Chuyện buồn về gia đình 'điên'

Thứ Ba, 22/09/2015, 08:00
Căn bệnh "người điên" ập xuống gia đình bà Lê Thị Thuận ở làng Cộng Hòa, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) khiến cả nhà rơi vào bi kịch "gia đình ngớ ngẩn". Suốt nhiều năm qua, từng người trong căn nhà khốn khổ ấy bị cơn cuồng phong bệnh tật cuốn sâu vào vòng xoáy nghiệt ngã của sự cơ hàn, túng thiếu.
"Ngôi nhà điên"

Men theo con đường mòn ngổn ngang đất đá, chúng tôi tìm về làng Cộng Hòa vào một buổi sáng đầu thu. Ngôi làng nhỏ bé nằm nép mình dưới chân núi Đọ, xung quanh bốn bề là những vách núi heo hút tựa như thành quách. Đang vào mùa vụ nên cả làng vắng như chùa Bà Đanh, mãi đến gần trưa mới thấp thoáng vài bóng người.

Hỏi thăm gia đình bà Thuận, một người đi làm đồng về cho hay: "Gia đình bà Thuận cám cảnh nhất làng này. Cả 4 người trong gia đình ấy ai cũng dở dại dở điên, bà Thuận mang tiếng tỉnh táo nhất nhà nhưng cũng hâm dại không kém phần. Ngày nào 3 bố con ông Bình hết ca hát, nói năng lảm nhảm rồi rượt đuổi nhau ở ngoài đường. Chỉ khổ bà Thuận lam lũ nhưng biết bao lần phải chịu những trận đòn nhừ tử của ba bố con mỗi khi lên cơn kinh giản. Nhà nào rách nhất chính là nhà bà Thuận".

Căn nhà cấp bốn của gia đình bà Thuận thấp lè tè nằm ngay sát chân núi Đọ. Giữa cái nắng sém da bỏng thịt, một mình bà Thuận đầu trần, chân đất đang hì hục phơi lúa ngoài sân. Thấy chúng tôi, bà Thuận nhìn chăm chú rồi cười phá lên một cách vô hồn. Bước vào căn nhà lạnh ngắt không một vật đáng giá ngoài chiếc tivi đen trắng. Ngẫm về gia cảnh éo le của mình, dường như bà Thuận không giấu nổi sự tủi nhục, chua xót. Giọt nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm của người đàn bà bất hạnh suốt cuộc đời nuôi con, chồng tâm thần.

Bà Lê Thị Thuận là người tỉnh táo nhất trong gia đình ngớ ngẩn.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con dưới chân núi Đọ nên từ nhỏ bà Thuận đã phải đi ở đợ để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Lớn lên Thuận nổi tiếng là cô gái đảm đang, tháo vát nhất vùng nhưng chỉ vì tính nết "không bình thường" nên trai làng không ai dám tới lui. Một vài đám ở xa tới hỏi thăm, dạm ngõ, nhưng khi biết về gia cảnh bần hàn và bản tính "có lớn mà không có khôn" của bà Thuận nên đã hủy hôn.

Khi đã quá thì, cô Thuận kết duyên cùng một người đàn ông đã góa vợ ở làng bên là ông Lê Thế Bình qua sự mai mối của một người trong họ. Chính sự đồng cảm về cảnh ngộ, hai con người khốn khổ ấy đã bấu víu, tìm đến nhau. Cưới nhau chưa được bao lâu, chưa tận hưởng hết cuộc sống của cặp vợ chồng son thì ông Bình đã phải lên đường nhập ngũ.

Những ngày ở chiến trường, ông Bình xông pha diệt Mỹ, ngày đêm chiến đấu gan dạ. Khi hòa bình lặp lại, ông trở về sum họp, đoàn tụ với gia đình. Đôi vợ chồng trẻ tính đến chuyện sinh con đẻ cái để nương nhờ tuổi già, họ có cả thảy 2 người con trai. Cuộc đời của hai vợ chồng chịu quá nhiều thiệt thòi đã đến lúc được bù đắp, thế nhưng ngày hai đứa con chào đời cũng là lúc liên tiếp những bất hạnh xảy ra.

Con trai cả là Lê Thế Hòa, sinh năm 1990, mắc chứng tự kỷ, tâm thần khi lên 10 tuổi. Và nỗi đau của gia đình bà Thuận chưa dừng lại ở đó, khi đứa con thứ hai là Lê Thế Hiền, sinh năm 1992, lặp lại di chứng tâm thần phân liệt. Vì lo nghĩ đến gia cảnh nên chỉ ít lâu sau ông Bình cũng mắc chứng tâm thần, thường xuyên bỏ nhà ra đi, còn bà Thuận lại nói năng lảm nhảm và có những biểu hiện không bình thường.

"Nghĩ mà tủi phận lắm, nhà người ta con cái, gia thất đề huề, nhà mình thì một lũ điên, lũ dại. Đêm nào tôi cũng không dám chợp mắt vì sợ ba bố con nó lôi tôi đánh túi bụi, rồi lấy dao đuổi chém. Nghĩ mà tủi nhục với thiên hạ, nhiều người còn nguyền rủa chua ngoa chắc gia đình tôi ăn ở thất đức nên bị trời đày" - bà Thuận tức tưởi.

Đất dữ hóa người điên

Trong căn nhà ngớ ngẩn ấy, mọi gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên vai bà Thuận - người đàn bà điên khùng. Dù không đủ tinh nhanh so với bàn dân thiên hạ nhưng bà Thuận vẫn cố gắng một mình làm lụng nuôi cả gia đình. Chứng kiến cảnh chồng lên cơn co giật, con cái giãy đành đành giữa đêm khuya khiến bà Thuận không cầm nổi nước mắt. Gia cảnh túng thiếu ba đời, giờ lại thêm căn bệnh "trời đày" đã khiến gia đình bà Thuận sống dở chết dở.

Cách đây 3 năm, trong một trận động kinh co giật, ông Bình la hét, chửi rủa om sòm rồi bỏ nhà ra đi. Còn người con trai thứ hai của bà Thuận ngày nào cũng vài ba trận lên cơn. Giờ đây anh Hiền đã mất hết lý trí, suốt ngày chỉ biết la hét và chui rúc trong góc phòng tối om, không còn ý thức về cuộc sống bên ngoài. Nhiều đêm liền, anh Hiền cười phá khanh khách, khua chân, "múa võ" rồi cầm dao rượt đuổi bà Thuận. Cũng nhờ hàng xóm nên bà Thuận nhiều lần thoát chết.

Mặc dù tháng nào anh Hiền cũng điều trị ở Bệnh viện tâm thần Cao Đà nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Có lần phát bệnh, anh Hiền xông tới bóp cổ, giật tóc rồi đấm thùm thụp vào mặt bà Thuận. Sau mỗi trận đòn nhừ tử, bà Thuận chỉ biết ôm mặt ra sau núi khóc rưng rức và không một lời oán trách. "Cũng từ đợt ấy, tôi xích chân thằng Hiền vào chân giường mỗi lúc vắng nhà, nhỡ đâu nó quậy phá nhà cửa, rồi ra đường làm loạn, ảnh hưởng tới dân làng" - bà Thuận cho biết.

Còn anh Hòa cũng di chứng của căn bệnh tâm thần nhưng may mắn chữa trị kịp thời nên bệnh tình nhẹ hơn. Những khi trở trời, anh Hòa thường xuyên nói năng lảm nhảm, vật phá đồ, lúc tỉnh anh cũng xốc vác công việc nhà cửa.

Căn nhà cấp bốn thấp lè tè của gia đình bà Thuận dưới chân núi Đọ.

Ở quê, gia đình bà Thuận thuộc diện hộ nghèo. Cả gia đình trông chờ vào 3 sào lúa non nhưng năm nào gia đình bà Thuận cũng phải chạy ăn từ đầu vụ. Mỗi lần ngẫm về bệnh tình của chồng và các con, bà Thuận chỉ biết lý giải là do đất dữ hóa người thành điên. Mảnh đất của gia đình bà Thuận đang ở nằm sát cạnh chân núi Đọ. Đó là của hồi môn từ thời ông bà, cha mẹ để lại cho vợ chồng bà Thuận.

Theo lời bà Thuận kể lại, trước đó một vài hộ gia đình đến đây ở được một thời gian rồi chuyển đi ngay chẳng hiểu lý do vì sao. Đến thời ông bà, cha mẹ rồi đến vợ chồng ông Bình sinh sống trên mảnh đất này gia cảnh đều túng thiếu, con cái nheo nhóc, bệnh tật thường xuyên. Ba đời có tiền sử bệnh "điên", thêm vào đó ông Bình bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam trong thời gian đi bộ đội, vì thế đã để lại di chứng sang đời con.

Ngày ông Bình còn khỏe mạnh, hai vợ chồng vay mượn tiền đầu tư nuôi bò, lợn nái và gà công nghiệp. Tuy nhiên, cứ đến lúc thu hoạch lại mất trắng. Con bò đến tháng đẻ thì bị què chân, lở mồm long móng rồi chết. Trông chờ vào đàn lợn nái, đàn gà đến lúc xuất chuồng thì bị dịch bệnh phải bán tháo để gỡ nợ. Cũng từ đó bà Thuận cạch hẳn nghề chăn nuôi.

Ngoài quanh quẩn bên mấy sào ruộng, những ngày nông nhàn, bà Thuận còn tranh thủ đi làm mướn để kiếm tiền mua gạo, mua thuốc cho con. Tuy nhiên, cũng gần đây, căn bệnh của bà Thuận thường xuyên tái phát nên ít người dám nhận một người "không bình thường" về làm mướn. Hơn nữa, bà Thuận còn bị mắc chứng viêm xương khớp, đi lại rất khó khăn. Nhưng vì là lao động duy nhất nuôi cả gia đình nên ngày ngày bà vẫn phải cắn răng chịu đựng những cơn đau, cố lết chân ra đồng kiếm con cua, con tép để nuôi hai người con điên dại trong nhà.

Cuộc sống của gia đình "điên" ấy ngày càng túng quẫn, cơ cực. Dường như nỗi bất công quá lớn đối với gia đình bà Thuận. Mỗi lần nhắc đến chồng, con bà Thuận chỉ biết ôm mặt khóc. Bà không tài nào cầm lòng nổi bởi suốt 20 năm qua và cả những quãng đời còn lại của bà Thuận gắn liền với những đứa con điên dại và người chồng tâm thần. Và mong ước cuối đời của người mẹ khốn khổ là có đủ sức khỏe để "phụng dưỡng" những đứa con điên dại của mình.

Bà Lê Thị Thúy Thường - Trưởng Hội phụ nữ làng Cộng Hòa cho biết: "Biết gia đình bà Thuận khó khăn nên các tổ chức, đoàn thể quyên góp, chung tay sửa sang nhà cửa cho gia đình. Ngoài những lúc đau ốm, bệnh tật,  mẹ con bà Thuận rất đoàn kết, thương yêu nhau và sống rất có tình nghĩa với hàng xóm láng giềng. Vì thế, người dân trong làng này rất quan tâm và giúp đỡ mẹ con bà ấy. Rất cần những Mạnh Thường Quân giúp đỡ gia đình bà Thuận".

Vi Cầm
.
.
.