Diễn viên Hai Nhất:

"Lâu rồi tôi không đóng phim vì kịch bản nhạt nhẽo"

Thứ Hai, 14/12/2015, 17:00
Ba Cẩn của phim "Biệt động Sài Gòn" tâm sự, so với thời ông đóng phim những năm 1980, điều kiện làm phim hiện tại tốt hơn nhiều, kinh phí cũng thoải mái nhưng chất lượng phim càng ngày càng tệ, xuất phát từ việc nhà sản xuất không tìm được kịch bản hay.
- Đã lâu ông mới tái xuất màn ảnh nhỏ. Đâu là lý do ông một lần nữa nhận vai phản diện trong phim "Con gái ông trùm"?

+ Thực sự mà nói tôi sợ những vai phản diện lắm rồi. Tôi không muốn lặp lại mình ở những vai ác dù đó là sở trường của tôi. Đó là lý do tôi không nhận phim một thời gian dài. Với phim “Con gái ông trùm”, nhà sản xuất mời nhiệt tình, phim lại phát sóng trên kênh An ninh quốc phòng nên tôi tin tưởng chất lượng và thái độ làm việc của nhà sản xuất.

Nhân vật ông trùm trong phim trải qua nhiều đoạn đời khác nhau với nhiều tình tiết éo le, kịch tính. Kịch tính nhất là khi anh ta đối mặt với con gái ruột trong tâm thế tội phạm và người thực thi công lý. Đây là tình huống buộc nhân vật phải thể hiện mâu thuẫn giằng xé, tâm lý nặng nề bên cạnh những hành động tàn ác. Tôi thích tính cách đa chiều, vừa nham hiểm vừa mềm yếu nhưng cũng rất quyết liệt của "ông trùm" nên quyết định nhận vai. Lâu lâu cũng nên xuất hiện để khán giả không quên mình.

Diễn viên Hai Nhất.

- Tình tiết hai người ruột thịt đối đầu ở hai ranh giới thiện - ác không còn mới trong phim ảnh. Ông nói sao nếu vai diễn không mới so với những vai phản diện trước đây của mình?

+ Phải thừa nhận đây là mô típ cũ nhưng cách xử lý của kịch bản cũng như ê kíp khá khéo léo nên tôi không sợ bị lặp lại mình trong phim này. Để tránh sự nhàm chán, nhà sản xuất chú trọng chọn diễn viên mới. Phim có nhiều cảnh hành động nên diễn viên đóng vai con gái tôi phải vừa xinh đẹp, vừa thông minh, đặc biệt là giỏi đánh đấm.

Cô ấy diễn bằng bản bản năng nhiều hơn là sử dụng kỹ thuật diễn xuất nên tôi có cảm hứng hơn khi đóng chung. Khác với những phim khác, ông bố tội phạm thường buông súng qui hàng, nhất là khi sau nhiều năm ông vô tình phát hiện ra mình có một cô con gái duy nhất.  Nhưng ở phim này, nhân vật của tôi tàn ác đến cùng khi loại bỏ con gái để bảo toàn tính mạng của bản thân.

- Chuyên trị những vai phản diện, ông mong muốn gì khi nói đến cơ hội tiếp cận những vai diễn khác?

+ Thật ra tôi có nhiều cơ hội đón nhận những vai diễn khác, nhất là khi tôi đóng vai trò nhà sản xuất. Tuy nhiên, tôi thấy dạng vai ác có toan tính, cái ác của một người có học và từng trải vẫn là sở trường của tôi. Tôi muốn đóng vai nào phải để lại dấu ấn với vai đó nên không nhận lời bừa bãi dù có nhiều lời mời. Trong điều kiện làm phim hiện nay, kịch bản na ná nhau, rất khó tìm được những nhân vật điển hình khiến khán giả nhớ lâu. Bây giờ quay một tập phim hết chừng một ngày, một bộ phim điện ảnh 90 phút hết chừng hai tháng, lấy đâu ra thời gian để đầu tư cho nhân vật. So với thời những năm 1980, chúng tôi quay cả năm mới xong một bộ phim, thù lao thấp nhưng vai nào ra vai đó. Sau 30 năm, nhắc đến tên diễn viên, khán giả vẫn nhớ vai diễn của họ.

- Ông so sánh ra sao về điều kiện đóng phim hiện nay so với thời ông tham gia "Mùa nước nổi", "Biệt động Sài Gòn"?

+ Thời tôi đóng “Mùa nước nổi”, kỹ thuật làm phim cũng như điều kiện máy móc, đường xá chưa thuận tiện như bây giờ. Quay một bộ phim là đi biệt tích cả năm, mất liên lạc luôn với gia đình. Ăn, uống, ngủ nghỉ đều thiếu thốn đến mức diễn viên mặc chung quần áo. Nhớ khi đóng “Mùa nước nổi”, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm nên chẳng chuẩn bị gì.

Đào Bá Sơn mang theo chiếc chăn mỏng xuống miền Tây mùa nước nổi. Vậy là tôi, Đào Bá Sơn, Robert Hải đắp chung một chiếc chăn mỏng và ngủ trong một căn phòng ẩm thấp, chật hẹp của ủy ban xã. Sơn và Robert Hải to cao nên mỗi lần hai cậu ấy kéo chăn, tôi lại nằm co cả đêm vì lạnh và muỗi cắn. Đóng xong phim, tôi nhập viện vì sốt rét. Chỉ chậm 15 phút nữa là chết. Khi đó, răng, tóc tôi rụng hết. Tôi tưởng mình không sống được cho đến ngày phim công chiếu.

- Theo ông, thù lao đóng phim thời đó so với hiện tại ra sao

+ Tôi phải nói lời cảm ơn thời kỳ gian khó đó đã làm nên tên tuổi Hai Nhất. Hiện tại cát xê của tôi cho một phân đoạn tính bằng tiền triệu. Trong phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn" quay năm 2011, vai trùm xã hội đen Bảy Xoài của tôi được trả 1 triệu đồng một phân đoạn. Để có được ngày hôm nay, tôi từng đóng những vai phụ không có cát xê, mong ngày có hai bữa cơm là đủ. Những năm 1980, thù lao diễn viên bèo bọt, lĩnh xong là trả nợ hết, có khi gia đình phải cung cấp thêm để chi tiêu.

Hai Nhất trong phim “Mùa nước nổi”.

- Kỷ niệm nào ông nhớ nhất khi vào vai giang hồ Bảy Xoài trong phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn" ?

+ Vai Bảy Xoài đã mang lại cho tôi nhiều thứ, không chỉ về mặt tiền bạc. Đó là giải "Diễn viên xuất sắc nhất"  tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31, sau đó là sự hâm mộ của khán giả cả nước dành cho tôi. 

Sau khi bộ phim khởi chiếu, một lần tôi qua Campuchia chơi, vào sòng bài, gặp một anh từng ở tù trong vụ Năm Cam hiện đang làm quản lý ở đó. Nhìn thấy tôi, anh ta chạy ra tay bắt mặt mừng, sau đó thêm vài người cũng tự xưng là đàn em ruột của Năm Cam bước tới xin bắt tay và nói nhỏ: "Anh Hai đóng vai thầy em quá đạt, vừa xem vừa thấy sướng!". Nói thật lúc đó tôi cũng sợ gần chết mà vẫn phải tươi cười đáp lễ.

Hai Nhất trong phim “Con gái ông trùm”.

Một lần khác tôi ra chợ Sài Gòn, nguyên "băng" xích lô xe ôm đều chào hỏi niềm nở, người kêu anh Hai, người la lên là anh Năm. Có cậu nhóc bán vé số còn bảo cậu kế bên là: "Ê, mày đứng xích ra, loạng quạng ổng điện thoại một phát là tao với mày ăn cám đấy". Ấy là khán giả, còn người trong nghề thì gọi điện chúc mừng suốt. Ngay cả Dũng Nhi, đàn anh của tôi khi xưa, lúc gặp ở Hà Nội cứ ôm chặt và thốt lên: "Vai diễn của anh bắt vợ con tôi thức trắng nhiều đêm liền, phải nói là quá tuyệt".

- Có thời gian ông còn sản xuất phim, nắm trong tay nhiều đạo diễn giỏi như Hồng Sến, Đào Bá Sơn. Vì sao ông không tiếp tục phát huy?

+ Đó là những năm 1990, tôi kết hợp Hồng Sến, Đào Bá Sơn làm những bộ phim nghệ thuật nhưng hiệu ứng khán giả không thể địch nổi với những phim được gọi là mì ăn liền thời đó như "Nước mắt học trò", "Em còn nhớ hay em đã quên"… Tôi là người đầu tiên bỏ vốn xây dựng phim trường tư nhân nhưng rồi phải giải thể. Có lẽ tôi chỉ hợp làm diễn viên. Làm nhà sản xuất phải biết nắm bắt thị trường, thị hiếu của khán giả cũng như những chiêu thức lăng xê tác phẩm của mình. Sau cùng tôi kinh doanh nhà hàng và thấy mình thích hợp với công việc này hơn.

- Ông nghĩ sao khi nói ông không có khả năng đạo diễn, xây dựng câu chuyện thu hút khán giả như những nhà sản xuất khác ở thời điểm những năm 1990?

+ Như trên tôi đã nói, tôi thấy mình chỉ hợp với làm diễn viên. Tôi là người Bắc, không nắm rõ nhu cầu giải trí của khán giả miền Nam như những nhà sản xuất khác.  Tôi làm phim muộn hơn họ, tận cuối những năm 1990, khi đó dàn diễn viên như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh đã giảm dần sức hút. Đất nước bắt đầu đổi mới, người dân ít có nhu cầu đến rạp mà rất thích ngồi nhà xem phim truyền hình. Đó là thời điểm những bộ phim dài tập như "Giã từ dĩ vãng" , "Đồng tiền xương máu"… làm mưa, làm gió trên truyền hình.

- Ông là diễn viên gốc Bắc, vậy nghệ nhân Hai Nhất có từ đâu?

+ Trước khi bước vào điện ảnh, tôi chỉ là anh văn công giải phóng với cái tên Nguyễn Mai A. Tôi sinh ra ở Ninh Bình, theo kháng chiến rồi vào Nam lập nghiệp sau khi hòa bình lập lại. Khi mới vào, tôi may mắn được biên chế vào Hãng phim Giải phóng, theo đạo diễn Nguyễn Hồng Sến đi đóng phim rồi làm phó, trợ lý đạo diễn… Khi tôi đóng các vai Nam bộ, ê kíp Hồng Sến nghĩ cách đặt cho tôi một nghệ danh mang đậm chất Nam bộ.  Ở nhà tôi là anh cả, nhưng người Nam gọi anh lớn trong nhà là anh Hai. Vì vậy, tôi được anh em gọi là Hai Nhất. Nghệ danh đó theo tôi từ khi vào Nam lập nghiệp đến giờ.

- Hiện tại, thời gian không đóng phim, ông làm gì?

+ Nhiều năm nay, tôi không nhận phim. Thời gian rảnh tôi nuôi chim yến và tận hưởng những thú vui tuổi già khác như vui vầy cùng con cháu, đi thăm thú, cà phê với những người bạn cùng thời.

-  Xin cảm ơn nghệ sĩ Hai Nhất.

Minh Châu thực hiện
.
.
.