Điều ước khoảnh khắc giao thừa trong chốn biệt giam của tử tù

Thứ Tư, 18/02/2015, 11:00
Với những tử tù đang nằm chốn biệt giam để chờ đợi ngày ra pháp trường trả giá cho những tội lỗi của mình, khoảnh khắc giao thừa có ý nghĩa hết sức quan trọng, điều ước của họ trong thời khắc chuyển giao ấy, không gì hơn ngoài tâm nguyện được tha thiết sống.

Giao thừa là khoảnh khắc được chờ đợi nhất trong ba ngày Tết, không đơn thuần chỉ là thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, mà trong giây phút vũ trụ đất trời chuyển giao ấy, mỗi người Việt có thể gửi những điều ước của mình để mong bước sang năm mới với nhiều may mắn.

Với những tử tù đang nằm chốn biệt giam để chờ đợi ngày ra pháp trường trả giá cho những tội lỗi của mình, khoảnh khắc giao thừa có ý nghĩa hết sức quan trọng, điều ước của họ trong thời khắc chuyển giao ấy, không gì hơn ngoài tâm nguyện được tha thiết sống.

Điều ước của tử tù trong thời khắc giao thừa chốn biệt giam

Là người nhiều năm được phân công phụ trách mảng trại giam tại một số tỉnh, thành khu vực miền Trung, bản thân cũng đã gặp gỡ, tiếp xúc nhiều với các cán bộ quản giáo làm công tác canh giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân cũng như các phạm nhân đang bị giam giữ, thụ án với những tội trạng khác nhau, công việc thường xuyên như vậy đã giúp tôi đúc kết được một điều, rằng dù bất cứ tội phạm nào, họ vướng vòng lao lý vì bất kỳ nguyên nhân nào đó, song con người họ không hoàn toàn xấu, ở một góc nào đó của phận người, lương tri, lương năng họ vẫn tỏa sáng và lúc này, phần người mới trỗi dậy.

Bữa cơm đoàn viên trong ngày 30 Tết ở Trại tạm giam Công an Nghệ An.

Với những phạm nhâ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội thì những ngày nằm chốn biệt giam đếm ngược thời gian chờ đợi ngày ra pháp trường, niềm khao khát sống mới mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh tử tù ngồi an nhiên đánh cờ tướng, đan con chuồn chuồn tre hay kết con tít bằng dây chun trong chốn biệt giam để chờ trao gửi người thân mà thấy họ hiền lành quá đỗi.

Thương nhất vẫn là thời khắc năm hết Tết đến, trong khi bên ngoài xã hội rộn rã với việc đón chào năm mới thì trong bốn bức tường nhà giam, tử tù cũng háo hức đón Tết, nhưng với những tâm trạng không giống nhau.

Tử tù Lữ Thị Minh, 24 tuổi, bị bắt và kết án tử hình vào năm 2013, khi đang là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học tại Nghệ An. Xuất thân từ một gia đình nghèo ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Minh vẫn được cho ăn học tử tế nhưng vướng vào lưới tình của một ông trùm ma túy, Minh đã bị biến thành công cụ vận chuyển thuê ma túy. Xót xa hơn, nữ sinh viên này còn lôi kéo cả em trai vào cuộc và cậu em cũng đang thụ án 20 năm tù. Đã hai cái Tết đón giao thừa trong chốn biệt giam, tử tù Lữ Thị Minh cho biết, thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, lần nào em cũng chắp tay cầu nguyện mong cho em trai được sớm ra tù, cha ở quê bớt căn bệnh thần kinh hành hạ và sau nữa là hy vọng vào lá đơn xin ân xá gửi Chủ tịch nước của mình được chấp nhận.

Những điều ước ấy cứ trở đi trở lại trong tâm trí của Lữ Thị Minh, tựa hồ như nỗi khát được tiền mừng tuổi trong những ngày còn thơ bé. Nữ tử tù này cho biết, ngày còn được bên bố mẹ, giao thừa nào cả nhà cũng quây quần bên mâm cơm, lì xì cho nhau những đồng tiền may mắn, sau đó đại gia đình đến các gia đình trong thôn bản chúc mừng năm mới đến sáng sớm hôm sau mới về nhà. Mệt rã rời nhưng vui lắm. Giờ ngồi một mình giữa bốn bức tường nghĩ về quá khứ, nước mắt cứ lăn dài trên má.

Cùng chung Trại tạm giam Công an Nghệ An với Lữ Thị Minh, tử tù Mùa Bá Tu (SN 1987), trú huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), kẻ bị kết án tử khi đang “cõng” 22 bánh heroin từ Lào về Việt Nam vào tháng 7/2012 cũng là trường hợp được liệt vào danh sách những tử tù đặc biệt. Theo Thượng úy Đậu Vĩnh Thành, người trực tiếp trông coi tử tù này thì Mùa Bá Tu có tuổi thơ khá dữ dội khi bố mẹ chết sớm, bố mẹ nuôi vượt biên trái phép qua Lào mang theo cả Tu sang bên kia biên giới và cuộc đời sa ngã của chàng trai dân tộc Mông cũng bắt đầu từ đây.

Kể từ khi bị bắt giam và kết án tử, Mùa Bá Tu được gán cho biệt danh là “tử tù cô đơn” khi không có ai thăm nuôi vì vợ con ở Lào. Tính đến Tết Nguyên đán Ất Mùi năm nay đã là 3 cái Tết Tu đón giao thừa trong chốn lao tù. Điều ước của tử tù này rất đơn giản, ấy là năm nào cũng bắt đầu nghe thông báo thời khắc giao thừa, Tu lại ước được vợ con đến thăm nuôi một lần. Trong nỗi nhớ cồn cào ấy, điều ước đã trở nên có hiệu nghiệm khi vào tháng 8/2013, vợ con Mùa Bá Tu đã từ Lào về và thăm nuôi chồng một lần, đồng thời ký gửi 500.000 đồng lưu ký.

Tết ấm tử tù

Trong khi đó, Trần Đình Phi, người đã có thâm niên đón Tết chốn biệt giam lâu nhất tại Trại tạm giam Công an Nghệ An tính đến thời điểm này, khi đã 10 lần chờ đợi khoảnh khắc sang canh. Nhiều năm nay, khi biết lá đơn ân xá gửi Chủ tịch nước đã bị bác bỏ, Phi “an phận” với cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào. Tử tù này đã giết thời gian bằng cách chơi cờ tướng. Trần Đình Phi là một công chức nhà nước, làm kế toán trường học tại xã Quế Sơn, huyện Quế Phong và đã sa ngã, trở thành ông trùm trong đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam, mang ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2006, Phi đã cầm đầu đường dây gồm 21 người, vận chuyển trót lọt 59 bánh heroin. Khi bị phanh phui, đường dây này đã có 3 án tử, 4 chung thân và 14 người khác vướng vòng lao lý. Chia sẻ cảm nhận đón tết trong nhà giam, tử tù Trần Đình Phi ngậm ngùi cho biết, tuy ở trong bốn bức tường giam lạnh lẽo nhưng ai cũng có cảm giác nôn nao khi ngày Tết đến. Nỗi nhớ quê hương, gia đình dâng ngập con tim. Nhất là thời khắc giao thừa, không ai bảo ai, nhưng sau tiếng chuông báo hiệu năm mới, cả dãy nhà giam im phăng phắc trong vài phút đầu tiên của năm để gửi điều ước của mình về trời.

Tử tù Trần Đình Phi không biết bạn tù ước gì, nhưng năm nào y cũng cầu mong vợ con mạnh khỏe và mong cho mình được sống thêm từng ngày. Chưa bao giờ, Phi thấy cuộc sống đáng sống như thời khắc sau đêm giao thừa. Có lẽ năm mới, đất trời rộn rã đã khiến cho lòng người cởi mở, độ lượng hơn với chính mình. Có vài cái Tết, những tử tù trong nhà giam bất ngờ được nghe tiếng hát của một tử tù nào đó vọng đến, bài hát về mùa xuân an lành và ấm áp. Nhưng cũng từ mấy năm nay, đêm giao thừa không còn nghe tiếng hát vô danh ấy nữa. Có lẽ, ai đó đã phải đi thi hành án tử.  

Thượng tá Trần Thăng Long, Giám thị Trại tạm giam Công an Nghệ An cho biết thêm, với 14 tử tù đang nằm xiềng chốn biệt giam hiện nay, Trại tạm giam Công an Nghệ An đã trở thành đơn vị có số lượng phạm nhân mang án tử đông nhất trong cả nước. Với tử tù, tâm lý tình cảm họ luôn có những diễn biến bất thường, đặc biệt là trong những ngày Tết đến, xuân về nên Ban giám thị luôn dành tình cảm đặc biệt.

Những ngày này, cán bộ quản giáo thường chú trọng công tác tư tưởng, chuyện trò và tháo xiềng cho họ để tập thể dục, vệ sinh cá nhân. Tết của trại giam cũng rộn rã, tấp nập khi đơn vị tổ chức tát cạn ao, mổ lợn gà để tổ chức bữa cơm đoàn viên và tổ chức đêm hội hái hoa dân chủ, giao lưu tặng quà. Ba ngày Tết, phạm nhân được chế độ ăn uống gấp 5 lần bình thường. Với những phạm nhân mang án tử, ngày đầu năm mới, Ban giám thị thường có chút quà gọi là lì xì để động viên tinh thần.

Tết ở trại giam có đặc thù riêng, song Ban giám thị đã luôn cố gắng hết mức để mang lại cho can phạm nhân, bất luận là tử tù hay những tội phạm bình thường khác, đều có được cái Tết ấm cúng. Ngoài ra, chế độ thăm thân, thăm gặp trong ba ngày Tết cũng được trại tạm giam tạo điều kiện hết sức, những lời thăm hỏi, động viên trong thời khắc này luôn là động lực để phạm nhân cải tạo tốt hơn, điều này cũng đồng nghĩa với việc ngày về với xã hội ngắn lại.

Với những tử tù đang nằm xiềng chờ đợi ngày ra pháp trường, thời khắc Tết đến, xuân về chính là lúc họ sám hối với tội lỗi quá khứ, mong cho giây phút chuyển giao của đất trời vũ trụ sẽ là thời khắc độ lượng, khoan dung để đến lúc thi hành án tử, linh hồn tội lỗi của họ sẽ được siêu thoát.

Hương Giang
.
.
.