Bi kịch của người đàn bà nhiều năm trốn trong hang đá

Thứ Ba, 28/07/2015, 09:00
Chỉ vì là "người đóng thế" trong mối lương duyên vợ chồng mà bao nhiêu năm qua, người đàn bà ấy đã phải chịu biết bao cay đắng. Phải chịu sự ghẻ lạnh, bạo hành từ chồng và gia đình nhà chồng, phải mang nhiều tai tiếng đã khiến người đàn bà ấy phát điên. Chị trốn khỏi ngôi nhà địa ngục và bỏ lên núi, tìm một hang đá sống qua ngày. Hang đá ấy đã trở thành nhà của người đàn bà bất hạnh suốt 6 năm qua. Cũng chính tại nơi hoang vu này, hai đứa con hoang đã ra đời. Số phận của chúng cũng buồn như cuộc đời của mẹ chúng vậy.
Nghiệt ngã "tình em, duyên chị"

Trưa hè nắng như đổ lửa, lần theo lối nhỏ ước chừng chỉ vừa đủ một người đi, dốc thẳng đứng với những viên sỏi trơn truội, chúng tôi tìm đến "tư gia" của chị La Thị Vui (39 tuổi) tại thôn Nhân Định, xã Yên Định, huyện Sơn Động, Bắc Giang. Chúng tôi phải vít vào những bụi cây ven đường mới mong không bị ngã. "Căn nhà" chon von trên núi chỉ đơn giản là một cái hang có chiều cao chưa đầy 1m, chiều rộng cũng chỉ khoảng 1 mét và chiều sâu của hang may lắm cũng dài đến 2 mét. Ngay cửa hang đặt một bình nhựa, bên trong là đỗ tương ngâm với muối.

Chị La Thị Bình (46 tuổi, chị gái của chị Vui) giải thích, đó chính là nước tương mà chị Vui tự làm. Cạnh đó là chiếc nồi đen nhẻm, mở vung ra bên trong có nước và lá đã váng mốc. Sâu vào bên trong hang là một mớ hỗn độn những quần áo cũ bẩn, rách rưới và 2 tấm chăn đã bợt nhiều chỗ. Không khí trở nên ngột ngạt trong cái nắng oi bức mùa hè. Nhìn thấy chúng tôi đi lên, chị Vui chạy trốn. Nghe chị Bình kể thì, từ khi chính quyền xã nhiều lần vừa vận động vừa cưỡng chế chị về ở với gia đình khiến chị này ác cảm với người lạ. Hễ gặp người lạ là chị Vui chửi hoặc lẩn vào rừng sâu.

Bé Việt trong một lần thăm hang của mẹ.

Nghe người dân kể lại thời trẻ chị Vui là người con gái trông khá bắt mắt, chăm chỉ lại nhanh nhẹn nên được nhiều chàng trai quanh vùng thích. Nhưng, cha mẹ sắp đặt đã bắt chị phải lấy một người mà chị không yêu. Bi kịch bắt đầu từ đó.

Hồi ấy, chị Vui và cô em gái kế chị đều ở vào độ tuổi cập kê. Trong số những chàng trai đến nhà chị, có một người yêu mê mệt em gái của chị. Gia đình hai bên đã gặp mặt rồi sau đó quyết định tổ chức hôn lễ cho đôi bạn trẻ. Thế nhưng, khi nhà trai đến đón dâu, cô dâu trong lễ cưới hôm ấy không phải em gái chị Vui mà chính là chị Vui. Chú rể nhìn mà không tin vào mắt mình, nhà trai ai nấy đều bàng hoàng. Song mọi sự đã rồi, cả chú rể và nhà trai đều phải nhắm mắt đưa chân rước một cô dâu lạ hoắc về làm vợ.

Giải thích cho cái sự trái khoáy này, Trưởng Công an xã Cẩm Đàn cười chia sẻ: "Cách đây vài chục năm, ở cái nơi vùng núi hoang sơ này những chuyện như thế không phải là ít. Lý do bố mẹ chị Vui bắt chị ấy phải "thế" cho người em đơn giản lắm. Họ nghĩ, là chị thì phải lấy chồng trước, chứ không thể để xảy ra chuyện ngược đời là em lấy chồng trước chị".

Cửa hang nơi chị Vui nhiều năm sống và sinh con.

Chỉ vì cái lý lẽ ngây ngô ấy mà chị Vui đã phải chịu biết bao đau khổ. Chồng chị, vì không lấy được người mình yêu nên sau đám cưới đã bỏ chị mà vào Nam. Sau một năm lang bạt đất Sài thành, anh này về lại quê và chấp nhận chung sống với người vợ ngoài ý muốn. Vợ chồng chị Vui sau đó sinh được 2 người con gái. Nỗi chán vợ đã sẵn nay cộng thêm nỗi "nhục" vì sinh con một bề khiến chồng chị Vui bê tha và thường xuyên bạo hành vợ. Không chỉ chồng mà cả nhà chồng chị hùa vào làm khổ con dâu. Đến khi chị Vui mang thai đứa con thứ 3, vì áp lực tâm lý nên sức khỏe chị rất yếu.

Thương con, bố mẹ đẻ chị xin nhà thông gia được đưa con về để thuốc thang, bồi bổ. "Thằng chồng nó, cả nhà chồng nó lấy cớ em tôi ra khỏi nhà nên vu đứa con mà nó đang mang trong bụng không phải con của chồng nó. Đến khi em tôi đẻ thằng cu nhà nó mới chấp nhận đấy. Mẹ chồng nó nhiều lần đốt quần áo của nó đuổi đi. Gian nhà mấy mẹ con nó ở bà ấy lấy gậy chọc vỡ hết ngói. Mùa hè nằm trong nhà mà nắng chói chang, hôm nào mưa gió thì ướt hết" - chị Bình rơm rớm nước mắt kể lại những ngày tháng đen tối của em gái.

Bị chồng nhiều lần đánh vào đầu cộng với những áp lực từ phía nhà chồng khiến chị Vui trở thành người ngẩn ngơ. Dần dần chị không còn ý thức được hành động của mình nữa. "Lúc còn ở nhà chồng nó còn mang thai thêm một lần nữa. Nhưng đẻ rơi ở ngoài vườn không ai biết. Đến khi thấy bụng nó xẹp xuống, mọi người hỏi đẻ rồi à, nó gật đầu. Hỏi đẻ ở đâu thì nó chỉ ra ngoài vườn. Lúc người ta chạy ra thì cháu tôi đã bị con gì cắn mất rồi" - chị Bình kể lại mà bật khóc.

Những đứa con hoang trên núi đá

Khi chúng tôi có ý định nhờ ông Tiến, nhà dưới chân ngọn núi nơi chị Vui trốn trong hang đá dẫn chúng tôi lên hang, ông ngăn lại: "Tôi khuyên thật, anh chị chớ nên đi. Nó mà nhìn thấy chưa biết chừng nó lăn cả tảng đá từ trên núi xuống thì anh chị chạy cũng không kịp đâu. Tội nghiệp, đêm qua không biết có phải nhà chị ấy nhớ con hay không mà ngồi hát ru cả đêm. Tiếng hát nghe não nề lắm!".

Với người chồng cũ, chị Vui có tất cả 3 đứa con. Đứa lớn bây giờ cũng đã tròn 20 tuổi, đứa nhỏ hiện đang học lớp 8. Ông Tiến tiếp lời: "Chị ấy lên núi đá này ở cũng phải đến 6 năm rồi. 6 năm mà cũng thêm hai lần sinh nở đấy. Người ta đã đến nước ấy rồi mà vẫn còn có thằng khốn nạn nào đến lợi dụng, khổ thật".

Chị Bình kể lại ngày cứu cháu Việt ra khỏi hang của mẹ.

Năm 2011, những lần xuống núi đi lang thang, dân làng thấy bụng chị Vui cứ to dần. Nhiều người hỏi chị có biết bố đứa bé trong bụng là ai không, chị lắc đầu "không biết". Đến khi chị trở dạ sinh con cũng không ai hay. Khi người thân của chị lên hang thì thấy chị đang nằm đó, khuôn mặt nhợt nhạt, thoi thóp: "Tôi hỏi nó đẻ rồi thì đứa con để đâu. Nó bảo để trong rừng rồi, thần không cho mang về đâu. Tôi bảo nó chỉ cho tôi chỗ đẻ nhưng nó không chịu. Sáng đó, tôi về nhà gọi con trai đi tìm cùng. Hai mẹ con lùng sục khắp nơi quanh khu nó ở nhưng không thấy. Cả ngày hôm sau lại tìm cũng vẫn không thấy. Số đứa bé đúng là không được làm người" - chị Bình kể lại.

Mới sinh con chưa được bao lâu, giữa năm 2012 cái bụng chị Vui lại lùm lùm. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này cận ngày sinh nở, chị Bình thường xuyên túc trực dưới chân núi để đón đứa trẻ chào đời. Nhưng đẻ con ra, bản năng người mẹ khiến chị Vui không cho ai tiếp cận con mình vì sợ bị bắt mất. Ba ngày sau khi đứa trẻ được sinh ra, mọi người trong nhà chị Bình đau đầu vì bàn mưu tính kế làm sao để đón cháu về.

Chị kể: "Chồng tôi, anh ấy bảo, phải đón thằng bé về thôi chứ để nó ở với mẹ có khi nó sẽ chết đấy. Tôi gọi thêm một người chị gái của tôi cùng đi lên núi. Chị ấy ở phía dưới đánh lạc hướng, gọi Vui xuống lấy đồ ăn, còn tôi leo theo một đường khác vào hang bế thằng bé về. Lúc nó quay lại không thấy con đâu, nó gào như con hổ đói, thương lắm!".

Đứa bé trai được bác mang về nuôi. Chị Bình đặt tên cho nó là La Quốc Việt. Việt bây giờ 3 tuổi, nói sõi, chạy nhanh như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa. Mỗi lần chị Bình bế Việt lên hang thăm mẹ, chị Vui thường vuốt ve đứa trẻ rồi quay sang chị Bình bảo: "Sao họ cứ bảo thằng cu này nó giống em. Họ bảo nó là con em đấy. Nhưng mà em làm sao mà đẻ được ra nó nhỉ!".

Hiện Việt được nhận một khoản trợ cấp nho nhỏ do có mẹ bị tâm thần. Khi chúng tôi hỏi chị Bình, lý do gì mà gia đình với địa phương không cưỡng chế đưa chị Vui vào trại tâm thần hoặc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang cho yên tâm thì chị Bình tâm sự: "Thật lòng gia đình cứ muốn nó ở quanh đây rồi tìm cách thuyết phục nó về nhà. Tôi có nghèo cũng sẽ cố dựng cho em một túp lều để ở. Nó ở đây mình còn biết nó thế nào, chứ vào những nơi ấy xa xôi lắm. Chẳng biết thế nào mà lần cô chú ạ!"

Cách thương em của chị Bình biết đâu đấy lại hại chị Vui. Ai dám chắc rằng chị Vui sẽ ổn khi sống một mình nơi đồi núi hoang vu thế này?

 

Trưởng Công an xã Cẩm Đàn, Lãng Văn Đệ cho biết: "Chị Vui có hộ khẩu ở đây nhưng lại đang sinh sống trên địa bàn xã Yên Định nên trong việc động viên, cưỡng chế chị ấy dời khỏi núi là rất khó khăn. UBND tỉnh Bắc Giang có công văn gửi tới huyện Lục Ngạn, huyện Lục Ngạn lại làm công văn gửi về địa phương chúng tôi để tìm cách "đưa" chị Vui về với gia đình hoặc đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang nhưng hiện chúng tôi vẫn chưa làm được. Như tôi đã nói, vì chị Vui không sinh sống trên địa bàn xã nên chúng tôi không thể dùng biện pháp cưỡng chế mạnh. Cán bộ vào hang của chị ấy động viên rất nhiều lần nhưng chị này đều không nghe. Một vấn đề khó khăn vướng mắc nữa nằm ở phía gia đình chị này vì người thân không muốn chị Vui vào những nơi đó nên chúng tôi cũng không thể mạnh tay được".
Phong Anh
.
.
.