Người khám phá kho báu “Bí ẩn”

Thứ Bảy, 17/10/2015, 08:00
Tôi đã xem tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Trường Linh cách đây hơn mười năm, trong một cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Đó là bức “Phố gầm cầu”, đem lại cho tôi một ấn tượng khá mạnh, với một sắc độ thâm trầm đầy suy tư, về một góc Hà Nội bên sông Hồng. 

Dường như sau này anh chỉ vẽ tranh sơn ta, với những khám phá mới lạ, độc đáo của riêng mình. Người xem thường bị ám ảnh bởi sự huyền ảo dẫn dụ trong tranh sơn mài Nguyễn Trường Linh.

Một nồng nàn Hà Nội

Có thể nói, họa sĩ Nguyễn Trường Linh có nét thần bí của sơn mài từ trong máu. Học hội họa, mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1997, nhưng chỉ hai năm sau đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam (1999), khi vừa tròn 28 tuổi. Hiện anh là thạc sĩ, Chủ nhiệm Khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Những tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Trường Linh là đề tài Hà Nội. Phố và Người Hà Nội. 

Những nỗi niềm lắng đọng về một Hà Nội thân thương tràn lên mặt tranh, trong những hòa sắc lung linh của chất liệu sơn ta. Ai cũng hiểu một họa sĩ trẻ dấn thân vào dòng tranh sơn ta là một người có hoài bão và dũng cảm. Dám đương đầu với một hành trình lao động khổ sai. Con đường đi tới cái đẹp đầy gian nan, với những sắc màu không hề biết trước. Người ta còn hài hước ví von nghệ thuật của sơn mài là “Sơn mò”, bởi chính sự bí ẩn của nó.

Với Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Trường Linh thể hiện với tình cảm rất nồng nàn với một quá trình mài và mài để một Hà Nội hiện lên lung linh, đẹp như trong mơ vậy. Xem bức “Đêm hội Long Trì” của anh trong triển lãm tranh sơn ta năm 2014 càng thấy rõ điều đó. Tác phẩm toát lên một vóc dáng Thăng Long huyền sử ngàn năm và nét hào hoa rạng rỡ. 

Nhìn lại những tranh về Hà Nội của Nguyễn Trường Linh đan xen giữa nét hiện thực và huyền ảo thể hiện sức mạnh truyền cảm khá sâu sắc của chất liệu truyền thống. Qua những “Phố gầm cầu” I và III (2005 và 2006), hay “Thành phố Rồng bay” (2000); hoặc “Hà Nội năm 1972” (2002); “Thăng Long” (2003); “Đêm hội Long Trì” (2014); và mới nhất là “Cao tốc qua phố” (2015). Đặc biệt tác phẩm “Hà Nội có cầu Long Biên” (HCV triển lãm toàn quốc năm 2010)... mới thấy Nguyễn Trường Linh thể hiện được nét hiện đại về tư duy hình tượng trong nghệ thuật tranh sơn ta truyền thống. Đó là một sự khám phá và sáng tạo vượt qua được những quan niệm và khó khăn khi thể hiện qua chất liệu xưa cũ của ông cha để lại.

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh.

Hà Nội còn là những nét mơ mộng cùng sự đắm say của Nguyễn Trường Linh, qua những hòa trộn sắc màu tâm linh ngũ hành vượt trội, trong các tác phẩm như: “Trần gian” (1997); hay “Vũ điệu sống” (1998); hoặc “Đẻ đất đẻ nước” (2005)... Đó chính là tâm hồn của vùng đất Thăng Long xưa dội về xáo động với mọi buồn vui. Nét văn hóa của Tràng An nổi bật trong nước sơn mài màu hổ phách kỳ ảo. 

Nói về sự bí ẩn của tranh sơn ta, Nguyễn Trường Linh nêu bật cái đẹp hay xấu là ở lao động kiên nhẫn trong khi mài sơn. Động tác mài chính là yếu tố quyết định cái đẹp của tác phẩm. Anh còn cho biết, khi phủ những lớp sơn, có những tác phẩm phủ tới 10 lớp sơn chồng lên nhau, tùy theo ý đồ của từng họa sĩ đối với đề tài định vẽ. Nhưng khi mài khó có thể hình dung ra màu gì. Vậy chính trong quá trình mài là sự săn đuổi có tính sáng tạo với từng tác phẩm mà mình đã vẽ. Quá trình mài cũng là vẽ, làm nổi bật hình tượng và sắc màu thể hiện đúng mỹ cảm của mình.

Chính vì thế với đề tài Hà Nội, dù cho là hiện thực hay huyền ảo hoặc kết hợp hiện đại và truyền thống, luôn luôn phải thể hiện được tình cảm của người nghệ sĩ với Thủ đô. Sắc màu trong sáng, lung linh nhưng không bí hiểm, hình tượng phải bừng sáng rõ nét, nhưng lại không xô bồ thô kệch. Đó là cái khó trong khi mài. Cảm xúc về một Hà Nội của riêng mình phải đẹp tới độ bay bổng và nồng ấm. Khi đó người họa sĩ mới dừng tay mài. Ở góc này hay góc kia của hình tượng. Sự bất ngờ của tranh sơn ta ở sự nhẫn nại đó.

Riêng bức tranh sơn mài “Hà Nội có cầu Long Biên” của Nguyễn Trường Linh đoạt được HCV (một trong ba HCV) của triển lãm 5 năm (2006-2010), với 800 tác phẩm dự thi năm đó, quả là một thành tựu lớn. Anh đã dành trọn ba tháng để hoàn thiện bức tranh. 

Tác phẩm toát lên ngôn ngữ trừu tượng và hiện đại để hiển hiện ý tưởng cảnh báo một nốt lặng trong tâm hồn người dân Thủ đô về cây cầu lịch sử này. Bức tranh được ghép từ 3 tấm vẫn toát lên nét lãng mạn và vóc dáng hình tượng rồng vượt con sông mẹ hiền lành đấy mà dữ dội âm thầm. Một không gian được cấu trúc tạo ra góc cạnh lập thể, với những nhịp cầu của cuộc cách mạng mùa thu năm nào. 

Anh kể mình đã ngày đêm mài và tìm cho được dưới những lớp sơn kia, người xem thấy được góc sâu của cây cầu, với một luồng ánh sáng mạnh trẻ trung ở giữa. Cùng với bộ tranh “Phố gầm cầu”, họa sĩ còn vẽ tới 15 bức về cầu Long Biên như một sự cởi mở về tâm hồn Hà Nội. Anh muốn nhấn mạnh, cây cầu hơn trăm tuổi là một câu chuyện cổ tích, một dấu ấn lịch sử cần lưu giữ trong lòng người Thủ đô. Hà Nội của Nguyễn Trường Linh là thế, nồng nàn, sâu sắc.

Thân phận phụ nữ với “Giấc mơ nàng Kiều”

Một mảng đời sống ẩn giấu yếu tố tâm linh về người đàn bà, đậm màu sắc “Đạo Mẫu” cũng đã làm rung động tâm hồn “Sơn ta” của Nguyễn Trường Linh. Ở đề tài về người đẹp, với anh hình tượng trung tâm phải lắng đọng, khát khao sự sống và tình yêu. Anh hướng tới những nét thăm thẳm của đời người. Đó là những vũ điệu dân gian và khúc ca dao về thân phận như: “Vọng Phu”, “Vũ điệu lên đồng”, “Bướm đêm” hay các “Giấc mơ nàng Kiều” I, II, III... Rồi còn đó là những cung đàn muôn điệu của “Những cô nàng”, hay “Địa ngục không có quỷ dữ”, hoặc “Thập diện”... Mỗi bức là một đời sống tinh thần độc lập về nỗi niềm nhân gian, mà người phụ nữ hiện thân, gánh chịu số phận cô đơn.

Người xem còn nhớ cách đây vài năm, Nguyễn Trường Linh đã mang những “Người đàn bà” sơn mài của mình đi trình bày ở Đài Loan, với tiêu đề của cuộc triển lãm: “Bí ẩn”. Đó là một hàm ý có hai tứ: “Bí ẩn” đây là những điều sâu kín được khám phá về thân phận con người, và nữa “Bí ẩn” còn là mê cung khó lường của một dòng tranh sơn mài Việt Nam. Quả đúng, nhiều nhà nghiên cứu hội họa nước ngoài hướng tới nền tảng hội họa Việt Nam là nghĩ tới dòng tranh sơn mài, bởi đó chính là quốc bảo của nước ta. Triển lãm tranh “Bí ẩn” của Nguyễn Trường Linh đã làm xôn xao dư luận ở Đài Loan. 

Một nhà phê bình có uy tín ở Đài Bắc đã khẳng định: “Triển lãm như một luồng gió lạ mang đến sự huyền bí, ánh sáng, hào quang rực rỡ của nghệ thuật sơn mài Việt. Khán giả đi từ ngạc nhiên đến thán phục trước nghệ thuật sơn mài Việt Nam và họ hy vọng sẽ lại được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm khác của họa sĩ trong những năm sau”. Và điều đặc biệt, sau đó nhiều tác phẩm sơn mài của Nguyễn Trường Linh đã được mua với giá rất cao ngay tại triển lãm.

Mới đây vào tháng 7/2015, anh còn tham gia cuộc trưng bày tranh sơn ta cùng các họa sĩ trẻ khác tại Hàn Quốc (Trung tâm Nghệ thuật Ganaisa, Seoul). Với đề tài người đẹp, Nguyễn Trường Linh nghĩ còn nhiều “Bí ẩn” cần được thể hiện mạnh dạn và lắng đọng hơn nữa. Ngoài cái bi còn cái hùng của người phụ nữ Việt Nam bao đời nay đã được ngợi ca. Tranh sơn mài phải thể hiện được những nét mới lạ trong những hình tượng bi tráng với sắc màu vàng son, đầy sức cuốn hút người xem. Có thể coi đó là một thử thách trên con đường nghệ thuật của mình. 

Nhà phê bình nghệ thuật, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã đánh giá về Nguyễn Trường Linh khá thú vị: “Yêu quý chất liệu sơn mài truyền thống, anh coi mình như kẻ hậu sinh, tự tin khi con mắt được đánh thức, nên nhẹ nhõm bước chậm, bước sâu xuống đáy vóc mà vùng vẫy thỏa thuê trong những đĩa màu cũ, tinh túy của sơn mài. Để rồi, mỗi lần ngoi lên lại thấy mình khác”. Đó là sự dấn thân bước vào một thế giới trầm luân “Sơn mài” của Nguyễn Trường Linh.

Một cõi “Sơn ta”

Đúng là tranh “Sơn ta” là một cõi đam mê, không phải bất cứ ai, hay bất cứ họa sĩ nào dám dấn thân. Quá trình thành lập “Nhóm họa sĩ sơn ta Việt Nam”, năm 2013, là một thử thách, khi Nguyễn Trường Linh đề xuất với một số họa sĩ có tâm huyết vẽ tranh sơn ta, theo phương thức truyền thống. Ban đầu mới chỉ có hơn 20 người tham gia, nhưng đến nay con số của nhóm đã lên tới 50. Tuy đó còn là con số khiêm tốn, nhưng nhóm đã hoạt động về chuyên môn có hiệu quả và dư luận rất quan tâm, qua 3 cuộc triển lãm “Tranh sơn ta”.

Trên nền tảng mỹ nghệ sơn ta của ông cha để lại, nhiều thế hệ họa sĩ đã vận dụng sáng tạo ra dòng tranh sơn mài Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 30. Giờ đây, họa sĩ Nguyễn Trường Linh, đại diện cho thế hệ thứ tư đã và đang lao tâm khổ tứ, trọn một bề với sự nghiệp sơn mài. Những thành tựu của anh là một sự khẳng định, với nỗ lực không biết mệt mỏi, vì nền tảng mỹ thuật dân tộc, mà anh theo đuổi suốt hai mươi năm qua.

Vương Tâm
.
.
.