Còn nguyên nỗi đau ở "làng HIV"

Chủ Nhật, 16/11/2014, 09:00

Vì giấc mơ đổi đời, hơn chục năm trước thôn Găng (xã Đào Viên, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) có phong trào "rời làng đi bưởng". Vàng không thấy, đổi đời thì chưa, bao thanh niên trai tráng đưa về "án tử" mang tên HIV. Cơn bão đã đi qua nhưng nỗi đau của nó vẫn còn đeo đẳng. Đâu đó vẫn còn tiếng khóc của người mẹ mất con, vợ mất chồng, con nhớ bố… sự phân biệt vẫn còn đó, nước mắt vẫn cứ rơi ở ngôi làng nghèo ấy.

Bão "Ết" về làng

Hơn chục năm về trước, ngôi làng nghèo ấy phải chịu một trận cuồng phong từ căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Từ ngày cơn bão ấy ập đến, chưa khi nào người dân ở đây nguôi ngoai, chưa khi vào ở đây vơi đi tiếng khóc. Thôn Găng (xã Đào Viên, Quế Võ, Bắc Ninh) vốn là một địa phương thuần nông. Ruộng ít, người đông, thanh niên trai tráng rủ nhau đi làm ăn khắp mọi miền đất nước: Lai Châu, Thái Nguyên, Quảng Ninh rồi vào tận miền Nam… Họ làm mọi nghề để kiếm sống, trong đó giấc mơ đổi đời từ vàng được nhiều người thôn Găng ấp ủ. Họ kiếm được tiền nhờ những lần may mắn từ đãi vàng. Thế rồi họ không cầm được lòng trong những lúc xa nhà nhớ vợ, thương con. Không làm chủ được mình, nhiều thanh niên sa đà vào các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nàng tiên nâu. Vàng chẳng thấy, tiền thì không, họ trở về quê với những hình hài chẳng thể nhận ra. Những trai tráng khỏe mạnh ấy giờ chỉ còn da bọc xương và chờ ngày chết. Ngày ấy, văn hóa còn thấp, hiểu biết hạn chế. Chẳng ai biết những thanh niên này mắc bệnh gì, những người trong làng chỉ đoán già đoán non rằng họ bị ung thư, người thì bảo bị ngã nước. Sự hoang mang, sợ hãi lên đến đỉnh điểm khi trong vòng một tháng ngôi làng nhỏ ấy phải tiễn đưa 11 người về cõi vĩnh hằng. Người chết nhiều quá, sau này mới phát hiện họ chết vì căn bệnh thế kỷ, căn bệnh mà người dân ở đây vẫn gọi là "Ếch nhái", là phải xa lánh. Vậy là biết bao gia đình tan nát, cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh, vợ khóc chồng, con thơ mất bố mẹ ám ảnh, hiển hiện, phá nát đi sự bình yên của ngôi làng Găng nhỏ bé ấy.

Chẳng khó khăn gì để tìm được những gia đình có người nhiễm HIV. Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị  Lợi vào đúng những ngày đầu đông mưa rả rích. Bà bảo, chẳng hiểu tại sao cứ đến những ngày mưa dầm dề thế này là tôi cứ sinh ốm. Chẳng nói nhưng chúng tôi hiểu bà ốm vì nhớ con, thương cháu. Bà ốm vì ngại với miệng lưỡi người đời. Cứ nhắc đến con đến cháu là bà Lợi lại không cầm được nước mắt. Vợ chồng bà sinh được 3 người con trai, anh cả được coi là khỏe mạnh và khôn ngoan nhất nhà. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, năm 1991 anh quyết định đi bưởng (đãi vàng) tìm cơ hội cho cả gia đình. Thế rồi chỉ 4 năm sau anh trở về với hai bàn tay trắng, thân xác hoang tàn, chỉ còn da bọc xương. Đau đớn hơn, con viruts thần chết ấy đã lây nhiễm sang vợ, rồi cả đứa con thứ hai. Sau khi vợ mất được hai năm, tháng 3/2008 anh cũng vĩnh viễn ra đi. Bà Lợi nức nở: "Biết làm sao bây giờ? Bố làm thì con phải gánh. Chúng tôi đầu bạc tiễn đầu xanh, đau lòng lắm. Nó đi để lại hai thằng con bé dại, đứa thứ hai cũng bị HIV lây từ mẹ. Thôi thì vợ chồng già chúng tôi cũng chỉ biết chăm sóc hai thằng cho nên người. Phải dạy cho chúng tránh xa cạm bẫy và các tệ nạn xã hội".

Cơn bão “ết” đã đi qua nhưng nỗi đau còn nguyên ở ngôi làng này.

Khi biết con trai và con dâu chết vì căn bệnh HIV, vợ chồng bà Lợi phải đối mặt với bao dè bỉu, điều tiếng từ dân làng. Chồng bà chẳng dám ra khỏi nhà, cứ nằm một góc mà than thở, mà khóc. "Ông ấy chẳng buồn ra ngoài đường, mọi việc chỉ có mình tôi thôi. Không may ra đường bị người ta hỏi một câu là ông ấy lại buồn, về nhà lại khóc. Còn tôi có dám tham gia hoạt động gì ở thôn xóm đâu. Những ngày lễ hội, mọi người tưng bừng đi rước sách, tế lễ tôi cũng chẳng dám đi. Mặc dù được các cụ động viên nhưng còn gì vui mà tham gia nữa chứ?".

Nhắc đến hai đứa cháu nội tội nghiệp, vợ chồng bà Lợi như trút bỏ đi bao nỗi đau, sự vất vả. Bà Lợi tự hào khoe rằng, vợ chồng bà tuy nghèo, tuy già nhưng cũng nuôi được hai cháu mồ côi ngoan ngoãn. Bà Lợi kể: "Thằng lớn đang học đại học trên Hà Nội rồi. Tôi chả mấy khi lên thăm được nó đâu. Chỉ biết là đang ở trọ ở quận Đống Đa. Còn thằng bé năm nay lên lớp 8, cháu cũng học khá lắm. Ơn giời là chúng nó đều ngoan". Có được những thành quả như ngày hôm nay, hai vợ chồng già đã phải chịu biết bao cơ cực. Bà Lợi còn nhớ như in năm thằng cháu lớn thi đại học. Đùm đùm bọc bọc cho cháu mấy gói mỳ tôm, vài đồng bạc vay nóng từ người thân. "Nó đi thì nào có được ai đưa đi đâu. Năm đầu cháu chỉ đỗ cao đẳng. Cháu nó về nói với chúng tôi là thôi cho cháu ở nhà đi làm thêm giúp ông bà. Hơn nữa cũng không muốn đi học cao đẳng. Vợ chồng tôi đành chiều theo ý cháu. Thế là nó đi làm thêm, rồi tự học. Sang năm sau nó thi tiếp và đỗ vào đại học. Bố mẹ nó trên trời biết chuyện chắc cũng vui lắm".

Điều khiến ông bà Lợi buồn nhất, day dứt nhất là đứa cháu thứ 2 đang học lớp 8. Không được may mắn như người anh, cậu bé khôi ngô tuấn tú ấy được bố mẹ để lại thứ duy nhất là "án tử" từ căn bệnh thế kỷ. Chồng bà Lợi vốn là người kiệm lời nhưng khi nhắc đến thằng cháu thứ 2 ông cũng không giữ được vẻ bình thản: "Tôi biết nó đi học bị chúng bạn kỳ thị lắm. Nó không nói với tôi nhưng tôi biết nó buồn. Tôi đi chăn bò, có nghe bọn trẻ con nói chuyện với nhau mà. Nói không khéo là nó dỗi ngay, nó bỏ cơm không ăn, có khi lặng lẽ đi đâu đó không về. Chỉ biết động viên cháu thôi, phải dựa vào ông bà mà sống mạnh mẽ chứ".

Cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh ở thôn Găng là không hiếm.

Chia tay chúng tôi bà Lợi cười lạc quan: "Ở làng này thiếu gì người khổ hơn tôi. Chúng tôi còn có mấy đứa cháu ngoan học giỏi là mừng lắm rồi". Ở làng Găng này ai cũng biết đến hoàn cảnh bà Nguyễn Thị Ngát. Một mình nuôi 5 người con trưởng thành. Các con bà cũng như bao trai tráng trong làng, theo chân nhau tìm đường mưu sinh. Người con út chung số phận với bao trai làng khác, mới hơn 30 tuổi nhưng cũng qua đời vì AIDS. Bà Ngát lặng lẽ: "Thằng út chết rồi, mấy thằng con trai còn lại thì giờ chẳng biết nơi đâu, chúng nó để lại 3 đứa con nhỏ. May chăng đứa con gái út nó hỗ trợ gì hay nấy. Còn thì 4 bà cháu rau cháo nuôi nhau". Người phụ nữ bất hạnh ấy có lẽ không còn nước mắt để khóc, giờ đây bà chỉ còn biết trông chờ vào xã hội, vào sự sẻ chia của cộng đồng.

Nỗi đau người ở lại

Thôn Găng có tới 12 gia đình có người nhiễm HIV. Trong số 29 trẻ em có bố mẹ nhiễm HIV thì 19 cháu mồ côi do AIDS. Con số ấy so với một làng nhỏ thì quả là một điều khủng khiếp. Sau bao nỗ lực của xã hội, con người sẽ hiểu và cảm thông với nhau hơn thì nỗi đau mang tên AIDS sẽ phần nào được xoa dịu. Thế nhưng ẩn sau đó vẫn là những mảnh đời bất hạnh, họ vẫn còn phải khóc và sẽ khóc vì chưa khi nào cắt được cơn đau từ AIDS.

Bụng mang dạ chửa được 2 tháng nhưng chị Nguyễn Thị H. gầy như con cá mắm. Da xanh, mắt hốc hác đi vì thức đêm khóc ròng. Đã hơn chục năm nay chị âm thầm mang "án tử" HIV từ chồng.Vì ngại, vì sợ điều tiếng mà nhiều năm nay gia đình nhà đẻ của chị không hề hay biết. Chị bắt đầu câu chuyện đời đầy tủi nhục bằng câu chuyện ngày đầu quen chồng. Chị H. kể: "Bọn em gặp nhau có 2 lần. Cũng chẳng yêu đương gì nhau cả, không ngờ anh ấy lại đến vào đúng lúc em buồn chán nhất. Em đã quyết định trao cuộc đời cho anh ấy, cứ nghĩ anh ấy ngoan, ai ngờ! ?".

Chồng H. không những đổ vào đầu chị "án tử" HIV mà còn là một kẻ nghiện ngập, chẳng giúp được gì cho chị. Sau năm lần bảy lượt cai nghiện, anh T. trở về quê với quyết tâm chăm sóc vợ con. Thế rồi ngựa quen đường cũ, bạn xấu lôi kéo T. lại tái nghiện. "Anh ấy chẳng biết lo cho vợ con gì cả. Đã cai nghiện xong gần 5 năm rồi, vậy mà gần đây lại bập vào ma túy. Bao nhiêu tiền kiếm được anh ấy mua thuốc hết. Em bảo anh ấy có đi đánh bạc hết 100 triệu cũng không tiếc, nhưng đi mua ma túy chơi một nghìn em cũng tiếc. Nó là kẻ thù của mình, hủy hoại tương lai của gia đình mình. Anh ấy cứ đi, mang hết đồ đạc trong nhà. Em có nói thì anh ấy lại đánh em. Em suy sụp lắm" - chị H. khóc nức nở.

Nghĩ về tương lai sau này, hai vợ chồng mang bệnh, đứa con lớn cũng phải chịu chung số phận với bố mẹ, chị H. quyết tâm sinh thêm một đứa con nữa với hy vọng cháu khỏe mạnh để có chỗ dựa sau này. Lớn hơn nữa cũng để mong chồng có thêm con mà suy nghĩ lại, tu chí làm ăn. "Cứ tưởng anh ấy vui lên vì sắp có thêm con nữa. Vậy mà anh ấy vẫn chơi bời, em có bầu thế này mà anh ấy vẫn đánh không thương tiếc. Anh ấy không thương em cũng phải nghĩ đến đứa con trong bụng chứ". Dứt lời chị H. nặng nề với cái bụng ngồi ra phía bậu cửa mà lẩm bẩm: "Đi mấy ngày rồi không chịu về phải mang xe về cho người ta lấy thuốc cho cả nhà dùng chứ". Thế rồi hai mẹ con chị H. lại ôm nhau khóc, chị thương đứa con vì mình mà phải mang bệnh. Chị thương nó hằng ngày phải đối mặt với biết bao lời dè bỉu của bạn bè, của thiên hạ. Chị đã định tự tử khi biết con mình cũng mang bệnh, nhưng rồi vì trách nhiệm vì tình mẫu tử mà chị lại tiếp tục sống. Chị H. còn nhớ như in mỗi lần vô tình chứng kiến đứa con gái 9 tuổi của mình bị bạn bè hắt hủi, chúng nói rằng: "Đồ HIV, đồ ếch nhái". Mỗi lần như vậy chị H. chỉ còn biết ôm con mà động viên, rồi hai mẹ con cùng khóc.

Bà Nguyễn Thị Sắc, Chủ nhiệm CLB "Đồng Cảm" chia sẻ:

Xuất phát từ hoàn cảnh địa phương, Hội Phụ nữ xã Đào Viên tham mưu lập ra CLB "Đồng cảm". Chúng tôi có 62 thành viên là những người có HIV, thân nhân của người có HIV/AISD và cả những người không có HIV tham gia. Đây là nơi giúp đỡ lẫn nhau, động viên những mảnh đời bất hạnh. Ở đây chúng tôi không có sự kỳ thị, phân biệt, mọi người đều giúp đỡ nhau, nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AISD cho những người có HIV và người thân của họ, giúp đỡ người có HIV xóa bỏ mặc cảm và sự kỳ thị của xã hội…. Các hoạt động của CLB không chỉ giúp cho bản thân mỗi thành viên tham gia mà còn giúp cho cộng đồng dân cư nắm được công tác phòng, chống HIV/AIDS. Từ đó, người dân đã có sự nhìn nhận đồng cảm, thân thiện, chia sẻ với đối tượng có nguy cơ và đối tượng đang có HIV, giúp họ vượt lên chính mình để hòa nhập cộng đồng.

Phong Anh
.
.
.