Trở về nhà để được hát trên quê mình

Thứ Hai, 18/02/2019, 12:36
“Đường về nhà” của chàng ca sĩ Y Thanh chính là nỗi nhớ quê hương rất cụ thể, nhớ mùi khói bếp, bát cơm trắng, tiếng trống mở hội ngày mồng một Tết... Cả một trời thơ ấu và tình yêu thương cứ rộn rã thôi thúc bước chân người con xa xứ…


Khát khao chinh phục đam mê

Năng động và chỉn chu, Y Thanh xuất hiện trước mắt chúng tôi trong một ngày xuân ngập tràn hoa mai, giữa cái nắng dịu nhẹ của Sài Gòn bình yên, tĩnh lặng. Cả buổi trò chuyện, anh luôn giữ một nụ cười nhẹ nhàng trên môi, đôi khi pha trò dí dỏm để người đối diện cảm thấy thích thú.

Năm nay đón Tết cổ truyền ở Việt Nam, lòng Y Thanh dạt dào cảm xúc, dường như anh đang mê man trong men say mùa xuân quê mẹ. Ở Việt Nam, ca sĩ Y Thanh không còn xa lạ gì với công chúng yêu nhạc. Anh vừa là biên đạo múa vừa là ca sĩ có chất giọng đẹp, lãng tử mà da diết. Tuy nhiên, con đường chinh phục đam mê ca hát của Y Thanh không hề bằng phẳng.

Y Thanh tham gia giám khảo cho một chương trình trên sóng truyền hình Việt Nam.

Năm 1986, Y Thanh (tên thật Thôi Cẩm Thành) được người cô bảo lãnh sang Australia. Khi đó, anh còn là một cậu bé 7 tuổi chưa định hình được ước mơ của đời mình, ra đi hoàn toàn vô tư, hào hứng.

Y Thanh ở tiểu bang Victoria (thuộc thành phố Melbourne) được 18 năm, sau đó chuyển về thành phố Sydney 4 năm. Toàn bộ thời gian, Y Thanh dành hết để học tập và làm việc nhằm tìm kiếm cơ hội cho mình.

Y Thanh “bén duyên” với ca hát từ những năm 2000, bắt đầu bằng ca nhạc phục vụ đám cưới. Khi ấy, cộng đồng người Việt ở nước Úc chưa nhiều nên công việc của anh cũng bấp bênh.

Dù vậy, Y Thanh vẫn không ngừng khát khao một ngày nào đó sẽ được trình diễn trong những chương trình văn nghệ bài bản, mang bản sắc Việt Nam ở xứ người. Tự mình đứng trên đôi chân của mình, xây dựng thương hiệu cho riêng mình, Y Thanh đã không ngần ngại đi xin thử giọng ở khắp nơi, thậm chí hát miễn phí.

Y Thanh thường hát nhạc cho dạ vũ để người ta nhảy các điệu như: Rumba, Chachacha, Bebop, Valse, Tango... Trong những đêm biểu diễn như thế, Y Thanh hạnh phúc vì được tựa vào cái bóng của chính mình chứ không phải dựa vào vai một ai đó.

Lúc nào anh cũng canh cánh nỗi nhớ Việt Nam.

Cuộc mưu sinh ở nước Australia không hề đơn giản với một người Việt muốn làm ca sĩ, Y Thanh chỉ hát vào thứ 6, thứ 7. Tuần nào không hát thì phải đi làm thêm…

 Lúc đó, Y Thanh còn “chân trong chân ngoài” trong một bệnh viện ở Australia, vì anh cảm thấy tiếc nuối tấm bằng Đại học Quản lý thông tin sức khỏe. Người Việt Nam có câu “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” nên Y Thanh quyết định rẽ hẳn sang nghề ca hát.

Anh cho biết, động lực duy nhất để chọn lựa ca hát chính là niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ. Nghĩ là làm, Y Thanh gọi cho từng ban nhạc, thậm chí đến từng ban nhạc để hỏi xem họ có cần ca sĩ không? Hoặc có cần người thử giọng.

Đặc ân cuộc đời của đứa trẻ mồ côi

15 tuổi, Y Thanh biết được sự thật về cuộc đời mình. Anh là một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi vừa mới lọt lòng.

Ba mẹ nuôi của Y Thanh sinh được 4 người con gái. Ba anh rất muốn có một đứa con trai nhưng lần mang thai cuối cùng lại là con gái. Lúc đó, người vợ buồn lắm, không muốn thông báo cho chồng biết. Để khỏa lấp nỗi buồn này, người cô đã dựng lên một kịch bản mà không cho người chồng biết.

Khi bà mẹ hạ sinh, người cô đã mang một bé trai sơ sinh tới tạo dựng thành một ca sinh đôi hoàn hảo. Cả gia đình đều nghĩ Y Thanh là con sinh đôi với một chị gái. Từ ngày có con trai, người cha rất vui sướng, hết mực cưng chiều cậu “quý tử”. Cho đến khi mất (1985), ông vẫn không hề hay biết bí mật động trời này.

Sự thật khiến Y Thanh có chút hụt hẫng nhưng không hề phản ứng mạnh bởi gia đình cha mẹ nuôi đối xử với anh rất tốt. Sau đó, Y Thanh dò hỏi thông tin về cha mẹ đẻ thì nghe nói sau khi sinh con, người mẹ đã nhờ một người quen đem con đến bệnh viện gửi ở đó. Nguyên nhân vì sao lại như thế thì không ai biết.

Đó là toàn bộ thông tin Y Thanh biết được về lai lịch của mình. Anh cho biết, bản thân cũng không muốn xới tung quá khứ lên bởi vì cuộc sống hiện tại đã là một đặc ân. Anh chỉ buồn vì không biết đấng sinh thành của mình ra sao, họ có hoàn cảnh như thế nào, hiện còn sống không.

Năm nào Y Thanh cũng về Việt Nam một lần và cũng có vài lần ăn Tết Việt. Cảm giác đón Tết cổ truyền của dân tộc luôn hồi hộp, không thể diễn tả bằng lời được. Cảm nhận của Y Thanh là sự rộn rã, bình yên rất thân thuộc, có điều gì đó thiêng liêng mà khi ở xứ người anh không tìm thấy.

Y Thanh tham gia biểu diễn trong một chương trình âm nhạc ở TP Hồ Chí Minh.

Ở Australia người ta đón Tết Tây. Ngày giao thừa của Tết Tây khi ra đường, ai cũng ôm hôn nhau như một kiểu trao yêu thương cho một năm mới. Những ngày đó ra đường gặp người Việt Nam, Y Thanh thấy ấm áp lắm.

Y Thanh cho biết, thời điểm Tết ở Việt Nam thì bên Australia đang là mùa đông tuyết rơi đầy trời. Cái khung cảnh ấy càng khiến tâm trạng của người con xa quê buồn mênh mông, vời vợi. Thế nên, được về Việt Nam ăn Tết thật sự là món quà không gì sánh bằng. 

Y Thanh may mắn vì vẫn còn nhớ những cái Tết khi tuổi thơ ở Việt Nam. Chính vì nhớ mà khi xa quê hương, nhất là lúc Tết đến xuân về, lòng Y Thanh xao xuyến, bồi hồi, nỗi buồn cứ man mác. Y Thanh nhớ nhất là những màn múa lân ngoài đường, trống chiêng, cờ đỏ rợp trời… Những thứ ấy, bây giờ đã là miền ký ức đầy hoài niệm.

Vì tình yêu nên muốn trở về

Sau 22 năm bôn ba, Y Thanh quyết định quay trở về Việt Nam, dành tình yêu trọn vẹn cho âm nhạc. Nhiều người tiếc nuối cho anh bởi ở Australia, anh hoàn toàn sống tốt nhờ tấm bằng đại học Quản lý thông tin sức khỏe. Còn Y Thanh, sau khi biết được âm nhạc cũng có thể giúp con người khoẻ lại, thì anh mới cảm thấy con đường mình chọn cũng không hoang phí.

Y Thanh cho biết: “Trước khi về Việt Nam, mình mới xong hợp đồng nhạc kịch lưu diễn khắp nước Australia 14 tháng. Không phải là một sự thất bại quay về, mà nó chính là cột mốc để cho mình tự tin hơn khi quay về.

Để có một suất diễn ở nhạc kịch, mình đã vượt qua 1.000 người đi thử giọng, một vinh dự đáng tự hào đấy chứ”. Khi diễn xong nhạc kịch, Y Thanh cảm thấy mình đã có một hành trang tốt để bắt đầu một cuộc sống mới với sự chuẩn bị đoàng hoàng. Cũng vì yêu nghệ thuật cho nên anh muốn về Việt Nam.

Có rất nhiều khó khăn khi anh về Việt Nam. Người đầu tiên mà Y Thanh kết nối là “bầu sô” của nhóm 1088. Nhóm nhạc ngày xưa có Ưng Hoàng Phúc, Điền Thái Toàn, Vân Quang Long, Nhật Tinh Anh.

Tuy nhiên, hai phong cách làm việc khác nhau nên đã không thể hòa nhập được và Y Thanh đã chọn cách ra đi. Kế hoạch bị vỡ, tất cả những gì đã đầu tư vào thời điểm đó, Y Thanh phải bỏ hết để bắt đầu làm lại từ đầu.

Chật vật một thời gian, Y Thanh bắt đầu xây dựng được các mối quan hệ mới. Lúc bấy giờ anh đã không còn “tuổi teen” nữa, phải tự làm bằng hai bàn tay, không có ai muốn đầu tư vào một ca sĩ đã có tuổi.

Trong 2 năm đầu, Y Thanh không biết cách để PR mình, lại không có người giúp đỡ, không có mối quan hệ. Tất cả anh đều tự làm nên không hiệu quả. Có những lúc suy sụp, Y Thanh nghĩ thôi bỏ hết quay về Australia.

Nhưng lúc về nước, anh đã hứa cho bản thân 5 năm để làm việc, để thực hiện kế hoạch, nếu sau thời gian 5 năm không làm được gì thì mới từ bỏ. Áp lực, khó khăn, đó chính là thử thách sức bền của một con người.               

9 năm ở Việt Nam, Y Thanh đã khẳng định được thương hiệu của mình. Anh gia hạn thêm cho mình là 10 năm để tiếp tục thực hiện điều ước. “Mình có thể sống vì nghệ thuật nhiều hơn.

Cho nên, nghệ thuật dù ở Việt Nam, ở Australia hoặc đưa đẩy đến phương trời nào đi nữa thì mình vẫn sẵn sàng cống hiến. Dĩ nhiên, nếu ở Việt Nam có những cơ hội nhiều thì sẽ tốt hơn. Bởi vì, đó là quê hương của mình…” - Y Thanh chia sẻ.

Ngọc Hoa
.
.
.