Bi kịch của người phụ nữ có "gương mặt quỷ"

Chủ Nhật, 08/04/2018, 21:50
Đang hào hứng chuẩn bị cho hôn lễ thì Phạm Thị Sen (xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương, Thái Bình) phát hiện mình bị bệnh lạ, nên phải hủy hôn. Căn bệnh khiến người phụ nữ này bị ăn mòn các bộ phận cơ thể như: mắt, mũi, tai, miệng.


Từ đó đến nay đã 66 năm trôi qua, người phụ nữ vốn xinh đẹp ấy đã phải mang khuôn mặt không khác gì một chiếc đầu lâu. Nhiều khi tủi phận, cụ Sen chỉ biết than thở: "Tôi muốn chết nhưng ông trời không cho chết nên vẫn phải tiếp tục gánh cho hết kiếp nạn này".

Bi kịch người con gái hồng nhan

Ở thôn Cao Trung, trong ký ức những người lớn tuổi thì cụ Sen là một người phụ nữ hiền lành, xinh đẹp nhưng lại có số phận vô cùng éo le. Còn với những người trẻ tuổi chắc chẳng ai biết ở trong làng có một bà cụ tên Sen.

Đơn giản vì mấy chục năm nay cụ sống lủi thủi trong nhà, chẳng muốn bước ngoài đường, phần vì bệnh tật, phần vì sợ con trẻ hoảng sợ. Biết chúng tôi hỏi thăm về gặp cụ Sen, bà Phạm Thị Nhàn mau mắn nói: "Anh chị ít tuổi vậy mà cũng biết cụ Sen cơ à? Mấy chục năm nay cụ có ra khỏi nhà đâu. Không hiểu cụ mắc bệnh gì nhưng mắt mũi bị "ăn" mòn hết. Muốn nói chuyện với cụ thì phải nói thật to nhé, vì tai cũng cũng bị "ăn" rồi. Hoàn cảnh của cụ đáng thương lắm".

Đã có những nhà hảo tâm đến giúp đỡ để cụ Sen vơi đi mặc cảm.

Ngôi nhà nhỏ bé nằm sâu hun hút ở cuối thôn, tất thảy mọi thứ đều đã rêu phong, cũ kỹ. Nhìn vào ngôi nhà nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ, hài hòa, ngăn nắp khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng chủ nhân của nó lại là một cụ bà mang căn bệnh lạ.

Mọi đồ vật trong nhà đều được sắp xếp gọn gàng và tuân theo một quy luật mà chủ nhân của nó đã quy định sẵn. Ấm nước, cái chổi, phích nước đặt đâu là cứ đặt đó mấy chục năm nay, đơn giản là để cụ Sen dễ dàng tìm thấy.

Cụ Tuyết (em gái cụ Sen) giật mình khi nghe tiếng xe máy của chúng tôi đi vào sân. Cụ bảo, bao lâu nhà này mới có khách "sang", khách đi xe máy tới đó. Bình thường chỉ có người làng người xóm quanh quanh đến chơi thôi.

Chỉ tay về phía chiếc bàn nhỏ giữa nhà, cụ Tuyết lắc đầu: "Bữa trưa của bà ấy đấy, hôm nay kêu mệt chỉ ăn có vài hạt cơm rồi bỏ đó. Độ này cũng yếu rồi". Cụ Sen ngồi thu mình phía góc nhà trên chiếc giường đơn như thể không có sự hiện diện của chúng tôi. Chiếc giường ấy đã gắn bó với cụ Sen từ khi còn tấm bé, chứng kiến bao thăng trầm, bao biến cố cuộc đời cụ. Bà Tuyết nói mà như khóc: "Bây giờ mắt có nhìn thấy gì đâu, tai cũng vậy. Bệnh nó ăn mòn hết cả… nhìn chị thương mà mấy chục năm nay chẳng làm gì được".

Gia đình cụ Sen có tới 4 anh chị em, trong đó cụ là con thứ 2. Khi mới sinh ra, cụ Sen hoàn toàn khỏe mạnh như người bình thường. Trong 4 người con, cụ Sen là người nhanh nhẹn, xinh đẹp nhất. Khi là thiếu nữ, cụ Sen không chỉ nổi tiếng xinh đẹp khắp vùng mà còn là người con gái đảm đang việc nhà.

Đến tuổi cập kê, cụ là mục tiêu của không ít trai làng, thậm chí cả con cái của những gia đình giàu có trong xã. "Trong 4 anh chị em, bà Sen là người đảm đang, xinh đẹp nhất… chả thế mà nhiều người đến tìm hiểu lắm. Thế nhưng bà ấy chẳng thích ai mà đem lòng yêu mến một thanh niên hiền lành, chăm chỉ cùng xã nhưng khác thôn" - cụ Tuyết nói.

Tình yêu của đôi trai tài gái sắc đang mặn nồng, họ chuẩn bị làm lễ cưới thì bị kịch bất ngờ ập đến. Cô thôn nữ vừa tròn 17 bỗng dưng ngứa ran khắp mặt mũi rồi mẩn đỏ, người lúc nào cũng như có lửa đốt.

Cụ Sen đã từng khiến nhiều người hoảng sợ và xa lánh.

Thương con gái, cha mẹ đưa đi khắp nơi chữa trị nhưng cũng không có tiến triển, thậm chí mắc bệnh gì cũng không ai biết. Bao tiền của đổ vào việc chữa trị đều không thuyên giảm, một vài năm sau, bệnh ăn sâu vào người khiến mắt, mũi, môi của cụ Sen bị ăn hết, mất dần đi.

Khi ấy cụ Sen không chỉ phải chịu đựng đau đớn về thể xác mà còn hứng chịu bao búa rìu của dư luận. Có người nói cụ bị ma ám nên gương mặt mới biến dạng vậy, người thì bảo cụ bị bệnh lạ, dễ lây lan. Ngoài những người thân luôn ở bên cạnh động viên giúp đỡ thì cụ gần như bị người đời xa lánh.

"Ngày bà Sen bị bệnh này ai nhìn mà chẳng sợ, nhiều người còn chẳng dám gặp, mà có gặp cũng chạy xa. Trẻ con trong làng không may nhìn thấy có đứa còn khóc ré lên vì sợ hãi. Mãi sau này, có người bảo chị tôi mắc bệnh cam thổ mã. Họ bảo bệnh này không có thuốc chữa và để càng lâu thì con cam càng ăn mất bộ phận trên cơ thể người. Chỉ khi ấy gia đình mới quyết định không đưa đi chữa trị nữa" - Bà Tuyết kể lại.

Khi ấy cụ Sen khóc nhiều lắm, cụ khóc cho hoàn cảnh của mình, khóc cho cuộc tình đẹp còn dang dở. Sau nhiều ngày giam mình trong bốn bức tường, điều khiến cụ Sen đau đáu nhất là tình cảm người yêu dành cho mình. Cụ đã quyết định nhờ người thân đến tận nhà người yêu để thông báo hủy hôn ước.

Biết hoàn cảnh éo le người yêu cụ không hề muốn hủy hôn ước. Người này vẫn muốn cùng cụ nên nghĩa vợ chồng, cùng nhau vượt qua khó khăn, bệnh tật. Chàng trai một mực đòi gặp người yêu để nói hết những tâm nguyện nhưng đều bị từ chối.

Trong tiếng thều thào câu được câu mất, cụ Sen tâm sự: "Bệnh của tôi như vậy, có lấy về cũng chỉ khổ họ ra nên tôi quyết định hủy hôn ước. Dù người ấy vẫn một mực muốn tôi về sống chung, để cùng đỡ đần, gánh vác cuộc đời. Nhưng tôi nghĩ mình tôi khổ là đủ rồi, có lẽ kiếp trước tôi đã gây ra tội tày đình gì đó mà kiếp này tôi phải gánh. Tôi muốn một mình chịu đựng, một mình vượt qua cuộc đời bi kịch này".

Gánh tội hết cuộc đời

Lúc đó, với người con gái mất đi hình hài, mất đi gương mặt tức là đã mất hết tương lai. Ước mơ về một gia đình tưởng như đơn giản nay đã trở nên quá xa vời. Cứ như thế, 66 năm trôi qua, cụ Sen mang theo khuôn mặt không lành lặn của mình, sống côi cút trong căn nhà nhỏ bé.

Khi mà tuổi trẻ đang ăm ắp niềm vui, phơi phới tương lai thì giờ đây cô gái 17 tuổi phải sống trong đau đớn, vật vã với bệnh tật. Đi ra ngoài cũng không dám vì sợ người đời ghẻ lạnh, vì sợ bị chê xấu, bị hắt hủi. Thế là cuộc đời người con gái ấy chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà nhỏ.

Cụ Sen không thể di chuyển bằng đôi chân của mình.

Thời gian đầu, bệnh mới phát ra, cụ Sen vẫn có thể tự làm được những công việc hằng ngày như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa nhưng càng về sau, bệnh càng nặng hơn, cụ không còn làm được gì nữa. Mọi việc đều phải nhờ đến cụ Tuyết cùng họ hàng, làng xóm giúp đỡ.

"Mắt của chị tôi không nhìn được gì nữa, thở cũng phải thở bằng miệng, tai cũng bắt đầu bị ăn khiến khả năng nghe bị ảnh hưởng. Không những thế, lưng chị tôi lại bị còng, nhiều lúc nằm lâu mệt người muốn đi lại cho khuây khỏa thì đều phải chống tay lê đi chứ có đi bằng chân được nữa đâu. Không biết kiếp trước chị ấy làm gì nên tội mà kiếp này khổ sở đến thế. Thương chị lắm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Nhiều lúc hai chị em chỉ biết ôm nhau mà khóc thôi" - cụ Tuyết không kìm được nước mắt.

Mặc dù mắc bệnh khiến cơ thể bị hủy hoại nhưng cụ Sen vẫn có trí nhớ rất tốt. Cụ có thể đọc tên các cụ trong xóm một cách tỉ mỉ, cụ này còn sống hay đã mất, mất năm bao nhiêu và thọ bao nhiêu tuổi, rồi chồng, vợ cụ đó tên là gì, ngày xưa lấy nhau trong hoàn cảnh nào. Cụ có thể kể vanh vách những câu chuyện cách đây cả mấy chục năm.

Dù đã có gia đình riêng, con cháu đủ cả nhưng nhiều năm qua cụ Tuyết vẫn qua sống chung với chị gái. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay vì sức khỏe yếu mà em cũng chẳng chăm sóc được chị nữa. Vì thế mọi sự giờ hai cụ phó mặc cho con cháu. Hằng ngày, cứ tới bữa, các cháu của hai cụ lại sang chăm sóc.

Cô Nguyễn Thị Tỉnh (59 tuổi, cháu gọi cụ Sen bằng dì) hồ hởi nói với chúng tôi: "Cụ Sen vẫn ăn uống bình thường, cụ rất thích nghe thời sự để cập nhật tin tức. Cụ nghe bằng chiếc đài chạy bằng pin. Thấy tôi đến là cụ bắt tôi bật đài để nghe thời sự. Tai cụ kém lắm nên cứ phải bật đài to hết cỡ, để sát vào tai.

Cô Tỉnh thường xuyên đến chăm sóc dì của mình.

Dù đã hơn 80 tuổi nhưng căn bệnh quái ác ngày đêm vẫn tiếp tục hành hạ cụ Sen. Những chỗ bị ăn mòn vẫn thường xuyên ngứa ngáy, khó chịu. Qua tiếp xúc, nói chuyện với cụ Sen, với những người đến thăm, chúng tôi hiểu cụ đã vơi bớt đi những mặc cảm về bệnh tật của mình.

Vừa lau mặt cho cụ Sen, cô Tỉnh vừa nói: "Trước kia cụ không tiếp xúc với người lạ đâu, ai mà đòi xin chụp ảnh là cụ không cho. Nhưng bây giờ con cháu đã lớn, hiểu chuyện và thường xuyên đến động viên cụ mới bớt mặc cảm đi đấy. Bây giờ xin chụp ảnh là cụ đồng ý ngay".

Phong Anh
.
.
.