Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy:

"Sự tiến hóa của cái ác là sự tiến hóa ghê rợn nhất"

Thứ Sáu, 01/04/2016, 11:44
Tại buổi ra mắt tiểu thuyết "Nhắm mắt nhìn trời" (2014) của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, nhiều bạn văn đã bày tỏ sự "quan ngại", rằng sau cuốn sách này, anh rất dễ rơi vào tình cảnh… hết vốn, bởi họ gặp trong đây ngồn ngộn vốn sống, đặc biệt là những chi - tiết - cuộc - sống đậm đặc chất… văn xuôi. Vậy mà chỉ hai năm sau, anh lại trình làng tiểu thuyết "Có tiếng người trong gió" với vốn sống ngồn ngộn không kém. Một nhà văn với sức viết, sức lao động đáng nể.


- Câu chuyện vốn sống thường là câu chuyện khó khăn nhất với một người cầm bút. Viết tiểu thuyết lại càng quan trọng điều này. Và nỗi sợ lớn nhất của nhà văn là… hết vốn. Với anh thì sao?

+ Thực ra ở "Nhắm mắt nhìn trời" tôi cũng chưa phải đã dốc hết vốn ở mảng hiện thực mà cuốn sách phủ bóng. Tôi còn khá nhiều thứ để khi chuyển thể "Nhắm mắt nhìn trời" thành kịch bản phim truyền hình sẽ mang ra dùng tiếp. Từ hiện thực vào trang viết không phải là việc rót nước vào chai cho đầy mà là dùng nguyên liệu hợp lý để bào chế nên một loại dược phẩm.

Anh thấy đấy, mỗi loại dược phẩm lại cần những nguyên liệu khác nhau. Bởi thế dù có ăn dè hà tiện ở cuốn này thì cuốn sau cũng không thể tiếp tục sử dụng vùng hiện thực ấy nữa. Lúc đó tôi đã chuyển sang một đề tài khác, bào chế một loại dược phẩm khác với đòi hỏi về những nguyên liệu khác. Tất nhiên không vì thế mà mỗi lần bào chế sẽ dùng cho cạn kiệt kiểu "cho đỡ phí".

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.

Nhưng tôi cũng là người quen "quá tay" nên mọi người có cảm giác tác giả "ngộp" chăng? Tôi mà nấu ăn thì thường hay bị mặn, bị cháy chứ ít khi bị nhạt, bị sống; mua bán cái gì cũng hay bị thừa hơn là bị thiếu... Tóm lại cái gì cũng phải già lên một tí. Có lẽ thói quen ấy cũng ứng trong văn chương...

- Có nghĩa là ta có thể hình dung, cái trữ lượng sống, cái vốn sống của nhà văn nói chung thường được phân ô, chia ngăn, và với trường hợp nhà văn Nguyễn Xuân Thủy thì mỗi tác phẩm chỉ đi sâu khai thác một ô, ngăn đầy tràn nào đó mà thôi?

+ Có hai trường hợp xảy ra. Một là, khi đã đầy ứ về một vùng hiện thực, khi đã bị ám ảnh quá nhiều về nó thì tự khắc nó sẽ chảy tràn, đòi hỏi sự giải phóng. Trường hợp "Nhắm mắt nhìn trời" với tôi là như vậy. Nhưng cũng không phải cứ đầy là bật bung thành con chữ mà rất cần một cơn cớ.

Từ một buổi chán làm việc, đi ra ngoại thành chơi cho khuây khỏa mà tôi đã khởi hứng viết "Nhắm mắt nhìn trời". Trường hợp thứ hai, ý tưởng đến trước, sau đó mới là quá trình tích nạp, làm đầy lưng vốn đến độ đủ để có thể hiện thực hóa ý tưởng đó bằng tác phẩm.

Tuy nhiên, với tôi, ý tưởng dù đến trước hay đến sau thì chỉ khi nào nó thật sáng rõ, tôi mới biết lưng vốn của mình đầy vơi như thế nào. Bởi thế trữ lượng vốn sống trong tôi thường tồn tại ở dạng... những vòng xoắn chằng chịt như một đĩa mì spaghetti hơn là chia ô, chia ngăn rạch ròi như chiếc tủ của thủ thư giữ thẻ thư viện.

- Dễ nhận thấy hiện thực trong "Nhắm mắt nhìn trời" và "Biển xanh màu lá" được anh kiến dệt chủ yếu bằng trải nghiệm thực tế, còn hiện thực trong "Sát thủ Online" và "Có tiếng người trong gió" lại được anh kiến dệt chủ yếu bằng tri thức xã hội, tri thức sách vở, đặc biệt là kiến dệt bằng… tưởng tượng.

Đọc "Có tiếng người trong gió" lần này, tôi quả thực rất nể cái sức tưởng tượng, cái khả năng nhập vai của anh. Chẳng hạn, anh đã xuất sắc trong việc nhập vai Cảnh sát hình sự phá siêu kỳ án đường dây tội phạm tổ chức mua bán người, mổ sống lấy nội tạng xuyên quốc gia…

+ Đúng hơn thì ở "Nhắm mắt nhìn trời" và "Biển xanh màu lá" tôi bay khoảng cách gần với hiện thực hơn, gần với trải nghiệm thực tế hơn, nguyên liệu đã được xử lý theo phong cách hiện thực. Có một câu chuyện vui là một vị đạo diễn muốn chuyển "Biển xanh màu lá" thành phim tài liệu vì nghĩ những câu chuyện được kể trong đây là thật.

Đến "Sát thủ Online", mặc dù vùng hiện thực tôi đề cập có thừa mứa những câu chuyện, những số phận, những cảnh ngộ ở ngoài đời, rải trên mặt báo mỗi ngày nhưng tôi đã không bê vào tác phẩm, vì tôi đã có một câu chuyện, một thân phận, một vụ án của riêng mình cho một cuốn tiểu thuyết không... nệ thực. Kiến dệt hiện thực bằng tưởng tượng mang lại cho tôi những khoái cảm đặc biệt.      

- Tấm bản đồ hiện sinh của thời đại chúng ta nhuốm phủ một gam màu bất an, bởi trên đó tội danh mới cứ liên tục bổ sung, hàm lượng tội ác và mức độ tinh vi cứ không ngừng gia tăng nơi chủ thể tội phạm. Sau thành công của "Sát thủ Online" trước đây, "Có tiếng người trong gió" lần này là sự trở lại của anh với đề tài "tâm lý - hình sự" bằng việc thám hiểm, tiểu thuyết hóa một mảng hiện thực nhức bỏng tính thời sự: mua bán người, mổ sống lấy tạng. Theo quan sát của tôi, có nhiều người tỏ tâm thế định kiến với cái mà họ cho là "văn học đề tài"…

+ Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có nói một câu rằng, các tác giả tài năng thì viết vụ án nào cũng thành tiểu thuyết, còn người không có tài thì viết tiểu thuyết nào cũng ra vụ án. Hiện thực nhức bỏng như anh nói, chỉ là cái vạch sơn để tôi xuất phát, là đường băng để tôi cất cánh bay vào thế giới của tưởng tượng, của sáng tạo mà kiến dệt nên câu chuyện của thân phận. Tôi nghĩ, mỗi người viết có quyền lựa chọn những vấn đề mà mình quan tâm và theo đuổi theo cách của mình, và mỗi bạn đọc cũng sẽ tìm đến dòng sách mà mình yêu thích. 

- Nhà văn Milan Kundera từng đưa ra những định nghĩa: "Tiểu thuyết là một cuộc thăm dò cuộc sống con người trong cái thế giới đã trở thành cạm bẫy"; "Con người là một sinh vật có thể đẩy kẻ đồng loại của mình đến chỗ chết trong bất cứ tình huống nào". "Có tiếng người trong gió" của anh đã "thăm dò" và rọi sáng dữ dằn một sự thực: Không chỉ là hệ quả hồn nhiên của những vô minh bản năng, cái ác ngày càng là chủ đích lựa chọn rồi được lập trình, trình diễn bài bản đến hoàn hảo bởi những trí - thức - giang - hồ, và thường được trợ sức bởi siêu công nghệ. Tôi cứ không thôi tự hỏi, không lẽ loài người càng đi gần về phía văn minh thì càng đánh mất nhân tính…

+ Đây cũng là điều tôi băn khoăn và ít nhiều gửi gắm trong "Có tiếng người trong gió". Đi tìm căn nguyên cái ác có lẽ là điều không tưởng. Vẽ lại chân dung của nó cũng là việc chẳng dễ dàng. Có lẽ nó là một thứ "bản năng gốc" ẩn tàng trong những bộ gene chỉ chờ cơ hội phát lộ. Ở những khu vực văn minh nhất cũng là nơi sản sinh ra những thứ vũ khí tối tân nhằm mục đích hủy hoại sự sống hàng loạt.

Bìa tiểu thuyết "Có tiếng người trong gió".

Sự tiến hóa của cái ác là sự tiến hóa ghê rợn, phản lại loài người nhất. Và những người viết có lẽ thuộc cái khu vực nhỏ bé mong manh đóng vai trò nhắc nhớ và cảnh báo về những trả giá cho những gì trái đạo, phi nhân, dù chúng được làm vô thức hay hữu thức, u mê hay sáng suốt, thẳng tuột huỵch toẹt hay vòng vo, tinh vi nhân danh những điều cao đẹp. Dẫu vẫn biết, nhà văn chống lại cái ác nhiều khi cũng giống như Don Quixote đánh nhau với cối xay gió vậy.

- Đi vào "Có tiếng người trong gió", người đọc rùng mình kinh hãi bởi quy mô, mức độ của cái ác, trắc ẩn thắt nghẹn bởi những thân phận khổ đau, hồi hộp phấp phỏng bởi kịch tính của câu chuyện, bên cạnh đó họ lại được trải nghiệm qua trang sách cuộc phượt đường rừng rất thú vị khi lạc vào một thế giới thiên nhiên xa ngái, kỳ vĩ, hoang sơ, bí hiểm.

Anh đã rất tinh vi khi cấu trúc cuốn tiểu thuyết của mình bằng cách đặt cạnh nhau những không gian xúc cảm khác nhau. Điều tôi hơi tò mò là, có hay không cái gọi là "nguyên mẫu" để anh thả sức tưởng tượng mà tạc dựng nên quần thể không gian Tuyết Sơn Thạch một cách ấn tượng, ám mị đến như thế…

+ Tôi rất mê những phong cảnh kỳ vĩ, rất mê những vùng núi non phủ đầy tuyết trắng nhưng tôi chưa có may mắn được đặt chân đến những vùng như thế. Ngay cả ở Việt Nam, khi Sa Pa có tuyết tôi cũng chưa đến được để trực tiếp trải nghiệm cảm giác tuyệt vời trước sự biến đổi của cảnh quan thiên nhiên. Và tôi cho đó là một... lợi thế.

Bởi điều này khiến biên độ trí tưởng tượng của tôi có thể nới giãn đến vô bờ bến. Câu chuyện của tôi cần một khung cảnh đặc biệt, đẹp mà lặng lẽ, mà buồn đến tê tái cõi lòng. Làm sao không buồn cho được khi mà nó đang ôm chứa, phủ bọc cả một "công nghệ phục vụ cho cái ác", nó đang nuôi nấng, vỗ về những cái chết thanh tân? Nếu có cái gọi là "nguyên mẫu" của "Tuyết Sơn Thạch" hay gì đó trong tác phẩm của tôi thì nó được rút ra từ kết tủa của những run rẩy tận đáy lòng.

- Tôi muốn dừng lại một chút ở vấn đề kịch tính của tác phẩm. Anh có thấy tiếc, có cho rằng mình hơi vội vàng không, khi chưa hết nửa cuốn tiểu thuyết mà đã cởi một cái nút thắt có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc làm nên tính chất "éo le của éo le" của câu chuyện được kể: Phan Phan - cậu trai mới lớn, vị khách làng chơi đặc biệt kia - thì ra không phải là Lục Nhị - đứa con lưu lạc của Bảo Trân (tức kỹ nữ Đoan Đoan của Nghiêm Hoa Lầu - người đã tiếp cậu trai kia)?

+ Trong một cuộc phỏng vấn, một phóng viên đã hỏi tôi rằng, tôi có cho là "Sát thủ Online" thuộc thể loại trinh thám. Tôi đã trả lời, tác phẩm của tôi có yếu tố trinh thám thôi. Tôi không theo đuổi thể loại trinh thám một cách rốt ráo. Tôi thích tính thân phận và việc mổ xẻ tâm lý hơn. Bởi thế, khi triển khai câu chuyện tôi không quá chú ý đến những mẹo mực, thập thò cút bắt, tráo đổi, đánh đu với óc phán đoán của bạn đọc mà mất đi dư vị của xúc cảm.

Tôi chủ trương "lộ hóa" câu chuyện theo một lộ trình tự nhiên, để bạn đọc được đồng cảm trước số phận các nhân vật chứ không phải nín thở xem cuối cùng là gì, và cái ác nhảy múa núp né ra sao. Đấy cũng là cách đánh bài ngửa. Tôi tin rằng, dù đã nắm được nội dung câu chuyện thì bạn đọc của tôi cũng sẽ không dừng lại ngang chừng…

- Trong tác phẩm mới nhất này, anh đã để cho nhân vật của mình phát biểu: "Quả thực ngày nay một cảnh sát cần được trang bị quá nhiều thứ. Những thứ chúng ta biết luôn luôn thiếu…". Cũng có thể nói như thế về những thứ cần được trang bị đối với một nhà văn, trong thời đại của tri thức, của siêu công nghệ ngày nay, nhỉ?

+ Vâng! Tôi với anh đang ngồi bàn về cuốn tiểu thuyết "tâm lý - hình sự" còn ngoài kia người khác đang bàn về dòng Fantasy thời thượng và dự báo sẽ thịnh hành, số khác đang viết ngôn tình, còn một số nhà văn đang đóng cửa tháp ngà để luyện từng viên linh đơn chữ. Nếu có cái gọi là đi thực tế thì tôi rất muốn một chuyến lên vũ trụ, một chuyến xuống đáy biển sau khi đi hết vòng quanh trái đất này. Trước những thứ không, chưa thể thì lại rất nhiều cái có thể.

Tôi có thể lấp đầy những khát khao vừa nói bằng tri thức, bằng công nghệ. Những tiện ích từ cuộc sống hiện đại hỗ trợ rất tốt cho người viết. Cuộc sống không bao giờ là đủ. Tuy nhiên, nếu nghĩ mình thiếu quá nhiều thứ để làm một nhà văn thì có lẽ việc đầu tiên tôi làm sẽ là... ngừng viết.

- Cảm ơn nhà văn vì cuộc trò chuyện. 

Hoàng Hoàng Phố (thực hiện)
.
.
.