Tự truyện của Maria Sharapova Khi doping là chuyện nhỏ

Chủ Nhật, 01/10/2017, 16:11
“Doping ư? Tôi đã nói những gì cần nói. Nhưng nó sẽ không hủy hoại sự nghiệp và con người tôi, vì tôi đã từng trải qua những điều kinh khủng hơn”, Sharapova tiết lộ trong cuốn tự truyện Unstoppable (tạm dịch “Không thể cản bước”) ra mắt cách đây ít lâu.

Ở tuổi 17, Sharapova đã có Grand Slam đầu tiên ở Wimbledon. Sau này, cô hoàn tất bộ sưu tập ở ba mặt sân còn lại. Hình ảnh của Sharapova trở nên độc nhất và không thể bị nhầm lẫn. Cô là đại diện của 8 nhãn hàng toàn cầu và tự mình định nghĩa lại khái niệm thương hiệu trong ngành tiếp thị.

Nhưng trước khi được người hâm mộ gọi bằng cái tên “Búp bê Nga” thân mật và kiếm hàng triệu USD nhờ những hợp đồng quảng cáo béo bở, Sharapova đã trải qua một hành trình dài đi tìm sự sống từ khi còn ở trong… bụng mẹ.

Cuốn tự truyện của Sharapova.

Yuri, cha của Sharapova không phải một VĐV làng nhàng trong giới banh nỉ. HLV huyền thoại Nick Bollettieri từng nhận định Yuri là tay vợt khó nhằn nhất ông từng đối mặt trong sự nghiệp.

Khi bắt đầu nhận được sự chú ý, Yuri đối mặt với sự thật không dễ chấp nhận: Ông sẽ phải bỏ ngang quần vợt. Mùa thu 1986, Yuri biết tin vợ mình là Yelena mang bầu. Họ bấy giờ đang định cư ở Gomel, Belarus – khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa hạt nhân Chernobyl.

Ví dụ về những đứa trẻ bị phơi nhiễm phóng xạ từ trong bụng mẹ chưa bao giờ mất đi tính thời sự. May mắn thì chậm phát triển, nặng hơn là dị dạng bẩm sinh và mắc ung thư – đó là tương lai nhìn thấy trước của những thai nhi có cùng hoàn cảnh với gia đình ông Yuri.

Hai vợ chồng quyết tâm bỏ đi. Nhưng quỹ đất ở những khu vực trung tâm Đông Âu không dành cho tầng lớp trung lưu. Lựa chọn duy nhất của Yuri và Yelena là tìm tới các mỏ dầu đông lạnh tại phía tây Siberia.

Nhà báo Nicole Prickett đã viết: “Không tòa án, không cam chanh, không ruộng đồng. Chỉ có tuyết và màu xám nhờ nhờ” khi tìm về căn nhà của ông Yuri tại Siberia. Trong bầu không khí đặc sệt mùi hương của sự hiu quạnh tại khu công nghiệp Nyagan, Maria Sharapova chào đời. Ngày 19/4/1987.

Mỏ dầu Tyumen là cần câu cơm duy nhất của Yuri và gia đình nhỏ của ông. Điều kiện làm việc ở đấy khắc nghiệt vô cùng, nơi nhiệt độ có thể xuống tới âm 40 độ C.

Để nuôi lớn Sharapova, ông Yuri đã chấp nhận “bán máu” ở Tyumen 4 năm. Khi đã tích cóp được một số tiền nhất định, Yuri quyết tâm thay đổi chất lượng sống cho con gái, và cũng là cho chính mình: Tới phía Nam khu nghỉ dưỡng Biển Đen tại Sochi.

Hai năm trước, Sharapova từng dính vào nghi án doping và phải chịu án phạt nghỉ thi đấu.

Thời điểm đó, Yuri có thể quay lại tập tennis như thú vui ngoài giờ làm việc. Đi đâu, ông cũng cắp con gái theo. Tuy nhiên, cô bé 4 tuổi và 6 tháng chán ngán với cảnh nhìn bố đánh quần vợt với bạn. Thay vì ngồi xa tự kỷ và quan sát, Sharapova muốn… cầm vợt. Và tranh thủ lúc bố giải lao, Sharapova đã tự chạy tới, đưa tay vào vợt và bạt bóng theo phản xạ tự nhiên.

Thật tình cờ, ở trên sân bấy giờ còn có HLV Yuri Yudkin. Ông không thể tin một cô bé ở tuổi ấy có thể sở hữu động tác mở vợt và đẩy vai “tròn trịa” đến thế. Yudkin tới đặt vấn đề với Yuri rằng hãy cho Sharapova theo tennis chuyên nghiệp dưới sự bảo hộ của ông.

Sharapova không thể tìm thấy một cây vợt phù hợp do những rào cản lưu thông hàng hóa thời kỳ Xô Viết. Eugeny Kafelnikov, cha của Yevgeny – tay vợt số 1 thế giới ngày ấy và cũng là bạn của Yuri – quyết định tài trợ cho Sharapova một cây vợt “xịn”.

Cho tới năm 6 tuổi, Sharapova đã chăm chỉ tập luyện với cây vợt ấy. Dây vợt thường xuyên bị trùng, thậm chí là đứt. Nhưng đó là lựa chọn duy nhất của cô. HLV Yudkin khẳng định “Đứa trẻ này là thiên tài, sinh ra để vô địch với những kỹ năng hoàn hảo được hình thành từ trong trứng nước, rất thông minh và thích nghi cực nhanh với hoàn cảnh”.

Bấy giờ, một câu hỏi lớn được đặt ra: Sharapova tập tennis chuyên nghiệp… để làm gì? Yudkin không thể huấn luyện “chay” mãi được, và ông Yuri cũng chưa nhiều tiền tới mức đổ hết gia sản vào sân quần.

Vì thế, lên 6 tuổi, Yudkin bố trí đưa Sharapova tới Moscow tham gia một giải đấu biểu diễn để kiếm tiền mà như Sharapova tiết lộ rằng “Tôi đã phải đánh bóng theo chỉ đạo của nhà tổ chức để làm hài lòng khán giả. Tôi trở thành công cụ giải trí trong tay người khác nhưng việc này sẽ giúp tôi trang trải chi phí”.

Dường như, Sharapova đến đâu là quý nhân phù trợ ở đó. Martina Navratilova huyền thoại, chủ nhân của 18 danh hiệu Grand Slam nhìn ra năng lực đặc biệt ở Sharapova. Bà đã tìm tới Yuri và chủ động viết một lá thư giới thiệu cho cha con Sharapova. Navratilova đang giới thiệu Sharapova tới học viện tennis của Nick Bollettieri ở Mỹ, một môi trường phù hợp với giấc mơ nhà nghề của Sharapova.

Yuri lại bắt đầu cuộc hành trình mới, bỏ vợ ở lại một thân đưa con gái tới Mỹ. Ông cầm theo 1.000 USD mượn ông bà ngoại (số tiền Yuri mất 5 năm lao động để trả), tới California xin làm rửa bát và công nhân xây dựng. Cuộc sống ấy đã lặp đi lặp lại trong 8 năm để trang trải cho học phí đắt đỏ của con gái.

Hai năm sau, Sharapova lọt vào mắt xanh của Tập đoàn quản trị quốc tế IMG. Họ quyết định đài thọ toàn bộ học phí và tiền sinh hoạt cơ bản cho Sharapova tại học viện tennis. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với một cuộc sống dễ chịu hơn. Cô phải ở chung phòng với những bậc đàn chị, thường bị bắt nạt và không thể kết bạn vì rào cản ngôn ngữ. Và còn bởi một lý do đầy… tréo ngoe khác: Sharapova đánh tennis quá hay.

Sharapova thường áp đảo những đối thủ hơn tuổi. Lên 10, cô đã là nhà vô địch lứa tuổi U14. Không ai muốn gần gũi với thiên tài.

Nhưng có một vấn đề chợt xuất hiện. Sharapova bị “tắc” ở cú thuận tay. Cô không thể bạt bóng thật mạnh, mà chỉ dám đánh vồng tay để đảm bảo bóng qua lưới. Bollettieri tư vấn ông Yuri đưa con gái tới gặp Rick Macci – chuyên gia sửa động tác cho các VĐV nhí. Tuy nhiên, học viện của Macci nhận quỹ đầu tư toàn phần và IMG – đơn vị chủ quản của Sharapova không thể chấp nhận chuyện ấy.

Đang trong lúc khó khăn, Yuri tình cờ xem một chương trình truyền hình có sự tham gia của Tracy Austin, tay vợt số 1 thế giới. Austin vô tình đề cập tới  Robert Lansdorp – HLV được cho là đã hoàn thiện cú phải tay của Lindsay Davenport and Pete Sampras.

Sharapova vô địch Wimbledon năm 17 tuổi.

Yuri đánh xe tới gặp Lansdorp. Nhưng phương pháp được HLV này đưa ra khiến tất cả không khỏi giật mình: Cho Sharapova đi khám điện tim đồ. Lansdorp phát hiện Sharapova có chỉ số tập trung khá kém và đó là lý do khiến cô luôn lưỡng lự trước mỗi cú phải tay.

Lansdorp tình nguyện đón Sharapova tới nhà riêng. Trong hai tuần, họ đã cùng nhau tham gia các bài giảng về tâm lý học. Sau đó, hai bên đi đến thống nhất: Tạm ngừng tham gia giải trẻ trong 2 năm và dành toàn bộ thời gian để tập luyện, trau chuốt và phát triển kỹ năng.

“Một đứa trẻ đầy nghị lực và phi thường”, Lansdorp nhận xét về Sharapova.

“Tôi và bố đã sinh tồn, chứ không phải sống. Vượt qua được khó khăn ấy là sẽ vượt qua được tất cả”, Sharapova bộc bạch trong tự truyện.

Nhìn lại một chặng đường

Sau 2 năm “ở ẩn”, Sharapova chọn tháng 11/2000 làm thời điểm bước ra ánh sáng. Ở tuổi 13, Sharapova giành chức vô địch ở giải… U16 Eddie Herr tại Florida. 14 tuổi và 9 tháng, tháng Giêng 2002, cô đi vào lịch sử khi trở thành tay vợt trẻ nhất vào tới chung kết một giải trẻ Grand Slam (Úc mở rộng).

Tháng 3/2002, cái tên Maria Sharapova xuất hiện trên bảng xếp hạng WTA với vị trí thứ 535. Cùng năm, Sharapova tiếp tục về nhì ở nội dung đơn nữ giải trẻ Wimbledon. Sharapova đã kết thúc năm 2002 ở vị trí thứ 183.

Năm 2003, Sharapova chính thức chuyển lên hạng nhà nghề toàn thời gian. Tháng 6 năm đó, Sharapova lọt vào tốp 100 thế giới. Tháng 7, cô vào vòng 4 Wimbledon trong lần đầu tham dự và cán đích mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên ở vị trí thứ 32 – đồng nghĩa với suất hạt giống cuối cùng thuộc hệ thống 4 giải Grand Slam.

Tháng 5/2004, khi sắp bước vào tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, Sharapova đã là một trong 20 nữ tay vợt hàng đầu thế giới. Một thập kỷ bỏ lại bạn bè, gia đình và quê hương sau lưng, Sharapova đã bước những bước thật vững chắc và thần tốc.

Tại Wimbledon cùng năm, Sharapova được xếp hạng hạt giống số 13 và bất ngờ đánh bại Serena Williams trong trận chung kết: Vừa đạt cột mốc lớn đầu tiên ở cái tuổi còn rất trẻ, vừa leo lên hạng 4 thế giới.

Bollettieri quyết thuê thêm 1 HLV thể lực làm việc cùng Sharapova một giờ đồng hồ mỗi ngày. Nền tảng thể chất tiến triển theo chiều hướng tích cực là đòn bảy giúp Sharapova nhanh chóng lên đỉnh thế giới vào tháng 8/2005. Cô cũng sưu tầm đủ danh hiệu ở 4 mặt sân vào các năm 2006 (Mỹ mở rộng), 2008 (Úc mở rộng), 2012 và 2014 (Pháp mở rộng).

“Nhiều người sẽ dừng lại ở tốp 20. Nhưng vài trăm bậc trên bảng xếp hạng còn có thể rút ngắn, vậy tại sao không thể tiến thêm 19 nấc để trở thành số 1 thế giới? Tôi dám mơ và không sợ thất bại”, Sharapova trả lời tạp chí GQ trong buổi ra mắt sách.

Đơn Ca
.
.
.