Cảm phục người phụ nữ ly dị chồng, một mình nuôi các con bại não

Chủ Nhật, 28/06/2015, 10:00
Một ngày hè cuối tháng 5, chúng tôi về vùng quê nghèo xã Tam Anh Nam để tìm hiểu câu chuyện gia đình chị Đào Thị Minh (49 tuổi, trú xã Tam Anh Nam, Núi Thành, Quảng Nam) khiến bao người dân nơi đây cảm động rơi nước mắt. Đó là 3 lần sinh thì cả 3 đứa con chị Minh đều bị bệnh bại não, không nhận thức được gì. Chịu cú sốc quá lớn vì nỗi đau gia đình, chồng phát bệnh tâm thần, một mình chị Minh phải bươn chải lo lắng tất cả. Rồi một ngày, bệnh tình chồng thuyên giảm hơn, chị quyết định ly dị để anh có được một gia đình mới trọn vẹn.

Sinh các con đều bệnh bại não

Khi nghe chúng tôi hỏi về chị Minh, bà Võ Thị Chín (70 tuổi), là một người dân nơi đây tận tình chỉ dẫn đường đến nhà. Bảo Chín bảo: “Ở xã này ai cũng biết đến hoàn cảnh tội nghiệp của con Minh với mấy đứa con sinh ra. Là phụ nữ ai cũng mong mỏi mình có được một mái ấm gia đình hạnh phúc, có những đứa con khoẻ mạnh để nương tựa sau này. Thế nhưng, ông trời nỡ gieo tai ương lên con Minh, sinh được đứa nào thì đứa đó bị bệnh như đứt từng khúc ruột. Chồng vì không chịu nổi cú sốc mà phát bệnh tâm thần khiến gia cảnh thêm bi đát. Giờ Minh nó sống mình chăm lo cho hai đứa con thôi!”.

Đi qua đoạn đường bê tông nối dài từ quốc lộ 1A, chúng tôi cũng tới được nhà chị Minh theo lời chỉ dẫn. Đó là một căn nhà cấp 4 lợp mái tôn giữa ban trưa nóng hầm hập. Mặc dù cửa ngoài khoá nhưng chúng tôi nghe tiếng cười nói, gõ ầm từ bên trong. Theo lời bà Chín bảo trước khi tới, chúng tôi đoán đó là tiếng người con chị Minh bị bệnh.

Đợi một lát, chị Minh cũng về khi trên người mặc bộ đồ đã sờn cũ, mồ hôi nhễ nhại vì công việc. Biết chúng tôi đến tìm hiểu cuộc sống, chị Minh ái ngại mở cửa mời vào nhà. Chị Minh nói: “Rất lâu rồi nhà tôi không có khách, hai đứa con tôi lại không được như người bình thường…”

Mười mấy năm qua, chị Minh phải nhốt con vào góc nhà để đi làm nuôi các con.

Chị Minh vừa dứt lời sau khi mở cửa, một đứa con trai lớn chạy ra ghì chặt tay chị rồi ôm chúng tôi cười nói toe toét. Bên trong nhà bốc mùi hôi thức ăn, chén dĩa, xoong nồi bỏ khắp nhà. Chị Minh vội giải thích: “Đi làm ngày cố gắng về bữa trưa tắm rửa, nấu cho các con ăn rồi mới đi làm lại. Thương các con tôi không dám đi lâu, nếu cứ quanh quẩn ở nhà thì tiền đâu đong gạo nuôi các con được…”. Chỉ kịp nói đến vậy, đôi mắt chị Minh đã đỏ hoe, hai hàng nước mắt lăn dài trên má.

Sau phút xúc động, chỉ kể cho chúng tôi nghe về số phận bất  hạnh của cuộc đời mình. Năm 1987, chị gặp gỡ và se duyên với anh Nguyễn Văn Thông là người cùng xã. Sau ngày cưới, hai vợ chồng sống với bố mẹ anh. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng quyết tâm làm lụng không kể nắng mưa mong cuộc sống khá hơn.

“Năm 1988, hai vợ chồng sinh được đứa con trai đầu tiên đặt tên là Nguyễn Tấn Tin. Niềm vui con chào đời chưa được bao lâu thì phát hiện con bị đau nặng. Khi chuyển vào viện cấp cứu mới biết bị bại não cấp tính, không còn cách cứu chữa nữa. Con mất chỉ vừa được hơn một tuổi khiến hai vợ chồng đau xót tột cùng” – chị Minh nói.

Theo thời gian, nỗi đau mất con cũng dần nguôi ngoai. Năm 1991, hai vợ chồng vui mừng đón đứa con gái Nguyễn Thị Thế ra đời. Nhưng con gái lớn lên được 6 tuổi mà vợ chồng không nghe được tiếng “mẹ ơi, cha ơi”, trái lại là tiếng “ú ớ” đến thấu tim can. Khi đưa vào viện, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị bại não, không có khả năng nhận biết mọi việc xung quanh, phải sống như vậy suốt đời. Từ đó, chị Minh phải ở nhà chăm sóc con cho anh Thông đi làm thuê kiếm tiền. Được bao nhiêu đều dành dụm đi chữa bệnh cho con, bởi lẽ hai anh chị vẫn còn nuôi hi vọng lời bác sĩ nói là “sai”.

Hằng ngày, nhìn những đứa trẻ hàng xóm vui chơi, vợ chồng chị lại khao khát một đứa con bụ bẫm có thể gọi tên mình, được lành lặn như con bao vợ chồng trẻ khác. Suy nghĩ là vậy, chị Minh lại sợ con sinh ra bị bệnh. Nhưng rồi… nỗi lo lắng nào có hơn được niềm khát khao được làm mẹ, làm vợ thật sự và làm con dâu hiếu thảo. Đứa con trai út tên Nguyễn Tấn Quy (sinh năm 1997) chào đời mang niềm hi vọng lớn.

“Thật đúng là định mệnh sao, trời ơi sao nỡ đày đọa tôi đến thế?” – Đó là lời thốt lên trong tiếng khóc của chị Minh ngày ấy kể lại. Một lần nữa, anh chị lại không thể ngờ đứa con thứ ba cũng mang căn bệnh bại não như hai người con đầu.

Chồng đau khổ phát điên vì các con bị bệnh

Khi cháu Quy chào đời cũng chính là ngày người chồng, người cha Nguyễn Văn Thông ngã bệnh. Khoảng một tháng sau, anh Thông trở nên điên loạn, cứ luôn mắng chửi người thân rồi rên la nói cười một mình. Chị Minh cùng người thân đưa anh đi khám. Bác sĩ chẩn đoán anh bị sốc tâm lý lớn nên thần trí không ổn định, cần được theo dõi. Anh Thông được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam điều trị.

“Lúc đó bác sĩ nói sốc tâm lí, hỏi thăm gia đình thì mới biết do các con không được lành lặn như bao đứa trẻ bình thường nên đau lòng, suy nghĩ nhiều. Vì uất ức, khổ tâm nên sinh ra bệnh. Đúng là nỗi đau gia đình tôi bị trời đày…” – chị Minh bùi ngùi.

Chồng bị bệnh tâm thần, 2 con lại bị bại não, chị Minh còn phải phụng dưỡng cha mẹ chồng anh Thông già yếu. Tiền bạc, tài sản trong nhà có được bao nhiêu lần lượt cũng đã bán đi để lo cho anh Thông chữa bệnh.

Chị Minh chăm sóc hai đứa con bị bệnh bại não trước khi đi làm.

Sau một thời gian, anh Thông cũng dần tỉnh táo, gia đình đưa anh về chăm sóc. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị Minh quyết định để 2 con cho mình nuôi, còn chị sẽ ly dị chồng.

Nhắc lại quyết định ấy, đôi mắt chị Minh lặng buồn: “Chỉ mong anh khỏi bệnh rồi có thể tìm hạnh phúc mới, cưới vợ rồi có được đứa con bình thường.” Nghe tin chị “bỏ chồng”, người thân và hàng xóm trách chị nhiều, nhưng ngày ra tòa mọi người đều rơi lệ khi người vợ, người con dâu bày tỏ nỗi lòng mình.

Sau ngày đó, những tưởng gia đình cha mẹ chồng sẽ “ghét” chị nhưng trái lại họ cũng còn thương, coi chị vẫn là con dâu. Để che nắng che mưa, chị được cha mẹ chồng cho miếng đất nhỏ để cất cái chái nuôi hai đứa con. Còn anh Thông, sau ngày ly dị, anh được người anh cả ở xa đón về chăm sóc. Đến nay bệnh tình đã thuyên giảm.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, chị Minh nói: “Tôi xin đi làm thêm đủ nghề để lo cho các con chứ ở nhà không thì không có tiền”. Dẫn chúng tôi đi xuống nhà dưới, chị Minh chỉ cho chúng tôi thấy một góc nhà được xây bức tường cao khoảng 1,5 mét, có cửa gỗ nhỏ. Chị Minh bùi ngùi: “Cứ mỗi lần tôi đi làm là đưa đứa con gái vào khoá lại. Vì con bị bại não nặng nên cứ hay đập phá, cười khóc suốt. Sợ nguy hiểm cho con nhưng chẳng còn cách nào giữ con như vậy. Còn đứa con trai út bị bệnh nhưng nhẹ hơn, tôi khoá cửa ngoài để cháu đi lại trong nhà”.

Hơn mười năm qua, chị Minh bươn chải làm lụng. Nhiều lần đi làm, bụng không yên, nóng ruột là phải chạy về coi con có làm sao không rồi nấu cơm đút cho con ăn trước khi đi làm lại. Nhiều lần về chứng kiến các con cắn xé quần áo, chân tay chảy máu vì va chạm vào tường, cửa gỗ mà chị đau xót bội phần.

Chúng tôi hỏi, sao chị không tìm cho mình một hạnh phúc mới để có thể chia sẻ gánh nặng gia đình. Chị Minh bùi ngùi: “Hoàn cảnh tôi phải nuôi hai con bệnh tật thế này có ai mà ưng thuận. Vả lại, từ khi ly dị anh Thông, tôi đã quyết tâm là không tiến thêm bước nữa, chỉ ở vậy mà chăm sóc, nuôi hai con thôi. Điều tôi lo lắng và sợ nhất là một mai, khi tôi mất đi thì không biết ai sẽ chăm lo cho chúng…”

Khi chúng tôi từ biệt ra về cũng là lúc chị Minh cho hai con ăn trước khi đi làm. Chị đút cơm cho các con khiến chúng tôi càng bịn rịn. Dù tuổi các con chị đã thanh niên nhưng vì bệnh tật nên như những đứa trẻ thơ, ngô nghê trong vòng tay mẹ. Nhìn đôi bàn tay chai sần, gương mặt hốc hác của chị Minh, chúng tôi thầm cảm phục vì sự hi sinh của chị bao năm qua.

Chu Lai
.
.
.