhất và được yêu thích nhất YxineFF 2012" với bộ phim hoạt hình "Dưới bóng cây", và nhóm Colory của bạn tiếp tục âm thầm phát triển bộ phim dài "Dưới bóng cây": "Hành trình trở về trong hai năm qua", hy vọng sẽ ra mắt khán giả vào năm 2017. Đó chỉ là vài tên tuổi tiêu biểu ghi dấu ấn trong năm 2015, và tôi tin còn rất nhiều bạn đi từ YxineFF ra với những dự án phim sắp tới sẽ ghi dấu ấn trong một tương lai gần.

- Chúng ta đang có một thế hệ làm phim độc lập có tư duy mới. Song, tôi được biết rằng, để làm một bộ phim, kinh phí rất lớn, đời sống của họ còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chúng ta dường như chưa có một cơ chế nào đó để giúp đỡ hoặc tạo điều kiện thuận lợi để cho họ chuyên tâm làm phim. Là một người gắn bó với những người làm phim độc lập một thời gian dài như thế, anh muốn nói điều gì không?

+ Các bạn phải tiếp tục làm và kiên trì với con đường mà các bạn lựa chọn thôi. Không ai chỉ ngồi một chỗ không làm gì mà có người đến cho tiền để các bạn làm bộ phim của riêng các bạn cả, trừ khi đó là ba mẹ của các bạn. Thế nên, cứ tiếp tục làm phim - ở mọi vị trí, với mọi cơ hội, rồi thì các bạn cũng sẽ làm được bộ phim của mình.

- Trở lại một chút với "Em là bà nội của anh". Điều anh nhận được lớn nhất sau bộ phim là gì?

+ Sự đón nhận của khán giả, những cảm xúc mà họ cảm nhận được từ bộ phim, và điều đó cho tôi nguồn cảm hứng để làm bộ phim kế tiếp.

- Bộ phim kế tiếp sẽ là gì, thưa anh?

+ Cùng với Đoàn Trần Anh Tuấn, chúng tôi hy vọng sẽ làm được bộ phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp thương mại đầu tiên.

- Xin cảm ơn anh. Chúc anh một năm mới nhiều thành công!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.