Bà cụ 70 tuổi nhặt rác và gánh nặng gia đình

Thứ Hai, 01/12/2014, 11:00

Trong ngôi nhà không cửa, chỉ có một tấm vải mỏng được căng để che mưa che gió, bà sống ở đó cùng đứa con trai bệnh tật và đứa cháu ngoại sớm mồ côi mẹ. Ngôi nhà chỉ rộng 6m2 ấy biết bao nhiêu năm nay vẫn không hề thay đổi, bởi số phận của bà vẫn chìm trong cái đói, cái khổ không biết ngày nào dứt...

Ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Tính nằm ở tận cùng một con ngõ nhỏ trong khu Trại Nhãn (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội). Trong không gian chật chội với đủ thứ quần áo, thùng chậu ấy chỉ còn thừa một chút khoảng trống vừa đủ để cho bà Tính, cậu con trai và đứa cháu ngoại mười tuổi của bà làm nơi ngủ nghỉ. Nếu muốn gặp bà, chỉ có thể đến vào giờ nghỉ trưa hoặc vào bữa cơm chiều bởi khi ấy, bà Tính dù có đang bận nhặt rác ở đâu cũng bỏ đấy để về lo cơm nước cho con trai đang nằm nhà một mình và buổi chiều thì có thêm đứa cháu ngoại. Nói là lo cơm nước thì có lẽ hơi quá bởi một bữa cơm của ba người nhà bà thường chỉ có chút gạo, chút rau và ít xì dầu. Những ngày không có tiền mua gạo thì hai cậu cháu ăn chung một gói mì, còn bà Tính thì húp nước.

Cuộc đời của bà Tính đầy những khổ ải. Theo như lời kể thì bà có tất cả bốn người con. Ba cô con gái và một cậu con trai. Các con gái của bà lấy chồng, có gia đình nhưng cảnh nghèo vẫn đeo bám nên chẳng thể giúp mẹ, chỉ có cậu con trai tên Hùng, khi còn lành lặn, chăm chỉ bơm vá xe đạp, xe máy để đỡ đần mẹ nhưng vào năm 23 tuổi, anh Hùng bỗng nhiên bị đau đầu. Thương con, bà muốn đưa con đi chữa trị mà không có tiền. Cơn đau đầu kéo dài dai dẳng biến anh thành một kẻ không bình thường. Hùng không nhận thức được thế giới xung quanh, anh ngơ ngác như đứa trẻ không chịu lớn. Năm nay, Hùng đã 34 tuổi. Cả ngày chỉ đi ra đi vào con ngõ nhỏ rồi nằm ngủ. Trong giấc ngủ, không rõ anh thấy gì mà thường cười thành những tràng dài. Những lúc ấy, bà Tính quay vào nhìn con âu yếm. Có lẽ, tiếng cười của Hùng phần nào giúp xoa dịu được nỗi buồn khổ trong lòng mẹ anh, dù cho đó chỉ là tiếng cười trong vô thức.

Bà Tính và đứa con trai bệnh tật.

Hơn bốn mươi năm nay, bà Tính làm nghề nhặt rác để sống. Chồng bà mất đã lâu nên mình bà phải tự lo cho con, cho cháu. Hàng ngày, sau khi đưa cháu Minh đi học, bà Tính bắt đầu đi bộ khắp các phố, mang theo hai bao tải để đựng giấy và phế liệu. Bà kể: "Mỗi cân giấy tôi bán được hai nghìn. Hôm nào được nhiều thì cả ngày tôi được hai mươi nghìn. Đủ để đong một cân gạo và mua ít rau về nấu cơm cho cả nhà. Hôm nào được ít thì bà cháu lại ăn mì". Cái đói trở thành sự ám ảnh đối với gia đình bà. Mỗi bữa, bà chỉ dám nấu nửa bơ gạo. Bà để con và cháu ăn trước, còn lại bao nhiêu thì bà ăn mà không còn thì bà nhịn. "Ngày nào kiếm được nhiều hơn bình thường, tôi mua cho hai đứa lạng thịt để ăn cùng cơm. Thịt phải chia đều cho cả hai, nếu không cậu cháu lại tị nhau" - bà Tính tâm sự. Những ngày mệt, không đi nhặt rác được, bà Tính đi xin cháy cơm về cho con và cháu ăn.

Con gái bà Tính, mẹ của cháu Minh cũng vừa mới qua đời. Chị đưa con trai về ở cùng mẹ sau khi li hôn với người chồng nghiện ngập. Hằng ngày, bà Tính đi nhặt rác, còn chị có một sạp hoa quả nhỏ để kiếm sống. Như lời bà Tính kể, cái chết của chị đến quá đột ngột: "Con tôi ốm, nằm nhà. Buổi trưa tôi về nhà gọi con dậy ăn ít cơm nguội còn trong nồi. Nó đói quá, tay bê bát cơm run run rồi chẳng may trượt chân đập đầu xuống nền nhà...". Nói đoạn, bà nhìn lên bức ảnh đứa con đã mất mà rớt nước mắt.

Do không có tiền cho cháu đi học, mãi đến khi đứa bé lên 10 tuổi, bà đi quyên góp, ăn xin mới được chút tiền rồi làm đơn cho đứa cháu nhỏ tội nghiệp được đi học.  Mười tuổi mới bắt đầu được đi học nên Minh gặp nhiều khó khăn so với các bạn cùng lớp. Cơ tay cháu đã cứng nên tập viết không hề dễ dàng. Bà Tính muốn dạy cháu học để nhận mặt chữ nhưng cũng chẳng thể vì bản thân bà không biết chữ, mắt bà đã mờ, nhìn mọi vật cũng không được rõ ràng nữa. Hằng ngày, bà chỉ biết động viên cháu học và nghe cháu kể chuyện trường lớp. Quần áo, sách vở của Minh cũng là do mọi người quyên góp, giúp đỡ cháu, còn bà Tính quả thật không thể lo nổi những chi phí đó. Bà chỉ có thể nuôi cháu ăn. Bà kể: "Tôi đi họp phụ huynh, không có tiền đóng cho cháu. Một bác phụ huynh trong lớp nêu lên trường hợp của cháu tôi rồi mọi người giúp tôi đóng tiền cho cháu. Không có mọi người giúp, tôi không biết phải xoay xở thế nào", rồi bà chỉ vào chỗ quần áo được gấp gọn, xếp tầng trên một chiếc thùng nhựa, nói: "Tất cả đều là mọi người cho bà cháu tôi đấy". UBND phường cũng thường xuyên tạo điều kiện giúp đỡ gia đình bà Tính, mỗi tháng có tiền trợ cấp cho cậu con trai bệnh tật của bà theo quy định của Nhà nước. Vào ngày lễ, Tết, anh Hùng và cháu Minh cũng được nhận quà. Nền nhà bà cũng được giúp đỡ để lát gạch. Trước đó, khi trời mưa, bà phải kê giát giường lên cao cho con nằm rồi một mình tự tát nước ra ngoài.

Và trong căn nhà nhỏ ấy, bà Tính luôn có một chiếc đài đọc kinh do các thầy ở chùa cho. Bà mở nhỏ và gần như mở cả ngày. Bà nói: "Tôi nghe cho lòng nhẹ đi cô ạ. Đời khổ nhưng mình vẫn phải sống. Lòng nhẹ bớt thì đỡ được bao nhiêu"

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.