Ca sĩ Tân Nhàn: Tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp lộng lẫy của âm nhạc truyền thống

Chủ Nhật, 23/12/2018, 15:50
Sau thử nghiệm chèo kết hợp với jazz cách đây hai năm trong album "Yếm đào xuống phố", ca sĩ Tân Nhàn lại gây bất ngờ cho khán giả khi chị quyết định hát chèo, xẩm, quan họ "nguyên bản". Chị nói, chị muốn truyền cảm hứng cho những người trẻ hướng tới âm nhạc cổ truyền dân tộc.


- Các ca sĩ ra album mới thường chọn những dòng nhạc mới lạ, nhưng chị lại quay về với âm nhạc cổ. Vì sao chị có cuộc đi ngược dòng này?

+ Cách đây hai năm, tôi ra album "Yếm đào xuống phố" kết hợp chèo, xẩm với nhạc jazz. Album gây khá nhiều tranh cãi. Phe bảo thủ cho rằng tôi đang phá chèo, còn phe cách tân thì ủng hộ sự đổi mới. Từ những tranh cãi đó, tôi ấp ủ dự định sẽ thử hát nhạc truyền thống theo nhiều cách thức khác nhau. Và lần này là hát theo nguyên mẫu.

Sau đó sẽ là một live show riêng, một cuộc chơi lớn hơn khi tôi kết hợp chèo, xẩm, quan họ với dàn nhạc giao hưởng. Nghệ thuật truyền thống góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của đất nước. Giống như nói đến Trung Quốc, người ta nghĩ ngay đến kinh kịch. Vậy tại sao Việt Nam có rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như hát then, hát xẩm… lại ít được nhắc đến.

- Một nghệ sĩ opera đi hát chèo, xẩm, quan họ "nguyên bản" sẽ gặp những khó khăn gì?

+ Tôi gặp khá nhiều khó khăn vì phải tầm sư học đạo. Tôi đi tìm nghệ nhân để học hát một cách nghiêm túc chứ không phải chỉ hát bằng cảm nhận, đó là khó khăn khi một nghệ sĩ đào tạo opera nhưng lại đi hát chèo, xẩm nguyên bản. Các bài bản, cách thức hát mình phải học từ đầu.

Nhưng có lẽ vì trong máu tôi đã ngấm văn hóa dân gian nên tôi học khá nhanh những thức, làn, điệu và tôi tin mình đã hát được 99 phần trăm nguyên bản. Tôi muốn bày một bữa tiệc cho khán giả lựa chọn, một bên là truyền thống nguyên bản, một bên là cách tân, mix với âm nhạc đương đại. Phải đa dạng các món ăn. Và trong hành trình đó, tôi thỏa mãn đam mê của mình.

- Âm nhạc truyền thống càng ngày càng bị mai một trong đời sống hiện đại. Trải nghiệm hát nhạc cổ truyền chắc chắn sẽ rất khác với những trải nghiệm mà chị đã đi qua, với tư cách là một ngôi sao của dòng nhạc dân gian?

+ Tôi thích âm nhạc truyền thống hơn những cái tôi đang làm. Tôi say mê vì càng đi vào tìm hiểu tôi càng thấy nó đẹp và hấp dẫn. Có một thời gian dài, suốt ngày tôi được sống trong không gian đó, nghe, xem nghệ nhân. Không gian sống của tôi phủ kín âm nhạc truyền thống. Miệng tôi lúc nào cũng ngân nga những giai điệu quen thuộc của chèo, xẩm, quan họ.

Càng tìm hiểu tôi càng nhận ra rằng, giá trị của âm nhạc truyền thống ngoài sức tưởng tượng của chúng ta và càng ngày nó càng dày lên chứ không mất đi. Chỉ có điều, chúng ta sử dụng âm nhạc đó như thế nào để nó đồng hành cùng dân tộc và sự phát triển của âm nhạc.

- Tình yêu chèo, xẩm, quan họ đến với chị từ bao giờ?

+ Tôi yêu nhạc truyền thống từ ngày còn nhỏ. Ở vùng quê heo hút, với cái đài catssete cũ, tôi đã nghe rất nhiều làn điệu chèo, xẩm, cải lương nguyên bản. Nghe và cứ thế, nó ngấm vào mình, thành thứ của mình rồi. Đến thời điểm này, khi cuộc sống cũng đã ổn định tôi nghĩ mình cần làm điều gì đó ý nghĩa cho nghệ thuật.

Tôi muốn góp sức vào gìn giữ và phát triển âm nhạc truyền thống. Album "Yếm đào xuống phố" có thể hình dung như câu chuyện của một cô gái đương đại đang tung tẩy trong cuộc chơi, với dòng chảy cuộc sống. Còn "Níu dải lụa đào" tượng trưng cho sự mềm mại, tượng trưng cho Việt Nam mình.

Đó là hình ảnh ẩn dụ để nói lên việc tôi muốn níu giữ những gì thuộc về truyền thống. Tình yêu đó luôn xuyên suốt trong sự nghiệp của tôi. Sau tết Nguyên đán, tôi sẽ thể hiện theo một cách khác, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và dàn nhạc giao hưởng trên sân khấu lớn.

Hiện tại, với tư cách là giảng viên âm nhạc, tôi đã và đang đi sâu vào nghiên cứu và biên soạn những làn điệu, bài ca cổ một cách chỉn chu, bài bản để làm tài liệu tham khảo, học tập dành cho sinh viên, những ai yêu âm nhạc truyền thống.

- Theo đuổi âm nhạc truyền thống là một con đường không dễ dàng, đây là một nỗ lực lớn của Tân Nhàn. Được biết, album "Níu dải lụa đào" của chị sẽ không bán mà dành tặng những ai yêu âm nhạc truyền thống?

+ Tôi muốn dành tặng cho khán giả cả nước, những ai yêu âm nhạc truyền thống và yêu Tân Nhàn. Tôi muốn lan tỏa tình yêu âm nhạc đến với khán giả và xây dựng nên những giá trị cộng đồng. Những người được tặng đĩa nếu có lòng hảo tâm có thể đóng góp cùng Tân Nhàn với Quỹ từ thiện CLB "Ngôi sao nhỏ", giúp đỡ những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn có tài năng…

Tôi đã nhận được rất nhiều từ khán giả, từ tổ nghiệp nên tôi mong muốn làm được điều gì đó có ích cho cộng đồng. Hiện tại, tôi đã in 5000 đĩa. Đó là hạnh phúc khi niềm đam mê của mình nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng.

- Có vẻ như chị đang hướng các dự án của mình tới cộng đồng như một trách nhiệm công dân?

+ Tôi muốn truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ, bởi không chỉ nghệ nhân mới hát được nhạc truyền thống. Chúng ta hãy tìm tòi, phát triển các giá trị truyền thống. Hãy đam mê chúng ta sẽ có thành quả. Nếu có nhiều nghệ sĩ như tôi, đi tìm lại các giá trị cũ, bảo tồn và phát triển nó trong đời sống đương đại thì âm nhạc truyền thông không bao giờ mất.

Gia đình bình yên của Tân Nhàn.

- Nhưng cũng có một thực tế bây giờ các nghệ sĩ trẻ và khán giả không mặn mà với truyền thống. Theo chị lý do vì sao?

+ Các nghệ sĩ theo đuổi âm nhạc truyền thống đời sống vất vả, cát xê thấp trong khi đó họ phải khổ luyện. Nhiều người yêu âm nhạc truyền thống nhưng họ phải vật lộn để tìm chỗ đứng nhanh hơn. Chúng ta không trách họ được. Tôi đưa ra một cách thức cho mọi người lựa chọn rằng, khi nghệ sĩ có chỗ đứng trong làng nhạc cũng như khả năng tài chính, ta quay lại với âm nhạc truyền thống cũng chưa muộn. Các bạn trẻ cứ làm những thứ mình lựa chọn đi, đến một thời điểm nào đó, hãy quay lại các giá trị của âm nhạc truyền thống vì nó là cơ sở, nền tảng vững bền giúp người nghệ sĩ thăng hoa hơn và có con đường âm nhạc dài hơi hơn. Đó là xu thế của thế giới. Nghệ sĩ Việt Nam chúng ta đang cố làm những gì "nổi loạn", khác người đi để nổi tiếng. Còn thế giới đời sống âm nhạc của họ phong phú, đa sắc màu và họ đều phát triển trên nền tảng văn hóa dân gian.

- Chị có tin vào con đường của mình không, vì có vẻ như chị sẽ khá đơn độc?

+ Có thể tôi không thực hiện được tất cả những giấc mơ của mình về âm nhạc truyền thống, nhưng tôi tin những việc tôi đang làm sẽ là nguồn cảm hứng cho những bạn có niềm đam mê giống như tôi. Trong tương lai, họ sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng đó ra rộng hơn, không chỉ ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam mà còn ở các môi trường đào tạo khác.

Nếu cứ đắn đo sẽ không bao giờ làm được vì rõ ràng, theo đuổi con đường này bạn sẽ không nhìn thấy những giá trị trước mắt như tiền bạc hay sự nổi tiếng. Nhưng tôi được thỏa mãn đam mê của mình. Với nghệ sĩ, điều đó quan trọng hơn tất cả.

- Chị có nghĩ là mình may mắn khi có một người đàn ông bên cạnh luôn ủng hộ chị và làm nền cho chị tỏa sáng?

+ Tôi may mắn có một gia đình bình yên, chồng tôi luôn ủng hộ vợ trong công việc. Tôi là người hướng ngoại, còn Tuấn Anh lại hướng nội. Nhưng vì thế, cuộc sống của chúng tôi luôn giữ được sự cân bằng. Tôi cảm ơn số phận đã cho mình sự bình an trong tâm hồn để có thể theo đuổi đam mê của mình một cách trọn vẹn, đủ đầy nhất.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng:  

Tân Nhàn là người bạn của tôi, Tân Nhàn thường có con đường đi riêng của mình. Bên cạnh việc bảo tồn theo đúng cách truyền thống thì những nghệ sĩ hiện đại có thể đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc truyền thống theo nhiều cách khác nhau. Nghệ thuật giống như một vườn hoa, đừng đóng hàng rào. Sự đóng góp rất là quý, tôi tin Tân Nhàn làm được những điều mới. Những bài hát của cô không chỉ dừng lại những bài hát dân gian mà quay trở về những giá trị gốc. Âm nhạc càng ngày đa dạng, khác biệt, càng thú vị. Cách đây 10 năm, Tân Nhàn yêu cầu tôi viết bài "Quê mẹ", thực sự tôi chưa viết nhạc dân gian bao giờ. Một lần đi diễn, tôi gợi ý là kết hợp nhạc dân gian với âm nhạc giao hưởng, điện tử. Sau đó về nhà tôi nghĩ, mình dại rồi vì làm như thế khó quá và quả thực, album đó làm rất vất vả. Cuộc chơi của Tân Nhàn còn đi xa hơn những gì mà mọi người thấy hiện giờ, sau Tết Nguyên đán. Đó là cuộc chơi với một dàn nhạc lớn, đa phong cách với nghệ thuật truyền thống.

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.