25 năm làm kiếp "nô lệ" nơi xứ người

Thứ Hai, 13/06/2016, 16:28
Sau những lời dỗ ngon ngọt, bà Nguyễn Thị Lăn (xã Cảnh Hưng, Tiên Du, Bắc Ninh) bị một người quen lừa bán sang Trung Quốc. Cuộc sống với người đàn ông lạ kéo dài suốt 25 năm chẳng khác nào địa ngục trần gian. Làm quần quật như trâu bò, bị đánh đập đến mức ngẩn ngơ. Cay đắng hơn cả là phải tự một mình sinh con. Được trở về quê hương nhưng những tháng ngày cay đắng ấy đối với bà Lăn như thể một cơn ác mộng không bao giờ quên.


Cả cuộc đời lăn lộn

Người làng vẫn hay đùa với nhau: Đúng là bà ấy khổ, tên là Lăn mà! Cứ phải lăn lộn khắp nơi mà mưu sinh. Có lẽ cái tên ấy đã vận vào số phận con người này. Số ngày vui, ngày hạnh phúc của bà Lăn chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sinh ra ở một làng quê nghèo vùng Kinh Bắc, nhà không đông anh em nhưng gia đình bà nghèo truyền kiếp. Cuộc sống vốn đã vất vả, bố mẹ lại gả bà cho một người đàn ông không được khôn ngoan.

Ngoài những việc đồng áng, bà Lăn đi khắp nơi làm thuê. Khi thì xuống thành phố bán hàng rong, lúc dạt lên cửa khẩu bốc vác. Làm cật lực nhưng cũng chỉ ngày ba bữa rau cháo nuôi chồng. "Cực nhất là những ngày mang bầu con bé gái. Chẳng được nghỉ ngơi, vẫn cứ phải lăn lộn kiếm tiền. Giá như người ta chồng khôn ngoan thì đỡ khổ" - bà Lăn rưng rưng.

Trở về với người thân như một giấc mơ với bà Lăn.

Chúng tôi gặp bà Lăn ở nhà người chị dâu, dù đã trở về quê được hơn 2 tháng nhưng tinh thần bà vẫn chưa ổn định. Gặp người lạ bà Lăn tỏ ra hoảng sợ, chạy trốn. Phải nhờ đến người chị dâu chúng tôi mới tiếp xúc thoải mái với bà Lăn.

Bà bắt đầu kể quãng đời 25 năm nhòa trong nước mắt: "Cách đây 25 năm, lúc đó con gái tôi mới được 4 tuổi. Vì chồng tôi không được khôn ngoan nên mọi lo toan trong nhà đều đến tay. Ai thuê gì làm đó, miễn là kiếm được tiền nuôi chồng con. Đang trong những ngày giáp hạt, một phụ nữ tên là Bình rủ tôi xuống Móng Cái (Quảng Ninh) để gánh hàng thuê cho dân buôn. Thấy họ bảo công cao lắm nên tôi đã đi cùng".

Hơn 7 tiếng ngồi ôtô khách, bà Lăn cũng đến được cửa khẩu Móng Cái. Không như những lời nói trước đó, bà Lăn cùng người phụ nữ tên Bình phải chui qua hàng rào đi bộ vượt biên giới.

Cảm giác có chuyện chẳng lành đến với mình, bà Lăn ngỏ ý muốn về. Người phụ nữ kia lên giọng hăm dọa, nếu quay về bà sẽ bị bắt đi tù vì tội vượt biên, bà ấy sẽ không lo cho đâu. Đâm lao rồi đành phải theo, bà Lăn lại lên một chiếc xe ôtô để đi tiếp thêm một ngày một đêm nữa.

"Tôi bị say xe hơn cả say rượu, nằm trên xe mà ngất ngư chẳng biết mình đang ở đâu. Lúc tỉnh thì thấy xung quanh toàn đồi núi. Biết là mình đã bị lừa, cố kêu gào lên nhưng cũng chẳng ai nghe, họ còn dọa nếu còn kêu sẽ trói chân tay bỏ ở rừng sâu"- bà Lăn nhớ lại.

Bà Lăn nhớ lại những tháng ngày "nô lệ" nơi đất khách.

Bà Lăn được người phụ nữ tên Bình đưa đến một ngôi nhà chỉ có hai mẹ con. Người mẹ chừng 70 tuổi, còn anh con trai cỡ ngoài 40. Nhìn thấy gia cảnh, ánh mắt của người đàn ông kia, một cảm giác ớn lạnh chạy khắp người.

Cuộc ngã giá diễn ra chóng vánh, bà mẹ già đếm tiền đưa cho Bình cũng là lúc bà Lăn nhận ra sự thực mình đã bị lừa bán. Sau cuộc ngã giá chừng 10 phút, người đàn ông bặm trợn kia lôi bà vào nhà "động phòng". "Lúc đó tôi sợ đến mức không khóc được, không kêu được mà người cứ mềm ra…" - bà Lăn kể.

Kiếp ở đợ không công

Nhắc đến cuộc sống hơn 20 năm bên xứ người, bà Lăn như run lên bần bật. Bà kể, năm đầu tiên làm dâu nhà họ thì ít bị đánh. Nhưng bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi bà không còn nhớ mình bị bao nhiêu trận đòn, chỉ biết lúc nào trên người mình cũng có vết bầm tím.

"Họ đánh tôi không tiếc tay, chỗ nào cũng bầm tím cả. Khóc cũng không dám khóc to, họ nghe thấy khóc là lại đánh nhiều hơn. Cứ thế âm thầm chịu, tự lấy dầu gió xoa bóp"- bà Lăn nói trong nước mắt.

Bà Lăn đã cạn nước mắt sau 25 năm đằng đẵng nơi xứ người.

Gia đình nhà "chồng" bên Trung Quốc làm nông nghiệp thuần túy, từ ngày mua được bà về họ mua thêm trâu, nhận thêm đất để tạo "công ăn việc làm" cho bà. Một ngày bà Lăn phải làm nhiều việc cùng một lúc, vừa thả trâu vừa trồng mía, thu hoạch sắn.

Đêm về người đàn ông kia hứng lên lúc nào là lôi ra đánh lúc đó. Bước sang năm thứ 3 bà mang bầu, những tưởng mang bầu, sinh con cho họ sẽ được quý mến hơn nhưng cuộc sống của bà Lăn chẳng có nhiều thay đổi. Bị đánh ít hơn nhưng công việc vẫn ngập đầu.

Buổi sáng mùa hè nóng như thiêu, đang trên đường lên nương thả trâu, bà Lăn thấy người khó chịu, đau bụng. Biết mình có hiện tượng trở dạ nên vội vã quay về nhà. Thấy bà Lăn về nhà dở buổi, bà bị mẹ chồng chửi mắng rồi đem nhốt bà vào buồng kín.

Biết bà đến ngày sinh nở nhưng gia đình nhà chồng chẳng mảy may đoái hoài. Đau quá thì bám vào chắn song cửa sổ, ghì bụng vào đó để đỡ đau. Bà vượt cạn một mình! Thằng bé khỏe mạnh chui ra, khóc oe oe, bà Lăn dùng cật nứa cắt rốn, lau chùi rồi cuốn tạm con vào chiếc áo cũ. Khoảng vài tiếng sau mẹ chồng mới vào vội vã mang đứa con đi.

Trao đứa bé cho mẹ chồng, bà Lăn tự vệ sinh cho mình rồi bò lên giường nằm nghỉ. "Lúc đó tôi đau lòng lắm. Đứa con vừa mới dứt ruột đẻ ra thế mà họ đến lấy đi. Tôi gào khóc nhưng họ cũng chỉ để ngoài tai". Dù sinh hạ cho họ đứa con trai bụ bẫm nhưng bà Lăn vẫn bị đối xử chẳng khác nào người ở. Đẻ được vài ngày, mẹ chồng đã bắt bà đi làm nương quần quật, đêm về mới được nằm cạnh con.

Những năm đầu bà Lăn khóc rất nhiều vì thương con, nhớ người thân. Nhiều lần bà đã tìm cách bỏ trốn nhưng đều không thành. Cứ mỗi lần như thế bà lại bị chồng "tặng" cho những trận đòn thừa sống thiếu chết.

Bà Mười nguyện làm chỗ dựa tinh thần cho người em dâu đáng thương.

Sau này, khi biết không thể làm gì để trốn thoát nên bà Lăn đã cam chịu sống cuộc sống trâu ngựa nơi xứ người. Gần khu bà Lăn ở, cứ ba ngày họ lại có một phiên chợ, chồng lại đi uống rượu đánh "tài - xỉu". Thắng thì không sao, cứ hôm nào thua lại lôi vợ ra đánh đập, chửi bới. Tất nhiên những ngày thua nhiều hơn những ngày được.

Đáng lẽ ra bà Lăn sẽ không bao giờ nghĩ đến đường về quê, bà chấp nhận sống chết ở nơi địa ngục trần gian này. Nhưng rồi một hôm trên đường đi làm nương về, bà như bừng tỉnh khi nghe tiếng hát quan họ ở đâu vẳng đến khiến bà Lăn nhớ nhà, nhớ đứa con gái bé bỏng, nhớ cha mẹ… Từ đó bà Lăn đã lên kế hoạch một cuộc "đào tẩu" khỏi nơi đau khổ này. "Tôi quyết tìm đường về Việt Nam.

Hơn một năm nấu rượu để bán, tôi giấu được 1.000 nhân dân tệ, cộng thêm 300 nhân dân tệ của thằng con trai đi làm về cho. Do quen biết tôi đã liên lạc được với một chị tên là Mơ cũng quê ở Bắc Ninh. Khi gom đủ tiền, tôi có mang đến nhờ chị Mơ đưa tôi về quê. Thế là hai chị em tôi trở về Việt Nam" - bà Lăn nhớ lại.

Hơn hai mươi năm xa quê hương, bà trở về nhà với số tiền vỏn vẹn 300 nhân dân tệ (khoảng 950.000 đồng tiền Việt). Không chứng minh thư, không nhà, không đất, cha mẹ thì đã mất.

Đứa con gái 4 tuổi ngày ấy giờ cũng đã lấy chồng đi nơi khác, người anh trai duy nhất cũng qua đời vì bạo bệnh. "Về quê nhưng bố mẹ và anh trai đã mất. Con gái cũng đi lấy chồng rồi, cũng may có chị dâu và cháu cưu mang".

Biết chúng tôi về hỏi thăm, bà Nguyễn Thị Mười (chị Dâu bà Lăn) hiền hậu kể: "Cái ngày bà Lăn bị lừa bán đi gia đình chúng tôi cũng vất vả lắm. Hai vợ chồng nuôi 8 miệng ăn. Con gái cô Lăn mới 4 tuổi không có mẹ, vợ chồng chúng tôi đã đón cháu về nuôi từ đó cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi tâm niệm, người ta xin con nuôi còn được, huống hồ đây là máu mủ nhà mình.

Chúng tôi nuôi cháu khôn lớn rồi gả chồng cho nó. Còn về phía cô Lăn, về được Việt Nam là mừng rồi. Tôi có nói với cô ấy là cứ ở đây, tôi không nuôi được cô nhưng sẽ là chỗ dựa cho cô. Các cháu cô không bỏ rơi cô đâu mà phải buồn. Người dưng mà sa cơ lỡ vận còn giúp được huống chi là ruột thịt nhà mình".

Bà Nguyễn Thị Huyền - Trưởng ban Gia đình thuộc Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Vấn nạn buôn người sang Trung Quốc diễn biến rất phức tạp. Những năm gần đây riêng địa bàn huyện Tiên Du có tới 254 phụ nữ bị buôn bán  hay mất tích khỏi địa phương. Hiện nay số người trốn được về mới biết họ bị mua bán. Tất cả các trường hợp trở về địa phương đều được bố trí cán bộ giúp đỡ động viên cả tinh thần và vật chất để tái hòa nhập cộng đồng, nhiều người đã có cuộc sống ổn định.
Phong Anh
.
.
.