Đạo diễn Việt Tú:

Tôi không đánh nhau với cối xay gió

Thứ Sáu, 23/06/2017, 10:19
Việt Tú đã gây sốc với người xem khi trình làng vở thực cảnh đầu tiên của Việt Nam “Thủa ấy xứ Đoài", lộng lẫy, chân thực và xúc động. Nhưng Việt Tú không coi đó là đỉnh cao trong sự nghiệp mà chỉ là thành tựu của một người luôn đi tiên phong và dám thách thức với cái mới.


Anh khẳng định: "Tôi luôn tỉnh táo với những thứ tiên phong của mình chứ không đi đánh nhau với cối xay gió".

Muốn người nước ngoài đến Việt Nam để xem "Thủa ấy xứ Đoài"

- Đến bây giờ, khi hồi tưởng lại vở diễn, tôi vẫn còn cảm giác run rẩy, xúc động. Còn anh, hành trình 2 năm thai nghén, dựng vở, hẳn có quá nhiều chuyện để nói?

+ Đó là một câu chuyện khá dài kỳ. Ý tưởng làm show diễn kiểu như thế này đã xuất hiện trong đầu tôi vài năm trước, nhất là sau kỳ Olympic ở Trung Quốc, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã dàn dựng với diễn viên quần chúng của ông ấy, tôi tự hỏi tại sao cùng chất liệu dân tộc, mà Trương Nghệ Mưu làm ra những sản phẩm đẹp, gây sốc về thị giác như thế.

Và sau một thời gian đi về hướng Tây, đến các trung tâm văn hóa lớn ở New York, London, tôi cảm thấy nó không còn mới lạ và thách thức với mình về mặt sáng tạo. Và tôi quyết đi về hướng Đông, Butan, Nepal, Trung Quốc, tôi phát hiện ra các nước đó đang đi trước mình một bước, họ đã làm những chương trình văn hóa lớn để quảng bá văn hóa đất nước của họ.

Tôi tự hỏi tại sao mình không làm gì đó từ văn hóa của Việt Nam, vốn dĩ rất nhiều thứ thú vị và sản phẩm đầu tiên là "Tứ phủ". Còn mối duyên với Sài Sơn và vở thực cảnh này bắt đầu từ một đề nghị của ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tập đoàn Tuần Châu khi anh dẫn tôi về xứ Đoài và muốn làm gì đó về văn hóa Việt. Và tôi nghĩ sẽ làm về văn hóa Việt nhưng phải làm cái gì đó vừa quen vừa lạ.

- Và anh chọn rối nước làm cái cớ, nhưng ở đây là sự đánh tráo khái niệm, mặt rối hồn người tạo nên những ẩn dụ thú vị, sinh động. Có phải duyên cớ ''con nhà nòi'' khiến anh lựa chọn?

+ Tôi nghĩ nếu chỉ làm rối nước thôi thì đơn giản quá, chẳng có ai bỏ công đến xứ Đoài để xem. Vô tình nghệ sĩ Chu Lượng cho tôi mượn cuốn sách "Mặt rối hồn người". Chìa khóa được mở ra, tôi xây dựng câu chuyện về đời sống sinh hoạt của làng quê Bắc Bộ, đánh tráo khái niệm, mặt rối hồn người để dựng lại không khí sinh hoạt đó. Và tuyến truyện bắt đầu hình thành.

Tôi mượn kịch mục của rối nước, lấy những đoạn như "Cáo bắt vịt", "Nông nghiệp cấy cày", "Chim loan phượng", "Vinh quy bái tổ", "Hội làng"… và dựng lại câu chuyện, mở màn là nắng sớm, ngày mới ra đồng, sau đó đến trẻ con hát đồng dao, cảnh câu ếch giới thiệu hai nhân vật chính, cấy cày nông nghiệp, sinh hoạt hằng ngày của người Việt, câu chuyện được xâu chuỗi bằng tình yêu của chàng trai và cô gái.

- Vì sao tự làm khó mình và chọn con đường mạo hiểm  khi đưa 140 người nông dân lên sân khấu?

+ Thực tế tôi có thể chọn con đường dễ dàng hơn, dùng diễn viên chuyên nghiệp. Nhưng như thế sẽ không chạm tới cảm xúc người xem. Cái quan trọng là cảm xúc.  Nó là sự xúc động, cái gì mình cũng làm fake thì thua rồi, vì như thế là kịch chứ không phải vở thực cảnh. Tôi muốn những người nông dân tự kể câu chuyện của mình.

Trong suốt một năm qua, tôi luôn bị ám ảnh, đôi khi như là ác mộng vì những khó khăn mình phải đối mặt. Những người nông dân, họ như tờ giấy trắng, rất khó khăn để bắt đầu. Nhiều chuyện bi hài kịch, cười ra nước mắt. Đi được1/2 quãng đường thì rụng mất 40% người, một cô xin nghỉ đi làm thợ cắt tóc, một ông bị vợ bỏ 52 tuổi còn đòi sang Campuchia lập nghiệp, một bà có bầu, xin nghỉ dở chừng…

Nhưng người kể chuyện chính là nông dân và tôi phải kiên định với điều đó mới tạo nên sự xúc động cho khán giả. Áp lực lớn nhất là biến 140 người nông dân thành nghệ sĩ mà họ vẫn giữ được sự trong sáng, hồn nhiên, động tác phải thuần thục nhưng không bị biến thành rô bốt mà vẫn có sự run rẩy của cảm xúc.

- Trước anh, đạo diễn Thủy Ea Sola với "Hạn hán và cơn mưa" đã đưa người nông dân đi lưu diễn khắp châu Âu? Anh có mong muốn đó không với " Thủa ấy xứ Đoài"?

+ Tôi rất ngưỡng mộ chị Thủy Ea Sola nhưng mỗi người có một giấc mơ của mình. Tôi mơ những người nông dân trong tác phẩm của mình biểu diễn trên chính quê hương mình và thu hút người xem khắp thế giới đến Việt Nam vì họ nghe ở Việt Nam có một vở diễn rất hay. Tại sao không? Đó là mục đích chính của tôi. 

Luôn quan trọng cái "đầu tiên"

- Lý do gì để anh làm một "Tứ phủ" sang trọng, dùng thủ pháp nhập vai và dùng ngôn ngữ đến "Thủa ấy xứ Đoài", giản dị, thô mộc và kiệm lời, dù cả hai đều kể câu chuyện về văn hóa Việt?

+ Trong sáng tạo, tôi luôn nghĩ mình làm gì đó phải mới hơn. May mắn vì các kế hoạch thường đến sớm và tôi có thời gian cho công việc của mình.  "Tứ phủ" là tái hiện một nghi lễ tâm linh trên sân khấu, còn " Thủa ấy xứ Đoài" là sự tái hiện cuộc sống, đó là sự khác biệt.

- Anh là người tiên phong đưa phương Tây vào các tác phẩm của mình và đã rất thành công. Thế nhưng bây giờ, anh lại quay về phương Đông?

+ Tinh thần phương Tây đầu tiên trong tác phẩm của tôi là "Nhật thực" của Hà Trần, rồi sau đó đến vở thời trang "Cơn ác mộng của người thợ may". Sau này tôi dần dần chuyển hướng, đó là một hành trình rõ ràng, bắt đầu là sản phẩm của cô Như Hoa, hát bài "Mưa xuân", rồi đến "Ngẫu hứng sông Hồng" do diva Hồng Nhung thể hiện có những thể nghiệm phương Đông gây tranh cãi trong chương trình "Bài hát yêu thích".

Đó là những thể nghiệm cho những điều tôi theo đuổi. Và rõ ràng nhất của tinh thần phương Đông là "Tứ phủ" và "Thủa ấy xứ Đoài". Tôi quay về hướng Đông bởi mình là người châu Á, người Việt Nam, tôi muốn làm gì đó về văn hóa Việt.

 - Khát vọng làm một tác phẩm lớn như "Thủa ấy xứ Đoài" không chỉ có mình anh. Anh có nghĩ là mình may mắn khi có được cơ hội này?

+ Nhiều người hỏi tôi rằng, sao anh cứ quan trọng cái "đầu tiên", tôi quan trọng chứ, tôi làm vì điều đó mà, chạy đua với thời gian và dành năng lượng cho điều đó mà. Với nghệ sĩ sáng tạo cái đầu tiên rất quan trọng và có giá trị. Như khi làm "Nhật thực", tôi nói với Hà Trần, tôi sẽ là người đầu tiên làm nghệ thuật đương đại trong một show diễn cho bạn. Hà lo lắng, liệu có làm được không? Rồi đến vở thời trang.

Câu hỏi đó luôn là một thách thức hiện hữu với những thứ tôi làm. Đến khi làm vở thực cảnh đầu tiên, tôi lại hỏi, có làm được không? Tôi coi đó là cột mốc chứ không phải là đỉnh cao, vì tôi sẽ làm nhiều thứ nữa. Tôi từng có cảm giác không làm được gì hay hơn nữa sau "Nhật thực".

Nếu không vượt qua được cảm giác đó mình mãi mãi ở trong hố đen của sự sáng tạo và bế tắc. Bạn thấy, những nghệ sĩ lớn trên thế giới, họ chưa bao giờ dừng sáng tạo. Tôi coi “Tứ Phủ”, “Thủa ấy Xứ Đoài” là những viên gạch tạo ra con đường đi về hướng Đông của mình.

Làm văn hóa một cách "có văn hóa"

- Việt Tú đã thành công với "Tứ phủ" khi biến văn hóa thành một sản phẩm du lịch và bây giờ đến ''Thủa ấy xứ Đoài'', theo anh, điều cốt lõi của hành trình đó là gì?

+ Là phải làm văn hóa một cách văn hóa, văn hóa địa phương nhưng ngôn ngữ phải toàn cầu. Nếu chúng ta không định tính, định danh, định nghĩa được mình trên bản đồ thế giới thì không thể tồn tại được. Tôi trọng tính cảm xúc, đôi khi không cần hiểu mà chỉ cần cảm, một tác phẩm phá bỏ mọi ranh giới về tuổi tác, ngôn ngữ.

 Một cảnh trong vở '' Thuả ấy xứ Đoài''.

Đó là những ngày lê la đi qua nhiều quốc gia, xem bảo tàng, nhạc kịch, nó ngấm vào mình và tôi  nhận ra một điều, muốn ra toàn cầu phải đi từ  chất liệu địa phương và cách làm phải toàn cầu. Ở Việt Nam khá nhiều người làm và khá nhiều thất bại, tại sao nó hay mà không đến được với người xem, đó chính là rào cản ngôn ngữ và phải phá bỏ rào cản đó để ai cũng hiểu được.

- Thực tế đã có khá nhiều thử nghiệm với xẩm, chèo nhưng đều thất bại. Anh nghĩ vở này sẽ được đón nhận thế nào và có đáp ứng được tính thương mại không?

+ Ở góc độ của tôi là người làm nghệ thuật thì đây là một tác phẩm văn hóa, còn với nhà đầu tư, đó là sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch nước ngoài về Việt Nam. Tiềm năng của nó phải chờ thời gian. Tôi rất tự tin về tiềm năng của tác phẩm này. Tôi tin du khách toàn cầu sẽ đến với vở diễn. 

- Sau một năm rưỡi vận hành với ''Tứ phủ'', anh đánh giá thế nào về mặt thương mại của tác phẩm này? Và anh rút được kinh nghiệm gì?

+ "Tứ phủ" đang đi trên con đường như tôi mong muốn, có nhiều đoàn khách nước ngoài ở khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam xem. Với những sản phẩm này không ăn xổi được mà phải là sự đầu tư dài hạn. Bằng thời điểm này năm ngoái có 10-15 người là vui lắm rồi còn bây giờ, 50-60 người còn buồn.

Bây giờ căn mốc thời điểm năm rưỡi, tôi thích xây dựng hệ thống của tôi, vận hành theo cách của tôi nhưng mình cũng không mù quáng nhảy vào đánh nhau với cối xay gió, chói lòa lên rồi tắt lịm. Bên cạnh đó tôi cũng được nhiều kinh nghiệm từ "Tứ phủ" cho "Thủa ấy xứ Đoài", hạn chế tối đa các rào cản ngôn ngữ, tăng ngôn ngữ cơ thể, âm nhạc, hạn chế nói.

- Động lực nào khiến Việt Tú vẫn không ngừng nghỉ trong hành trình tiên phong của mình?

+ Động lực lớn nhất là sự tự ái của người nghệ sĩ, phải có tác phẩm để lại dấu ấn. Mỗi sáng ngủ dậy, tôi vẫn tự hỏi mình, phải làm gì mới. Song song với nó là nỗ lực của cá nhân. Đó là một thử thách vì quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ rất cô độc, nếu không vượt qua được cảm giác đó, sẽ không thể sáng tạo.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.