Chuyện của cô gái đi học trên lưng bố

Thứ Hai, 25/01/2016, 09:58
Nguyễn Phương Linh là cô gái khuyết tật gây ấn tượng với cộng đồng bởi nghị lực phi thường, ham học và ước mơ hòa nhập với cộng đồng. Còn ông Nguyễn Tuấn Nghĩa là tấm gương sáng về tình yêu con. Phương Linh đã đạt giải nhì trong cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" 2015, trong đó có công lớn cõng con đi học 7 năm trời của ông Nghĩa.

Cả gia đình vượt khó

Năm 1993, Phương Linh chào đời, niềm vui sướng của gia đình ông Nghĩa chỉ dài chưa đầy một giờ, sau khi bác sĩ thông báo một tin cô sẽ không thể đi lại bình thường. Tin ấy như tiếng sét đánh bên tai người cha. "Năm ấy, bác sĩ còn nói con gái tôi chỉ có thể sống được vài tháng bởi cơ thể không thể phát triển được, các bộ phận sẽ teo đi. Tôi lao vào ôm con gái, không kìm được nước mắt. Ai từng chờ đợi có con, sẽ thấu hiểu cảm giác đó của tôi", ông Nghĩa bùi ngùi nhớ lại.

Lúc đó, sau một hồi ôm con gái, ông Nghĩa lau dòng nước mắt cho khô rồi nghĩ rằng, được ở bên con ngày nào tốt ngày đó. Hãy cứ chăm sóc tốt nhất có thể. Đồng thời, ông cũng hy vọng mọi chuyện sẽ có tiến triển. Hơn thế, ông không hề nói với vợ về chuyện mình được nghe bác sĩ truyền đạt thông tin.

Người cha vất vả cõng con đi học 7 năm liền.

Thế nhưng, con gái ông đã vượt qua ba tháng mà bác sĩ nói. Cùng với đó, ông buộc phải nói thật với vợ về hoàn cảnh của con. Cả nhà cùng chiến đấu với căn bệnh quái ác. Bao đồ đạc, giản dị của một gia đình nghèo trong khu tập thể Tân Mai (Hà Nội) đã "đội nón ra đi", bởi chi phí cho việc tìm thầy tìm thuốc, cứu đôi chân cô con gái. Nhưng Phương Linh vẫn phải cả đời gắn bó với chiếc xe lăn. 

Ông Nghĩa tâm sự rằng, ngày cô con gái có đủ trí khôn để nhận biết, cô luôn thắc mắc với mọi người trong gia đình, rằng tại sao cô không thể đứng lên, đi như người bình thường, mà phải gắn với chiếc xe lăn? Mỗi khi nghe con gái hỏi như vậy, vợ chồng ông Nghĩa trào nước mắt. Thương con, nhưng bệnh tật hành hạ mà chẳng thể nào gánh thay được. Có lần, ông Nghĩa động viên: "Ông trời lấy đi của con đôi chân, nhưng cho con trí tuệ và gương mặt thánh thiện, phúc hậu. Con hãy sống cho thật tốt".

Càng lớn, Linh càng nỗ lực học tập và lúc nào cũng cố gắng để theo kịp các bạn. Gia đình nghèo, bố là phụ xe buýt, mẹ bán nước chè ngoài phố, nhưng Linh có quyết tâm học và không chỉ dừng lại ở việc học hết phổ thông trung học. Cô ao ước trở thành luật sư, trợ giúp cho những người yếu thế như cô. Linh tâm sự: "Em biết, để em được đi học và thực hiện ước mơ, thì cả gia đình em cùng vượt khó".

7 năm cõng con đi học

Con gái đi học, gia đình vất vả một, thì khi Phương Linh lên lớp 6, cơ thể cô yếu hơn, lại phải học ở trên tầng cao nên ông Nghĩa đã phải cõng con đi học. Sau này, con gái đi thi vào Trường Đại học Công đoàn, người bố giàu đức hy sinh ấy cũng cõng con đi thi, gây ra sự xúc động cho bao người. 

Ông Nghĩa cho biết, ông trời đã không cướp đi tính mạng của cô con gái, mà vẫn cho cô sống bên gia đình; lại được ban cho tính mạnh mẽ, có tinh thần vượt khó, đó cũng là điều mà ông thấy rất hạnh phúc. Thậm chí, ông Nghĩa còn cho biết Phương Linh là cô con gái bình thường như những người bình thường khác. Và ông đã là đôi chân của con.

Cảm ơn tình yêu của bố, Phương Linh đã sống lạc quan, hòa đồng, tự tin vào cuộc sống. Cô cho rằng, bản thân không có thời gian để tủi thân, mà luôn tâm niệm phải học tập thật tốt để không phụ lòng bố mẹ. Còn ông Nghĩa thì nói: "Tôi tin tưởng vào việc Linh làm, đưa em đi thi cuộc thi nào, tôi cũng tin rằng con sẽ thi đỗ". Tôi hỏi, vậy có bao giờ ông thấy mệt mỏi khi phải cõng con?

Ông Nghĩa trả lời, tình yêu con đã chiến thắng và vượt lên trên mọi gian khổ. Và vì thấy con ham học, yêu cuộc sống nên ông cũng chỉ coi mỗi lần cõng con là một lần tập thể dục, không quản ngày nắng ngày mưa. Lại hỏi, vậy làm sao ông cõng con được cả đời? Ông Nghĩa bảo, đã có sự hỗ trợ của xe lăn, vả lại, Linh mạnh mẽ, sẽ tìm được hướng khắc phục trong cuộc sống. Chắc chắn, sau này không có bố mẹ ở bên, con gái vẫn sống tốt.

Bây giờ thì Linh đã học năm thứ 3 Trường Đại học Công đoàn. Để có thể đặt chân vào trường đại học, cô đã phải nỗ lực rất nhiều, nhất là có đôi lúc thấy bất lực trước đôi chân mềm nhũn của mình. Môi trường sinh viên đã giúp Linh được giao lưu, học hỏi nhiều hơn và năng động với các hoạt động ngoại khóa. Có một điều đặc biệt, là cô gái khuyết tật luôn nghĩ đến chuyện giúp đỡ người yếu thế.

Cô cho rằng khoa Luật mà cô đang theo học, có thể giúp cô thực hiện ước mơ. Và tham gia cuộc thi  "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" - một cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp cũng như trí tuệ của người khuyết tật cũng là để được giao lưu, hiểu biết thêm về cộng đồng người khuyết tật. "Đây là sân chơi lớn cho những người khuyết tật giao lưu, học hỏi và tiếp thêm sự tự tin cho những người khuyết tật tự khẳng định mình. Qua đó gạt bỏ rào cản giữa người khuyết tật và cộng đồng, để họ được hòa nhập và đến gần với cộng đồng hơn", Linh cho biết.

Nguyễn Học
.
.
.