Thế giới "đa sắc" của Đồng Quang Vinh

Thứ Hai, 22/01/2018, 08:17
Tôi cảm giác âm nhạc phủ kín tâm hồn Đồng Quang Vinh và chưa bao giờ anh mỏi mệt với tình yêu đó. Thế giới của anh, một thế giới đa sắc mà ở đó, Đồng Quang Vinh say sưa dẫn dụ mọi người một cách mê hoặc, khi tiếng sáo réo rắt quyện với tiếng piano, khi đàn T'rưng hòa cùng nhạc jazz…

1.Gọi Đồng Quang Vinh là nhà chỉ huy ư, chưa đủ, dù với danh xưng ấy, anh đã là một thương hiệu. Nhưng thế giới của Vinh và đam mê của anh rộng lớn hơn, bởi Vinh khởi điểm từ nghệ sĩ biểu diễn, từ cây sáo trúc.

Vinh không chỉ làm tròn vai của một chỉ huy tài ba, hiểu và lắng nghe từng nhạc cụ Đông- Tây, biết chớp thời khắc cho nhạc cụ tỏa sáng mà anh còn là một nghệ sĩ biểu diễn tài hoa trên sân khấu. Sự đa năng, đôi khi đánh mất bản sắc của một cá tính sáng tạo. Nhưng với Đồng Quang Vinh, sư đa dạng được phát triển trên một nền tảng văn hóa vững vàng lại làm nên một Đồng Quang Vinh đậm chất Việt.

Tôi hỏi Vinh có bao giờ anh ân hận vì đã quay về Việt Nam. Vinh cười, về Việt Nam là điều đương nhiên, dù ở nước ngoài, ngay tại Thượng Hải (Trung Quốc), Vinh có nhiều cơ hội công việc hơn và có thể cuộc sống của anh giàu có hơn. Nhưng con người khi sinh ra đều có một sứ mệnh nào đó, với Vinh đó là sự trở về.

Hai chữ "trở về" với Đồng Quang Vinh thực sự ý nghĩa vì những gì anh có thể đóng góp cho âm nhạc Việt Nam và vinh danh nó trên sân khấu quốc tế. Bắt đầu từ những thử nghiệm đầu tiên đã nhận được những tràng vỗ tay của khán giả khi Vinh chơi "Hành khúc Thổ Nhỉ Kỳ" (vốn được chuyển soạn cho piano) bằng sáo.

Tại sao không, khi thanh âm của các nhạc cụ Việt Nam cũng rất phong phú. Và cứ thế, anh tin con đường mình lựa chọn, bởi âm nhạc, sẽ chạm tới cảm xúc của người nghe khi họ tìm thấy mình trong đó. Những nhạc cụ đơn sơ được làm từ tre, nứa, tưởng như chỉ hợp với không gian mộc mạc làng quê lần đầu được mang lên sân khấu cổ điển sang trọng, chơi cùng dàn nhạc giao hưởng. Những ống tre trúc sáo bé nhỏ, đơn sơ nhưng lại ra những âm thanh có hồn mang đậm chất châu Âu. Đó là một sắc màu mới cho âm nhạc hàn lâm.

Nhưng nếu chỉ đánh vào lòng hiếu kỳ của khán giả thì Vinh không thể đi đường dài, mà ở đó là cảm xúc, là tình yêu của người nghệ sĩ. Thế kỷ XXI là thế kỷ của những cuộc tìm kiếm âm sắc mới, màu sắc mới, hình thức mới cho âm nhạc. Và trong hành trình đó, Vinh đã chạm tới ước mơ của mình.

Đồng Quang Vinh biểu diễn cùng dàn nhạc tre nứa sức sống mới.

Vinh nói rằng, nếu anh không làm thì chắc chắn có ai đó sẽ làm như là một xu thế tất yếu của sự sáng tạo. Nhưng không có nếu như và chỉ có thể là Đồng Quang Vinh bởi từ bé, Vinh đã được tắm trong cái nôi của truyền thống, của bố là NSƯT Đồng Văn Minh và mẹ là nghệ sĩ ưu tú Mai Thị Lai, Nguyên chủ nhiệm bộ môn đàn Tranh của Học viện A nhạc quốc gia Việt Nam.

Chất dân ca, thấm đẫm trong tâm hồn anh từ ngày còn bé, nên dù đi đâu, làm gì, thì anh cũng không bao giờ thoát ra khỏi ám ảnh quê hương của mình. Từ Thượng Hải, Đồng Quang Vinh trở về, mang âm nhạc Việt Nam ra với đông đảo bạn bè quốc tế. Hành trang trong những chuyến lưu diễn của anh là sáo trúc, cây đàn T’rưng…

"Tôi vốn xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ biểu diễn, từ 9 tuổi, bố mẹ đã đẩy tôi lên sân khấu, năm 12 tuổi tôi được đi biểu diễn ở Nhật và thấy khán giả Nhật họ nể phục, cúi chào tôn kính, tôi cảm thấy âm nhạc là cái gì đó tuyệt vời, nó làm mình được tôn trọng hơn và hạnh phúc hơn. Đó chính là động lực khiến tôi yêu hơn công việc của mình.

Tình yêu lớn lên rất nhiều, "đồ chơi" của tôi cũng lớn lên rất nhiều, tôi rất thích khi phương Đông và phương Tây gặp nhau, âm nhạc thú vị như thế, kết nối con người, kết nối tâm hồn. Điều đó không bao giờ mệt cả" Đồng Quang Vinh chia sẻ.

Gia đình hạnh phúc của Đồng Quang Vinh.

2. Ngôi nhà của Đồng Quang Vinh giản dị, nằm trên tầng 5 của một khu chưng cư ở Hà Nội, đồ đạc không có gì nhiều ngoài cây đàn piano của vợ anh, vốn là nghệ sĩ piano, bạn học cùng khóa ở Thượng Hải và theo anh về sống ở Việt Nam và các nhạc cụ tre nứa bày la liệt từ T'rưng, Ching'ram, K'lông pút, Đinh Pá đến Bộ gõ tre nứa, sáo trúc… Cuộc sống giản tiện, ấm cúng.

Chỉ có âm nhạc phủ kín tâm hồn hai nghệ sĩ. Họ trò chuyện với nhau cũng bằng âm nhạc và đôi khi tranh luận cũng từ câu chuyện âm nhạc. Vợ của Vinh là người Trung Quốc, vốn là dân sáng tác, yêu Vinh và yêu Việt Nam, yêu tiếng đàn T'rưng nên theo Vinh về Việt Nam.

Tình yêu của họ, hẳn lớn hơn cả tình yêu và tình tri kỷ, là sự thấu hiểu của hai tâm hồn nghệ sĩ. Vinh kể cho tôi về những chuyến đi, những niềm hạnh phúc vỡ òa trên sân khấu trong những lần thử nghiệm đầu tiên của âm nhạc dân tộc với tre nứa. Khán giả vỗ tay liên tục còn Vinh lúc đó chỉ muốn khóc, vì hạnh phúc, vì anh đang chạm tay vào giấc mơ của mình.

Vinh kể về niềm tự hào từ một gia đình truyền thống, những cây đàn T'rưng cải tiến do chính bàn tay tài hoa cuả bố anh tỷ mẩn làm cho dàn nhạc. Dàn nhạc tre, nứa thế hệ một toàn những người trong gia đình, bây giờ, mỗi người đã có một ngã rẽ khác nhau, và Vinh bắt đầu "Sức sống mới" với những người trẻ. Lịch diễn của Vinh và nhóm khá kín ở Việt Nam, cho các đại sứ quán và các trung tâm văn hóa nước ngoài.

Khi trò chuyện với tôi, Vinh đang chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ, với tư cách là một trong hai đại diện của Châu Á, tham gia hội thảo International visitor leadership project (IVLP) rất nổi tiếng diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Hội thảo đặt ra những vấn đề về vai trò của nghệ thuật, trong đó có đưa âm nhạc vào cuộc sống. Làm thế nào để có được nhiều khán giả hơn, làm thế nào để đưa được âm nhạc Việt nam đến gần hơn với khán giả quốc tế, và ngược lại, đưa âm nhạc quốc tế, đặc biệt, âm nhạc Mỹ đến gần hơn với Việt Nam. Sau hội thảo, Vinh sẽ chơi sáo, chơi đàn T'rưng với nhạc Jazz của Mỹ, một sự hòa quyện chắc chắn sẽ rất thú vị. Đó là cách Vinh giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước Việt Nam.

Sẽ không là sáo rỗng khi nói rằng, anh yêu Việt Nam, yêu âm nhạc Việt Nam và hành trình đi tìm kiếm sáng tạo của anh đó cũng chính là hành trình đi tìm mình, trong cuộc độc hành vô tận của người nghệ sĩ.

Trò chuyện với nhiều nghệ sĩ theo đuổi con đường "độc hành" này, tôi thấy ở họ nỗi cô đơn, đôi khi cả sự mệt mỏi. Còn với Đồng Quang Vinh thì không. Ở anh tỏa ra một năng lượng sống mạnh mẽ, hứng khởi, như lúc nào cũng bắt đầu của một ngày mới.

Anh có thể thức cả đêm viết bài mà không "ngáp". Làm việc quên thời gian. Một thứ năng lượng có sức mê dụ, khiến cô vợ Tây học của anh cũng mê đàn T'rưng, bạn bè ở Nhật, từ anh còn tổ chức một hiệp hội yêu và học đàn T'rưng lên tới trăm người.

Ai đó sẽ mê một anh chàng Đồng Quang Vinh điển trai, tài hoa với cây "đũa thần" chỉ huy dàn nhạc trên sân khấu sang trọng của âm nhạc cổ điển, say sưa vẽ thế giới âm nhạc của mình. Còn tôi, tôi mê Đồng Quang Vinh với những biến hóa trong tiếng đàn t'rưng hay tiếng sáo, dù Vinh chơi cổ điển thì hồn cốt của nó vẫn là Việt Nam.

Dù Vinh là ai và dù Vinh ở vị trí nào, thì Vinh cũng là người Việt với tất cả sự mộc mạc, hồn nhiên, tự nhiên ấy. Đó cũng là cách mà Đồng Quang Vinh đang đi trong hành trình sáng tạo của mình.

V. Hà
.
.
.