Ba mảnh đời bất hạnh nương tựa vào nhau

Thứ Sáu, 17/07/2015, 14:21
Đã mấy chục năm nay, gia đình chị Hà Thị Nga ở thôn Thọ Trường, xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) luôn phải sống trong bệnh tật. Hiện chị Nga (tuổi 50) đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư buồng trứng. Trong ngôi nhà ấy còn có cháu Thương, anh Đát, họ đều bị què quặt vì căn bệnh xương thủy tinh. Bệnh tật khiến bản thân chị Nga tiều tụy, không còn sức lực để nuôi sống gia đình. Số phận của ba mảnh đời chỉ còn là sự nương tựa lẫn nhau.
Bệnh tật như một ngã rẽ

Ngôi nhà cấp bốn nằm nép mình sau rặng tre ở cuối xóm là nhà chị Nga. Khi chúng tôi đến, chị Nga đang nằm trên giường. Căn bệnh ung thư buồng trứng khiến tóc chị bị rụng từng mảng, sự sống và cái chết chỉ còn duy trì từng ngày. Khi được hỏi chuyện, chị Nga rơm rớm nước mắt tâm sự: "Ở Bệnh viện K bác sĩ bảo tôi bị ung thư buồng trứng không chữa được, gia đình đưa về nhà rồi sống được ngày nào thì hay ngày đấy thôi". Chị Nga là thứ hai trong một gia đình có bảy người con.

Bố chị là ông Hà Hữu Trắc, mẹ là bà Đỗ Thị Dậu, họ rời Thiệu Tân - Thiệu Hóa lên huyện Thạch Thành định cư vào năm 1964. Thời gian ấy ở huyện miền xuôi đói khổ, bởi vậy mà vợ chồng ông Trắc bà Dậu đành phải gánh các con từ quê ngược lên miền núi sinh sống. Họ hy vọng rằng lên mảnh đất này, cuộc sống sẽ đỡ vất vả và có được của ăn của để. Lên miền núi, vợ chồng ông làm lụng quần quật, cuộc sống trong gia đình hôm thì bữa cơm bữa cháo nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Hạnh phúc có được chỉ ít ngày, rồi bệnh tật ập đến như một ngã rẽ của cuộc đời.

Năm 1997 con gái đầu của ông bà là chị Hà Thị Bích có bầu rồi sinh được một đứa cháu trai. Đứa con không cha cất tiếng khóc chào đời trong tình yêu thương của người mẹ. Chị Bích muốn hàng xóm và cha mẹ thông cảm cho số phận lầm lỡ của mình nên cháu được mẹ đặt tên là Hà Hữu Thương.

Cháu được mẹ chăm nom bú mớm, nhưng chưa đầy một năm sau bỗng chị Bích bị căn bệnh ung thư gan quái ác. Bố mẹ đã đưa chị đi chữa trị khắp nơi nhưng vẫn không khỏi, sang đến năm 1998 thì qua đời. Hôm chị gái mất, chị Nga bế cháu Thương vào lòng. Nhìn đứa con thơ khóc ngằn ngặt vì chưa kịp biết mặt mẹ khiến chị Nga khóc cạn cả nước mắt. 

Cả gia đình chị Nga đang phải sống trong nỗi đau bệnh tật.

Sau khi chị Bích mất được hai năm, ông Trắc cũng bị ung thư như người con rồi mất vào năm 2000. Tương tự căn bệnh của chồng, hai năm sau bà Dậu ốm nặng rồi cũng qua đời. Tang trùng tang khiến chị Nga rơi vào bế tắc, tia hy vọng chỉ còn le lói. Còn sức khỏe, chị Nga không chịu khuất phục trước số phận, chị vùng lên làm thuê làm mướn. Hễ ai thuê việc gì là chị làm quần quật để nuôi đứa cháu mồ côi.     

Do các em đều đã đi lấy chồng xa nên ngôi nhà mà ông bà để lại chỉ còn những người bệnh tật. Hiện tại người em thứ sáu là anh Hà Hữu Đát (43 tuổi) đang bị căn bệnh xương thủy tinh khiến cả hai chân đều bị gãy cong queo như hình chữ Z. Tương tự như cậu, cánh tay trái của cháu Thương cũng bị gãy ra thành từng khúc.

Cuộc sống của cháu Thương và anh Đát chỉ trông chờ vào người chị, đó chính là tia hy vọng trong gia đình. Đến cuối 2013 chị Nga đi làm thuê về cảm thấy mệt nhọc trong người. Sau đi khám mới biết mình bị ung thư buồng trứng. Và rồi căn bệnh ung thư cứ ngày đêm hành hạ chị. Lắm hôm nằm ngủ, chị chỉ biết khóc vì thương cháu cùng đứa em suốt ngày chỉ biết chống nạng.

Ngồi nói chuyện được một lúc bỗng anh Hà Hữu Thích, em trai thứ 3 của chị Nga chống nạng khập khiễng bước lên. Anh Thích đã lập gia đình, tuy nhiên do cuộc sống vất vả nên gia đình cũng chẳng giúp đỡ được gì. Khi được hỏi chuyện, anh Thích bày tỏ: "Tôi cũng bị bệnh tương tự như em nó. Lúc bị ngã thì tôi mới biết mình bị bệnh xương thủy tinh. Giờ tôi bị gãy chân, toàn thân lại nổi u nhọt. Cũng vì gia đình hoàn cảnh nên tôi không dám đi khám, chỉ sợ lại ung thư như hai chị". 

Cùng cực nỗi đau bệnh tật

Trong căn nhà cấp bốn hiện ba số phận đang phải gánh chịu nỗi đau bệnh tật. Từ khi chị Nga đi bệnh viện về, mọi việc trong nhà cháu Thương đều làm thoăn thoắt. Trong sâu thẳm, cháu Thương nhìn chúng tôi không nói nên lời. Dường như mọi tia hy vọng đang đổ dồn vào phía chúng tôi. Khi hỏi chuyện cháu, chị Nga đáp thay lời: "Cháu bị què một cánh tay nhưng được cái ngoan. Ngày nào cháu cũng lau mồ hôi bón cháo cho dì ăn. Buổi tối hai cậu cháu lại múc nước rồi tắm rửa cho nhau".

Anh Hà Hữu Đát với đôi chân bị tật.

Có lẽ tình thương trong gia đình chính là sự chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau để họ quên đi nỗi đau bệnh tật. Vì lo chữa bệnh cho cháu nên tài sản trong nhà cũng chẳng còn gì đáng giá. Chị Nga phải vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2012, chị đành phải bỏ ra 10 triệu đồng để mổ cánh tay trái cho cháu Thương. Số tiền còn lại chị mua con nghé để phát triển kinh tế. Sau khi bị bệnh, chị Nga bán luôn con nghé. Từ ngày điều trị ở Bệnh viện K, chị đã 4 lần truyền hóa chất nhưng vẫn không khỏi.

Thế là nguồn vốn mà chị vay để phát triển kinh tế cũng không còn, hiện chị chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của bà con hàng xóm. Tài sản mà ông bà để lại là ngôi nhà xây bằng "đá bô" cùng với ba sào ruộng. Từ khi lâm bệnh đến nay, chị Nga may mắn được bà con hàng xóm giúp đỡ cấy cày. Thấy gia đình có nhiều người chết vì ung thư nên chính quyền thôn và xã Thành Thọ đã ủng hộ gia đình một cái giếng khoan. Tuy nhiên nước trong giếng thường có màu vàng nên không ai sử dụng. Hiện tại gia đình chị Nga vẫn phải sử dụng nguồn nước ở giếng cũ để sinh hoạt. 

Cũng vì anh Đát bị què chân nên cứ vào chiều tối lại phải nhờ cháu Thương tắm rửa. Những lần múc nước giếng, tay cháu thường run lẩy bẩy. Tắm rửa cho cậu Đát xong, cháu lại xách nước lên nhà nấu cơm, nước. Nhìn dáng người nghiêng nghiêng của cháu, chỉ cần ngã nhẹ là cánh tay còn lại gãy ngay tức khắc. Cảnh sinh hoạt đời thường có lẽ chỉ có những người chung cảnh ngộ thì họ mới hiểu hết được.  

Anh Đát tâm sự: "Hiện gia đình mới chỉ có cháu Thương được nhận trợ cấp xã hội 167. Năm nào tôi cũng nhờ trưởng thôn làm hồ sơ nhưng chính quyền xã họ vẫn chưa duyệt". Tương tự hoàn cảnh như người em, anh Thích cũng chưa được trợ cấp tàn tật. Hiện toàn thân anh Thích lại mọc lên những nốt u mụn nhỏ, cứ trái gió trở trời là đau nhức ngứa ngáy. Cũng chẳng biết đó có phải là bệnh ung thư không, nhưng do nhà nghèo nên anh Thích không dám lên tuyến trên để kiểm tra sức khỏe. 

Cháu Thương lau mồ hôi cho dì Nga.

Ngồi nói chuyện được một hồi, cháu Thương đi xuống bếp bê lên một bát cháo nóng. Mặc dù tay bị què nhưng cứ đến bữa ăn là cháu lại bón cháo cho dì ăn từng thìa. Thấy chúng tôi ngồi lại gần, chị Nga cố gượng dậy mà nước mắt cứ rơi: "Giờ tôi sống được ngày nào hay ngày đấy. Chỉ sợ mai này tôi mất rồi, không biết cháu Thương cùng cậu nó sống như thế nào?". Nhìn vào đôi mắt, dường như chị đang muốn nói những điều trăn trở ở trong lòng. Có lẽ sẽ không ai hiểu được hết nỗi đau bệnh tật cùng thảm cảnh mà người đàn bà giàu nghị lực này đang mắc phải.

Cô Lê Thị Đính (hàng xóm) chia sẻ: "Hiện gia đình chị Nga rất khó khăn. Hôm gia đình đưa chị đi viện về, bà con trong làng đến nhà thăm nom động viên. Nhà có ba nhân khẩu thì một người bị ung thư, hai người què. Vừa rồi cấy hái thì bà con chúng tôi giúp đỡ. Hiện trong nhà cũng chẳng còn gì có giá trị, ngày thì bữa cơm bữa cháo. Qua đây cũng mong Nhà nước cùng những tấm lòng hảo tâm gần xa chung tay góp sức để gia đình chị Nga có thêm động lực trong cuộc sống".

Trao đổi cùng Trưởng thôn Thọ Trường, ông Nguyễn Ngọc Cừ cho biết: "Đối với gia đình chị Nga, chúng tôi cũng đã đề xuất và được bình xét hộ nghèo. Trong những năm qua, chúng tôi cũng đã gửi hồ sơ anh Đát, anh Thích lên xã để được xét duyệt hưởng trợ cấp xã hội nhưng vẫn chưa thấy phê duyệt. Ngoài ra chúng tôi cũng đang kêu gọi các ban ngành trong thôn giúp đỡ nhưng chỉ ở mức độ. Hiện hoàn cảnh gia đình chị Nga cực kỳ khó khăn nên chúng tôi tiếp tục đề xuất chế độ trợ cấp bệnh hiểm nghèo".

Chia tay gia đình chị Nga khi mặt trời đã gần chính ngọ, cháu Thương và anh Đát tiễn chúng tôi ra đến cổng rồi quay vào nhà. Cánh tay què của cháu cùng đôi chân khập khiễng của cậu lại chuẩn bị nấu cơm. Lúc tiễn chân, đôi mắt của cháu Thương toát lên một sức sống mãnh liệt, phải chăng đó chính là tia vọng để em vượt qua nỗi đau tinh thần?

Hy vọng rằng những mảnh đời bất hạnh ấy sẽ được sự chia sẻ và đồng cảm.

Minh Phượng
.
.
.