Bi kịch của gia đình 4 người mắc trọng bệnh

Thứ Tư, 19/02/2020, 16:25
Đó là hoàn cảnh bất hạnh nghiệt ngã của gia đình bà Đào Thị Thêm, trú ở thôn Đọi Tín, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.


Khụy đầu gối xuống nền nhà, bà Thêm khóc nấc nghẹn vật vã, cầu xin cháu gái đừng đòi chết nữa. Đôi mắt cháu đã không còn nhìn thấy, đôi chân cũng không đi lại được nên Thu chẳng muốn sống nữa vì khổ quá. Đó là hoàn cảnh bất hạnh nghiệt ngã của gia đình bà Đào Thị Thêm, trú ở thôn Đọi Tín, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Ám ảnh vì bệnh tật

Căn nhà lụp xụp của gia đình bà Đào Thị Thêm luôn bao trùm không khí u uất sau những gốc hồng xiêm cổ thụ. Quả thật tôi cũng hơi rờn rợn khi vừa vào đến đầu ngõ đã nghe những tiếng vọng ra từ căn buồng gần đó. "Bà để cháu chết đi, cháu không sống thế này được nữa… Cháu sống khổ lắm rồi!".

Như biết được chuyện gì đang diễn ra nên ông Trần Văn Hiệp, Trưởng thôn Đọi Tín, vội vã lấy chiếc đèn pin cố soi qua một chiếc ô thoáng nhỏ, ân cần, động viên: "Ông Hiệp đây Thu ơi, cháu bình tĩnh nghe ông nói, cháu mở cửa ra cho ông". 

Rồi cánh cửa cũng được mở ra, ông dặn mọi người ở ngoài chờ để ông vào trấn an cô bé trước vì em đang kích động. Còn chưa hết hoảng hồn vì những âm thanh khóc lóc, não nề phát ra từ gian buồng, chúng tôi một lần nữa lại bị sốc khi ở 2 bên giường đều có người nằm, đắp chăn èm ẹp, không thể dậy được.

Chồng bà Thêm bị tai biến nằm liệt giường đã nhiều năm nay.

Tủi thân, bà Thêm nghẹn giọng, run run: "Đây là ông nhà tôi anh ạ, ông bị tai biến lâu rồi nên mọi sinh hoạt đều là tôi phục vụ cả. Còn giường bên kia là thằng Giang, con trai của tôi đấy. Khi tôi sinh con ra, chân tay nó đã khòng khèo thế kia và liên tục gãy, mới đây nó lại gãy chân nên giờ có đi lại được đâu. Rồi mắt của nó nữa, giờ cũng chỉ nhìn thấy mờ mờ thôi vì cháu bị đục thủy tinh thể, cận thị thoái hóa, bong võng mạc do co kéo…".

Vì căn bệnh của anh Giang nên khi anh sinh 2 cháu là Ngụy Văn Thái và Ngụy Thị Thu, các con đều bị dị tật mắt như vậy. Mang cặp kính dày cộp với phần mắt lồi to ra, Thái dò dẫm đi từng bước ra chỗ giường bố nằm, trò chuyện với chúng tôi. 

Em Thái cho biết, hiện tại mắt phải đã mù hoàn toàn, mắt bên trái còn lờ mờ trông thấy nên việc di chuyển rất khó khăn và thường em phải nhờ bà dìu đi. Còn Thu thì đã mù hoàn toàn nên điều đó khiến cô bé hoảng loạn và vô cùng sợ hãi.

"Chị ấy cứ khóc suốt, đòi chết vì không nhìn thấy gì nữa. Mẹ cháu đi làm thuê cả ngày, làm đủ mọi việc để kiếm bát gạo nuôi chúng cháu, nên bà là người ở nhà chăm ông, chăm bố con cháu và cả chị Thu. Chị ấy còn quát cả bà nữa làm bà khóc", Thái cúi gằm mặt, tâm sự khi bà cũng đứng ở gần đó. Đôi mắt bà vẫn hoen đỏ trên gương mặt nhăn nheo phía trong buồng, lại là những tiếng thét lên của Thu.

"Bà xin con đấy, Thu ơi, con mà chết, bà cũng không sống nổi đâu", giọng bà Thêm lúc này lại càng não nề, đau khổ. Trên gương mặt với đầy những nếp nhăn nheo, nước mắt chưa kịp khô đã lại ướt nhèm theo những tiếng sụt sùi và có lúc là la hét của cháu gái. Bà bất lực vì bao nhiêu cố gắng của bà chỉ dừng lại ở việc xúc cho cháu bát cơm hay bưng cho cháu cốc nước, còn việc cháu tha thiết nhất là được đi chữa bệnh thì bà không làm được.

Con trai bà Thêm cũng bị gãy chân và đôi mắt không còn nhìn rõ nữa.

"Mẹ nó vất vả lắm, làm thuê đủ nghề, chỉ cố để gia đình này có bát cơm ăn là tốt lắm rồi anh ạ. Thật ra trước đây chúng tôi cũng cho cháu đi viện rồi đấy nhưng cũng bập bõm rồi về nhà. Số tiền ít ỏi từ thu nhập mấy sào ruộng khoán cùng với việc đi làm thuê của tôi mỗi khi ai thuê gì làm nấy cũng không đủ để chi trả cho những khoản viện phí. 

Tích cóp được đồng nào là chồng, con và hai cháu nội lần lượt thay nhau đi viện là vừa hay hết. Tiền vay đợt chữa bệnh cho cả gia đình cùng mắc trọng bệnh đến giờ tôi chưa trả được, tôi đành liều cắm sổ đỏ vay ngân hàng chỉ mong con có cơ hội sống thêm cùng bố mẹ. 

Cháu nó cũng biết là như vậy nhưng mỗi khi gặp chuyện buồn, bị sốc lên là cháu trách mọi người. Tôi nghe thế trong lòng đau lắm mà không biết làm sao cả", bà Thêm nghẹn giọng nói khi đôi bàn tay run run vẫn đang cố bám chặt vào giường nơi cháu đang ngồi vật vã.

"Chỉ mong một bữa cơm có thịt"

Đến thăm nhà bà Thêm cũng là lúc bà cho anh Giang ăn bữa trưa. Chúng tôi cám cảnh khi nhìn người phụ nữ tóc đã bạc theo năm tháng, tấm lưng đã còng rạp xuống nhưng vẫn lọ mọ bón cho con từng miếng cơm. Thỉnh thoảng, người con bà giật nảy mình đẩy bà ra xa. 

Lúc đó bà đành đặt bát cơm xuống ngồi dỗ dành con. Đưa mắt nhìn qua mâm cơm của gia đình bà Thêm, tôi không dám tin vào mắt mình: bữa ăn cho cả gia đình chỉ có cơm trắng với bát canh rau cải và một chút muối vừng.

Cháu Thu luôn khóc lóc vì những cơn đau bệnh tật.

Bà Thêm gạt nước mắt tâm sự: "Vẫn biết cơm thế em nó khó nuốt, nhưng gia đình tôi làm gì có tiền mà mua thịt, cá. Tôi già rồi khổ sao cũng chịu được, nhưng thương cho hai đứa cháu, chúng nó đã quá thiệt thòi rồi. Tôi chỉ mong sao gia đình chúng tôi có một bữa cơm có thịt như bao gia đình khác. Chỉ một điều ước nhỏ nhưng đối với tôi sao nó khó quá".

Đứng lại một hồi lâu để tâm sự với bà, nhìn toàn cảnh ngôi nhà thấp nhỏ không có một chút nào le lói thứ ánh sáng của hi vọng bởi: Một người chồng tai biến nằm liệt, một đứa con trai với cơ thể không bình thường, một đứa cháu đã mù và một đứa khác phải dắt mới đi được… Đó là gia đình, là tất cả "tài sản" đối với bà Thêm. Còn bà, trước mắt chúng tôi vẫn không ngừng rơi nước mắt bởi tiếng thét của cháu gái lại vang lên đầy ám ảnh: "Bà để cháu chết đi, sống thế này khổ lắm rồi…".

Hi vọng ước mơ kinh tế gia đình ngày một ấm no, nhưng giờ đây gia đình ấy đang lâm vào cảnh kiệt quệ khi mọi người đều mang trọng bệnh. "Tôi mang chứng bệnh đau khớp, không lao động nặng được mà chỉ làm phụ hồ đơn giản, thu nhập thấp, ít ỏi. Từ nhiều năm nay, tôi vừa phải ở viện và ở nhà để chăm sóc chồng con và các cháu, gia cảnh kinh tế gia đình hiện nay rơi vào khốn đốn trăm bề, nhà cửa thì xuống cấp, hư hỏng, cả gia đình thì mang trong người bệnh tật nằm bất động, không có nỗi đau khổ nào hơn".

Bữa cơm chỉ có một ít muối vừng và bát canh rau của gia đình bà Thêm.

Trao đổi với chúng tôi về gia cảnh bất hạnh nhà bà Đào Thị Thêm, ông Trần Văn Hiệp, Trưởng thôn Đọi Tín cho biết: "Gia đình nhà bà Thêm là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương nhiều năm qua. Nay cả gia đình bà ấy gồm chồng, con và hai cháu nội lại đều mắc bệnh hiểm nghèo, hàng xóm chúng tôi ai nấy đều xót thương, nhưng chỉ thi thoảng giúp được mớ rau, bơ gạo được ít nào thôi. Qua đây, đại diện chính quyền thôn Đọi Tín chúng tôi mong các nhà hảo tâm giúp cho gia đình bà Thêm có điều kiện để chữa bệnh".

Trần Toản
.
.
.