Tôi chọn con đường không có nhiều đối thủ

Thứ Ba, 13/10/2015, 14:33
Phạm Thu Hà không thuộc về đám đông. Ngay từ khi xuất hiện rất muộn ở tuổi 32, Hà đã lựa chọn âm nhạc bán cổ điển. Ba năm và 3 album cho thấy sức lao động không mỏi mệt của Hà đưa công chúng đến gần hơn với nhạc cổ điển. Hà nói, chị sẽ đi con đường đó đến tận cùng, bởi đó là hạnh phúc và máu thịt của chị.

- Vì sao lại là Hà Nội, một đề tài đã quá quen thuộc  và nhiều người lựa chọn. Hà sẽ làm mới mình bằng cách nào?

+ Các ca khúc trong CD "Hà Nội... yêu" gắn liền tên tuổi với mọi người. Và tôi mang đến cho nó một màu sắc mới khi kết hợp với Jazz. Khi tôi sang Mỹ thăm mẹ và em gái, tôi thấy anh rể có một đĩa nhạc tự làm, tự hát, hay quá. Tôi cũng muốn làm một đĩa nhạc về Hà Nội. Anh ủng hộ và mời bạn bè làm cùng. Tôi thấy jazz rất dễ nghe chứ không khó như mọi người tưởng, nó như đời sống tự nhiên của mình vậy. Hà Nội là quê hương thứ 2 của tôi. Tôi có cảm giác nhạc jazz và những ca khúc về Hà Nội là một hòa quyện mà ở đó tôi có thể thể hiện được những cảm xúc của mình. Dòng nhạc tôi theo đuổi là bán cổ điển và cổ điển giao thoa. Âm nhạc cổ điển quá đẹp, vì sao mình không mang nó gần hơn với công chúng.

- Đĩa nhạc này được thu tại Mỹ, do các nhạc công người Mỹ chơi. Những bài hát về Hà Nội, âm nhạc Việt được họ đón nhận như thế nào?

+ Các nghệ sĩ chưa từng chơi một bản nhạc Việt nào. Việt Nam khá lạ lẫm đối với họ nhưng khi giai điệu cất lên, họ đều có một cảm nhận chung là giai điệu Việt quá đẹp, họ chơi với một tinh thần gia đình, không còn khoảng cách. Trong nhóm này có một nhạc công huyền thoại về jazz, nghệ sĩ Henry Franklin là một nghệ sĩ chơi Double Bass rất nổi tiếng. Khi được đề nghị tham gia dự án này, ông ngạc nhiên, vì ông không biết đến âm nhạc Việt Nam. Nhưng khi âm nhạc cất lên, ông rất thích, nó xóa nhòa mọi ranh giới, chỉ còn giai điệu của cảm xúc. Album hội tụ các nghệ sĩ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc gốc Mỹ, cho nên tinh thần của đĩa nhạc rất nhân văn, các nghệ sĩ quốc tế đã cố gắng chơi nhạc một cách gần gụi nhất. Khi album này hoàn thành, họ ồ lên rằng, thật tuyệt vời. Họ đã làm được những điều tưởng như không thể xảy ra. Giọng nữ cao không dành cho nhạc jazz, nhưng với cách hát của tôi thì mọi người thấy cổ điển có thể chơi với jazz. Đó là một thành công.

- Tôi cảm giác đây là một cuộc chơi đầy ngẫu hứng của chị?

+ Đúng là hoàn toàn ngẫu hứng, chỉ trong vòng 2 tháng về Việt Nam chuẩn bị rồi quay lại Mỹ trong vòng 10 ngày để thu album. Cấp tập và bằng sự nỗ lực tối đa vì tôi nghĩ, không quyết liệt, mình sẽ không bao giờ có cơ hội thứ hai. Sang Mỹ trái múi giờ, tôi bị ốm nhưng tôi rất quyết tâm vì không có cơ hội lần hai khi các nghệ sĩ Mỹ bay từ nhiều bang khác nhau về để làm việc. Cho nên, kể cả khi ốm, tôi vẫn phải uống thật nhiều thuốc và tự nhủ mình phải khỏe để thu âm. Trong tôi luôn có ý nghĩ làm một việc gì đó cho Hà Nội. Ý nghĩ đó cho tôi sức mạnh để làm việc.

- Vậy Hà Nội của Hà sẽ thế nào để không bị trộn lẫn vì đã có rất nhiều ca sĩ hát và họ đã hát rất hay về Hà Nội?

+ Mỗi nghệ sĩ sẽ dành cho Hà Nội một tình cảm khác nhau, có người yêu bằng tình yêu cháy bỏng, có người rất đỗi dịu dàng, yêu Hà Nội bằng cách làm đẹp cho Hà Nội. Còn tôi, đến với Hà Nội bằng một ước mơ từ bé khi được bố đưa lên Hà Nội chơi. Rồi tình yêu đó cứ lớn dần lên, từ khi tôi ở ký túc xá trường nhạc, từ những vấp váp khi đi hát ở các quán ăn kiếm sống, rồi những ngày ốm trong bệnh viện, tuyệt vọng vì nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội được hát. Tất cả những điều đó đã trở thành ký ức của tôi dù tôi không sinh ra ở Hà Nội. Dù Hà Nội có sự xô bồ, ồn ã, nhưng Hà Nội cũng giúp tôi mạnh mẽ và tôi hiểu rằng dù sống ở đâu thì con người mình cũng không thay đổi. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì Hà Nội đã cho tôi sự nghiệp, cho tôi cả sự mạnh mẽ và quyết liệt của người phụ nữ từng trải. Vì thế, cả gia đình định cư ở Mỹ thì tôi vẫn chọn Hà Nội để sống.

- Và ở đó, có cả những ký ức buồn của chị?

+ Những ký ức buồn, có thể là những vết thương, đã từng làm mình đau. Nhưng chính những vết thương đó giúp tôi lớn lên, trưởng thành. Tôi đã một lần đổ vỡ gia đình từ khi mình còn rất trẻ nên tôi không có cái nhìn tích cực với cuộc sống. Nhưng đến bây giờ tôi lại cảm ơn những điều đó đã giúp tôi cứng rắn và biết trân trọng những người đang yêu thương mình. Rồi có những thời điểm tôi bị ốm, cô đơn trong bệnh viện, tôi đã tuyệt vọng nghĩ rằng không bao giờ mình có cơ hội được hát. Thời đó, tôi đang học đại học năm thứ 3, tôi phải bỏ 2 năm để chữa bệnh. Anh trai tôi cũng bị u phổi và mất. Sau đó bố mẹ đưa tôi sang Mỹ chữa chạy. Tôi cao số nên qua được. Nếu cuộc sống không nhìn ra phía trước thì mình sẽ lụi tàn, sẽ gục ngã. Đến bây giờ, tôi không còn cảm thấy sợ điều gì nữa. Và luôn cảm thấy mình may mắn.

- Phạm Thu Hà đột ngột xuất hiện năm 2012 và ẵm luôn giải "Cống hiến" năm đó. Nhiều người băn khoăn không biết cô gái này từ đâu đến và lựa chọn một dòng nhạc cũng rất kén người nghe?

+ Nhiều người lúc đó không tin tôi sẽ theo đuổi con đường mình chọn đến cùng. Từ giải "Cống hiến" năm 2012, tôi nghĩ, sau cống hiến mình sẽ làm được gì. Tôi có một định hướng ngay từ bé là lớn lên sẽ làm cô giáo và là một phụ nữ của gia đình. Nếu tôi trở thành một ca sĩ thị trường, tôi không chịu được những áp lực. Tôi chọn cuộc sống bình yên, vừa đi hát vừa chăm lo gia đình. Sống để giữ bình an cho chính mình và gia đình mình. Vì thế tôi chọn con đường không có nhiều đối thủ, không nhiều người ganh đua. Ba năm rồi, khi nói đến bán cổ điển, họ sẽ nói đến Phạm Thu Hà. Tôi cảm ơn nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã đặt viên gạch đầu tiên cho tôi lựa chọn con đường này. Anh nói, con người của tôi chỉ hợp với cuộc sống gia đình và con đường độc đạo tôi chọn. Chính anh Thanh cũng bảo tôi không hợp với showbiz đâu. Vì lẽ đó mà tất cả các sản phẩm sau này, đều có sự kết nối của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh để tôi luôn giữ đúng con đường đi của mình.

- 32 tuổi mới vào nghề. Vì sao chị bắt đầu muộn thế?

+ Nhiều người thắc mắc vì tôi không tham gia cuộc thi nào, bỗng dưng ở đâu ra mà nổi tiếng nhanh thế. Tôi nghĩ, mỗi người chọn một con đường khác nhau, với dòng nhạc cổ điển mà tôi lựa chọn đòi hỏi kỹ thuật hát phải chín muồi. Vì tiêu chuẩn của một ca sĩ hát cổ điển rất khắt khe. Năm 32 tuổi là một năm thiên thời, địa lợi, nhân hòa đối với tôi. Tôi luôn tin, mình có tố chất, có may mắn và có đam mê, mình sẽ thành công. Tôi may mắn vì rơi đúng điểm rơi. NSND Lê Dung là một nghệ sĩ Opera và khi chị mất thì tiếng hát của chị vẫn còn mãi. Con đường của tôi không thể ăn xổi trong vài năm mà là một con đường dài. Đó sẽ là hành trình 30-40 năm nếu tôi đủ sức khỏe. Khi kỹ thuật cuả tôi càng chín muồi, trải nghiệm sống càng nhiều, thì dù tôi sinh con, dù mình có già đi cũng không ảnh hưởng đến giọng hát. Tại sao các ca sĩ thị trường họ phải chạy đua vì họ chỉ có thời. Mỗi người sẽ nhìn cho mình một hướng để lựa chọn. Và con đường của tôi sẽ là con đường rất dài, cái tôi cần gìn giữ là nhan sắc chứ không phải giọng hát.

- Với nhan sắc đó, với giọng hát đó, nếu lựa chọn con đường đại chúng, chị sẽ nổi tiếng hơn? Chị có bao giờ nuối tiếc?

+ Tôi chưa bao giờ nuối tiếc vì mình đã chọn con đường này. Tôi nghĩ có thể mình là người dẫn đường cho các bạn chọn dòng nhạc cổ điển. Sinh viên các trường nhạc  thường loay hoay với con đường âm nhạc sau khi tốt nghiệp. Có thể thành công của tôi sẽ khích lệ họ lựa chọn một lối đi khác, không theo đám đông. Tôi nghĩ, có giọng hát thôi chưa đủ, phải có thanh sắc và đầu tư trang phục, kỹ năng biểu diễn. 

Đã là nghệ sĩ lúc nào cũng phải đẹp, ra sân khấu luôn phải làm mới mình, chứ không chỉ nhăm nhăm mỗi giọng hát thôi. Tại sao các ca sĩ miền Nam giọng không thể tốt bằng ca sĩ Bắc, mà họ nổi như thế. Âm nhạc là những gì đẹp đẽ nhất từ trái tim đến trái tim chứ không phải kỹ thuật đến trái tim. Khi tôi hát, tôi vứt bỏ hết những kỹ thuật được học để hát, bằng cảm xúc, nó tự nhiên như hơi thở. Khi hát mà như nói là chuẩn kỹ thuật nhất.

- Lên sân khấu chị rất chỉn chu và cầu kỳ, trong đời sống chị thế nào? Chị từng có giấc mơ Mỹ và chị có nghĩ mình sẽ trở lại với giấc mơ đó?

+ Tôi sống giản dị, không chạy theo hàng hiệu hay những thứ hình thức. Tôi đã từng sang Mỹ, sau đổ vỡ, tôi tính sẽ định cư cùng gia đình bên đó. Nhưng Mỹ hoàn toàn không bằng Việt Nam. Mọi người cứ nuôi giấc mơ Mỹ, còn tôi, tôi cảm thấy không hợp. Các ca sĩ sống ở Mỹ cũng rất vất vả, không sung sướng như mình nghĩ. Tôi nghĩ, ở Việt Nam là lựa chọn tốt nhất. Và tôi quay về Việt Nam. Đúng là do số phận. Tôi thấy mình phù hợp với cuộc sống yên tĩnh và không bon chen, không màu mè. Được sống ở nơi mình sinh ra, đó là hạnh phúc của đời người.

- Chắc hẳn Phạm Thu Hà phải có sự bảo trợ của một ai đó mới có thể làm nghề và chơi nghề một cách thảnh thơi, ung dung như thế chứ?

+ Tôi có một chỗ dựa lớn nhất là gia đình. Bây giờ cuộc sống của tôi cũng khá bận rộn, rất nhiều lời mời đi diễn. Tiền cát xê đủ cho tôi trang trải cuộc sống và dành cho những dự án nghệ thuật của mình. Giờ tôi rất ung dung đi con đường của mình. Sắp tới tôi sẽ ra album nhạc Phạm Duy. Nhạc sĩ Duy Cường, con trai nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng nếu ông còn sống, ông sẽ vui lắm vì tôi đã tiếp nối tinh thần của cô Thái Thanh khi hát Phạm Duy. Và anh còn nói, với cách hát của tôi, sẽ là bước dẫn đường cho các ca sĩ sau này hát về Phạm Duy, phải hát như thế mới ra âm nhạc của Phạm Duy.

- Liên tục các dự án, chị có nghĩ về một mái ấm gia đình và những đứa con sau những mất mát, đỗ vỡ?

+ Đó là tâm niệm của tôi, đó mới là cuộc sống của mình lâu dài. Hiện tại tôi đang tính đến chuyện đi bước nữa, nhưng giấy đăng ký kết hôn nó không quá quan trọng mà là cảm giác hạnh phúc, yêu thương và hết lòng với gia đình đó. Người đàn ông ấy đã ở bên cạnh tôi 5 năm nay, chia sẻ với tôi những nỗi buồn, niềm vui của cuộc sống. Chúng tôi đã trở thành những tri kỷ của nhau rồi. Việc kết hôn không còn quá quan trọng nữa.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.