Ca sĩ Ngọc Châm:

Tôi mang ơn các nhạc sĩ

Thứ Năm, 08/10/2015, 08:12
Một ca sĩ trẻ xinh đẹp, thay vì lên sân khấu, đi hát kiếm tiền, Ngọc Châm lại chọn con đường chông gai hơn, làm chủ chuỗi chương trình "Vàng son một thuở", tôn vinh những nhạc sĩ tài danh chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống. Có nhạc sĩ đã chết trong cô đơn, lạnh lẽo, trong khi nhờ bài hát của ông, nhiều ca sĩ đã nổi tiếng. Một sự thật chua xót mà không phải ai trong đời sống vội vã hôm nay cũng hiểu được.

- Một nghệ sĩ trẻ như chị mà lại sống bằng quá khứ và những hoài niệm. Hẳn phải có một duyên cớ nào đó cho chuỗi chương trình ý nghĩa này?

+ Tôi là ca sĩ hát event, ở đó khán giả của tôi là những người khá kỹ tính, vì thế, tôi chuẩn bị cho mình rất kỹ trước khi lên sân khấu, tìm hiểu sâu về cuộc đời nhạc sĩ. Khi tôi hát một ca khúc và được nhiều người mời, tôi kiếm được rất nhiều tiền từ bài hát của ông. Đó là bài "Hoa cúc vàng" của nhạc sĩ Thanh Tùng. Tôi cũng chỉ là một ca sĩ bình thường thôi nhưng kiếm được nhiều tiền từ nhạc phẩm đó, được nhiều người biết đến. Tôi mang ơn các nhạc sĩ. Rất nhiều người trong số họ giờ bị bệnh, rồi bị quên lãng. Tôi thấy cuộc sống thật không công bằng. Tôi đọc báo viết về nhạc sĩ Thanh Bình ốm và chết trong cô đơn, chỉ có ca sĩ Ánh Tuyết đi đưa tang ông. Ông chết  trong héo mòn, lặng lẽ, trong khi rất nhiều ca sĩ thành danh với bài hát "Tình lỡ" của ông.

Tôi nghĩ, trong những lúc khó khăn của cuộc sống, chính những bài hát của các tác giả đó đã nuôi sống tôi cả về tinh thần lẫn vật chất. Tôi mang ơn họ và tôi nghĩ rằng mình sẽ góp phần làm quân bình lại điều đó, công bằng với các nhạc sĩ hơn. Hãy tôn vinh khi họ còn sống, chứ khi người ta mất rồi, mọi thứ trở thành cát bụi, chẳng có ý nghĩa gì. Ý tưởng này tôi ấp ủ cách đây hơn 4 năm và khi đọc về các nhạc sĩ, đời sống khổ cực của họ càng thôi thúc tôi làm điều đó. Thực tế, có những bài hát ca sĩ hát mà không biết nhạc sĩ là ai. Tôi nghĩ, chính các ca sĩ cũng nên sống chậm lại, tìm hiểu kỹ về bài hát, hoàn cảnh ra đời của nó và tâm tư của người nhạc sĩ, họ hát sẽ sâu hơn.

- Vậy Ngọc Châm dựa vào những tiêu chí nào để lựa chọn nhạc sĩ tôn vinh trong những chương trình này?

+ Tôi tôn vinh dòng nhạc xưa, những ca khúc trước năm 1975. Tôi lấy tên "Vàng son một thuở", ai cũng chỉ có một thời điểm huy hoàng, khi sáng tác của họ nổi danh, được nhiều người  biết đến. Nhưng lâu dần, xã hội thay đổi, thanh niên chạy theo những ồn ào, của rap và rock những bài hát sẽ bị quên lãng, sẽ trở thành ký ức. Tôi nghĩ dòng nhạc trữ tình có một giá trị đặc biệt trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam. Tôi mở đầu bằng đêm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, được công chúng đón nhận.

- Tháng 12 này chị dự định sẽ làm đêm nhạc Ngô Thụy Miên, chị còn "ủ mưu" mời bằng được nhạc sĩ Lam Phương về Việt Nam. Hình như Ngọc Châm đang đánh đúng thị hiếu của người Hà Nội, thích hoài niệm những gì xưa cũ?

+ Tôi nghĩ đó không phải là thị hiếu. Dòng nhạc này vẫn tồn tại trong đời sống, chỉ có điều nó đang bị lấn át bởi những trào lưu thời thượng mà thôi. Tháng 12 này sẽ là đêm nhạc của Ngô Thụy Miên, với những ca khúc đã đi vào ký ức vui buồn của nhiều người. Tôi nghĩ về một  thời mà tình người rất đẹp. Tôi sẽ tô đậm lại những gì đã đi qua, tìm lại không gian, thời gian của quá khứ trong ký ức của nhiều người. Còn với người trẻ thì cũng cần hiểu rằng, ngày xưa, các nhạc sĩ đã sống và viết như thế.

- Chị có nghĩ mình mạo hiểm khi chạy đường dài không? Thực tế là rất nhiều chuỗi chương trình ra đời với mong muốn sẽ làm những chương trình âm nhạc tử tế nhưng đứt gánh giữa đường.

+ Có quá nhiều khó khăn, nhưng tôi không nghĩ là mình mạo hiểm. Đây là một con đường dài, ai cũng vậy thôi, ở một tuổi nào đó, đủ chín chắn, chiêm nghiệm, trải qua những vấp ngã của đời sống, họ sẽ mong muốn làm một điều gì đó thực chất hơn, sâu sắc hơn. Chị Minh Thu chọn con đường trở lại với âm nhạc, còn tôi, tôi sẽ trở lại với âm nhạc theo một con đường khác. Tôi thích sự tĩnh lặng, chiều sâu và muốn tìm về những giá trị xưa. Tôi tin đến một thời điểm, người ta sẽ chạm tới những thứ mà  tôi đang làm. Chương trình của tôi không chỉ tôn vinh 1 môn nghệ thuật mà cả 7 môn nghệ thuật, tôi muốn đưa những gì tinh túy nhất lên sân khấu. Tôi không phải là người nghiên cứu mà là người bắc nhịp cầu nối giữa mọi người.

- Chị có tham vọng quá không?

+ Tôi nghĩ con đường đó sẽ có nhiều người đồng hành. Tôi thích sự cộng sinh, nó sẽ trở thành tham vọng của những người có suy nghĩ như tôi. Tôi bắt đầu đi từ một mình, nhưng bây giờ đã có những người đồng hành. Tôi chỉ là người thôi thúc trong tâm thức của những người muốn làm nghệ thuật một cách tử tế. Bây giờ, hàng ngày, tôi phải đi tìm hiểu các nhân vật, làm quen với họ, nghe họ nói. Sau âm nhạc, tôi sẽ kết hợp với hội họa. Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng giúp tôi nhiều, ủng hộ chuỗi chương trình tôi đang làm. Tôi chỉ là nhịp cầu nối với tất cả mọi người. Khi tôi đã tìm được người và tác phẩm rồi thì không có gì khó khăn nữa. Tôi hy vọng sau này sẽ có người đi tiếp con đường của tôi, còn không thì tôi sẽ đồng hành với nó đến hết cuộc đời. Có thể nói đó là dự án cuộc đời của tôi.

- Một cô gái xinh đẹp, có giọng hát, với gu thời trang hiện đại, sao Ngọc Châm lại tự làm khó mình như thế?

+ Vì tôi muốn làm điều gì đó thực sự ý nghĩa. Việc làm quân bình lại những cống hiến của các nghệ sĩ là điều nên làm. Có những tác phẩm đẹp để cất vào kho, bởi người nghệ sĩ không tìm được sự đồng cảm trong đời sống, cũng chẳng biết bán cho ai, vô hình chung, chúng ta đã bó hẹp cái nhìn của mọi người. Trong xã hội chúng ta có rất nhiều những người tài ẩn danh như thế, tôi muốn được trò chuyện với họ, trước hết là học hỏi, sau đó, sẽ đưa câu chuyện của họ kết nối với các loại hình nghệ thuật khác lên sân khấu. Tôi nghĩ rằng, dù một người ẩn dật, xa lánh đám đông thì trong sâu thẳm họ vẫn cần một người hiểu mình như tri kỷ. Việc tôi đi tìm hiểu, lăn lộn, thu nạp được kiến thức và hiểu biết, tôi càng tự tin để làm chủ cuộc sống của mình và hào hứng với dự án này.

Nhiều lúc tôi cũng thấy mình mâu thuẫn với chính mình. Tôi ăn mặc hiện đại, có thể dùng công nghệ hiện đại nhưng thích ở nhà mái ngói, có ao hồ, có đồng cỏ, thích những gì giản dị. Tôi không hiểu, vì tôi dễ thích cái mới, nhưng lại hoài cổ, thích cái xưa cũ.

Ca sĩ Ngọc Châm.

- Nhiều người hoài nghi, chắc phía sau Ngọc Châm sẽ có một đại gia chống lưng?

+ Tôi hoàn toàn không có đại gia, tôi có thế mạnh riêng và sự cộng sinh của những người bạn. Rất nhiều người sẵn sàng giúp tôi, vì hiểu ý nghĩa công việc tôi làm. Không có đại gia nào bỏ tiền cho mình chơi nghệ thuật cả, chỉ có đại gia bỏ tiền để cho một cô gái ăn diện và làm búp bê trong tủ kính mà thôi. Tất cả các môn nghệ thuật đều có tâm hồn. Nên chương trình của tôi sẽ làm tìm lại nét văn hóa,  những vẻ đẹp tâm hồn đang bị mai một. Tôi dành nhiều thời gian để đi tìm kiếm những bậc kỳ tài trong nghệ thuật, giống như lên núi hái thuốc vậy. Tôi tìm được họ và bằng mối duyên nào đó, họ chịu tiếp tôi, trò chuyện với tôi. Tôi sẽ là người kết nối những vẻ đẹp của các loại hình nghệ thuật ấy lên sân khấu, bắt đầu là âm nhạc, sau đó là âm nhạc và hội họa, rồi kịch vũ, điện ảnh... Xung quanh tôi luôn có những cố vấn giỏi, nên tôi không lo lắng về chuyên môn.

- Không có đại gia, không có nhà tài trợ, Ngọc Châm có sợ mình "nửa đường đứt gánh"?

+ Đây là một dự án tinh thần nghiêm túc, không nặng kinh tế, tôi chỉ cần hòa là đã thắng.Tôi thấy mình đang làm đúng. Mọi người sợ tôi mạo hiểm, chơi, không thu được lợi ích là sai. Những thứ tôi nhận được lớn hơn rất nhiều. Thẩm mỹ âm nhạc của người dân bây giờ cũng rất cao. Tôi chỉ lo mình chưa tìm hiểu cặn kẽ, sâu sắc để đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Vì thế tôi không lo về thương mại mà tôi chỉ lo kiến thức mình không đủ để đáp ứng nhiều người. Tôi không chạy theo số đông mà đi vào những điều gần gụi mộc mạc thuộc về ký ức của nhiều người. Những giá trị bị mai một và lãng quên, sẽ được khơi gợi lại và đưa lên sân khấu. Những điều tôi đang làm đi từ tâm lý của tôi, muốn tìm hiểu và khám phá những vẻ đẹp trong đời sống này của các loại hình nghệ thuật.

Đêm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mở đầu cho chuỗi chương trình “Vàng son một thuở” của ca sĩ Ngọc Châm.

- Điều gì đã cho chị năng lượng và tâm huyết đó?

+ Có một người luôn đứng phía sau những thành công hay cả những thất bại của tôi. Người ấy không bao giờ lên tiếng mà chỉ lặng lẽ ở bên cạnh, đó là nguồn động viên tinh thần lớn nhất trong cuộc đời tôi. Đó là bố tôi, một người đàn ông tinh tế, sâu sắc nhưng rất trầm lặng. Ông cũng chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống. Tôi luôn tâm niệm rằng, mình phải làm một điều gì đó, để bố tôi hiểu, các con ông sinh ra trên đời là những người có ích. Dù cuộc sống có những lúc cùng cực, tôi một mình nuôi con, tạo dựng cuộc sống từ hai bàn tay trắng, rồi cả những khi làm ăn đổ bể, xung quanh mình không có ai, thì tôi vẫn luôn có bố ở bên. Tôi hy vọng mình sẽ đi đến tận cùng con đường mình đã chọn và người đồng hành với tôi trên con đường đó, cũng chính là bố tôi. Một người bình thường với mọi người nhưng vô cùng đặc biệt với tôi.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.