Chuyện buồn của người đàn bà nơi rừng thẳm

Thứ Ba, 02/08/2016, 12:58
Vào một ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi đã lội ngược vào cánh rừng của xã Đăk Nhau (Bù Đăng - Bình Phước) để thăm lại những nạn nhân trong vụ án Võ Minh Tiếng. Núi vẫn thăm thẳm, đường mòn vẫn nhàu nhĩ, ngôi nhà lá của mẹ con bà L.T.T. N (SN 1965) vẫn trơ trọi chênh vênh giữa triền đồi heo hút.

Cuộc sống của họ từ ngày gã cha dượng đốn mạt bị pháp luật nghiêm trị có phần đổi thay, nhưng còn đó nỗi đau không gì bù lấp nổi. Những đứa trẻ không cha lớn lên trong nghèo đói, nhếch nhác và bệnh tật. Hai người mẹ trẻ, một bà mẹ già vẫn ngơ ngác, hoảng loạn khi tái hiện lại quá khứ. 

Ba lần "gãy gánh"

Đường vào Đắc Nhau gặp trúng cơn mưa vừa tạnh, đất đỏ nhầy nhụa, lụt lội ngang đầu gối, ngập nửa bánh xe, người ngã như đập mẹt. Đây là con lộ duy nhất vào Đắc Nhau, những ngày mưa nơi đây tuyệt đối bị cô lập.

Vậy nên, rất ít người vào Đắc Nhau và ngược lại. Phần vì ngại đường sá xa xôi, lại khó đi, phần vì chẳng ai vào chốn rừng núi thâm u ấy để làm gì.

Đường vào nơi trú ngụ của mẹ con bà N.

Trong đó chỉ có những người làm thuê, làm mướn, cắm chòi trông rẫy, những lúc thiếu ăn thì người bên trong mới ra chợ xã mua gạo. Xe hết leo lên đồi cao lại lao xuống dốc thẳm, rồi rẽ vào sâu trong rừng, cuối cùng cũng đến được nhà của hai chị em K. L và K. H khi mặt trời đã khuất sau rặng đồi.

Căn chòi của mấy con người bất hạnh mái lợp bạt, vách thưng bằng ván cũ, lùi lũi nằm sâu trong rẫy mỳ. Giữa chốn mênh mông u tịch, chỉ có đồi núi, cây rừng và những tiếng muông thú kinh dị hú lên từng hồi, cuộc sống của họ bần hàn, cơ cực đến nghẹn lòng.

Bà L.T. T. N vừa đi rẫy về cùng mấy đứa con nhỏ, tất cả mồ hôi thấm ướt, người bê bết đất đỏ. Gợi lại quá khứ tủi nhục, bà N đau lắm, nhưng có người để giãi bày, bà được thể "trút" hết.

Bà N sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Long An, không được đi học, thuở nhỏ phải làm lụng đủ nghề. 19 tuổi, N cùng cha mẹ lên Bình Long (Bình Phước) theo diện kinh tế mới. Không lâu sau, mẹ qua đời, cha có vợ bé, bị hắt hủi, N đành phải quay về quê ngoại.

Thuở xuân thì bà N xinh lắm, bao chàng trai cặp kè theo đuổi, nhưng cuối cùng phải ngậm ngùi sang sông vì sự ép buộc của gia đình. Sinh được đứa con trai thì người chồng giở thói vũ phu, đánh đập thậm tệ.

Không chịu nổi, vào một đêm giông gió, N lén ôm bụng bầu bỏ đi, không một lời giã từ. Bước chân người đàn bà âm thầm phiêu dạt ngược lại Bình Long, bà làm mướn đủ thứ nghề để có tiền chuẩn bị cho ngày sinh nở, rồi đứa con ra đời trong nỗi tủi hờn.

Những tưởng đến một phương trời mới, người phụ nữ lỡ làng sẽ không còn giẫm lên vết chàm của số phận. Nhưng từ đêm dứt áo ra đi, chính N cũng không biết rằng đó là bước chân đầu tiên của những tháng ngày bất hạnh.

Một mình lặn lội nuôi con, bà N làm bất cứ việc gì người ta thuê mướn. Tháng ngày bươn chải mưu sinh, trái tim người phụ nữ lỡ làng lại loạn nhịp với một người đàn ông người Việt gốc Hoa cùng cảnh ngộ.

Chung sống với nhau 10 năm, 3 đứa con (một trai, hai gái) lần lượt ra đời. Thế nhưng, mẹ chồng độc ác, cho vợ chồng N đám rẫy đầy cỏ cây hoang dại, vợ chồng quần quật cày xới đến ngày vuông vắn thì bà ta nổi đóa.

Mụ xúi con trai: "Mày bỏ quách con vợ đi, bán đám rẫy được mấy cây vàng, đuổi nó đi. Nó còn "lời" được 4 đứa con chứ chẳng thiệt đâu". Thế rồi, không lâu sau, N bị gã chồng đuổi thẳng cổ ra khỏi nhà, 5 mẹ con tay trắng lại dắt díu nhau từ Bình Long ngược lên Bù Đăng.

Có lẽ nỗi đau sẽ đeo bám người đàn bà này đến hết cuộc đời.

Đi miết vào những đám rẫy hoang vu trong rừng, tìm chủ rẫy xin được làm công chỉ mong có cái ăn và có chỗ ngủ. Một mình cắp nách 4 đứa con nhỏ, người phụ nữ làm không kể ngày đêm. Đàn con lếch thếch theo mẹ dạt từ đám rẫy này sang đám rẫy khác.

Từ xới cỏ cà phê, bóc hạt điều, nhổ gốc khoai mì, cuốc đất, phát rẫy... N cùng các con đều làm tất. Những đứa trẻ vì thế cũng không một ngày được đến trường, tất cả mù chữ.

Thương đàn con mồ côi, bà N quyết định đi bước nữa với mong muốn các con có người đàn ông để gọi tiếng cha. "Rổ rá cạp lại", cứ kéo nhau về sống chứ chẳng có hôn thú gì, dù người này rượu chè, vũ phu nhưng bà N vẫn cắn răng sống.

Hai đứa con trai tiếp tục chào đời, khó khăn buộc chặt vào người bà N. Còn ông chồng, trong một lần say rượu ngất ngưởng ngoài đường đã bị xe tông chết.

Sự thật trần trụi

Sau khi người chồng thứ 3 chết, mẹ con bà N bơ vơ, không mảnh đất cắm dùi, hạt gạo vét đến cặn đáy chum, cái đói lửng lơ. Đám nhỏ vừa biết đi chập chững, đang không biết xoay xở đâu thì bà N gặp ngay Võ Minh Tiếng, một người đàn ông tuổi ngoại tứ tuần, cũng là dân chuyên đi làm rẫy thuê.

Thấy Tiếng than ngắn thở dài bị vợ ruồng rẫy xua đuổi, làm được đồng nào vợ đều vơ vét hết, giờ chỉ muốn kết duyên cùng bà N để có chỗ sớm đi tối về, có nơi lo lắng, vì thấy bà cảnh thân nữ côi cút, một nách cắp cả đàn con.

Đến với Võ Minh Tiếng lần này, bà N đã từng "gãy gánh" ba lần. 6 người con đủ trai lẫn gái, đứa lớn nhất đã ngoài 30, đứa út chỉ vừa 7 tuổi, nhưng mỗi đứa một cha. 

 "Những ngày đầu, Võ Minh Tiếng lăn xả lắm, hắn lo cho tôi, cho các con tôi, nhận rất nhiều đất để chúng tôi đi làm có tiền thu nhập.

Sống ngoài xã Đắc Nhau được một thời gian thì hắn quyết định chuyển cả gia đình vào rừng để tiện đi làm…" - Bà N nhớ lại.  Bà N không ngờ đó là âm mưu mà Võ Minh Tiếng dựng lên để hại đời hai đứa con gái của mình.

Ban đầu Tiếng vờ quan tâm bà và đứng ra nhận làm cha đỡ đầu cho các con của vợ. Vì thế ngoài tình thương yêu, người phụ nữ khắc khổ, nhẹ dạ cả tin còn cảm thấy có gì đó là ơn huệ, bà đặt niềm tin tuyệt đối vào chồng.

Khi bé K. L bắt đầu bước vào thì con gái, vóc dáng trổ ra, tóc dài, duyên dáng, da dẻ căng hồng, đã thôi thúc bản chất thú tính trong người gã cha dượng trỗi dậy.

Trong những lần bắt hai đứa lớn của bà N vào rừng sâu làm rẫy, Võ Minh Tiếng đã dùng vũ lực và đe dọa để cưỡng hiếp. Xong, hắn đánh đập và dọa sẵn sàng lấy mạng bất cứ ai dám hé miệng.

Hậu quả, hai người con gái đang trong độ tuổi vị thành niên đã mang bầu và phải sinh con với tên cha dượng cầm thú. Cả hai đều mang một nỗi đau thể xác, sự mất mát về tinh thần và cùng chung một bi kịch.

Trong câu chuyện với chúng tôi, các em không còn ngại ngùng nữa, vì sự việc đã "hai năm rõ mười". Nhưng phía sau khuôn mặt thất thần ấy dường như vẫn chưa hết hoảng loạn vì ký ức những lần cha dượng giở trò đồi bại và đánh đập tàn nhẫn.

Để che đậy hành vi, Võ Minh Tiếng thường hành hạ mấy mẹ con bà N, hăm dọa tinh thần bằng những lời "dao găm". Để dằn mặt, ngay trên đầu giường, Tiếng bao giờ cũng thủ 2 con mã tấu sáng loáng, hắn lăm le tuyên bố có thể "xin huyết" mẹ con bà N bất cứ lúc nào.

Hai đứa con gái bà N cay đắng, tủi hổ khi phải làm mẹ bất đắc dĩ.

Bà N tủi nhục khi phải lần lượt chứng kiến hai đứa con gái bụng mang dạ chửa, rồi phải tự tay đỡ đẻ cho những đứa cháu khác mẹ chung cha. Bản thân bà cũng đã 3 lần có thai với Võ Minh Tiếng nhưng đều bị sẩy (1 lần do bị Tiếng ép phá, 2 lần do làm việc nặng).

Nếu không có sự cố, thì giờ bà đã có thêm 3 đứa con mang họ Võ của gã chồng vô nhân tính. Không có con với tên "đội lốt người mang trái tim quỷ", bà N thấy đó là một điều may mắn.

Bởi những gì đã và đang xảy ra, mỗi khi mở mắt nhìn, ruột gan bà lại quặn thắt, chưa nói mẹ con cùng "chung một chồng". Câu chuyện người phụ nữ bạc phận ấy cứ trôi đi trong nặng nề, đắng chát.

Chuỗi bi kịch chỉ kết thúc khi bà N quyết tâm trình báo chính quyền, phơi bày bộ mặt cầm thú của chồng. Công an vào tận nơi phục kích bắt gã đàn ông bệnh hoạn đó.

Viện KSND tỉnh Bình Phước đã hoàn tất bản cáo trạng và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang TAND tỉnh Bình Phước đề nghị truy tố Võ Minh Tiếng về 2 tội "cưỡng dâm" và "cưỡng dâm trẻ em".

Nỗi đau qua đi, để lại khoảng trống thênh thang giữa núi rừng hoang vu. Từ ngày được giải phóng khỏi nỗi nhục nhã, mẹ con người đàn bà lam lũ, thấp cổ bé họng vẫn bám trụ trong căn chòi dựng tạm trên phần đất sắp giải tỏa thuộc địa giới hành chính của xã Phú Sơn (huyện Bù Đăng).

Không có hộ khẩu, không biết đi đâu khi mai này người ta lấy đất. Các con bà N và các cháu (trong đó có 2 con của K. L và K. H) đã đến tuổi đi học nhưng không được đến trường. Không ai có giấy tờ tùy thân lại không có chữ, đi làm mướn họ thường bị chủ rẫy lừa lọc, bớt xén.

Ngọc Thiện - Kỳ Phương
.
.
.