Cô gái vẽ ước mơ "bằng chân"

Thứ Ba, 27/01/2015, 11:00
Đã 24 tuổi, mọi sinh hoạt của cô gái Huỳnh Thị Thảnh đều phải trông cậy vào người mẹ già ốm yếu. Nhưng cho dù cả hai tay và hai chân của cô đều bị dị tật thì cô vẫn không chịu đầu hàng số phận, bởi Thảnh luôn có một niềm vui là vẽ những ước mơ bằng chính đôi chân tật nguyền. Với Thảnh, vẽ tranh giống như một liều thuốc, ở đó cô có một thế giới riêng không ai có thể động vào, và cô có thể hòa mình với bạn bè cùng trang lứa, giúp cô quên đi nỗi đau về thân thể mỗi lúc trái gió trở trời.

Nỗi đau da cam của cô gái trẻ

Nhà của Huỳnh Thị Thảnh (24 tuổi) nằm đối diện với nghĩa trang liệt sĩ xã vùng núi Hương Bình, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày cuối đông, Huế mưa không ngớt làm con đường về thôn Hải Tân đất bùn lầy lội. Rồi phải gửi xe ở dưới bãi đất trống của nghĩa trang, tiếp tục lần dò từng bước chân, ngược thêm đoạn dốc cao trơn trượt nữa thì mới đến được nhà của Thảnh. Trời đổ mưa to, nhưng trong căn nhà cấp bốn tồi tàn của mẹ con Thảnh, bữa cơm trưa đạm bạc ít rau dưa như thường ngày bỗng rôm rả hơn vì có chúng tôi ghé thăm. Giữa bữa, thêm một bác hàng xóm vội vã vào nhà, trên tay cầm một xấp giấy dày chi chít chữ, bảo là của mấy bà bán hàng ở chợ Hương Bình nhờ gửi. Tôi đọc, thấy là giấy ghi nợ những gạo, muối, mắm, vay tiền để đi bệnh viện với tổng số tiền lên đến cả triệu đồng.

Bà Huỳnh Thị Liên (59 tuổi, mẹ của Thảnh) thở dài tâm sự: "Khổ lắm cô chú ơi, đôi khi muốn uống ngụm thuốc sâu chết quách cho rồi, nhưng nghĩ lại thương con không ai chăm sóc nên không đành. Mấy năm ni không làm chi được, hai mẹ con chỉ sống nhờ vào tiền trợ cấp tàn tật của con gái nên nợ nần chồng chất như vậy. Tôi từ nhỏ ở vùng biển Thuận An (huyện Phú Vang), ở đó kinh tế gặp khó khăn nên cha mẹ tôi cùng với một số hàng xóm rủ nhau lên đây lập kinh tế mới. Tại nơi này tôi từng đi thanh niên xung phong rồi dân quân tự vệ. Sau đó, tôi lấy chồng nhưng khi sinh đứa con thứ 2 được 20 ngày tuổi thì ổng bỏ mẹ con tôi đi mà không một lời từ biệt. Cũng trong thời gian này họ hàng thân thích của tôi cũng đều vào miền Nam lập nghiệp hết. Một thời gian sau, tôi "kiếm con" với người đàn ông khác và sinh 1 lần được 2 đứa sinh đôi, trong đó có Thảnh. Như vậy tôi 3 lần sinh con nhưng có tới 4 đứa. Trong 4 người con này, đứa con gái đầu của tôi có chồng ở tận Đồng Tháp nhưng ốm đau, nghèo khó nên đã rất lâu rồi không về quê. Đứa thứ 2 là con trai, nó đã qua đời khi mới 25 ngày tuổi. Một cô con gái sinh đôi cùng Thảnh cũng mất lúc mới 7 tháng tuổi. Giờ hai mẹ con tôi sớm tối có nhau. Buồn nhất là cả hai người con của tôi qua đời khi còn nhỏ, chúng đều bị bệnh tật giống bé Thảnh hết. Khi sinh ra tay chân đều bị quéo lại, bú sữa mẹ cũng gặp khó khăn nên dần dần ốm yếu và qua đời".

Thành và mẹ.

Bà Liên kể: "Do khi tôi mang thai những đứa con này, nhà thiếu ăn nên tôi phải vào rừng sâu ở khu vực đồi Kim (xã Hương Bình) để làm rẫy tỉa lúa, vùng đất này trước đây là nơi quân giặc đóng, xung quanh đó là nơi làm kho chứa đạn, vũ khí, chất độc nên trời mưa xuống, nước đọng lại ở những thùng đạn, gặp lúc khát nước, thế là tôi cứ "vô tư" uống, chứ đâu biết để lại hậu quả cho con cái mình sau này. Có lẽ vì như vậy nên tôi bị phơi nhiễm và các con của tôi cũng bị ảnh hưởng theo. Cái làng này cũng có rất nhiều cháu giống các con tôi và cũng đều chết từ lúc nhỏ. Chỉ còn Thảnh là đứa trẻ "bám trụ" sống sót được như thế này thôi"…

Bà Liên gạt nước mắt trút nỗi lòng của một người mẹ. Trước lúc sinh Thảnh, bà chỉ mong con mình là người bình thường. Thế nhưng Thảnh ra đời vẫn bị dị tật. Không có cha, nên em phải lấy họ mẹ và cái tên Thảnh được bà Liên đặt để ước muốn con của mình luôn được thảnh thơi. Sinh con ra bị tàn tật, gia cảnh lại nghèo khó, chứng kiến con phải lê lết không đi đứng được như bạn bè đồng trang lứa, nhiều lần bà Liên cũng làm liều đưa con đi chữa trị ở tận TP HCM. Thế nhưng, tiền ít bệnh tình không thuyên giảm nên bà đành nuốt nước mắt vào trong đưa con gái trở về nhà. Và cũng từ đó, tuổi thơ của Thảnh chỉ là những chuỗi ngày dựa vào khung cửa sổ, nhìn các bạn cùng trang lứa từ xa đang nô đùa chạy nhảy khắp núi đồi. Những lúc nhìn con gái co chân lên, tay run run, mặt buồn mà lòng bà quặn thắt.

Không được đến trường nhưng em vẫn viết được tên mình.

Vẽ ước mơ từ đôi chân tật nguyền

Thấy đứa con tội nghiệp cứ lặng lẽ quanh năm suốt tháng nằm ở nhà nên khi Thảnh được 5 tuổi, thi thoảng người mẹ này lại bồng con đi ra ngoài chơi. Nhìn các bạn đến trường, Thảnh thích lắm nên bà Liên đành phải bỏ hết công việc để đem Thảnh tới trường mầm non cạnh nhà để nhìn các bạn học. Các cô giáo thấy vậy đều khuyên gửi cháu ở trường khuyết tật nhưng đây là vùng sâu, vùng xa gửi về trường khuyết tật ở thành phố thì phải đi mất cả ngày đường, Thảnh bị nặng thế liệu có ai nhận không. Thế là mẹ Thảnh chỉ còn biết ở nhà vừa làm bạn vừa là cô giáo cho con gái. Rất may cho Thảnh, gần nhà có cô Nguyễn Thị Thảo (GV mầm non, cũng là hàng xóm của Thảnh). Những lần Thảnh được mẹ bế sang nhà cô chơi, Thảnh được xem cô Thảo dạy trẻ, rồi được cô chỉ bảo nên Thảnh dần dần có thể biết được số và chữ cái. Thảnh rất thông minh, không những tập đánh vần, ghép chữ, Thảnh còn tập viết, viết bằng chính đôi chân không lành lặn. Và thế là, những bức tranh tràn ngập ước mơ của cô gái tật nguyền cũng từ đó được ra đời...

Bức tranh ''Mẹ đẩy em đi chơi''.

Ban đầu những bức tranh của Thảnh chỉ là những nét vẽ nghệch ngoạc không hình hài. Vẽ đối với cô gái cũng không hề dễ dàng chút nào, bởi các ngón chân em sưng tấy, đau nhức vì phải bám chặt hàng giờ để thực hiện. Để hoàn thiện đam mê, Thảnh phải kiên trì, có khi vẽ xong một bức tranh cũng là lúc Thảnh ngất lịm, nhưng Thảnh quyết không từ bỏ. Cũng chẳng ai chỉ bày cho Thảnh những kiến thức hội họa cơ bản, Thảnh chỉ vẽ bằng trí tưởng tượng, bằng những cảm nhận màu sắc của mình.

Thảnh tâm sự với chúng tôi: "Em bắt đầu vẽ từ hồi 7 tuổi, bút chì, bút màu, giấy vẽ đều được các bác, các cô hàng xóm và những người hảo tâm mua cho. Em đã vẽ rất nhiều nhưng hễ có ai thích tranh của em là em tặng ngay. Để hoàn thiện một bức tranh em phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng. Riêng bức tranh mẹ đang treo trên tường nhà là em phải vẽ hơn 1 năm trời mới hoàn thiện". Thảnh còn khoe, em sẽ cố gắng vẽ thật nhiều, thật đẹp để trở thành họa sĩ. Em hy vọng sẽ mở được một phòng bán tranh, và có tiền cho mẹ sửa căn nhà dột nát, mua thuốc thấp khớp cho mẹ và cuối cùng là đủ tiền mua được một bộ cọ vẽ sơn dầu. Rồi ánh mắt của Thảnh chợt đượm buồn: "Bao giờ ước mơ của em mới được hoàn thành hả anh chị"?...

Bức tranh ''Anh Công an xử lý 3 thanh niên vi phạm Luật Giao thông''.
Bức tranh ''Em vui chơi với bạn bè'' được Thảnh vẽ hơn 1 năm trời.

Nhìn Thảnh quằn mình trên giường, đưa chân kẹp giấy bút và bắt đầu vẽ những ước mơ khiến chúng tôi không khỏi cảm phục cho nghị lực của cô gái. Ước mơ của cô chỉ là một cuộc sống bình thường, có những bức Thảnh đang ngồi xe lăn được mẹ đẩy đi rong ruổi khắp phố phường, hay bức vẽ Thảnh trở thành cô giáo đang dạy học cho những em bé tật nguyền như Thảnh. Thảnh cũng vẽ và mơ về một tình yêu đôi lứa, vẽ đôi trai gái cùng nhau dạo bước trên con đường làng thơ mộng… Tranh của Thảnh, ước mơ của Thảnh mộc mạc, đơn sơ nhưng đầy hồn sắc. Nhìn những bức họa này nếu không nói ra, thì khó ai biết được rằng nó được vẽ bằng chân…

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Dũng (Phó Chủ tịch UBND xã Hương Bình) cho biết: "Hộ bà Huỳnh Thị Liên thuộc diện hộ nghèo hơn 20 năm nay. Còn em Huỳnh Thị Thảnh bị tật bẩm sinh nhưng chưa được hưởng chế độ chất độc da cam mà đang nhận 1 tháng 500 nghìn từ tiền trợ cấp cho người tàn tật mà thôi. Đây là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất của xã chúng tôi, hiện bà Liên còn nợ ngân hàng 8 triệu đồng nhưng không biết lấy tiền đâu để trả vì hai mẹ con bà ngoài tiền trợ cấp thì không thể làm được gì, bà Liên phải chăm sóc con 24/24h, bà lại bị bệnh nặng do phơi nhiễm đioxin. Do đó, rất mong các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ cho gia đình bà Liên vượt qua giai đoạn khó khăn này". Mọi sự giúp đỡ cho hoàn cảnh của cô gái Huỳnh Thị Thảnh tật nguyền nhưng đam mê vẽ tranh, xin gửi về bà Huỳnh Thị Liên (thôn Hải Tân, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Hoài Thiên
.
.
.