NSƯT Quang Thắng:

"Xấu giai" nên phải nỗ lực gấp đôi

Chủ Nhật, 22/01/2017, 15:13
Khác với nhiều diễn viên, NSƯT Quang Thắng sở hữu một đài từ đậm chất địa phương và ngoại hình không "nuột". Nhưng với duyên trời cho, cùng sự nỗ lực không ngừng, anh đã tạo được dấu ấn riêng trong làng hài phía Bắc.


Đắt show, thành công qua các vai diễn nhưng ngoài nghề diễn viên, anh còn có một đam mê khác. Tuy nhiên ước mơ đã phải bỏ dở giữa đường vì sự tự ti của bản thân.

Ra trường 10 năm không mua nổi một chiếc xe đạp

- Nghe nói, ngoài nghề diễn viên, anh còn đam mê một loại hình nghệ thuật khác. Vậy tại sao anh lại rẽ hướng chuyển sang diễn viên?

+ Ngày xưa còn bé tôi ước mơ được làm ca sĩ, cũng một phần để cuộc sống đỡ chật vật hơn.

Thực sự tôi quá "xấu giai". Tôi nghĩ, để thành công trong âm nhạc cần nhiều yếu tố. Quan trọng vẫn phải có giọng hát và cả ngoại hình. Trong khi tôi thấy bản thân mình, nếu tiếng hát dù có hay, được khán giả yêu mến nhưng ngoại hình có hạn, phải nói là "quá xấu" như vậy sẽ giảm đi 70% sự thành công. Điều này khiến tôi rất tủi thân và ước mơ trở thành "ca sĩ" phải dừng lại không thực hiện được.

Sau đó, tôi chuyển sang học làm diễn viên. Đây cũng là điều may mắn đối với sự lựa chọn của mình. Tôi cảm ơn nghề diễn đã cho tôi được như ngày hôm nay, dù con đường tôi đi không được trải hoa hồng.

Tôi học nghệ thuật xong, ra trường được 10 năm không mua nổi một chiếc xe đạp. Vì thế tôi quyết định lên Hà Nội để bứt phá, may mắn gặp được anh em, bạn bè nên mới được ngày hôm nay.

Những ngày đầu lên Hà Nội, tôi cũng đã phải chật vật đi đóng từ những vai quần chúng. Tôi nhớ như in một vai tóc xoăn trong bộ phim của đạo diễn Đỗ Thanh Hải (ngày đó đạo diễn Đỗ Thanh Hải vẫn còn đang đi học - PV), tiếp đó là phim "Cái chết con thiên nga", chính bộ phim này đánh dấu bước ngoặt cho con đường nghệ thuật của tôi. Đây cũng là thời điểm cho tôi những bước thành công về sau.

- Là dân tỉnh lẻ, gia đình không ai theo nghề, những ngày đầu đặt chân lên Hà Nội, chắc hẳn có những lúc khó khăn, anh cũng muốn buông xuôi?

+ Tôi là người dân quê nên phải nỗ lực bản thân gấp đôi người khác. Không có một trường lớp nào dạy hài. Cái duyên trời cho cộng với sự nỗ lực của bản thân mới được khán giả đón nhận. Đó là khoảng thời gian tôi không bao giờ quên, điều đó nghĩ lại tôi vẫn rất trân trọng.

Khán giả gặp Quang Thắng đôi lúc nhắn nhủ với tôi "giữ mình nhé, đừng đánh mất mình nhé, vì ông đang nằm trong lòng chúng tôi đấy".

Đây là điều tôi rất xúc động vì đâu có ai dễ dàng được “nằm trong lòng” khán giả. Sự yên mến của khán giả giúp tôi vượt qua khó khăn và luôn ý thức giữ gìn hình ảnh của mình đối với khán giả.

- Diễn viên cần đài từ chuẩn và sắc nhưng anh lại khác. Chất giọng vẫn đậm chất địa phương, ngoại hình không bắt mắt nhưng anh rất thành công. Anh có thể tiết lộ bí quyết tạo nên thành công của mình?

+ Không phải tôi muốn đi ngược lại quy chuẩn của một diễn viên nhưng mọi thứ đều là tố chất trong con người mình.

Tôi không có sắc, chỉ có duyên của bản thân nên phải rèn luyện rất nhiều và giữ được trong lòng khán giả còn khó khăn hơn. Sự thành công của tôi là cộng hưởng từ trường lớp đến vốn sống, cùng nỗ lực bản thân mới có Quang Thắng của ngày hôm nay.

Tôi nghĩ, cái duyên rất quan trọng. Mỗi người đều có một duyên riêng, không ai bắt chước được. Nếu tôi làm theo Vân Dung, Tự Long, Công Lý mà không có cái chất riêng thì sẽ trở thành Công Lý phẩy, Vân Dung phẩy…

Trước đây, tôi từng nói "tròn vành rõ chữ" và tập giọng nói chuẩn của người Hà Nội, nhưng lại không phải là mình, giọng bị cứng. Khi diễn hài thì không quan trọng giọng nói chuẩn, miễn sao phải có được chất riêng của mình.

Vì thế, tôi đã vận dụng cái riêng của mình, đó là "giọng nói đậm chất Hải Phòng" và được khán giả đón nhận rất nhiệt tình và nhớ đến chất riêng đó. Cho nên tôi đã phát huy đến giờ và nghĩ cũng không cần phải thay đổi.

- Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng lấn sân sang các loại hình nghệ thuật khác, trong khi anh đã có tên tuổi nhất định trong giới nghệ sĩ, quay trở lại giấc mơ năm xưa, tại sao anh không đi hát, biết đâu anh sẽ thành công?

+ Làm nghệ thuật thì ai cũng muốn nổi tiếng, khi đã có tên tuổi lại muốn phải nổi tiếng hơn. Việc kiêm nhiều nghề, lấn sân sang các lĩnh vực khác sẽ giúp bản thân có thêm thu nhập tốt hơn, được khán giả ủng hộ và chấp nhận thì còn gì bằng. Nhưng có lẽ, cái duyên trở thành ca sĩ chưa đến với tôi.

Cái duyên sẽ quyết định rất nhiều. Tôi có sở thích là nấu ăn, thậm chí tự tin mình nấu ăn rất ngon và từng rủ Vân Dung, Quốc Khánh mở nhà hàng. Nhưng đều nhận được câu nói: "Thôi, mở làm gì. Bận đi diễn thời gian đâu mà nấu nướng". Trong khi một mình tôi lại không cáng đáng nổi một cửa hàng.

- Từng có một nhạc sĩ bày tỏ suy nghĩ, ngày nay không cần tài năng chỉ cần "có tiền, có quyền và một ê kíp truyền thông mạnh" sẽ là một bệ phóng tốt. Với kinh nghiệm là người đi trước, anh nghĩ thế nào?

+ Nếu không có tài năng và không rèn luyện, dù có lăng xê đình đám có nổi tiếng cũng không bền. Đặc biệt là nổi tiếng nhờ phát ngôn sốc, tạo scandal… mọi thứ sẽ chỉ được nhất thời.

Các cụ vẫn hay ví giới trẻ như "ngựa non". Chưa bước chân ra thương trường, chưa leo lên xe ngựa nên cứ chạy tung vó ở cánh đồng. Nhưng ngoài thương trường vẫn còn đầy những khó khăn không lường trước được.

Bản thân tôi không dám đưa ra lời khuyên. Tôi sợ các bạn quay lại nói "ông là cái gì mà ý kiến". Vì vậy, tôi nghĩ mọi thứ đều phải lao động nghiêm túc.

- Có tin đồn, Quang Thắng có nâng đỡ cho một bạn trẻ?

+ Đúng vậy, tôi có nâng đỡ Đỗ Duy Nam. Anh em chúng tôi đã gắn bó với nhau gần 4, 5 năm. Chúng tôi đi đâu cũng có nhau. Ở diễn viên Đỗ Duy Nam, tôi nhìn thấy được sự chăm chỉ và cầu tiến của bạn ấy.

Từng có "cuộc chiến" như mổ bò với Xuân Bắc, Công Lý

- Một số ý kiến cho rằng, để tham gia và trụ lại được với dàn diễn viên trong "Táo quân" sẽ không đơn giản?

+ Trong "Táo quân" đã có nhiều diễn viên tham gia nhưng dừng lại vì nhiều lý do khác nhau. Năm nay, Đỗ Duy Nam "chân ướt, chân ráo" bước vào nhưng nếu không làm được sẽ tự đào thải, dù có nâng đỡ đến thế nào cũng không thể được.

Có thể vỗ ngực, tôi là diễn viên nổi tiếng, từng đóng vai này, vai kia nhưng khi lên sân khấu sẽ bộc lộ rõ, ai diễn được hay không tự biết ngay và tự mình đào thải mình.

- Trong "Táo quân" duy nhất có một người bạn thân của anh là Vân Dung là nữ trụ lại. Theo anh vì đâu?

+ Phải nói thật, tôi và Vân Dung không phải là bạn thân. Tôi có khái niệm bạn thân phải chia sẻ, tâm sự nhiều việc cùng nhau trong cuộc sống. Giữa tôi và Vân Dung chỉ là đôi bạn diễn ăn ý. Sau sân khấu, chúng tôi ít khi tâm sự với nhau.

Nhưng tôi khẳng định Vân Dung lên sân khấu như người lên đồng, có ốm truyền nước vẫn lên sân khấu diễn, sau đó đi cấp cứu tiếp. Bạn ấy trụ được tôi cực kỳ cảm phục, nhất là đàn bà.

Việc tập Táo diễn ra gần một tháng, thời gian tập thường bắt đầu từ đêm đến sáng sớm hôm sau. Trong khi còn gia đình, chồng con. Có ông chồng nào thông cảm được? Nhưng Vân Dũng đã vượt qua được và làm tròn vai diễn của mình. Nhưng mỗi người một duyên, một nghiệp để bạn ấy có sức khỏe trụ lại được đến giờ phút này tôi rất cảm kích.

- Với mười bốn năm ê kíp "Táo quân" làm việc cùng nhau, có kỉ niệm nào khiến anh nhớ nhất?

+ Với tôi, được làm việc, gắn bó với mọi người luôn đầy ắp kỉ niệm và niềm vui. Duy nhất có một năm tôi nhớ mãi, không bao giờ quên, đó là vì tôi không thuộc lời, lại rất mệt vì tập đêm và đói, buồn ngủ... tôi đã bị Công Lý, Xuân Bắc trêu và ba chúng tôi đã có một “cuộc chiến” như mổ bò. (cười lớn)!

- Xin cảm ơn NSƯT Quang Thắng.

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.