Tập Cận Bình Lãnh đạo quyền uy bậc nhất thế giới

Thứ Sáu, 27/10/2017, 15:59
Dù Trung Quốc chưa phải là quốc gia mạnh nhất, nhưng lãnh đạo nước này lại chính là người mạnh mẽ nổi bật thế giới hiện nay, theo đánh giá của tạp chí Economist (Anh) ngày 14-10 vừa qua.


Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) 5 năm/ lần đang diễn ra tại Bắc Kinh sẽ là cơ hội để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tập trung thêm sức mạnh, chuẩn bị cho những thay đổi lớn lao trong phát triển kinh tế - xã hội sắp tới.

Nhân vật duy nhất có sự đồng thuận của 10 chuyên gia

Khi Bắc Kinh sẵn sàng cho sự kiện chính trị lớn nhất, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 vào ngày 18-10, CNN đã khảo sát 10 chuyên gia, đề nghị họ chỉ ra 10 người họ tin có quyền lực nhất ở Trung Quốc.

Tổng cộng, 10 chuyên gia được khảo sát của CNN đã cho ra tới 24 cái tên khác nhau mà họ tin là những người quyền lực nhất Trung Quốc. Và thứ hạng của những cái tên trong danh sách của họ cũng khác nhau. Không một ai được 10 chuyên gia xếp hạng ở cùng một vị trí trong bảng đánh giá của họ về quyền lực tại Trung Quốc, ngoại trừ một người. Đó chính là ông Tập Cận Bình. Cả 10 chuyên gia đều đặt ông ở vị trí số 1 về quyền lực tại Trung Quốc.

Khi CNN đề nghị ông Jeffrey Wasserstrom, giáo sư về lịch sử tại Đại học California, Irvine, bình chọn 5 người quyền lực nhất Trung Quốc, ông nói ông không thể. 

“5 người có quyền lực nhất là người đứng đầu ĐCSTQ, Chủ tịch nước, Tổng tư lệnh quân đội, tác giả của cuốn sách có được vị trí tốt nhất trong các hiệu sách ngày nay, và nhân vật được Nhân dân Nhật báo xem như là nhà bình luận sắc sảo nhất của Trung Quốc về toàn cầu hóa - nói cách khác, đó là ông Tập”, giáo sư Wasserstrom nói với CNN.

Quyền lực nhất 100 năm

Tờ Washington Post từng dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng ông Tập Cận Bình là người “quyền lực nhất” ở Trung Quốc trong vòng 100 năm qua. Không chỉ vậy, tờ Economist còn tin rằng có thể ông Tập là nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới hiện nay.

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đứng thứ hai sau Mỹ, và quân đội nước này gần đây dù cố gắng “tăng cơ bắp” nhưng vẫn còn cách xa Mỹ. Nhưng theo Economist, phần cứng kinh tế và phần cứng quân sự không phải là tất cả. 

Tại sao? Vì ở những nước dân chủ như Mỹ, các nhà lãnh đạo không thể cứ muốn gì là làm nấy. Mọi quyết định của họ đều phải được Quốc hội thông qua, mà để có được điều ấy, trước tiên họ phải được cử tri đồng thuận. Mỹ vẫn là nước mạnh nhất thế giới, nhưng lãnh đạo của họ không thể tùy tiện sử dụng sức mạnh đó.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc đồng thời cũng là người đứng đầu quân đội và đứng đầu đảng cầm quyền (và là đảng duy nhất). Thêm nữa, ông Tập được cho là đang nắm giữ quyền lực tại Trung Quốc lớn hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác kể từ thời Mao Trạch Đông. Không chỉ vậy, Trung Quốc thời Mao là một nước nghèo nàn lạc hậu, trong khi Trung Quốc thời Tập là một cỗ máy tăng trưởng của toàn cầu.

Ngoại tăng lực, nội tăng công

Trong rất nhiều chuyến công du nước ngoài, ông Tập đã tự giới thiệu mình là một sứ đồ hòa bình và hữu nghị, một tiếng nói lý trí trong một thế giới hỗn độn và bối rối. Tại Davos vào tháng 1-2017, ông Tập đã hứa với giới tinh hoa toàn cầu rằng ông sẽ là một nhà vô địch của toàn cầu hóa, thương mại tự do và hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Những lời của ông Tập được chú ý một phần bởi vì Trung Quốc có kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của ông Tập có thể được đặt tên một cách khó hiểu, nhưng thông điệp của nó rõ ràng - hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc sẽ được đầu tư ở nước ngoài vào đường sắt, bến cảng, trạm điện và các cơ sở hạ tầng khác để giúp các vùng rộng lớn trên thế giới thịnh vượng hơn.

Ông Tập cũng lên kế hoạch biến Trung Quốc thành một cường quốc quân sự chưa từng có ở nước ngoài. Năm nay, ông mở căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của nước này ở Djibouti (châu Phi). Ông đã gửi Hải quân Trung Quốc đi thao diễn ở những nơi xa xôi hơn trước đây, bao gồm việc tới “cửa ngõ” của NATO ở biển Baltic cùng với đội tàu của Nga.

Trong nước, ông Tập dường như quyết tâm thắt chặt kiểm soát xã hội Trung Quốc, nhất là bằng cách tăng cường năng lực giám sát của nhà nước và duy trì khả năng kiểm soát của đảng đối với nền kinh tế. Ngoài ra, thông qua cuộc chiến chống tham nhũng mang tên “Đả hổ, diệt ruồi”, ông Tập đã loại bỏ những “cái gai” trong hệ thống chính trị và củng cố thêm quyền lực của mình.

Con trai của tù nhân chính trị

Ông Tập Cận Bình sinh ngày 1-6-1953 tại Bắc Kinh, là con trai cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân, gia đình gốc ở Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây. Khi được 10 tuổi, cha ông bị thanh trừng và gửi đi làm việc tại một hãng xưởng ở Lạc Dương, Hà Nam. Năm 1968, năm ông 15 tuổi, cha ông bị bỏ tù trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Tháng 1-1969, ông tham gia Đại đội Lương Gia Hà, xã Văn An Dịch, huyện Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây. Tháng 1-1974, ông gia nhập ĐCSTQ, sau đó được bầu làm Bí thư Chi bộ Đảng của nhóm sản xuất (1969-1975).

Từ năm 1975 đến 1979, ông là sinh viên Trường đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Từ năm 1979 đến 1982, ông làm Thư ký Văn phòng Quốc vụ viện và Thư ký Văn phòng Quân ủy Trung ương. Sau đó, ông kinh qua nhiều chức vụ cấp cao ở nhiều địa phương khác nhau, là Bí thư Thành ủy Thành phố Thượng Hải.

Ông là Ủy viên Dự khuyết Trung ương ĐCSTQ khóa 15, Ủy viên Chính thức Trung ương Đảng các khoá 16, 17. Tháng 10-2007, tại Đại hội 17 ĐCSTQ, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương; được phân công kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.

Ngày 15-3-2008, ông được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc bầu làm Phó Chủ tịch nước. Ngày 18-10-2010, Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5, khóa 17, ĐCSTQ tại Bắc Kinh đã bầu ông giữ chức Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương - đây là cơ quan chỉ đạo và quyết định mọi hướng đi của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Ngày 15-11-2012, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 18 đã tiến hành phiên họp đầu tiên sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 và quyết định bầu ông làm Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương ĐCSTQ. Ngày 14-3-2013, ông được bầu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc, kết thúc quá trình chuyển giao quyền lực ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ước Lễ
.
.
.