Nhạc sĩ Thanh Tùng:

Để lại mùa thu theo lá bay bay...

Chủ Nhật, 20/03/2016, 11:32
"Đắk Nông còn nhớ không, bát ngát lâm trường. Áo xanh màu lá rừng, nhuộm hoàng hôn…". Đắn đo mãi tôi mới quyết định dùng những lời ca có lẽ ít được biết đến nhất của nhạc sĩ Thanh Tùng để mở đầu cho bài viết về ông - một tác giả với rất nhiều nhạc phẩm về tình yêu đã đi sâu vào tâm hồn các thế hệ công chúng.


Chưa một lần được diện kiến, trò chuyện âm nhạc với ông nên cũng không biết ông sáng tác ca khúc này trong hoàn cảnh nào. Chỉ có thông tin ít ỏi, đó là ca khúc được lấy cảm hứng từ một cô thanh niên xung phong. Chắc là ông viết nó trong một đợt vận động sáng tác để cổ vũ tinh thần cho phong trào thanh niên xung phong đi vùng kinh tế mới, xây dựng quê hương.

Nghe đề tài thì đầy tính cổ động nhưng ca khúc lại được lồng vào tình cảm của tuổi trẻ, của tình yêu đôi lứa, với tuyến giai điệu trữ tình, ngọt ngào đậm chất nhạc nhẹ chứ không có chút gì liên quan đến âm nhạc Tây Nguyên, dù chỉ là phảng phất.

Một thời, nó được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng nhiều, thành ra từ một ca khúc viết về một địa phương, một nông trường ở tận Tây Nguyên đã trở nên thân quen với khán giả cả nước. Làm được điều này chả dễ. Đấy là cái tài của Thanh Tùng.

Luôn có những bóng hồng trong âm nhạc

Thanh Tùng chủ yếu sáng tác về tình yêu đôi lứa. Ở đó, cho dù có đủ dư vị của ngọt ngào, êm ấm và cả những chia ly, đắng cay nhưng nó luôn toát lên một tinh thần lạc quan. Luôn có bóng dáng một người phụ nữ ở trong tác phẩm của Thanh Tùng.

Nhạc sĩ Thanh Tùng.

Ông cũng từng thừa nhận nhiều ca khúc trong số đó ông viết có chủ đích, viết là để dành tặng riêng cho một bóng hồng hoặc chí ít, viết cho những giọng hát mà ông có duyên gặp gỡ và yêu mến. "Và tôi biết rằng, nói yêu em là điều khó khăn…". đấy là "Lời tỏ tình của mùa xuân" ông viết cho giọng hát của Ngọc Bích, một ngôi sao ca nhạc những thập niên 80 của thế kỷ trước. "Chuyện tình của biển" một thời làm mưa làm gió trong đời sống âm nhạc ông viết dành cho Ngọc Thúy, một ngôi sao ca nhạc của đoàn Phú Khánh thời ấy.

Thanh Tùng còn viết cho Ngọc Thúy thêm một bài rất nổi tiếng nữa: "Giọt nắng bên thềm". Trong khi "Hát với chú ve con",  ông viết thư bằng âm nhạc dành tặng cho một người con gái đẹp nhưng có số phận không may mắn và mất niềm tin vào cuộc sống mà ông đem lòng yêu mến trước lúc cô rời Việt Nam định cư tại nước ngoài.

Sáng tác luôn gắn liền với hình ảnh người phụ nữ, thậm chí chẳng ngại ngần chia sẻ người đẹp nào là nguồn cảm hứng cho một ca khúc ra đời hay người đẹp nào được Thanh Tùng dành tặng ca khúc, nhưng Thanh Tùng cũng dành tình cảm đặc biệt cho người bạn đời của mình.

Còn nhớ khán phòng của đêm liveshow "Một mình" năm 2008 đã không khỏi ngậm ngùi trước tình cảm Thanh Tùng dành cho vợ mình. điều ông ao ước nhất thì bây giờ không thể thành hiện thực được, đó là được sống bên người vợ hiền "hay dỗi, rất yêu chồng, hơi khắt khe, cằn nhằn khi tôi hút thuốc lá, uống rượu, thậm chí có thể ghen tuông vớ vẩn"!

Anh Bách - con trai nhạc sĩ Thanh Tùng.

Điều tưởng như bình thường như bao đôi lứa khác trên cõi đời này thì với ông, ông chỉ được tận hưởng trong 18 năm. Cho tới đầu những năm 1990, bà chia tay cuộc đời. Thanh Tùng từ đó sống một mình cùng với ba người con, hai trai, một gái. Ông vẫn một lòng hướng về vợ. 

Tôi từng đọc được câu trả lời đầy khẳng định khi có một nhà báo hỏi ông đại ý rằng: Ông nghĩ ai là người thương ông nhất? Và ai là người ông thương nhất? Cả hai Thanh Tùng chỉ trả lời có một đáp án: "Vợ tôi". Như thế dễ hiểu tại sao "Em và tôi" và "Một mình" lại dạt dào đến vậy. Gần đây nhất, năm 2007 trước khi ông đột quỵ một năm, Thanh Tùng lại sáng tác thêm ca khúc "Hoa cúc vàng" dành tặng vợ mình.

Một phong cách âm nhạc

Nhắc đến ca khúc của Thanh Tùng thì nhiều lắm, kể sao cho hết những nhạc phẩm đã nổi tiếng. Những "Ngôi sao cô đơn", "Câu chuyện nhỏ của tôi", "Hoa tím ngoài sân", "Phố biển", "Mưa ngâu", "Trái tim không ngủ yên"… Lại còn có cả "Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta" một bản nhạc đậm chất rock mà ông sáng tác âm nhạc cùng với Hình Phước Liên dựa trên lời thơ của nhà thơ Thanh Thảo.

Nhưng dù nói gì thì nói, chất tự sự, trữ tình trong hơi thở nhạc nhẹ mới là nơi mà người ta dễ nhìn thấy con người Thanh Tùng nhất. Thanh Tùng sinh năm 1948 tại Khánh Hòa, lớn lên ở Hà Nội và gắn bó cuộc đời hoạt động âm nhạc tại TP Hồ Chí Minh ngay sau khi đất nước thống nhất, năm 1976.

Có lẽ, khoảng thời gian từ cậu bé 6 tuổi theo cha mẹ tập kết ra Bắc cho tới khi trở thành một cậu thanh niên vững vàng đã gắn tâm hồn Thanh Tùng với Hà Nội. Những suy tư nhè nhẹ, những rung động đầu đời, những góc phố, những con đường ven hồ, những hàng cây và mùi hương thơm của Ngọc Lan đặc trưng phố Hà Nội đã được Thanh Tùng gửi gắm vào "Lối cũ ta về".

Chẳng một từ nào nhắc tới Hà Nội, chẳng một chữ nào nói tới Hồ Gươm, Hồ Tây hay những con phố. Giống như Đoàn Chuẩn - Từ Linh, như Văn Cao, có lẽ với Thanh Tùng là Hà Nội không để phô trương, Hà Nội là để cảm nhận. Cảm nhận được Hà Nội mới thấm được cái đẹp, cái sâu sắc của thành phố này.

Sống và sáng tác ở thời điểm âm nhạc vẫn còn nặng tính chính trị, thiên về những âm hưởng hào hùng thì những ca khúc không đặt nặng điều ấy mà chỉ đơn thuần nói về tình yêu tuổi trẻ như của Thanh Tùng đã là một phá cách. Cộng thêm vào nữa, sự ảnh hưởng của dòng âm nhạc pop, rock thế giới những thập niên 80-90 bắt nhập vào tâm hồn Thanh Tùng và một số nhạc sĩ thế hệ ông như Trần Tiến, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung, Bảo Chấn… đã tạo một bước đột phá, một hơi thở mới cho đời sống âm nhạc nước nhà.

Có thể coi họ nối tiếp mạch nguồn nhạc trẻ đã xuất hiện từ trước đó nhưng bị ngắt quãng. Đồng thời, thổi một làn gió mới mang tên thời đại vào nó. Có thể coi họ là những nhạc sĩ tiên phong cho phong trào nhạc trẻ hồi sinh sau 1975. Cho nên, những sáng tác của Thanh Tùng cùng với những nhạc sĩ bạn bè thời điểm ấy nhanh chóng được công chúng đón nhận và lan tỏa một cách mạnh mẽ.

Dẫu thế, đâu đó vẫn có những ý kiến cho rằng nhạc của Thanh Tùng "Tây" quá. Đúng vậy. Cả tuyến giai điệu cũng như điệu thức hoàn toàn theo lối âm nhạc phương Tây. Cộng thêm phần lời ca nói lên tâm tư tình cảm đơn thuần về tình yêu đôi lứa tất cả đều gợi lên sự ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây.

Ngay chính Thanh Tùng cũng thừa nhận điều này. Ông từng cho rằng, trong âm nhạc của ông "Tây" chiếm tới 70%, phần còn lại là "Ta". Nhưng yếu tố "Ta" ở đây lại không phải chất liệu âm nhạc, thang âm, điệu thức hay một giai điệu dân tộc cổ truyền nào mà nó chính là tinh thần, là tâm tư, là tình cảm của ông. Thanh Tùng cho rằng, chính ông là dân tộc, là yếu tố "Ta" trong âm nhạc của mình.

Giờ thì cái nhìn đã thoáng hơn rất nhiều. Thực ra thì yếu tố "Tây" hay "Ta" chả có gì quan trọng đối với dòng nhạc này, điều quan trọng là những gì vang lên có được khán giả đón nhận không, có thực hiện được đúng sứ mệnh của nó là để làm người bạn tinh thần bên người nghe bất kể khi vui sướng hay khổ đau không. Thanh Tùng may mắn vì ông đã làm được điều này.

Mãi trong tim mọi người

Âm nhạc của ông thực sự đã tạo nên tên tuổi cho rất nhiều nghệ sĩ. Không kể tới Ngọc Bích hay Ngọc Thúy một thời của đoàn ca múa Phú Khánh (nay là Khánh Hòa); hay Minh Châu, Quỳnh Hoa những giọng ca quen một thời của công chúng Thủ đô.

Những ca khúc của Thanh Tùng còn đặt dấu ấn cho nhiều giọng ca nhạc nhẹ hàng đầu Việt Nam trong nhiều giai đoạn, chẳng hạn như Cẩm Vân một thời nổi tiếng với "Ngôi sao cô đơn". Cùng với "Bài ca không quên" (Phạm Minh Tuấn), "Ngôi sao cô đơn" là hai trong số không nhiều ca khúc tạo nên tên tuổi và "đẳng cấp" trong sự nghiệp ca hát của Cẩm Vân.

Nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Thanh Tùng.

Cũng chính "Ngôi sao cô đơn" khiến khán giả biết đến một Hoàng Huệ Quân, còn Hồng Nhung thì gắn với "Giọt sương trên mí mắt", "Hát với chú ve con". Nhưng khi nhắc tới khía cạnh này, không thể không nhắc tới ca khúc "Trái tim không ngủ yên" đã tựa như bệ phóng góp phần đẩy hai giọng ca trẻ bỗng trở nên rực sáng trên bầu trời âm nhạc Việt Nam.

Đó chính là Mỹ Linh và Bằng Kiều, khi cả hai cùng đang là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, họ đã cùng thể hiện ca khúc "Trái tim không ngủ yên" trong một chương trình SV96 trên VTV3. Và hôm đó khán giả sinh viên như vỡ tung cảm xúc khi đón nhận phần trình diễn này.

Có lẽ, với nhiều sáng tác quen thuộc, nhiều ca sĩ nổi tiếng đã gắn liền tên tuổi hoặc là một bước ngoặt trên con đường ca hát khi thể hiện những ca khúc Thanh Tùng và với cả những tình cảm chân thành của ông dành cho vợ và những người con của mình mà Thanh Tùng luôn có tình cảm đặc biệt trong trái tim những nghệ sĩ. Cho dù đã biết ông bệnh nặng trong nhiều năm nhưng sự ra đi của ông vẫn để lại nhiều niềm thương nhớ trong lòng các nghệ sĩ.

Cẩm Vân đã chia sẻ: "Lại mất thêm một cây cổ thụ nữa trong làng nhạc Việt Nam" và cho rằng: "Anh đã có những tác phẩm rất hoàn hảo trong lòng khán giả. Cảm ơn những tình khúc của anh đã nuôi sống bao mạch máu thời âm nhạc thay cơm". Nữ ca sĩ Quỳnh Hoa (Hà Nội) nói rằng, âm nhạc của Thanh Tùng đã là một người bạn thân thiết với chị trong suốt những năm tháng tuổi trẻ gắn liền với niềm đam mê và cống hiến cho sự nghiệp ca hát.

Nhưng không chỉ có thế hệ của Cẩm Vân, hay Quỳnh Hoa. Những nghệ sĩ thế hệ trẻ cũng yêu mến tài năng của vị nhạc sĩ này, như Trung Quân Idol tâm sự: "Chưa được gặp chú bao giờ nhưng con lớn lên với âm nhạc của chú".

Sau khi nhạc sĩ Thanh Tùng đã về với cõi vĩnh hằng, tôi mới biết những năm tháng cuối đời ông ở Hà Nội với người con trai cả. Qua những lời tâm sự trên trang Facebook cá nhân của anh với tên là Bách Việt từ trước đó rất lâu, tôi mới biết anh và hai người em của mình yêu quý tôn trọng cha như thế nào. Ông luôn là niềm tự hào đối với những người con của mình.

Tôi đã thật sự xúc động khi xem một status với dòng chữ ngắn gọn: "Tam đại đồng đường" và kèm theo đó là 3 tấm hình của nhạc sĩ Thanh Tùng, con trai trưởng và cháu nội đích tôn của ông. Vậy là ngay cả những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ Thanh Tùng đã luôn sống trong sự ấm áp yêu thương của những người ruột thịt cũng như bạn bè văn nghệ sĩ.

Đối với một cuộc đời trọn vẹn cả sự nghiệp cũng như gia đình như vậy đã thực sực là một cuộc đời đầy ý nghĩa. Cho dẫu, khi còn ở cõi tạm, đôi lúc nhạc sĩ vẫn còn cảm thấy trống trải bởi "Vắng em còn lại tôi với tôi". Sự chia tay để lại nhiều niềm thương cho người ở lại nhưng lại là ngày đoàn viên của hai vợ chồng nhạc sĩ và từ nay sẽ không còn: "Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ, cô đơn cùng với tôi về…". 

Nguyễn Quang Long
.
.
.