Chuyện tình bi thương của cựu hoa khôi sông Tiền

Thứ Tư, 20/01/2016, 14:26
Từng là hoa khôi nức tiếng vùng sông nước Mỹ Tho, lọt vào tốp 10 người đẹp xứ Nam kỳ lục tỉnh, bao nhiêu chàng trai xếp hàng theo đuổi, nhưng Nguyễn Thị Huệ chỉ rung động trước một người đàn ông chưa từng biết mặt, đã chết trên đường về gặp mình. Để rồi, cả quãng đời tuổi trẻ, Nguyễn Thị Huệ mang tiếng “sát phu”, phải bỏ xứ lên rừng ẩn náu.


Người đẹp một thời

Ngôi nhà trên đường Yersin (phường 4, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) dù nhỏ bé nhưng vẫn quá thênh thang với một bà cụ tuổi thất thập” sống cô độc một mình. Ở tuổi 73, hoa khôi thập niên 60 của thế kỷ trước Nguyễn Thị Huệ vẫn sở hữu cho riêng mình một nước da trắng ngần, cặp mắt đen huyền, sống mũi cao và đặc biệt là khuôn mặt sáng lạn.

Hơn nửa thế kỷ trước, người phụ nữ này từng là hoa khôi Nam kỳ lục tỉnh, vẻ đẹp nức tiếng xa gần, từng làm “tê liệt” hàng tá đàn ông. Người đẹp, sinh ra trong gia đình Nho giáo, có bề dày truyền thống hiếu học, Nguyễn Thị Huệ nổi lên như một đóa hoa không có đối thủ về nhan sắc cũng như học thức ở vùng sông Tiền ngày đó. Bà được cha mẹ cho đi học đàng hoàng, bài bản từ nhỏ, được thừa hưởng vốn văn hóa giao thiệp của cha và trình độ văn chương thiên bẩm từ mẹ. Tuy nhiên, con gái sống trong chế độ lúc bấy giờ bị chi phối bởi khuôn phép lễ giáo khắt khe.

Việc yêu ai, lấy ai không được tự ý mà phải theo sự sắp đặt của cha mẹ, ông bà. 16 tuổi, bà Huệ tham gia cuộc thi người đẹp do tỉnh Mỹ Tho tổ chức. Trong cuộc thi này, bà không có đối thủ cạnh tranh và dễ dàng giành được ngôi vị hoa khôi danh giá. Từ đó, tiếng tăm của người đẹp Mỹ Tho lan nhanh sang các vùng lân cận, bà đi đâu cũng có người nhận ra trầm trồ ngưỡng mộ.

Những ngày cuối đời, bà Huệ sống thui thủi một mình.

18 tuổi, bà Huệ trổ tướng thiếu nữ xinh như thiên thần, cha mẹ muốn tìm cho bà một gia đình môn đăng hộ đối để gả, nhưng bà mê đèn sách nên quyết tâm học để thi đại học, ước mơ trở thành cô giáo. Cha mẹ bà lúc đầu phản đối, vì cho rằng con gái học rộng tài cao cũng chẳng để làm gì, con gái chỉ có thể lấy chồng rồi an phận là một người vợ chu toàn việc bếp núc, gia đình. Để thuyết phục cha mẹ, bà Huệ suốt ngày nhốt mình trong phòng, mặt ủ dột như người mất hồn. Cuối cùng, gia đình đã chấp nhận gửi bà vào học trường Tây.

Học ở trường, nhan sắc của bà Huệ cũng làm điêu đứng không ít chàng trai. Xung quanh bà, lúc nào cũng có vài gã đàn ông “chầu chực” để được tiếp cận, mong một lần được bà để ý. Trong thời gian này, bà Huệ tiếp tục tham gia cuộc thi người đẹp xứ Nam kỳ lục tỉnh do chính quyền chế độ cũ tổ chức. Bà lọt vào tốp 10 người đẹp danh giá của cuộc thi.

Báo chí đưa tin, danh tiếng người đẹp Nguyễn Thị Huệ nổi lên như cồn. Nhiều công tử con nhà giàu có, áo gấm lộng lẫy đánh xe vài trăm cây số đến “ném” vàng bạc trước mặt người đẹp, chỉ mong được rước nàng về dinh. Nhưng bà Huệ không hề rung động trước người đàn ông nào. Một phần bà Huệ muốn tu chí học tập, nhưng phần quan trọng là bà “chê” họ kém tài, kém học vấn hơn mình. Bà Huệ đề cao học vấn hơn là tiền của, nên tất cả những công tử giàu có mà “thiếu học” đều không lọt vào tiêu chuẩn của bà.

"Trái tim tôi chỉ dành cho một người"

“Chim sa cá lặn”, “sắc nước hương trời” là những mỹ từ mà bà con vùng sông nước Mỹ Tho dành cho người đẹp Nguyễn Thị Huệ. Nhiều người “trồng cây si” trước nhà bà vài năm trời vẫn không được người đẹp “lườm” lấy một cái. Không ít người đàn ông hậm hực, cay cú buông những lời khó nghe trước mặt bà, như: Kén cá chọn canh, khinh người…

Bà Huệ trầm ngâm nhớ lại: “Thật ra nhiều đàn ông đến với tôi lắm, nhưng tôi không thích nên từ chối. Vì họ không hiểu nỗi lòng của con gái, tôi cũng có khát vọng hạnh phúc, có mơ ước cháy bỏng về gia đình, đâu phải cứ ném tiền trước mặt là lấy được tình yêu”.

Học xong đại học, bà Huệ vẫn chưa có mối tình nào vắt vai. Vào thời của bà, con gái quá 20 tuổi được cho là “quá lứa lỡ thì”, như nỗi nhục bôi tro chát trấu vào mặt cha mẹ. Gia đình bà nóng như lửa đốt, lo lắng cho tương lai của con gái.

Trong một lần ra chợ mua sắm cùng mẹ, các tiểu thương nhìn Nguyễn Thị Huệ cứ tấm tắc khen, rồi tiếc cho cuộc đời bà. Có một tiểu thương ngấm ngầm chọn bà cho con trai của gia đình. Họ nhanh chóng gặp mặt nói chuyện với cha mẹ Nguyễn Thị Huệ, bàn việc tổ chức cho hai đứa gặp nhau. Gia đình bà Huệ đồng ý mối lương duyên này. Tối hôm đó, mẹ gọi Huệ vào buồng tâm sự: “Giờ con đã lớn rồi, tuổi cũng không còn nhỏ nữa. Ba mẹ đã chọn cho con một người chồng, có học hành đàng hoàng, con gia đình tiểu thương khá giả”.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà con vùng sông Tiền vẫn nhắc đến hoa khôi Nguyễn Thị Huệ.

Dù chưa gặp mặt, nhưng nghe giới thiệu đó là chàng trai học rộng tài cao, không hề kém cạnh mình, bà Huệ đã ngầm ưng cái bụng. Số phận của bà xem như an bài, chỉ chờ thời gian “chồng” chưa cưới từ Sài Gòn về gặp mặt.

Thời gian chờ đợi cuộc gặp mặt định mệnh, bà Huệ có một cảm xúc rất lạ. Lần đầu tiên bà thấy con tim mình thổn thức, thấy nhớ nhớ, thương thương một điều gì đó không thể gọi tên. Rồi bà nhận được thư của “người yêu”, nhìn nét chữ bay bướm, sáng lạn cùng dòng chia sẻ rất đỗi chân tình, bà Huệ vô cùng cảm động. Trong sâu thẳm trái tim, bà Huệ đã chọn người đàn ông này “đi vào” cuộc đời mình. Hai người thư từ qua lại gần một năm thì đến ngày chính thức gặp mặt. Hai bên đã chuẩn bị sẵn tất cả cho lễ gặp mặt và dạm hỏi, chỉ chờ “chú rể” từ Sài Gòn về ra mắt.

Đó là buổi sáng trong lành và yên bình trong căn nhà nằm tựa nhánh sông Tiền, mọi người áo dài khăn vấn chuẩn bị tươm tất cho buổi làm lễ dạm hỏi hoa khôi Nguyễn Thị Huệ. Chờ mãi vẫn không thấy người đàn ông về, theo dự tính đoạn đường từ Sài Gòn về Mỹ Tho thì không thể lâu như vậy. Mọi người đang hoang mang thì nhận được tin báo, “chú rể” đã tử nạn trong vụ tai nạn giao thông.

Tin như sét đánh bao trùm không khí gia đình, mọi người thất thần chạy ra chạy vào. Riêng Nguyễn Thị Huệ như người mất hồn, bà chạy vào buồng khóc nức nở. Bao nhiêu dự định tan tành, chuyến đò sang sông dang dở. Lễ dạm hỏi trở thành ngày đưa tang của “chồng” chưa cưới.

Tai họa ập xuống, nỗi đau còn chưa nguôi ngoai thì miệng lưỡi người đời ném vào mặt bà, cho rằng bà là người phụ nữ “sát phu”. Vì bà mà người đàn ông phải chết sớm. Đi ra đường, người ta chỉ trỏ, gièm pha bà, cái danh hoa khôi được gắn thêm từ “sát phu” đầy cay độc.

Bà Huệ phải bỏ xứ lên vùng rừng núi Châu Đốc (An Giang) xin dạy học. Người ta phân công cho bà dạy tại một trường cấp ba ở sâu trong đồng bưng kênh rạch. Những ngày ở đây, bà cảm giác thanh thản và bình yên.

Ngày ra đi, bà ôm theo bài vị của người chồng chưa cưới và lúc nào cũng để ở một nơi trang trọng nhất. Nhiều chàng trai tìm đến, muốn xây dựng gia đình với bà nhưng bà từ chối, bà trả lời rằng mình là gái đã có chồng. Người ta đưa ra lý lẽ thuyết phục bà: Chồng đã chết rồi thì có thể đi bước nữa, bà cần một gia đình, một đứa con chứ không thể sống cô đơn, ôm bài vị người chồng chưa từng biết mặt cả đời được. Nhưng dù là lý lẽ gì đi nữa thì bà vẫn từ chối yêu và được yêu.

Nỗi đau và sự mất mát dần vơi đi ở nơi rừng sâu núi thẳm. Công việc dạy học khiến bà quên đi những tháng ngày lầm lũi, cô đơn trong góc phòng ở quê nhà. Bà dồn hết tình yêu cho học trò, cho những bài giảng văn khoa. 

Căn nhà nhỏ của bà Huệ.

Những năm tháng trốn chạy miệng lưỡi người đời, vẫn có rất nhiều người yêu thương bà, khát khao được chăm sóc, che chở cho bà. Nhiều lần từ chối khiến bà mệt mỏi, bà nói thẳng với người ta: “Tôi là gái “sát phu”, lấy tôi chỉ bất hạnh thôi”. Nhưng họ vẫn bỏ ngoài tai, có lần ở hai bên vách nhà tập thể bà ở, năm bảy người đàn ông kéo đến cùng lúc “tấn công”, nhưng tất cả phải lầm lũi rút lui, vì bà không có cảm xúc với ai, không nhận lời một ai. Trong trái tim “sắt đá” của bà, vẫn chỉ dành một góc sâu thẳm cho người chồng chưa một lần gặp mặt.

Xinh đẹp, học rộng hiểu nhiều, bà Huệ đã đi qua thời tuổi trẻ đầy oanh liệt nhưng cũng lắm đau thương. Khi tuổi đã “chơi vơi” bên triền dốc, không còn đàn ông theo đuổi nữa, bà Huệ quay về quê cha đất tổ ở Mỹ Tho, tiếp tục theo nghề dạy học cho đến ngày nghỉ hưu. Bà sống một mình trong căn nhà nhỏ, ngày ngày gặm nhấm nỗi cô đơn, trống vắng. Nhắc lại quá khứ huy hoàng thủa xuân thì, bà Huệ không hề hối tiếc hay ân hận vì đã bỏ hoài bỏ phí cái quyền được yêu và được hạnh phúc với một người đàn ông nào đó. Bà bộc bạch: “Mình không rung động thì không thể yêu được. Cuộc đời tôi, trái tim chỉ dành cho một người, âu cũng là duyên trời định”.

Ngọc Nguyên
.
.
.