Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á:

Thổi ngọn lửa tình yêu cuộc sống vào cộng đồng

Thứ Tư, 08/07/2015, 12:00
Nguyễn Á có nụ cười tươi rói và cặp mắt biết nói. Anh luôn cho người đối diện một cảm giác dễ gần, rất thân thiện, cởi mở. Theo đuổi công việc nhiếp ảnh, vất vả khó khăn trăm bề nhưng Nguyễn Á đã được đền bù xứng đáng, đó là tình yêu của công chúng dành cho mình. Mỗi sản phẩm nghệ thuật được anh tạo ra từ ống kính đều mang một thông điệp hữu ích về cuộc đời.
"Tâm và tài họ là ai"- Bộ sách ảnh của Nguyễn Á được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành - đã truyền một cảm hứng sống lớn cho người xem, dù họ là ai, người già hay người trẻ, người lành lặn hay người khuyết tật. 300 câu chuyện bằng nhiếp ảnh kể về 300 nhân vật, 300 cuộc đời mà Nguyễn Á đã gặp, đã kết nối, đã thâu nhận vào trong ống kính giàu tình yêu của anh. Nguyễn Á chọn nhiếp ảnh để theo đuổi, nhưng đừng nghĩ rằng anh theo đuổi những bức hình đẹp là chính, hay mơ về những giải thưởng nhiếp ảnh là chính.

Thực chất, Nguyễn Á theo đuổi những giá trị cuộc sống, thông qua những bức ảnh thì đúng hơn. Đành rằng đã là nghệ thuật thì không thể không nói đến cái đẹp. Cái đẹp của nhiếp ảnh nằm ở bố cục, ở ánh sáng, đã đành. Nhưng cái đẹp sâu sắc hay cái đẹp cuối cùng phải nằm ở tính nhân văn, ở lòng trắc ẩn của người nghệ sĩ trước cuộc đời, trước con người.

Cái đẹp trong ảnh của Nguyễn Á là cái đẹp của đời thường dung dị, không màu mè son phấn. Cái đẹp không vuốt ve đôi mắt, mà nó khiến người xem phải tự vấn nhiều, dằn vặt nhiều, suy ngẫm nhiều. Đấy là câu chuyện về những con người đã sống, đã vượt qua những thăng trầm, hoàn cảnh riêng, những nghiệt ngã riêng để cống hiến cho cuộc đời, cho xã hội.

Nhân vật trong ảnh của Nguyễn Á rất phong phú đa dạng. Những nghệ sĩ cả đời cống hiến tài năng của mình cho nghệ thuật như GS Trần Văn Khê, nghệ sĩ Y Moan. Những vận động viên thể thao chinh phục mọi thử thách để đem vinh quang về cho Tổ quốc. Những người khuyết tật, những người có hoàn cảnh không may nhưng biết vượt lên trên hoàn cảnh của mình có những đóng góp quan trọng cho xã hội...

Nguyễn Á đã nhiều lần tổ chức triển lãm ảnh ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và cả ở nước ngoài. Những bộ ảnh gây tiếng vang nhất của anh có thể kể "Họ đã sống như thế đấy" kể về những người khuyết tật và những công việc phi thường họ đã làm để vượt lên trên hoàn cảnh của mình, bộ ảnh "Nick Vujicic và những ngày ở Việt Nam", "Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh", "Tâm và tài họ là ai", "Hoàng Sa - Trường Sa - biển đảo Việt Nam"….

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á và bạn gái, vận động viên Vũ Thị Hương.

Ai cũng biết, nhiếp ảnh là một nghề tốn tiền, là cuộc chơi của dân nhà giàu, xông xênh tiền bạc. Nguyễn Á không giàu, anh kiếm tiền cực nhọc từ những công việc liên quan đến nhiếp ảnh, như chụp hình đám cưới, chụp ảnh mẫu, chụp ảnh cộng tác với báo chí, rồi dành dụm tích cóp cho các chuyến đi, các cuộc triển lãm cá nhân. Và thiếu tiền phải đi vay ngân hàng để lo cho triển lãm cá nhân là chuyện bình thường. Làm xong, lại lo cày cuốc trả nợ.

Không ít bạn bè kêu trời, bảo Nguyễn Á khùng quá, anh cứ đâm đầu vào một công việc vất vả lặn lội sương gió mà tiền bạc chả thấy đâu. Nhưng Nguyễn Á chỉ cười. Anh đã chọn con đường như vậy rồi và hài lòng với mình. Làm nhiếp ảnh, đến lúc có cái tên rồi, thì việc gọi nhà tài trợ không khó. Thậm chí có Mạnh Thường Quân sẵn sàng chi tiền tổ chức triển lãm ảnh cho anh. Nhưng Nguyễn Á từ chối, vì anh biết rằng, bên cạnh đó sẽ luôn có những điều khoản khiến anh không được bay bổng tự do hoàn toàn với công việc hay ý tưởng của mình.

Còn nhớ hồi Nick Vujicic, chàng trai không tay, không chân nổi tiếng đến giao lưu với khán giả Việt Nam, do một nhãn hàng tổ chức, tài trợ, thấy Nguyễn Á cầm máy theo chân Nick từ Nam ra Bắc, ai cũng nghĩ chắc anh được tài trợ để làm công việc này. Nhưng thực ra Nguyễn Á bỏ tiền túi để đi theo sự kiện. Anh chụp ảnh Nick và tổ chức triển lãm ảnh, không phải vì "ăn theo" câu chuyện, mà muốn qua ống kính của mình, đưa đến công chúng một thông điệp mạnh mẽ hơn, rằng một người khuyết tật như Nick "đã sống như thế đấy", chúng ta, những người lành lặn hơn, đã sống như thế nào?

Nguyễn Á thường băn khoăn, trăn trở về tình trạng sống thờ ơ, vô trách nhiệm của một bộ phận giới trẻ hiện nay trong xã hội. Đọc báo hằng ngày, anh đau lòng khi bắt gặp chuyện những người trẻ đâu đó ăn bám cha mẹ, bỏ học, chôn vùi tuổi trẻ trong những tệ nạn xã hội, đầu hàng khó khăn, sống ích kỷ chỉ biết bản thân mình. Cũng trên mặt báo, anh gặp những phận người bé nhỏ, khuất lấp, đang hằng ngày chống chọi với nghịch cảnh, với số phận không may, nhưng biết vượt lên chính mình để truyền cảm hứng sống cho nhiều người. Đó là cô bé xương thủy tinh có tài năng ca hát; chàng thanh niên bị liệt vẫn tự học trở thành hiệp sĩ công nghệ thông tin; thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay tập viết bằng chân và trở thành nhà thơ; vận động viên khuyết tật vượt qua những đau đớn âm thầm để giành huy chương...

Nguyễn Á trong chuyến đi tác nghiệp ở Trường Sa.

Mỗi lần gặp một câu chuyện hay, Nguyễn Á lại bắt đầu một hành trình, dù nhân vật ở gần hay ở xa, anh không quản ngại. Đầu tiên là chuẩn bị tiền, rồi tìm cách liên hệ với nhân vật, rồi di chuyển, gặp gỡ, thuyết phục nhân vật cho mình chụp ảnh. Những chuyến đi bằng máy bay, xe đò, xe ôm, ngắn ngày và dài ngày, buồn vì nhân vật không muốn tham gia vào dự án của mình, vui vì những bức ảnh đẹp mang về… làm đầy ắp cuộc sống của Nguyễn Á.

Thực ra thì anh ít bị từ chối, bởi sau khi giãi bày ý tưởng đẹp đẽ của mình với nhân vật, anh thường nhận được sự đồng cảm từ họ. Nguyễn Á tâm sự, có những nhân vật mắc bệnh hiểm nghèo, khi họ đồng ý tham gia vào câu chuyện anh kể, thực tế những ngày còn lại của họ quá ngắn ngủi. Anh vừa bấm máy vừa khóc, xót thương cuộc đời nghiệt ngã, xót thương nhân vật.

Nguyễn Á có một tuổi thơ nghèo khổ. Anh sinh ra trong một gia đình đông con, thủa nhỏ phải phụ cha mẹ làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ bán cơm, cháo thịt, vựa ve chai, bán kem, bán báo. Từ một anh chàng bán báo, Nguyễn Á dần làm quen với chiếc máy ảnh, trở thành cộng tác viên của một số tờ báo. Càng hiểu nghề báo, anh càng đam mê nghề và ao ước muốn dùng ống kính kể chuyện cuộc đời, truyền cảm hứng và mang lại tình yêu cuộc sống cho nhiều người, nhất là thế hệ trẻ. Anh thường quan tâm đến cuộc đời của những người khuyết tật, những người có hoàn cảnh đặc biệt, số phận éo le, đặc biệt khi họ có những cống hiến nổi bật cho xã hội. Tôn vinh họ cũng chính là thổi một ngọn lửa tình yêu cuộc sống vào cộng đồng.

Sau triển lãm ảnh về cuộc sống của những người khuyết tật, có nhiều trường phổ thông và đại học trong cả nước mời Nguyễn Á đến nói chuyện với sinh viên. Với anh, đó là niềm vui không tiền bạc nào có thể sánh bằng. Ở các diễn đàn, trước người nghe là các bạn trẻ, Nguyễn Á chỉ kể lại chân thực câu chuyện về cuộc đời mỗi nhân vật mà anh gặp, những xúc động của anh trước nghị lực phi thường của họ.

Nguyễn Á cho rằng bản thân mỗi cuộc đời đó đã là một bài học sâu sắc, mang chở một thông điệp lớn lao về tinh thần sống, về sự biết ơn với cuộc đời rồi. Những người lành lặn về thể xác nhưng nếu thiếu ý chí vươn lên, dễ dàng bỏ cuộc, vô trách nhiệm với bản thân, gia đình hay cộng đồng, thì ở một nghĩa nào đó, họ cũng là những người bị "khuyết tật".

Nguyễn Á nói, mong ước cao nhất của anh là mỗi người sẽ tự nhìn lại mình sau khi xem xong những bức ảnh, tức là chứng kiến một người đã "sống như thế" và cống hiến cho xã hội như thế. Những phút nhìn lại như vậy, biết đâu sẽ khiến họ thay đổi hành vi sống, chọn cách ứng xử với cuộc đời, với chính mình tích cực hơn, hữu ích hơn.

Những ngày biển Đông dậy sóng, triển lãm ảnh "Trường Sa, Hoàng Sa - biển đảo quê hương" của Nguyễn Á thu hút sự quan tâm của công chúng. Những bức ảnh về biển đảo, về những người lính đang canh giữ đảo xa đã gây một sự xúc động lớn. Nguyễn Á đã có tới 4 lần theo tàu ra Trường Sa. Anh không chỉ mang theo ống kính, mà mang theo một tấm lòng, một tình yêu mãnh liệt dành cho Tổ quốc. Những bức ảnh như tiếng nói của hàng triệu người dân hướng về biển đảo.

Nếu phải nói điều gì đặc biệt hơn về Nguyễn Á, thì chỉ có thể giản dị là, Nguyễn Á- một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một nhà báo luôn mang trong trái tim một ý thức công dân mạnh mẽ. Anh xem GS Trần Văn Khê như người thầy và chịu ảnh hưởng cách sống của thầy, rằng hãy sống và cho đi, nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời, đừng so bì tính toán. Cái đẹp của nghệ thuật nhiếp ảnh, đối với riêng Nguyễn Á, không phải là cái đẹp để ngắm, để treo. Nó là một sự lay động, một sự nâng niu, một sự lan tỏa, và có thể phải là một sự thay đổi nữa, dù cho đó chỉ là một sự thay đổi rất nhỏ, như việc ai đó biết chìa tay ra giúp một người đang gặp khó khăn trên đường.

Nguyễn Quang Hưng
.
.
.