Chuyện tình người đàn ông mặt quỷ

Thứ Ba, 06/01/2015, 18:00
Đôi mắt ông bị khoét hết lòng, chỉ còn trơ bộ xương sâu hoắm, ông ngồi trơ cứng trên chiếc xe lăn, như một con quỷ đáng thương. Ông yêu bà say đắm, còn bà chỉ thương thôi. Thế nên, bà quyết giữ trọn "trinh tiết" khi sống bên ông. Ngót 40 năm chồng vợ, đắng cay nhiều hơn ngọt bùi nhưng ông bà vẫn bám rịt lấy nhau, níu kéo nhau vì một lời thề của người quân tử.

Li th ca người quân t

Căn phòng trọ lợp tôn, bao tôn của ông bà nằm hun hút trong con hẻm trên đường Tạ Quang Bửu (phường 5, quận 8, TP. Hồ Chí Minh) nóng hầm hậm, đã thế lại còn tối tăm, ẩm mốc, mùi chuột, gián xộc thẳng vào mũi. Bà lọm khọm chống gậy ra hẻm đón khách, cố gắng nở nụ cười thật tươi nhưng không giấu nổi sự nhức nhối của đôi chân, bà nhăn nhó chỉ vào nó trách: "Từ ngày bị tai nạn xe máy, chân không đi lại bình thường được nữa. Hết kiếm ăn luôn".

Phòng trọ của bà chỉ có hai chiếc ghế ngồi để tiếp khách là "giá trị" nhất. Ban ngày, căn phòng phải bật điện nhưng vẫn mờ mờ ảo ảo, bà mắt toét, chân đau mò mẫm lau dọn, nấu ăn có khi đập đầu vào tường ngã lăn quay. Bà tên đầy đủ là Lê Thị Kim Thu (71 tuổi), nhưng xóm trọ vẫn hay gọi là bà Út cô đơn. Vì sao lại là Út cô đơn, chúng tôi sẽ nói rõ ở phần sau, bởi nó gắn với một lời thề nghiệt ngã của hai vợ chồng bà. 

Bà Út cô đơn ăn nói còn cứng cỏi, "đanh thép" lắm, giống hệt với tính cách trời sinh từ nhỏ đến giờ. Bà quê ở Vĩnh Long, những năm giặc Mỹ chiếm đóng, bà tham gia làm giao liên. Bà lên chức KC9 (một trong những mật danh của giao liên). Bà gặp ông Nguyễn Viết Quang (người cùng quê, hơn bà một tuổi) giữa chiến trường. Ông Quang chỉ mới ở mức KC5, tức là thua bà mấy bậc, thuộc hàng "lính" của bà.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, ông đã chết mê chết mệt bà. Bà thì vô tư, trước giờ không yêu ai, cũng chẳng thèm quan tâm đến ông. Người ta bảo bà chảnh chọe, người có đẹp lắm đâu mà kiêu ngạo. Có người để ý là mừng rồi, duyên đến thì lo mà "hốt" đi kẻo "ế". Ông Quang về nói ba má sang nhà bà nói chuyện người lớn, bà giãy nảy lên, không chịu lấy chồng. Bà khất với gia đình khi nào hết chiến tranh sẽ tính. Nhưng ông Quang không chờ được đến ngày hòa bình, ông nằng nặc muốn cưới bà.

Ông yêu bà còn bà chỉ thương thôi.

Bực quá, bà đồng ý nhưng ra điều kiện: "Cưới thì cưới nhưng bất cứ khi nào tổ chức có lệnh là phải đi. Chỉ sống với nhau thôi chứ không được đụng vào người nhau". Bà bắt ông viết lời thề đó lên cánh tay phải của ông, trong ngày cưới ông phải đọc trước mặt bà ba lần để mãi mãi không quên. Chiều lòng bà, ông chấp nhận hết. Bản giao kèo chỉ có hai người biết, tuyệt đối không kể cho người thứ ba nghe.

Đám cưới vừa xong được 2 tiếng, có lệnh đi ra căn cứ, bà mừng như bắt được vàng. Chiếu theo bản giao ước, bà xách giỏ lên đường. Bà hả hê ngoái lại chào ông rồi nói một câu như dứt tình: "Tôi đi không biết khi nào về, ông đừng chờ tôi làm gì". Ông Quang ở nhà, trong lần bơi qua sông cùng năm người bạn, họ đụng trúng quả mìn buộc trên thân cây lục bình. Một tiếng nổ xé trời giữa bến sông, 4 người thịt nát xương tan, hòa vào dòng nước.

Còn lại mình ông sống sót nhưng toàn thân bầm dập. Người ta vớt ông vào bờ, vội vàng đưa đi nhà thương. Ông được cứu sống, nhưng hai con mắt nổ tung, lòi hết tròng ra phải khoét bỏ. Một phần đầu bị vỡ. Toàn bộ khuôn mặt nham nhở, nứt toác thảm thương. Một tay cụt đến khuỷu, hai chân gãy lìa. Ông trở thành người tàn phế có bộ mặt của một con quỷ. Tin dữ truyền tới bà, bà buồn mất vài ngày rồi tự an ủi: "Coi như là cái số, dù sao thì ông ấy vẫn còn giữ được mạng sống".

Đôi khi tình yêu vn thế

Chiến tranh kết thúc, bà trở về gặp ông với cảm xúc trơ cứng. Thật ra bà không hề có tình yêu với ông, có chăng chỉ là lòng thương hại một con người tàn phế. Bà đã thừa nhận như thế với tôi. Đúng lúc này, ông thú thật với bà là trước đây ông từng có một đứa con riêng. Dù không yêu nhưng bà lồng lộn lên, cảm giác mình bị lừa dối, bà yêu cầu ông Quang đi tìm hai mẹ con cô ta về đây để bà làm mai cho gia đình đoàn tụ, cũng là trả tự do cho bà. Nhưng ông quỳ lạy van lơn bà, ông bảo chỉ thương mình bà thôi. Còn "chuyện kia" là do cô ấy quá yêu ông đã tự nguyện hiến dâng, chẳng may có con thì ông phải chịu trách nhiệm. Giờ có chết ông cũng không rời bỏ bà.

Bà dành hết tình thương cho đứa cháu nội của chồng.

Bà buồn quá bỏ lên Sài Gòn bán vé số, hằng tháng gửi tiền về nuôi chồng. Ông Quang ở nhà một mình hết lăn lại lết, vật vờ như bóng ma. Người ở quê đánh tiếng cho bà biết, ông sắp chết rồi, bà phải về đưa ông lên mà nuôi. Nuốt nước mắt vào trong, bà nhờ người đưa ông lên thành phố. Ngày bà đi bán vé số, ông ở nhà cơm nước, giặt quần áo cho bà. Có một điều kỳ lạ cho đến bây giờ bà cứ một mực khẳng định rằng, bà vẫn còn "trinh", mặc dù đã làm vợ ông hơn 40 năm. Bà giải thích: "Ngày xưa tôi bị tai nạn, người yếu lắm, người ta truyền máu chó, máu bò vào người nên giờ chẳng thể có con. Hơn nữa, tôi cũng chẳng yêu ông ấy". Không biết lời kể của bà sai đúng đến đâu, còn lý do quan trọng nữa là bà không muốn gần gũi với ông. Nhìn ông, bà chỉ muốn bỏ chạy thôi. "Vậy sao hai ông bà sống được với nhau lâu thế?" - tôi hỏi. "Là vì ông ấy thương tôi dữ lắm, tôi đi đâu là ông theo chân thì làm sao bỏ được" - bà bao biện.

Bao nhiêu năm rồi, bà vẫn giữ vẻ cứng cỏi, lãnh cảm chuyện vợ chồng với ông. Tôi không biết giữa hai ông bà, ngoài lời giao ước năm xưa thì còn lý do gì ngăn cản thiên chức làm mẹ của bà? Bà kể rằng, mẹ bà sinh được ba người con, hai trai một gái. Người chị gái năm nay 85 tuổi không lấy chồng, còn bà lấy chồng nhưng không sinh con. Niềm hy vọng trông cả vào cậu con trai út, mãi năm 45 tuổi mới chịu lập gia đình. Nhưng, người đàn ông ấy chỉ lấy vợ cho mẹ vui rồi để vợ quạnh quẽ ôm gối ngủ hằng đêm. Em trai bà tuyên bố sẽ đi tu chứ không sinh con. Được cái anh em nhà bà đều sống thọ, mẹ già năm nay 98 tuổi vẫn nhanh nhẹn, cụ sống một mình chẳng cần ai nuôi dưỡng. "Như vậy là gia đinh bà tuyệt tự?" - bà khua tay: "Thì có sao đâu, chết đi là hết, đâu cần gì nữa".

Trong thâm tâm ông Quang rất muốn gần gũi và có con với người mình yêu. Ông buồn rầu tâm sự: "Nhưng đã thề thốt rồi, không làm khác được. Cái gì cũng phải tự nguyện, có ép cũng chẳng thành. May mà tôi có thằng con trai, giờ có cháu nội rồi. Chỉ thương cho bà ấy, cô đơn hết đời".

Trước kia bà nuôi ông, còn bây giờ bà bị bệnh, ông lại gồng lên nuôi bà.

Trước đây, bà Út là trụ cột trong nhà, ba năm nay bệnh tim của bà tái phát, không thể đi bán vé số được. Không có gì ăn, ông Quang vùng dậy ngồi xe lăn, nén cơn đau thay bà đi bán vé số. Mỗi ngày ông bán được vài chục tờ vé số. Cái chính là ông bán sự khổ hạnh, tàn phế của mình. Ông ngồi trơ cứng giữa ngã tư đường, không một mái che, chỉ có nắng và bụi đường trắng xóa. Ông ngồi đó, như một con quỷ đáng thương. Miệng ông rêu rao những câu mời gọi quen thuộc, khàn đục, đau khổ. Hai hốc mắt đỏ lòm sâu hoắm, bụi bám dày đặc, từng thớ thịt nhăn nhúm xếp xô gò má nhợt nhạt của ông trong cái nắng khô khốc giữa trưa Sài Gòn.

Bà chống gậy khập khiễng dẫn tôi ra chỗ ông ngồi, nhân tiện ghé đại lý lấy thêm 10 tờ vé số cho ông bán tiếp, tranh thủ lấy hai ổ bánh mì và cái bánh bao là "chiến lợi phẩm" ông kiếm được cả buổi sáng khan cổ mời vé số. Chỉ vào cánh tay còn lại của ông, bà cho biết: "Mấy năm nay, di chứng của vết thương ăn vào tận phổi, ăn xuống cả chân tay luôn. Nó hành ông ấy kêu đau suốt đêm. Nhưng mà ông ấy còn sống dai hơn tôi đó. Nhìn vẻ ngoài của tôi lành lặn hơn ông, nhưng cả một "siêu thị bệnh" đang ẩn bên trong tấm thân đói rách này, chẳng biết lịm đi lúc nào".

Mỗi buổi chiều ông bà dắt nhau đi tiêm và lấy thuốc. Bà nhăn nhó bảo rằng, bác sĩ cứ thấy bà là la mắng, mặt cau mày có. Bởi bà nghèo, bà không có tiền như các bệnh nhân khác. Bà nghèo nhưng lòng tự trọng rất cao, hôm nào không có tiền là bà ở nhà, mặc kệ đau đớn, có chết thì cho chết luôn, chứ nhất quyết bà không ngửa tay xin người ta bố thí cho viên thuốc hay mũi tiêm. Ngay cả hàng xóm láng giềng, chờ ông đi bán vé số về là ông bà đóng kín cửa, không giao du với những người… nhiều chuyện. Bà nói nhỏ vào tai tôi: "Ở đây ai cũng biết tiếng của vợ chồng tôi. Vì chúng tôi nổi tiếng nghèo đói nhất xóm mà".

 Ông Quang bị điếc, tôi phải hét vào tai ông thật to để hỏi chuyện: "Bà nói không yêu ông, thế ông còn yêu bà nhiều không"? Ông chìa hàm răng hoen ố, vàng khè ra cười: "Lúc nào bà ấy chẳng nói thế, đôi khi tình yêu vẫn thế…".

Đêm về, ông bà vẫn cùng nhau ngủ trên một chiếc giường có một chiếc gối ôm mỏng manh, nhàu nhĩ chắn giữa. Ông đã quen với thái độ lạnh lùng của bà, nhiều lúc thương lắm thì cũng chỉ len lén hôn vào cái gối ấy. Ngót 40 năm như thế, ông nhớ có khoảng đôi ba lần bà vui chuyện gì đó, thì ông nhân cơ hội hôn nhanh một cái vào má của vợ. Chỉ thế thôi, còn những lần khác, là ông ăn tát liền.
Ngọc Thiện
.
.
.