Tào Linh: Kỹ sư vô tuyến điện "chơi" màu

Thứ Sáu, 28/03/2014, 17:00

Một triển lãm ấm cúng, nhỏ nhẹ và tự nhiên, chỉ với 17 bức tranh, mang tên "Một bầy lặng im", thu hút sự chú ý của cả những công chúng xem tranh ồn ào. Nhỏ không có nghĩa là khiêm tốn. Nó chỉ bao hàm ý nghĩa một cuộc chơi rất riêng của Tào Linh, không so đo tính toán, không nhìn lên nhìn xuống, không cả có ý định danh mình trong thế giới hội họa nhiều khung và thước khác nhau. Tào Linh chỉ là chính mình.

Học để trở thành một kỹ sư vô tuyến điện, và có nhiều năm tháng làm việc tại Nhà máy Thủy điện Thác Bà, nhưng Tào Linh lại dây dưa với nghệ thuật hơi bị quá đà. Hội họa tưởng như có sức mời gọi anh hơn cả công việc của một người làm kỹ thuật. Và anh cứ âm thầm cầm cọ, như một cuộc trang trải của chính mình, ít khoe nơi đám đông, cũng ít tuyên ngôn rầm rộ, ít tỏ bày. Một tình yêu sâu thẳm và giấu kín, thỉnh thoảng gặp bạn bè chí cốt mới soi ngắm một chút. Và cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của anh ở 39 Lý Quốc Sư cũng là khởi nguồn từ một sự soi ngắm, của người bạn thân thiết, là họa sĩ Lê Thiết Cương.

Một triển lãm ấm cúng, nhỏ nhẹ và tự nhiên, chỉ với 17 bức tranh, mang tên "Một bầy lặng im", thu hút sự chú ý của cả những công chúng xem tranh ồn ào. Nhỏ không có nghĩa là khiêm tốn. Nó chỉ bao hàm ý nghĩa một cuộc chơi rất riêng của Tào Linh, không so đo tính toán, không nhìn lên nhìn xuống, không cả có ý định danh mình trong thế giới hội họa nhiều khung và thước khác nhau. Tào Linh chỉ là chính mình.

Một cuộc đối thoại lặng im. Như cách người họa sĩ ngồi lặng im hàng ngày bên toan và màu hay giấy dó, và tự kể chuyện hay phô bày một đời sống phía trong và phía sau, không cần ai biết và không muốn ai biết giây phút ấy. ''Một bầy lặng im'', cái tên rất gợi, nó bao hàm nhiều thông điệp mà Tào Linh suy ngẫm về đời sống này. Những bức tranh nằm khép mình sau ô cửa ngôi nhà đẹp của họa sĩ Lê Thiết Cương, vừa như muốn trốn biệt cái ồn ào phố xá ngoài kia, vừa như mời mọc. Những sắc màu cũng rất riêng, chìm ẩn, thoảng nhẹ như hương hoa nhài, phải rất tĩnh lặng, rất sâu, rất bóng tối, mới có thể cảm nhận thấy hết.

Tào Linh chơi đầu tiên là với giấy dó. Sê-ri tranh "Một bầy lặng im" của anh là dùng chất liệu mực tàu giấy dó. Những mặt người buồn trong trẻo, xa vắng và khuất nẻo, như trôi mất trong cuộc đời này, mà lại đang như lẩn khuất quanh ta đâu đây. Xem "Một bầy lặng im", thấy có vết xước nhẹ nào đó trong tim ta, như cú đập của một sự thức tỉnh hay lay động, không gọi rõ tên. Tuồng như khi ta cảm thấy ta vắng mặt trong cuộc đời, mà thực ra là ta đang hiện hữu, đang đi, ăn và thở và thực hiện mọi bổn phận nghĩa vụ cuộc đời.

Tào Linh có một trực cảm mạnh, cứ nhìn tranh giấy dó của anh là biết. Nhưng anh cũng cực tỉnh táo và tiết chế, một sự tiết chế không phải cố gắng, mà tự nhiên và đầy nam tính. Vì giấy dó rất dễ mị người sáng tạo. Những vết loang của mực trên giấy có thể phù hợp với đôi tay và trực giác của một nữ họa sĩ nhiều hơn. Tào Linh không lạm dụng sự "loang" mê dụ đó. Anh vẽ những mặt người trên giấy dó nét mảnh mà tỉnh, mà thanh nhẹ, vừa đủ độ để người xem không bị đẩy vào cảm giác chìm, rơi. Những mặt người kể chuyện, đủ làm đau nhức một sâu xa nào đó, nhưng vẫn còn ít nhiều lý trí, đủ để tự vấn một lời đề từ mà như câu hỏi, một bầy lặng im, như cái tên chung của nhiều bức tranh Tào Linh vẽ.

Rời cuộc chơi với giấy dó, đụng vào màu, Tào Linh vẫn trong tâm thế của một người không định danh mình là ai, nhưng chủ động. Vì chủ động mà tự do, theo cách riêng của anh. Không câu nệ vào bất cứ điều gì, Tào Linh chủ động đưa người xem vào thế giới riêng của anh. Những mái phố, dây phơi, hay đơn giản chỉ là cuộc ngẫu hứng của thủy triều tâm trạng, trong bố cục tưởng như lỏng lẻo, mà chặt chẽ, cho người xem một cảm nhận về giai điệu, nhạc tính. Tranh của Tào Linh giống như những bài thơ. Nó có sức gợi. Và thực sự nó gợi nhiều hơn tả và kể.

Xem tranh của Tào Linh tôi cứ có một cảm giác, người ta không thể không im lặng, để nghe cho thấu những ồn ào xung quanh mình. Người ta đi một đám đông đến đó, rồi một cách tự nhiên, người ta phải tách mình ra, mà thấu, và cảm. Một họa sĩ đặc biệt, là tranh của anh ta có thể thôi thúc người xem trở về bản ngã của chính họ. Không vay mượn. Là chính họ, thì những im lặng được lắng nghe…

Tào Linh chắc chắn là cái tên chưa ồn ào, và chắc chắn cũng không ồn ào trong hội họa. Anh vẽ đã lâu, nhưng chưa phải nhiều. Tham gia một vài triển lãm chung trước đó, nhưng "Một bầy lặng im" chính thức là triển lãm cá nhân đầu tiên của anh. Giống như tâm thế tự nhiên của giấy dó, Tào Linh là một bản thể giấy dó. Nghĩa là theo lẽ tự nhiên như đời của giấy dó, không khiên cưỡng, không lên gân lên cốt, không màu mè. Anh cũng không thích nói câu chuyện của nghiệp dư và chuyên nghiệp trong nghệ thuật. Anh chỉ biết nghe tận cùng một tiếng gọi trong mình, là tiếng gọi của màu sắc và hình khối, để kể những câu chuyện cũng là từ rất sâu, sau khi những gì trên bề mặt đã trôi qua hết rồi. Nghĩa là kể đáy một câu chuyện. Mà câu chuyện cũng không đếm xỉa vào những cụ thể. Câu chuyện của tâm trạng…

Trang của hoạ sĩ Tào Linh.

Tôi thích cách Tào Linh nói về sự xem tranh của công chúng, nó rất phù hợp với tư duy của anh trong việc vẽ, mà ta có thể cảm nhận qua tranh anh: "Một số người cứ nói đến tranh, và khi nhìn vào những mảng màu linh loạn của người họa sĩ trên tấm toan, là y như rằng họ sẽ phải hỏi ngay bức tranh "nói về cái gì". Họ đòi phân định phải "hiểu", hoặc "chả hiểu" bức tranh nói về gì. Tôi là người mù nghệ thuật và cả đời sẽ chỉ xem phim Hàn Quốc. Nhưng chính vì thế mà tôi kính ngưỡng nghệ thuật và nghệ sĩ, và sợ hãi hai loại người. Là loại khán giả đòi "hiểu" nghệ thuật. Và loại nghệ sĩ bịp bợm cố giải thích cho khán giả hiểu cái minh triết mà họ bày trong tác phẩm của mình".

Chúng ta có thể bị ngợp vì một vài cái tên, vì độ phủ sóng của nó trong đời sống nghệ thuật chẳng hạn. Và khi đến xem tranh, đôi khi chính cái tên và cảm giác ngợp đó chiếm lĩnh ta, hơn là những xúc cảm từ  chính những bức tranh ở phòng tranh mang lại. Hiệu ứng của truyền thông hay một sự lặp đi lặp lại quen thuộc có nguy cơ đè chết mọi cảm nhận chân thực, nếu người xem không có một bộ lọc tốt, hay một lý trí vừa đủ. Tào Linh không phải một cái tên làm ta ngợp. Tranh của anh cũng không đủ nhiều làm ta ngợp. Và một số bức vẽ anh chơi với màu, cũng chưa thích, về mặt tạo hình mà nói. Nhưng, có một điều rất quan trọng mà người viết muốn nói ở đây, là tranh của Tào Linh có khả năng truyền một cảm xúc rất mạnh. Nó làm ta quên mất kỹ thuật, và thậm chí còn thấy, kỹ thuật không là gì cả. Tranh của Tào Linh đơn giản, là một tiếng gọi, một tiếng thì thầm, trong im lặng… 

Họa sĩ Tào Linh sinh năm 1960, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1983. Là kỹ sư điện, nhưng Tào Linh vẽ nhiều và liên tục. Anh từng có triển lãm chuyên về giấy dó, cùng họa sĩ Bùi Minh Dũng tại Hà Nội, từ tháng 9/1993. Gần đây nhất, tháng 8/2013, Tào Linh triển lãm chung với nhóm Nguyễn Thanh Bình, Hiền Nguyễn, Bùi Tiến Tuấn, Mạc Hoàng Thượng tại Sign Art Salon, Tp HCM.

"Tào Linh đã mấy chục năm gắn bó với giấy dó. Hóa ra chất liệu cũng thuộc tạng tính. Người thì hợp sơn mài, kẻ hợp sơn dầu. Tào Linh và giấy dó gặp nhau là thuận. Trong Tào Linh có giấy dó. Đặc điểm của giấy dó là mong manh, là tình cờ, là dịu nhẹ, là nói thầm, là yên tĩnh. Giấy dó là chất liệu của "nhất khứ bất phục phản", của một đi không trở lại. Được ăn cả ngã về không, xếp quân cờ chơi ván mới chứ không thể sửa chữa. Cứ phải làm lại từ đầu. Tào Linh hài hòa được mầu gạo nếp tự nhiên của giấy dó cùng đặc loãng, loang nhòe, trong đục, khô ướt của mực nho. Thêm vào đó là những lem nhem, dấp dính, lấm tấm ẩn hiện rất riêng mà những người khác chưa khai thác…" (Họa sĩ Lê Thiết Cương nói về tranh của Tào Linh)

Bình Nguyên Trang
.
.
.