Cuộc đời bất hạnh của người đàn bà “chân voi”

Thứ Hai, 09/10/2017, 07:08
Gần hai mươi năm qua, chị Phạm Thị Tỉnh (36 tuổi, trú tại xã An Viên, Tiên Lữ, Hưng Yên) lặc lè sống chung với đôi chân khổng lồ. Hai chân của chị quả tình thật giống chân voi với phần ống chân phình to đến mức một đứa trẻ ôm vừa vặn và bàn chân gồ ghề, sần sùi, khô khốc. Lê lết đôi chân ấy đã là một cực hình nặng nề, chị còn phải vác trên vai hai con nhỏ - một đứa ra đời sau đám tang của bố nó 12 ngày.

1. Để dễ hình dung về đôi chân có kích cỡ to kỳ lạ của chị Tỉnh, chúng tôi đã đặt chiếc phích nước bên cạnh để so sánh, nhưng quả thật chiếc phích ấy không nhằm nhò gì! Nớ trở nên quá nhỏ bé, chẳng bằng nửa đôi chân to lớn của chị. Mỗi chân của chị Tỉnh có chu vi đến 70cm, ước tính nặng 20kg. Bắp chân của chị có chỗ xù xì, khô cứng, chỗ khác lại lùng bùng, lõng thõng như chứa nước hay chất lỏng gì đó.

Thứ khiến người ta chú ý hơn cả là bàn chân của người phụ nữ 37 tuổi này. Chúng u gồ lên chẳng khác gì những khối u thịt trên chân của con voi, cứng và khô khốc, bì ráp, thâm đen. Các ngón chân lại dính chặt vào nhau, ngón to ngón nhỏ, ngón dài ngón ngắn.

Chị Tỉnh trong ngôi nhà mới xây.

Nhìn thế nào cũng không giống bàn chân người. Vào những ngày thời tiết thay đổi, chân chị đỏ rực như quả gấc chín, cơ thể phát nóng, phát lạnh thất thường trong khi da chân tróc ra từng mảng như rắn lột da.

Chị Tỉnh dường như xấu hổ về đôi chân khác người ấy lắm. Chị may chiếc quần thật rộng, che phủ đến quá gót chân. Chị vặn vẹo để che giấu đôi chân, nhưng bất lực. Chị đành cam chịu, mặc kệ ánh mắt săm soi của những người đối diện, giống như chị đã chịu đựng căn bệnh hiếm gặp từ 15-16 năm qua.

Theo lời chị Tỉnh, suốt cả thời trẻ, chân của chị không có biểu hiện bất thường nào. Chị lớn lên xinh đẹp và khỏe mạnh, nhiều chàng trai trong làng ngấp nghé được “sánh đôi” với chị. Có lẽ chị Tỉnh đã yên bề gia thất từ rất sớm nếu không có một tai nạn xảy ra khi chị 20 tuổi. Hồi ấy, chị bị ngã xe đạp, cả người chẳng trầy xước gì, chỉ duy nhất có một vết rách nhỏ ở mắt cá chân. Chị chẳng để ý gì đến vết thương ấy, chị vẫn phăm phăm đi làm ruộng, lội bùn. Nửa tháng sau, vết rách liền miệng, lên da non. Đấy cũng là thời điểm chị Tỉnh phát bệnh lạ.

Vén mấy chiếc tóc lòa xòa trước trán, chị Tỉnh kể: “Tự dưng tôi thấy hai chân của mình sưng đỏ tấy, nóng khủng khiếp. Tôi phát sốt ly bì mấy ngày liền. Sau đó, chân của tôi biến dạng, to ra trông thấy. Nó cứ phình ra như cái chum ấy. Ai nhìn thấy cũng hoảng, bản thân tôi cũng sợ hãi lắm. Gia đình vội đưa tôi đi bệnh viện huyện, nhưng các bác sỹ không xác định được nguyên nhân chứng bệnh của tôi. Buồn nhất là gia đình tôi cũng không có tiền để điều trị ở tỉnh hay Trung ương. Nên tôi đành chấp nhận sống chung với hai cái chân khổng lồ từ bấy đến nay”.

Từ ngày bị bệnh, chị Tỉnh không làm ruộng được nữa. Cứ lội chân xuống bùn, chị không thể nào nhấc nổi hai chân vĩ đại nặng nề, có lần chị bị ngã sấp mặt xuống ruộng, người nhà phải hò dô kéo chị lên bờ như kéo chú voi nhỏ. Không thể làm ruộng, chị phải đi làm thuê với giá rẻ mạt, chủ yếu là đâm sen (một công việc đơn giản, dùng que sắt nhọn đâm vào giữa hạt sen tươi để tách lấy tâm sen) hoặc đan rế. Mỗi ngày, người ta trả cho chị 9.000 hoặc 10.000 đồng. Cuộc sống nhọc nhằn cứ thế trôi qua.

Trong nhà chị Tỉnh không có vật dụng gì đáng giá.

2. Hồi chưa bị bệnh lạ, chị Tỉnh cũng được nhiều người để ý. Thế nhưng, nghe tin chị mắc chứng “chân voi”, cánh thanh niên trong vùng dạt hết, không ai dám có ý định yêu đương gì với chị nữa. Đến năm 28 tuổi, chị mới lập gia đình.

Tiếc thay, người chồng của chị lại không thể là chỗ dựa cho vợ. Anh này uống rượu thay nước, cả ngày triền miên trong những cơn say. Lấy chồng không lâu, chị Tỉnh mang thai. Song, cái thai bị hỏng, đứa bé không được làm người. Qua một năm, chị lại tiếp tục có bầu và sinh con gái đầu lòng. Đứa bé lớn được một tuổi, chị Tỉnh thụ thai lần nữa. Gần đến ngày sinh cháu thứ 2, tai họa ập xuống đầu chị Tỉnh. Anh chồng đột ngột qua đời – đấy là giữa năm 2012.

Mẹ con chị Tỉnh đã có nhà mới.

Chị Tỉnh nhớ lại: “Thật sự, số tôi quá khổ. Bụng chửa vượt mặt thì chồng chết, mà không biết anh ấy chết do bệnh gì. Tôi lê lết bên áo quan của chồng, hai cái chân gặp khí lạnh của người chết nên đỏ lừ, sưng tấy như hai cái chum và đau nhức, còn con bé con khóc ngằn ngặt đòi bố. Tôi đau đớn quá, chả nhẽ lại chết theo anh ấy. Sau đám tang chồng 12 ngày, tôi chuyển dạ. Bác sỹ chỉ định mổ đẻ - vì chân tôi thế này, làm sao đẻ thường được. Đúng hôm ấy, cô em chồng bị tai nạn, cả nhà chồng phải lo cho em. Thế là tôi vượt cạn một mình. Hôm trước mổ đẻ, hôm sau tôi đã bê chậu quần áo đi giặt sầm sập rồi”.

Cái khổ vì không có người bên cạnh đỡ đần không đáng sợ bằng một nỗi khổ khác: Không có tiền! Lúc anh chồng nằm xuống, chính quyền xã hỗ trợ 1 triệu tiền mai táng, chị Tỉnh dành tiền ấy để đi đẻ. Sinh xong rồi, chị không biết sống tiếp thế nào.

“Hồi bấy giờ, hằng ngày tôi vẫn phải cúng bát cơm quả trứng cho hương hồn bố các cháu. Bà con đều bảo là mày không được ăn đồ cúng ấy đâu, nếu không sau này sẽ lú đấy. Nhưng mà, sau này còn chưa biết thế nào, bây giờ không ăn thì chỉ có chết đói. Thế thì ai dè bỉu mặc kệ, cứ cúng cho bố các cháu xong là tôi lại ngả quả trứng với bát cơm cho hai mẹ con ăn qua ngày. Trong tâm mình tự nghĩ, thôi thì bố cháu góp quả trứng nuôi mấy mẹ con, âu cũng là phải đạo”.

Đã có nhiều khi, vì quá bí bách, chị Tỉnh nghĩ tới chuyện làm cách gì để mấy mẹ con chết quách đi cho thanh thản. Nhưng cứ nhìn 2 con thơ dại chị lại không đành lòng. “Mỗi lần như thế tôi lại nghĩ, nguyên chuyện chúng nó sinh ra phải làm con một người mẹ vừa nghèo kiết xác vừa bệnh tật như tôi cũng đủ bất hạnh lắm rồi. Thế nên tôi chẳng có quyền gì mà bắt chúng phải chịu khổ thêm một lần nữa. Tôi tự nhủ sẽ phải làm tất cả để nuôi các con mình khôn lớn” – chị Tỉnh nhớ lại.

Từ đó đến nay, chị Tỉnh vẫn mưu sinh bằng nghề đâm sen với thù lao 10.000 đồng/ngày cho cả 3 mẹ con. Chỉ có một sào ruộng, lại không thể tự cấy gặt, chị Tỉnh đành thuê mướn người làm nhằm kiếm tý gạo nuôi con. Chưa hết, tiền thuốc thang để chữa trị đôi chân của chị tốn từ 500.000 - 1.000.000 đồng/đợt.

Đợt nào đau quá chị lại tự ra hiệu thuốc mua thuốc chịu hoặc đánh liều ra các nơi khám bệnh tư để tiêm thuốc, điều trị tạm thời. Hễ ai cho năm chục, một trăm chị tích lại để đem trả dần cho bác sĩ. Cũng may, hằng tháng, theo diện người khuyết tật và các chính sách trợ cấp dành cho hộ nghèo thì ba mẹ con chị Tỉnh được hưởng trợ cấp 540.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, để chi cho tiền thuốc của chị Tỉnh, tiền học của hai cháu thì số tiền trợ cấp chỉ là muối bỏ biển.

Bàn chân của chị Tỉnh xù xì kỳ lạ.

Hồi trước Tết, chị Tỉnh và các con ở tại ngôi nhà rộng chưa đầy 30m2, thiếu thốn đủ đường. Ngôi nhà ấy không có nhà vệ sinh, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải ra cánh đồng phía sau nhà. Ngôi nhà ấy cũng không hề có giếng khoan hay nước máy, sinh hoạt của ba mẹ con đều phụ thuộc vào xô nước mà hằng ngày chị đi xin của hàng xóm.

Nhưng đến đầu năm nay, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cộng với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chị Tỉnh đã khởi công xây dựng một ngôi nhà mới. Nhà mới cũng nhỏ, chỉ chừng 30m2, chả có phòng ốc gì, song, đối với ba mẹ con chị, đó đã là giấc mơ đẹp thành hiện thực.

Ông Trần Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã An Viên cho biết: “Ở xã này, hoàn cảnh của chị Tỉnh đặc biệt khó khăn. Chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện cho chị, mong chị bớt khổ. Thậm chí, khi chị làm ngôi nhà này, xã cũng phải đứng lên. Cán bộ xã mua vật liệu, chạy nhân công, quản lý cả tài chính cho chị. Vậy mới nói, ngôi nhà của chị không phải là ngôi nhà tình nghĩa của Nhà nước, nhưng nó ấm áp nghĩa tình hơn bất cứ mái ấm nào”.
Song Anh
.
.
.