Ca sĩ Tuấn Hiệp:

Tôi có niềm kiêu hãnh ngầm của người nghệ sĩ

Thứ Tư, 23/12/2015, 11:00
Tuấn Hiệp xuất hiện khá nhiều trong những đêm nhạc của các nhạc sĩ Thanh Tùng, Nguyễn Ánh 9, Ngô Thụy Miên… Không phải là cái tên để bán vé, nhưng giọng hát Tuấn Hiệp với những bản nhạc tình đã chạm tới trái tim người nghe bởi lối hát giàu cảm xúc và trí tuệ. Trong giới gọi anh bằng cái tên ưu ái: chàng lãng tử của những bản tình ca. Còn Hiệp thì khiêm tốn, đơn giản, anh đang theo đuổi đến cùng đam mê của mình…

- "Cuộc tình đó"là Album thứ 8 của ca sĩ Tuấn Hiệp, đánh dấu một chặng đường miệt mài của anh. Có vẻ như Tuấn Hiệp đang cố tình làm sang nhạc sến hay anh hạ tông để phù hợp với đám đông thị hiếu?

 + Tôi nghĩ, trong âm nhạc, không có sang hay sến. Ngay cả những tác giả lớn như Phạm Duy, Anh Bằng, được xếp vào dòng tân nhạc, thì họ cũng có những bài sến. Nhưng thực ra, trên sân khấu, sang hay sến nó không còn quá quan trọng nữa, bởi những bài nhạc tình là những bài hát về tình yêu, mà trong tình yêu thì làm gì có sang hèn. Tôi nghĩ quan trọng nhất là ý thức nghe nhạc, một dòng nhạc sang bằng đĩa lậu, bằng USB thì làm sao gọi là sang được,  sang trọng là ở cách thưởng thức, mua những đĩa nhạc tử tế để nghe.

Bây giờ rất nhiều người tìm đến dòng nhạc Bolero, các ca sĩ hải ngoại như Tuấn Vũ, Chế Linh về Việt Nam, giá vé vẫn ngất ngưởng đấy thôi. Theo tôi, dòng nhạc tình, nhạc xưa đã có một vị trí trong đời sống, những giá trị đã được khẳng định qua thời gian. Không có âm nhạc sang hay sến, mà chỉ có người thưởng thức sang hay không sang thôi.

- Nhưng nghe Tuấn Hiệp hát nhạc tình rất say đắm, phải ở độ tuổi này, phải mê đắm với nó đến độ nào mới đạt tới những cảm xúc đó?

+ Tôi nghĩ, theo đuổi dòng nhạc xưa điều quan trọng nhất là phải có tâm hồn. Cuộc sống không tránh khỏi những tác động bên ngoài, nhưng mình phải giữ cho tâm hồn mình sạch, tràn đầy tình yêu thương cuộc đời này. Hát nhạc tình là một cách mình đi tìm một tâm hồn yêu thực sự, không dễ giải được, vì dễ giải hát sẽ trôi tuột, không chạm tới trái tim khán giả.

- Tôi biết, Tuấn Hiệp đã dám từ bỏ những giấc mơ danh vọng để theo đuổi đến cùng con đường của mình. Một mình một đường, anh có bao giờ thấy mỏi mệt?

+ Tôi đi một mình một cách chuyên nghiệp. Tôi nghĩ điều quan trọng là mình có đủ kiên trì, đam mê và tâm hồn để theo đuổi đến cùng con đường của mình hay không. Muốn theo dòng nhạc này đôi khi phải hy sinh. Tôi đã phải từ chối những lời mời của truyền hình, bỏ rất nhiều talk show để tạo cảm giác mình không hát nữa, tôi phải thay đổi tư duy, cách hát của mình. 

Hát nhạc tình như đang trò chuyện, nghĩ mình hát là thất bại. Mỗi bản nhạc là một câu chuyện các nhạc sĩ kể lại những cuộc tình, một không gian hoài niệm nào đó. Không gồng mình lên mà hát được. Tôi được đào tạo cơ bản về thanh nhạc, những năm ở trong quân đội, tư duy và lối hát nặng về tính học thuật. Tôi đã phải chấp nhận từ bỏ tất cả để đi một con đường khác, phù hợp với tâm hồn mình.

- Đôi khi ca sĩ hát nhưng tâm hồn họ nằm ngoài bài hát, còn Tuấn Hiệp, anh cất công tìm hiểu và cảm bài hát khá tinh tế với những bản phối văn minh. Điều gì giúp anh có được điều đó?

+ Những bài hát xưa, phù hợp với tâm hồn người Việt, thích hoài niệm, thích những gì xưa cũ, nó có những giá trị lịch sử nhất định. Khi hát một bài hát nào đó mà có những ca từ, hình ảnh không hiểu tôi phải tìm hiểu bằng được. Trong Album mới này, có bài hát "Thành phố mưa bay", tôi phải đặt chân lên Đà Lạt để cảm được không gian đó trong một buổi chiều se lạnh, để thấm bài hát.

Tôi nghĩ, đời sống của nhạc xưa là mãi mãi, vĩnh cửu. Dù ca sĩ đã nổi tiếng thì rồi họ cũng tìm về dòng nhạc này. Từ các ca sĩ thị trường như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên đến các ca sĩ lớn như Thanh Lam, Tùng Dương đều hát tình ca. Thế nên, tình ca có đời sống và sự quyến rũ riêng của nó. Tôi đang sống trong một thời điểm âm nhạc nghệ thuật không được đặt lên hàng đầu, mà kinh tế được đặt lên hàng đầu. Tôi đâu phải là gương mặt để bán vé, nên tôi không phụ thuộc vào ai. Âm nhạc không phải là chỗ để đánh bóng tên tuổi của mình. Mà đó là nơi tôi được sống với cảm xúc chân thật nhất.

- Hiệp có buồn không, khi nhiều người cho rằng, với gương mặt đó, giọng hát đó, anh sẽ nổi tiếng hơn bây giờ?

+ Tôi hiểu điều đó, ca sĩ ai cũng cần sự nổi tiếng, nhưng đó là con đường tôi lựa chọn, cứ chậm rãi mà đi, kiên định mà đi. Ca sĩ thị trường họ phải nhanh, gấp gáp để chạy đua với thị trường, họ phải tạo scandal để công chúng biết tới mình. Còn dòng nhạc tôi theo đuổi nó len lỏi trong đời sống, thầm lặng hơn, nhưng nó bền bỉ. Tôi không quan tâm đến chiêu trò, nhưng rõ ràng có những tính toán khoa học cho công việc của mình. Tôi không quá định kiến với chiêu trò, quan trọng là văn hóa của người làm chiêu trò.

- Tuấn Hiệp thực sự đang theo đuổi điều gì?

+ Tôi nghĩ, giá trị cốt lõi, giá trị văn hóa và niềm kiêu hãnh ngầm của người nghệ sĩ, tất cả những điều đó mới đáng quý. Tôi không theo đuổi sự nổi tiếng mà đằng sau đó là những dấu chấm hỏi. Ở tuổi tôi, không thể làm bằng mọi giá để nổi tiếng, vì tôi còn có gia đình, các con tôi và giá trị cốt lõi của bản thân nghệ sĩ. Tôi được lớn lên trong một gia đình tử tế, có văn hóa, đó là chiếc áo mà tôi luôn giữ cho mình. Nhiều khi cũng muốn làm mọi thứ tung trời lên, cho thỏa mãn cá tính của mình, nhưng một người tỉnh táo và thông minh là phải biết ghìm chân mình lại.

- Nhìn nhận lại con đường độc hành của mình, Tuấn Hiệp có nghĩ mình đã thành công?

+ Là một nghệ sĩ, tôi cần khoảng trời tự do, bay trong những giấc mơ của mình. Tôi còn nhớ đó là thời điểm năm 2006, tôi bắt đầu một con đường mới của mình. Khó khăn chứ, chông gai chứ, vì tôi chỉ có một mình. Nhưng tôi không ân hận, tôi đã đi theo tiếng gọi của tâm hồn mình, sống trọn vẹn với nó. Tôi không nuối tiếc điều gì. Nhưng tôi đã lao động tương đối vất vả, phải tự lo, một mình một đường. Tôi đã chủ động chọn một cánh cửa hẹp đó là theo đuổi dòng nhạc xưa. 

Âm nhạc như chốn nương náu cho tâm hồn mình. Tôi không thể sống trong sự xung đột về cảm xúc, ngày có thể hát nhạc đỏ rồi đêm về hát nhạc tình. Tôi quá đam mê và yêu dòng nhạc này,  có thể như thế là cực đoan, nhưng không sao, miễn là mình thấy vui với những lựa chọn của mình.

Nhiều bạn bè đến chúc mừng Tuấn Hiệp ra album mới.

- Hát nhạc tình đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết nuôi dưỡng cảm xúc của mình. Tuấn Hiệp làm thế nào để dung hòa được điều đó?

+ Cảm xúc không tự đến, trong đời sống bon chen hôm nay, cảm xúc rất dễ mất mát, tổn thương. Vì thế tôi phải học cách nuôi dưỡng tâm hồn mình. Nhiều người không hình dung ra một hình ảnh Tuấn Hiệp ngày đi đá bóng, chạy hùng hục trên sân cỏ, còn đêm tối trên sân khấu tôi hát những bản nhạc tình. Đó là cách cân bằng cuộc sống của tôi.

- Là học trò của NSND Quang Thọ, với một giọng hát tốt, được đào tạo bài bản, nhưng Tuấn Hiệp dường như vẫn chọn sự an toàn, ít đột phá, thay đổi trong khi đời sống âm nhạc đã khác rất nhiều?

+ Mỗi người có một đam mê và lựa chọn riêng của mình. Tôi lựa chọn dòng nhạc tình cho con đường đi của mình. Tôi nghĩ, đó là một kho tàng vô tận, tôi làm bao nhiêu album cũng không hết được. Mỗi bước đi của mình là một bước khẳng định, cho đến khi nào, nói đến Tuấn Hiệp là nói đến dòng nhạc xưa, tôi mới nghĩ đến những lựa chọn khác nữa. Dòng nhạc này càng đi, càng khám phá càng thấy bao la, tôi sẽ gắn bó với nó mãi. Bởi những tác phẩm mê hoặc mình, cứ văng vẳng trong mình cả cuộc đời. Tâm hồn mình thuộc về nó thì không thể rời xa. Tổ nghiệp cho mình cơ may đi theo con đường này, mình không làm có khi mình có tội.

- Đời sống âm nhạc dữ dội, nhưng ngoài đời Tuấn Hiệp là người tỉnh táo, kín tiếng. Tôi thấy Tuấn Hiệp làm nghề khá thong dong, chắc cát xê phải cao lắm?

+ Chính sự dữ dội trong cảm xúc của những bản tình ca đã giúp tôi cân bằng trong đời sống. Không thể lấy những cảm xúc trong âm nhạc để đưa vào đời sống thường ngày của mình được. Tôi làm nghề thong dong vì tôi không theo đuổi cuộc sống hình thức, ca sĩ khi ra đường là phải xe nọ, áo kia. Ngoài đời sống, tôi giản dị như bao nhiêu người. Tôi chỉ quan tâm đến hình thức khi lên sân khấu, vì mình phải đẹp để tôn trọng khán giả. Cuộc sống của tôi đơn giản lắm, thấy đủ là đủ thôi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.