NSƯT Việt Anh:

"Tôi là một nghệ sĩ đầy ngẫu hứng"

Thứ Hai, 31/08/2015, 07:00
Giám đốc Nhà hát Kịch 5B cho hay, trong mọi hoàn cảnh, anh luôn diễn bằng bản năng và vốn sống của người nghệ sĩ. Việt Anh quan niệm sự giả tạo trong cách diễn cùng việc chạy theo doanh thu và trào lưu giải trí đang dần giết chết nghệ thuật.

- Là giám đốc một sân khấu kịch có tiếng tại TP Hồ Chí Minh, anh có ngại khi thường xuyên đi đóng phim?

Thực ra làm Giám đốc Nhà hát Kịch 5B là do tôi bị ép. Nếu muốn làm quản ly, tôi đã làm cách đây 20 năm. Tôi chỉ làm để giữ chỗ cho người khác chờ thời gian lên. Thời điểm đó, chưa có ai đủ điều kiện để lên chức giám đốc. Tôi chỉ đảm trách chuyên môn, còn nhân sự, hành chính, ngoại giao có người khác lo.

Đi đóng phim cho tôi trải nghiệm, hiểu biết về cuộc sống xung quanh. Cả đoàn phim là những con người khác nhau, tâm tính khác nhau, cả sự yêu thương cũng khác nhau. Tôi đặt mình vào hoàn cảnh từng người, để tìm ra cách ứng xử tốt nhất, tình cảm tốt nhất trong một hoàn cảnh nhất định. Tôi thích ngồi quan sát người khác bởi ông bà mình nói câu rất hay, con người cần 2 năm để biết nói nhưng cần 60 năm để biết lắng nghe. Cái lắng nghe, cái nhìn thấy, cảm nhận được rất quan trọng, nhất là với nghệ sĩ. Người ta thường bỏ qua điều đó mà thường thích nói, thích thể hiện mình.

NSƯT Việt Anh.

- Từ diễn viên kịch nói chuyển sang đóng phim, anh gặp trở ngại gì?

Tôi không gặp trở ngại nào cả. Thực ra mà nói, thế hệ chúng tôi học kịch nói theo  phương pháp biểu diễn hiện thực tâm lý, có nghĩa là cuộc sống như thế nào anh sẽ diễn như thế. Chỉ những người nào diễn ngoại hình nhiều trên sân khấu, qua phim sẽ thấy lúng túng, thấy cường điệu. Còn tôi diễn trên sân  khấu cũng như phim, sống sao diễn vậy: Bình thản, chân thật, nhẹ nhàng. Qua phim thậm chí khỏe hơn kịch nhiều. Kịch phải tập, tôi thường tập hai buổi trước khi công diễn, các diễn viên khác thường tập cả tháng. Phim thì khỏi tập. Khi đóng phim, tôi thậm chí không coi kịch bản. Đến lúc diễn, tôi chỉ nhìn qua phân đoạn đó là biết diễn như thế nào. Do đó ở tuổi này tôi thích đóng phim hơn diễn kịch.

Từ xưa đến giờ, tôi vẫn nói rằng kịch nói là của diễn viên, phim là của đạo diễn. Bởi trung tâm sân khấu là của diễn viên, trung tâm của điện ảnh là của đạo diễn, của hình ảnh, của camera chứ không phải của diễn viên. Anh muốn tung tẩy, sáng tạo, anh phải diễn trên sân khấu, còn đóng phim, diễn viên phải làm theo sự chỉ đạo, sắp đặt của đạo diễn.

- Có phải điều kiện sân khấu bây giờ hạn chế sáng tạo của diễn viên nên anh thích đóng phim?

Thật ra mà nói, yếu tố tiền bạc, kinh doanh là mục tiêu của sân khấu hiện nay, không như thời trước, mục tiêu là phải đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Bởi vậy bây giờ ít vai diễn hay vì kịch bản toàn viết theo xu hướng đáp ứng doanh thu. Ngày xưa, kể cả người ta lấy kịch Liên Xô về làm lại vẫn hay, do đó các nhân vật hoàn chỉnh. Ngày xưa chúng tôi còn trẻ, vừa làm vừa thử nghiệm nghề. Từ 1980 đến 1995, khoảng 15 năm đó được coi là thời kỳ đỉnh cao của sân khấu. Bây giờ diễn viên trẻ đi tìm một nhân vật lung linh, lay động trái tim khán giả thì hơi khó.

- Là người quản lý, anh gặp khó khăn gì khi phải đáp ứng doanh thu lẫn chất lượng vở diễn?

Hai điều này rất khó dung hòa bởi thực ra, nếu anh cứ làm nghiêm túc, anh chỉ có đối tượng khán giả theo từng gu khác nhau mà không có khán giả đại trà. Rất tiếc, bây giờ khán giả trẻ, thế hệ có thể đến rạp, người ta không có thời giờ để chiêm nghiệm cuộc sống, nghệ thuật. Một xã hội càng phát triển, sân khấu càng lụi tàn. Ví dụ ở nước ngoài, đỉnh cao của sân khấu là nhạc kịch Broadway chỉ diễn một hai mùa trong năm. Những vở phải xuất sắc mới có khách và cũng chỉ theo mùa chứ không thể sáng đèn cả năm. Những vở "đinh" một năm chỉ làm một vở.  Ba lê của Nga cũng bao cấp, đạt đỉnh cao để đi chu du thế giới cực hiếm.

Kinh tế phát triển, con người chạy theo nhiều thứ khác nên sân khấu không còn là loại hình giải trí phù hợp với một số đối tượng khán giả nhất định. Phim, ca nhạc lợi thế hơn nhiều. Mỗi lần phim phát triển là sân khấu chết. Ngày xưa, cải lương hưng thịnh, có đến mấy chục gánh hát trên đất Sài Gòn mà thu nhập các đào kép vẫn tính bằng cây vàng. Khi phim Hồng Kông tràn lan, trước 1975, sân khấu cải lương chết hoàn toàn. Sau 1975, phim nước ngoài bị cấm, sân khấu cải lương lại rộn ràng mọc trở lại như nấm sau mưa. Hát một tuồng ba năm trời, đêm nào cũng đông nghẹt. Bắt đầu thời mở cửa, chưa có phim hot của Hollywood vào, sân khấu vẫn sống được,  khi những cụm rạp phim mọc lên nhan nhản, sân khấu lại chết. Bây giơ, giới trẻ đi coi phim, mấy ai đi coi sân khấu. Bởi vì rạp phim đầy đủ điều kiện so với sân khấu. Người ta có thể tụ họp, ăn uống trước khi vào xem.

Nghệ sĩ Việt Anh trong phim “Tỷ phú tưng”.

- Trung bình một năm anh diễn bao nhiêu vai trên sân khấu?

Gần một năm qua tôi không diễn trên sân khấu. Tôi rất yêu sân khấu nhưng phải có nhân vật hay tôi mới diễn. Một nhân vật hay còn chờ nhiều thứ: tiền để trả cho kịch bản hay, đầu tư cảnh trí, trang phục và trả thù lao cho diễn viên.

Tôi thích diễn chính kịch. Bạn có thể cho tôi vai trí thức hiền lành, hoặc lao động chân tay tôi đều diễn được, diễn tốt.

- Trước kia chưa đóng phim, thù lao sân khấu giúp anh sống thế nào?

Chúng giúp tôi đủ sống. Sân khấu 5B có 200 ghế, muốn sống tốt hơn, sân khấu phải bán vé được cho tới 600 - 700 ghế cho một đêm diễn. Giờ sân khấu tư nhân có số ghế lớn vậy nhưng tiền vào túi các ông bầu là nhiều, lương nghệ sĩ vẫn chỉ ba cọc ba đồng.

- Anh có bao giờ xem lại những vai diễn của mình?

Chưa bao giờ tôi ngồi xem lại phim mình hoặc quay xong cảnh chạy lại coi sao bởi khi đang diễn xuất trước máy quay tôi biết mình nhập vai ra sao, hay dở tôi biết liền. Khi nào thấy diễn chưa sướng, tôi yêu cầu quay lại ngay, chứ không có chuyện chạy lại coi. Hành động đó chỉ có ở người làm nghề yếu. Anh diễn mà không biết mình diễn gì phải chạy lại coi có được hay không.

- Anh gặp phản ứng gì với đạo diễn và diễn viên trẻ khi mang phong cách làm việc như vậy?

Các đạo diễn từng mời tôi đều biết tính tôi. Tôi là nghệ sĩ khoái ngẫu hứng kể cả lúc diễn. Khi diễn với tôi, diễn viên trẻ thường mất tập trung vì trước đó anh ta chăm chú học thoại trong khi tôi toàn ngẫu hứng thoại theo suy nghĩ của mình.

Tôi là nghệ sĩ không thích sự cần cù. Người ta nói nghệ sĩ 1% là tài năng, 99% là sự cần cù. Tôi không đồng ý quan điểm đó. Đối với tôi sự cần cù chính là cọ xát, là sự thu thập nhận thức bên ngoài đưa nó vào vai diễn của mình. Còn chuyện cần cù học kịch bản, tập cho kỹ để rồi anh diễn như một cái máy sẽ rất vô hồn. Anh muốn sáng tạo không ngừng, ngẫu hứng không ngừng, anh phải đọc nhiều, nhận thức nhiều. 

Diễn viên gì mà có mấy dòng văn học thế giới cũng không biết. Còn tôi, tôi đọc sách, quan sát từ rất nhỏ. Năm 18 tuổi tôi đã ngốn gần hết những tiểu thuyết kinh điển trên thế giới. Biết nhiều nhưng chưa chắc anh đã hiểu. Vì sao ông bà ta đặt ra chữ hiểu biết. Chữ hiểu là nói về bản chất bên trong, chữ biết chỉ là cái vỏ bên ngoài. Nếu anh không hiểu, anh không thể diễn được. Anh hiểu 10 nhưng năng khiếu anh yếu, anh chỉ diễn được 2, 3 cũng không đạt. Không ai hiểu 10 mà có thể diễn được 11. Thành ra vốn hiểu biết quyết định cho người nghệ sĩ đi sâu, đi xa hơn các vai diễn

Và trong kịch “Dạ cổ Hoài Lang”.

Tôi không bao giờ đọc kịch bản, ra cảnh nào nói tôi nghe, rồi quay. Kịch thì kể sơ qua cho tôi coi về câu chuyện và tôi cứ thế ra diễn. Tôi không thích bị gò bó vào kịch bản.

- Yếu tố nào khiến các đạo diễn cần anh?

Họ biết tôi là thế nào. Tôi là một người diễn chân thực. Nhiều diễn viên có tên có tuổi đều giả bộ. Họ diễn với tôi, tôi biết liền. Giả vờ đau đớn, anh đau đến đâu được thì đau, đừng giả bộ. Cái giả không bao giờ thuyết phục được người khác. Đừng đùa với khán giả, người ta xem là biết liền.

Phim Việt Nam đang giết dần khán giả vì mấy nhà sản xuất cắt xén dần chi phí làm phim, kêu quần chúng lên đóng phim. Diễn viên quần chúng đâu biết diễn nên chất lượng phim đi  xuống.

Các đạo diễn khoái tôi đóng hài nên họ cần tôi. Khán giả thích tôi tưng tưng, khùng điên nhưng rất tinh quái và không lộ liễu. Thành ra, khi đóng phim, cứ vai điên hay giả điên, hay ông già quái gở, lắm chiêu là họ gọi tôi dù biết tôi luôn ngẫu hứng khi đứng trước máy quay.

- Cảm ơn anh.

Minh Châu (thực hiện)
.
.
.