Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định:

Tôi chụp cái tôi cảm thấy chứ không phải cái tôi nhìn thấy

Thứ Hai, 05/12/2016, 13:37
Từng lên tiếng phản đối kịch liệt khi quy định cấm người đẹp, người mẫu chụp và phổ biến ảnh khỏa thân, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định là người mang nhiều nỗi trăn trở, đau đáu với ảnh khỏa thân nghệ thuật bởi anh nổi tiếng là người khó tính nhất trong giới nhiếp ảnh lắm lời gièm pha này.


Quy định về việc cấm người đẹp, người mẫu chụp và phổ biến ảnh khỏa thân vừa bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bãi bỏ. Từng lên tiếng phản đối kịch liệt khi quy định này mới ra đời, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định là người mang nhiều nỗi trăn trở, đau đáu với ảnh khỏa thân nghệ thuật bởi anh nổi tiếng là người khó tính nhất trong giới nhiếp ảnh lắm lời gièm pha này.

- Nói tới ảnh khỏa thân, đa số công chúng vẫn có cái nhìn khá khắt khe và không mấy thiện cảm. Trong khi xem ảnh của anh, người ta thấy vẻ đẹp thân thể người phụ nữ hàm chứa nhiều điều cao sâu, thoát tục. Nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao và đoạt hàng trăm giải thưởng quốc tế. Vậy anh có nghĩ ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục là mong manh?

+ Bao nhiêu năm nay ta cứ dùng dằng, lập lờ với ảnh khỏa thân (nude). Cấm cũng không hẳn mà khuyến khích cũng không. Mà buổi giao thời này dễ lẫn lộn các giá trị với nhau lắm.

Người ta nói ranh giới giữa ảnh khỏa thân nghệ thuật (nude art) và dung tục rất mong manh. Tôi e là chưa thỏa đáng. Bởi vì bản thân tôi là người được đào tạo chính thống trong trường nghệ thuật.

Tôi học vẽ nude, nó là một môn trong hội họa. Nó là một nền tảng kinh điển của giải phẫu học về vẻ đẹp. Và tôi đã đưa nó vào nhiếp ảnh, rèn nghề không ngừng trong 20 năm trời.

Ảnh nude là thể loại khó nhất trong nhiếp ảnh. Nhưng được đào tạo chính quy và hiểu về nude có mấy người? Bây giờ, rất nhiều người cứ giơ cái máy lên rồi bảo đó là nghệ thuật.

Họ không hề hiểu gì về nghệ thuật ảnh nude mà cứ nghĩ người mẫu không mặc quần áo là nude. Họ chỉ chụp được cái họ nhìn thấy chứ không phải cái họ cảm thấy. Thế nên số nhiếp ảnh gia được công nhận trong lĩnh vực nude art ở Việt Nam đếm trên bàn tay chưa đủ.

- Nhiều nhiếp ảnh gia rất vất vả để tìm và thuyết phục một người mẫu chịu nude. Hễ có người gật đầu là họ mừng lắm rồi. Riêng anh thì lắm cô mang cả quà cáp, tiền bạc đến năn nỉ xin chụp, anh cũng không nhận. Tiêu chuẩn của anh như thế nào mà người ta bảo anh là siêu khó tính thế?

+ Tôi cũng rất khó nhọc đi tìm người mẫu cho mình đó chứ. Bạn tin không, tới nay số người mẫu của tôi chỉ vỏn vẹn 10 người. Mấy năm nay, tôi đỏ mắt tìm người thứ 11 mà không ra. Nguyên nhân cũng vì tôi chưa bao giờ chụp nude một cách cẩu thả.

Ngoại hình đẹp chưa đủ. Tôi phải hiểu bản chất, tâm lý, tính cách, lối sống... của cô ấy. Cô ấy chụp hình này vì mục đích gì? Cái thứ hai là phải biết được nhận thức của họ về thể loại nude.

Nhiều khi khâu tìm hiểu mất cả năm trời. Nếu họ đủ tiêu chuẩn về mặt thể hình nhưng họ vẫn chưa hiểu biết về giá trị của ảnh nude, về công việc tôi làm thì tôi vẫn không chụp dù họ có nhiều tiền đến mấy. Tôi làm nghệ thuật chứ không phải kinh doanh.

Những người có nhu cầu chụp ảnh để cất riêng cho bản thân như một hoài niệm thì tôi vẫn không thay đổi cách làm việc. Tôi thực hiện tác phẩm theo sự sáng tạo của mình chứ không phải phục vụ theo nhu cầu khách hàng.

Các cô không đạt tiêu chuẩn thường là những người hay yêu cầu tôi chụp theo yêu cầu của họ. Các cô nghĩ cứ show mọi thứ ra, uốn éo đủ thứ mới là đẹp, mới là gợi cảm.

Thậm chí, có cô nghĩ làm càng xấu, càng bậy, càng khoe nhiều chỗ nhạy cảm thì càng nổi tiếng. Đó là quan niệm sai lầm dễ dãi làm ảnh hưởng đến hai chữ nude art.

Ảnh dung tục xuất hiện nhiều vì các tay máy sai ở chỗ họ không cần biết người mẫu là ai. Rồi khi chụp họ lại đưa nhau vào khách sạn vì ở ngoài họ không dám. Làm việc đàng hoàng thì cần gì phải che mắt thiên hạ.

- Vậy là người mẫu của anh không ngại cởi bỏ trang phục trước con mắt "cú vọ" săm soi của nhiều người?

+ Tất nhiên, mình làm chân chính thì không giấu ai, nhất là với những người yêu chuộng cái đẹp và hiểu biết. Tôi chụp ở studio nhưng mỗi lần chụp đều có nhiều người chứng kiến. Đó là người thân, học trò tôi.

Một tác phẩm body painting của nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định.

Chụp ngoài trời cũng có các học trò của tôi phụ giúp. Nhưng để an toàn, tránh ánh mắt của những người thiếu ý thức thì tôi chọn chỗ kín đáo hơn. Cách làm việc của tôi thuyết phục người mẫu đến nỗi họ trút bỏ xiêm y trước nhiều người mà không cảm thấy ngại ngùng.

Đó là cách làm việc chân thật để người mẫu thấu hiểu được việc họ làm, từ đó họ tôn trọng bản thân mình và những người chụp ảnh, phụ việc đang chiêm ngưỡng và tôn trọng cái đẹp, cho họ những bức ảnh tuyệt vời nhất.

Ngay từ trong ý thức, họ đã thoát ra khỏi sự dung tục thì biểu cảm trên gương mặt mới thoát tục. Bạn xem hình của tôi sẽ thấy, gương mặt người mẫu không hề ngượng ngùng dù trước mặt họ có bao nhiêu ống kính, bao nhiêu con mắt.

Hình tượng nghệ thuật có sẵn trong đầu nghệ sĩ và anh ta chỉ việc để người mẫu thể hiện điều đó. Chứ đó không phải là hình ảnh thể hiện cái ham muốn của một người đàn ông trước người phụ nữ khỏa thân. Cái nhìn của tác giả thế nào và bản chất của người mẫu ra sao sẽ thể hiện lên bức ảnh.

Nude phương Tây thường theo văn hóa thực dụng, lý trí. Còn nude của ta là sự huyền bí, kín đáo, khắc khoải... của chiều sâu nội tâm. Tôi ưa chuộng vẻ đẹp Á Đông: mắt đen, tóc đen, da vàng.

Tôi cũng thường chụp phụ nữ có mái tóc dài vì nó có nét Việt Nam. Trong đời, hai lần tôi chụp mà không hề có cảm xúc bởi họ là phụ nữ nước ngoài. Cô gần đây nhất là người Nga, cô hiểu những gì tôi nói và hội tụ đủ các tiêu chuẩn. Nhưng tôi vẫn không sao có cảm xúc với cô. 

- Có nhiếp ảnh gia nổi tiếng nọ bảo rằng mỗi khi đứng trước người mẫu khỏa thân, dù chỉ có hai người, ông luôn là một Đường Tăng - nghĩa là hồn tĩnh tại, không rung động, ham muốn thể xác. Chắc anh cũng không ngoại lệ?

+ Tôi thì ngoại lệ đấy (cười). Vì nói tôi không rung động trước người phụ nữ đẹp khỏa thân trước mặt mình là nói xạo. Là đàn ông, ai không rung động trước cái đẹp, là nghệ sĩ lại càng dễ xao xuyến trước cái đẹp. Nhưng đôi mắt chiêm ngưỡng hoàn toàn khác với đôi mắt cú vọ.

Tôi chiêm ngưỡng, rung động trước cái đẹp nhưng không hề có ý muốn chiếm hữu nó. Bạn thử ví cái đẹp ấy như đóa hoa khoe sắc bên đường, tôi là khách lữ hành đứng từ xa mà ngắm, mà trầm trồ rồi ghi lại vẻ đẹp ấy bằng bức ảnh, bằng xúc cảm của mình.

Nếu chỉ vì ý thích chiếm hữu nhất thời, tôi sẽ ngắt đóa hoa và chắc chắn nó sẽ chóng héo tàn. Chưa kể sự chiếm hữu khiến mình mang nhiều day dứt, ảnh hưởng đến gia đình, cuộc sống của mình.

- Không tìm được cô người mẫu thứ 11, vậy lâu nay anh làm gì?

+ Ngừng chụp ảnh khỏa thân thì tôi vẫn vẽ và chụp hình thiên nhiên, hoa cỏ. Điều làm tôi bức xúc nhất là nhiều bức vẽ của tôi đang bị sao chép và bán la liệt ở các tiệm tranh và gallery.

- Một nền nghệ thuật muốn phát triển phải có công chúng của nó. Nhưng công chúng của nude art quá ít ỏi. Theo anh, làm thế nào để công chúng hiểu được loại hình nghệ thuật độc đáo này?

+ Nhắc tới ảnh nude, chúng ta cứ dùng từ nhạy cảm. Nhưng nên nhớ từ thời Pháp thuộc, định kiến xã hội cực kỳ nặng nề vậy mà nước ta đã có ảnh khỏa thân rồi. Và nó tồn tại đến bây giờ. Vì chúng ta không công khai, cứ úp mở nên hiểu biết về ảnh nude của công chúng bị giới hạn hoặc còn lẫn lộn.

Kẻ khác thấy vậy lạm dụng nó cho những mục đích khiêu dâm, PR đánh bóng tên tuổi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Những người làm bậy đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không thể vì vậy mà bóp chết một bộ môn nghệ thuật.

Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định (giữa) trong một lần đi tác nghiệp cùng bạn bè.

Muốn thấy cái xấu thì phải chứng minh được cái đẹp cho cộng đồng, để người ta còn có cái mà so sánh. Phải có những buổi triển lãm ảnh nude với những đánh giá, phân tích về chuyên môn và tuyên truyền rộng rãi để công chúng biết đâu là chuẩn.

Còn cái nào không chuẩn thì là làm bậy thôi. Bạn không cho triển lãm thì họ thường xem mấy hình dung tục trên mạng.

Sau đó, cứ  hình nào không mặc quần áo thì họ cho là dung tục hết. Hình nude nghệ thuật và dung tục có hình tướng giống nhau về mặt thể hiện nhưng khác nhau về mặt kỹ thuật, thông điệp...

- Riêng những người thân trong gia đình anh thì sao? Họ nhìn nhận ra sao về công việc của anh?

+ Tôi rất hạnh phúc khi gia đình mình hiểu và trân trọng tác phẩm cũng như điều tôi làm. Có rất nhiều hình nude mà người mẫu chính là vợ tôi. Trong số đó có bức đã đoạt giải tôi đem treo khắp nhà, gia đình tôi đều công nhận là đẹp.

Con tôi mới lớn, nhưng tôi không ngại vì đó cũng là cách giáo dục con biết đâu là cái đẹp, cái chuẩn mực. Nhờ đó, nó ý thức và không tìm xem ảnh xấu trên mạng.

- Xin cảm ơn anh!

Mai Quỳnh Nga (Thực hiện)
.
.
.