Quán quân Master Chef Việt Nam mùa đầu tiên - Ngô Thanh Hoà:

Vua đầu bếp vẫn chưa phải đỉnh cao của tôi

Thứ Sáu, 20/12/2013, 09:00

Sinh sống và làm việc tại Australia gần 18 năm, Ngô Thanh Hòa trở về Việt Nam vì chuyện gia đình đột xuất, chuyến trở về lần này như một cơ duyên đánh dấu bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời của chàng Việt kiều khi anh tình cờ biết được thông tin cuộc thi Vua đầu bếp - MasterChef Vietnam trên mạng.

Đam mê nấu nướng đến độ có thể nói hùng hồn về các món ăn hàng giờ liền, có thể hứng thú kể về những nguyên liệu từ Tây đến Ta bất cứ lúc nào, tất cả đã thôi thúc anh đăng ký tham dự vào MasterChef. Và đây chính là quyết định đã làm thay đổi cuộc đời người đàn ông với vẻ ngoài có phần hơi dữ dằn này. Chức quán quân đã níu giữ Thanh Hòa ở lại Việt Nam lâu hơn cùng những kế hoạch phát triển mới hơn, lạ và lớn hơn.

Ra đường đã được nhận ra nhưng không quá ồn ào

- Cuộc thi “Vua đầu bếp” đã thay đổi anh như thế nào, thưa anh?

- Tôi nghĩ là không nhiều lắm đâu vì đối với bản thân mình, tôi đã từng làm trong ngành Ẩm thực rồi một thời gian đủ lâu. Tôi không trực tiếp làm việc trong bếp thôi. Sau chương trình có thể có một vài thay đổi như ra đường có người nhận ra mình, đến gần chào hỏi, rồi hỏi thăm về những bước đi kế tiếp của mình. Nhưng tôi nghĩ là bởi vì “Vua đầu bếp” là một chương trình về ẩm thực, nó không phải như những chương trình khác về thuần nghệ thuật nên đôi khi ở nơi công cộng, sự nhận diện của công chúng sẽ không quá náo nhiệt như những lĩnh vực khác, sẽ ko có những sự vồn vập, huyên náo và đầy ồn ào. Sẽ là sự nhẹ nhàng, từ tốn hơn, giống như là mình đơn thuần đi tìm một nơi để ăn khi mình đói bụng vậy thôi (cười).

- Việc giành được giải quán quân của “Vua đầu bếp” của phải là giấc mơ của anh đã thành hiện thực không?

- Đó thực ra chỉ là sự khởi đầu cho giấc mơ của tôi thôi bởi vì mình đã làm trong ngành Ẩm thực gần 20 năm trong suốt khoảng thời gian tôi đi học và đi làm ở nước ngoài. Do đó, tôi luôn ước mơ một ngày nào đó mình sẽ có một cái gì đó là của riêng bản thân mình, theo phong cách riêng của mình và mọi người sẽ đến thưởng thức. Sẽ không phải là quá cao sang gì đâu. Chỉ cần nó mang phong cách riêng của tôi thôi. Nói chung là để hiểu sâu hơn về khuôn bếp, về người đứng sau những dụng cụ bếp núc và sau những món ăn đó.

- Khi một người bước đến một đỉnh cao trong sự nghiệp thì người đó thường bước vào  hai trạng thái tâm lý, một là họ sẽ yêu cái nghề đó hơn nữa và hai là họ sẽ bắt đầu chán nó. Vậy anh đang ở đâu trong hai trạng thái đó?

- Tôi nghĩ là tôi đang ở trạng thái thứ nhất vì tôi đang thêm yêu nó, bởi vì như tôi đã nói, đây chỉ mới là những khởi đầu của những dự định trong tương lai của anh. Từ trước cho đến nay tôi chưa bao giờ có cơ hội được nấu nướng cho thật nhiều người ăn và cũng qua đó mới biết được liệu mình có đủ tài, đủ kinh nghiệm để có thể làm những điều đó hay không. Đối với tôi, khi được tự tay nấu nướng, chế biến các món ăn thì dường như mọi mệt nhọc trong ngày đều biến mất. Tôi cảm thấy rất thoải mái. Vậy nên tôi tin rằng, tôi đang dần yêu công việc này hơn. Và tôi tin rằng đây chưa phải là đỉnh cao của bản thân tôi.

Bếp không "độc quyền" dành cho phụ nữ

- Sau “Vua đầu bếp”, anh có điều gì thú vị muốn chia sẻ với bạn đọc không?

- Tôi vừa tham gia bộ “phim Bếp” hát với tư cách chuyên gia hỗ trợ kỹ năng bếp và nhà hàng cho các diễn viên của đoàn phim. Tôi rất vui khi được tham gia vào vai trò này, thứ nhất là vì phim trường của bộ phim cũng chính là nơi diễn ra Vua đầu bếp - MasterChef mùa đầu tiên, nó làm tôi nhớ lại khoảng thời gian tham dự cuộc thi, dường như dư âm và cảm nghĩ về căn bếp vẫn còn lảng vảng đâu đây. Thứ hai, đây là bộ phim về nghề bếp khá thú vị, tôi thấy chính mình ở trong từng vai diễn của các diễn viên. Với vai trò này, tôi đã hướng dẫn cho diễn viên những kỹ năng cơ bản khi làm bếp, về xắt thái, cách sử dụng dao thế nào, cách nấu nướng làm sao, vì nấu nướng cũng là nghệ thuật, cần sự tinh tế, khéo léo và sắp xếp một cách hài hoà.

Các bạn diễn viên ở đây cũng chưa phải là những đầu bếp chuyên nghiệp hoặc không có nhiều thời gian vào bếp, vì thế khi hướng dẫn phải có phương pháp tốt nhất để trong một thời gian ngắn, họ có thể nắm bắt được. Tôi nghĩ đây sẽ là thách thức đối với họ và cần được trau dồi nhiều. Nhưng tôi cũng nói với họ là dù làm gì thì hãy làm bằng tình yêu, cũng giống như bạn làm nghệ thuật vậy, bạn phải thích thú và say mê với nó thì chắc chắn bạn sẽ hoàn thành tốt vai diễn của mình.

- Có một điều mà mọi người vẫn nói về cái cảm giác khi bước vào căn bếp đó là, căn bếp là nơi luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Các bà mẹ, các người chị, những người con gái. Đó là điều làm cho căn bếp trở nên ấm cúng. Anh thì cho rằng căn bếp Việt có sự luộm thuộm nhưng có thể có sự luộm thuộm đó vẫn mang lại một cảm giác ấm cúng. Còn những khuôn bếp công nghiệp lại quá sạch sẽ, nó mạng tính chất thời đại và nó đánh trôi cảm xúc...

- Tôi lại không quan niệm như vậy. Bởi vì tôi đã từng làm việc và tiếp xúc với những căn bếp hiện đại có đầy đủ mọi dụng cụ, máy móc, nhưng cái cách sắp xếp, tổ chức căn bếp như thế nào là do người chủ bếp sắp xếp và vẫn có thể làm cho căn bếp rất ấm cúng và nó làm cho người ta bước vào và trầm trồ, làm cho mình có cảm giác chỉ muốn nấu nướng ở đó thôi chứ không phải là ở đâu khác, giống như là có thể nấu tất cả mọi thứ ở đó, giống như nó là một cái phòng khác chứ không còn là một căn bếp nữa. Và, tôi đã từng nhìn thấy những căn bếp như vậy rồi. Khi bước vào hoàn toàn không có nhiều khác biệt lắm giữa bếp, phòng khách hay phòng ăn. Mình vẫn có thể tiếp khách và vẫn có thể ăn tại bếp luôn. Đồng thời người Việt mình luôn quan niệm rằng, bếp là phải dành cho phụ nữ nhưng ở phương Tây thì quan niệm đó hơi khác một chút vì nam giới vẫn phải vào bếp khi sống độc thân hoặc khi còn trẻ, đi học hoặc sống chung với ai khác.

Văn hóa phương Tây không quan trọng ai là người nấu. Nghĩa là nếu bạn thích vào nấu thì bạn cứ vào nấu. Điều đó làm cho giữa nam và nữ ko có sự khác biệt lắm khi vào trong bếp và điều đó cũng góp phần làm cho căn bếp đẹp.

Với tôi, cảm giác về Tết chưa bao giờ thay đổi

- Khi đứng trong một căn bếp thì anh thích cảm giác khi mình nấu nướng hay thích cảm giác khi món ăn được hoàn thành hay anh thích nhìn người khác ăn món ăn mình làm ra?

- Tôi thích hai cảm giác. Đầu tiên là cảm giác làm ra cái món đó. Thích là bởi vì lúc làm, tôi luôn có được nhiều cảm hứng nhất khi tôi chuẩn bị cho món ăn của mình nấu từ rửa rau...Cảm giác thứ hai là cảm giác thấy người khác thưởng thức món ăn của mình làm ra bởi vì mình nấu không phải cho mình. Mình lại không biết gì về người sẽ ăn món ăn mình nấu. Thế nên mình phải dựa vào những phán đoán. Khi họ ăn xong và họ cảm thấy hài lòng và thích những gì mình nấu ra. Thì đó là hai cảm giác tôi rất thích.

- Việc nấu nướng có phụ thuộc vào tính thời điểm? Ví dụ nấu cho một ngày bình thường và nấu cho một ngày lễ Tết đương nhiên nó phải khác chứ và cảm xúc của anh cũng sẽ phải khác chứ?

- Tôi nghĩ là có chứ! Ngày bình thường tôi có thể làm rau trộn chung với dầu olive rồi cá tôm hay thịt gà chẳng hạn, tôi áp chảo sơ rồi cho vào chút muối chút tiêu và dầu olive với rau là xong buổi trưa. Đơn giản nhưng vẫn ngon. Vấn đề ngon hay dở là do cách mình nêm nếm như thế nào. Đương nhiên khi nấu ăn theo một đề tài đặc thù nào đó như Halloween hoặc bữa tiệc BBQ cuối tuần thì mình sẽ chọn những món ăn phù hợp. Ví dụ những ngày cuối tuần chỉ cần BBQ là xong, tuy nhiên BBQ vẫn phải chuẩn bị nhiều công đoạn từ nêm nếm đến rau củ quả. Nói chung là phải có.

- Nhân nói về chuyện Tết, Hiện nay, mọi người đang cho rằng, cái hương vị và ý nghĩa của ngày Tết đang giảm dần và không còn như xưa. Còn theo anh thì sao, dưới cái nhìn của một người xa quê?

- Thật ra thì đúng. Theo tôi thấy những năm gần đây, cái sự háo hức chờ đón tết không còn như trước nữa vì hồi trước những món đặc thù cho ngày tết như mứt, gà vịt, thịt kho, măng, bánh chưng bánh tét... thì lâu lâu hoặc Tết mới có. Còn ngày thường thì tôi không biết người khác thế nào nhưng đối với tôi thì tôi không có điều kiện để ăn. Cho nên những dịp Tết đến, tôi luôn trong tâm trạng háo hức chờ đón. Và cho tới giờ phút này, khi tôi đã đi xa hơn Việt Nam hơn 20 năm rồi thì cái cảm nhận của tôi về ngày Tết vẫn như vậy. Vẫn chờ đón, vẫn rất đặc biệt. Khi xã hội phát triển thì ngày thường bạn vẫn có thể ăn những món đó, bạn có thể mua tất cả mọi thứ và chúng trở thành những món ăn hằng ngày. Và một khi đã quen rồi thì nó không còn đặc biệt nữa. Đó là điểm làm ảnh hưởng cảm nhận của mình về ngày tết. Sẽ vơi đi rất nhiều ý nghĩa của ngày Tết.

- Anh đã có gia đình và 2 con nhưng Tết năm nay gia đình anh có về Việt Nam không?

- Tôi sợ là không. Nhiều khả năng gia đình tôi vẫn sẽ ở bên Úc.

- Tôi hỏi hơi cá nhân một chút, Tết là dịp đoàn viên tại sao gia đình anh li tán như vậy? Có vấn đề gì hôn nhân của anh à?

- Đây là một chủ đề cá nhân và tôi xin phép không trả lời câu hỏi này.

- Xin chân thành cảm ơn anh!

Du Miên (thực hiện)
.
.
.