Cuộc sống khốn khó của hai mẹ con tâm thần

Thứ Sáu, 02/12/2016, 16:34
Trong suốt 20 năm, đứa con trai và người mẹ tâm thần ấy đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả với cuộc sống tạm bợ trong túp lều dột nát ven đê. Không điện, không nước, không người thân, không nghề nghiệp, mãi sau này được sự kêu gọi giúp đỡ của một nhà hảo tâm trong xã, hai mẹ con chị mới có một căn nhà nhỏ chui ra chui vào, ấy vậy mà người “mẹ điên” ấy bằng bản năng của một người mẹ vẫn nuôi đứa con mình khôn lớn trước bão tố cuộc đời…


Nhắc đến câu chuyện  hai mẹ con chị Nguyễn Thị Được (thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội), nhiều người không khỏi cầm lòng. Trong căn nhà nhỏ trống huếch nằm ngay ngoài đê không một tài sản đáng giá, người mẹ chỉ cười trừ khi được hỏi chuyện về cuộc đời mình. Trong trí nhớ lúc tỉnh lúc mê của chị Được và theo lời những người dân địa phương thì chị sinh năm 1972.

Bố mẹ của chị Được cũng là người ở địa phương, nhưng theo gia đình lên Phú Thọ khai khẩn đất hoang từ nhỏ. Họ gặp nhau ở đó nên duyên vợ chồng và sinh ra chị. Tiếc thay ở cái tuổi muộn mằn, mãi mới được một mụn con thì cô con gái duy nhất  sinh ra không được nhanh nhẹn, bình thường như bao đứa trẻ khác. Bao nhiêu niềm hi vọng, mong mỏi vào tương lai tươi sáng của đứa con duy nhất vụt tắt, nhưng do thời điểm đó mọi thứ vô cùng khó khăn nên bố mẹ chị cũng chỉ đành tặc lưỡi chấp nhận số phận hẩm hiu. 

Càng lớn lên, chị Được càng ngơ ngẩn. Nhưng bất hạnh vẫn không buông tha cho người phụ nữ tội nghiệp ấy. Giữa vùng đồi núi hoang vắng, chị Được bị kẻ xấu lợi dụng, hãm hại và có thai. Xấu hổ với hàng xóm láng giềng, thương con, năm 1995, ông bà quyết định đưa mẹ con chị về quê để sinh nở và có điều kiện chăm sóc cháu ngoại. 

Thế nhưng vì xa quê từ nhỏ, nay trở về không người thân, không tấc đất cắm dùi, cuộc sống của gia đình chị Được càng khó khăn hơn, nhất là khi đứa cháu ngoại ra đời. Nhà cửa không có, họ phải đi ở nhờ người quen. Khi đứa trẻ sinh ra không biết cha là ai, người mẹ nửa điên nửa tỉnh, mọi việc chăm bẵm đều một tay ông bà ngoại. Tiếc thay, đứa bé sinh ra cũng giống mẹ nó, ngơ ngơ ngẩn ngẩn. 

Gánh nặng gia đình, cộng thêm tuổi già, bệnh tật ốm yếu, không có tiền để bồi dưỡng nên 5 năm sau, bố mẹ chị lần lượt qua đời để lại hai mẹ con chị bơ vơ. Chị Được lại vụng về học cách chăm sóc đứa con nhỏ và tự mình ươn chải, mưu sinh để nuôi con. Nhưng ở tuổi của chị, bệnh tình lúc tỉnh lúc mê thì việc kiếm được việc làm chẳng dễ.

Không nhà, không việc, không tấc đất cắm dùi, mẹ con chị phải sống nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng. Ngày ngày, người mẹ điên đi mò cua bắt ốc bán lấy tiền mua gạo nuôi con nhưng cũng bữa đói, bữa no. Ai thuê gì chị làm nấy, miễn là có tiền. 

Thương hoàn cảnh mẹ góa con côi, chính quyền xã cắm tạm cho hai mẹ con chị một mảnh đất nhỏ chừng 10m2 ngoài đê để cất tạm một túp lều nhỏ làm nơi chui ra chui vào. Thỉnh thoảng người làng lại cho hai mẹ con khi thì ít gạo, lúc ít rau, thức ăn, khi thì ít tiền.

Có mảnh đất cắm dùi nhưng cuộc sống hai mẹ con chị cũng chẳng khá hơn là mấy. Từ ngày bố mẹ chị đưa nhau trở về quê hương, họ chẳng còn người thân, đất đai không có giấy tờ tùy thân cũng không nên cứ thế sống không hộ khẩu, không chứng minh thư. Chị Được và cậu con trai cũng thế. Hai mẹ con cứ vậy sống tạm bợ trong túp lều dột nát không điện, không nước sạch suốt bao nhiêu năm.

Nói chuyện với chị, nhìn nụ cười ngây ngô như một đứa trẻ của người phụ nữ đã ngoài 40 này hẳn ai cũng phải động lòng thương xót. Ký ức của chị giống như một bức tranh chắp vá bởi những mảng màu tối, âm u và không rõ nét. Chị chỉ nhớ nhất một điều đó là từ khi chuyển về đến đây ở, hai mẹ con chưa một ngày nào biết đến ánh sáng của đèn điện. 

Mỗi khi trời tối, hai mẹ con lại lang thang dọc triền đê để ngóng những ánh đèn le lói hắt từ trong thôn ra giống như một thú vui giải trí của những người hoang dã không biết đến văn minh.

Rồi ngay cả nước sạch cũng không có, cho đến giờ hai mẹ con chị Được phải sử dụng nước sông trong mọi sinh hoạt. Cuộc sống thiếu thốn đến mức, đêm đến, khi cả làng đã tắt đèn đi ngủ, anh con trai lại thang thang khắp các bờ ruộng nhặt nhạnh những chiếc thùng nhựa mà người dân dùng để chứa nước thải tưới cây mang về đựng nước ăn, nước uống. 

Gần 20 tuổi đầu nhưng anh cũng chẳng biết phân biệt đâu là sạch đâu là bẩn. Cứ nhặt được gì là mang về dùng nấy. Nhìn trong góc nhà chất đống những thùng phi cũ, cáu bẩn và lấm tấm những váng bụi rác trên mặt nước mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Quả thật không ai nghĩ người phụ nữ này và đứa con trai có thể sống được từng ấy năm trong hoàn cảnh khó khăn như vậy.

Trong căn nhà dột nát ấy, mỗi khi mùa đông lạnh về, hai mẹ con lại co ro trước những cơn gió rét buốt thổi qua triền đê hút gió. Những chiếc áo rách tả tơi được người dân trong thôn cho hay nhặt nhạnh được từ bãi rác là cứu cánh của hai mẹ con trong trời đông rét buốt cho tới tận ngày hôm nay. 

Nhìn vào trong căn nhà dột nát của chị Được, ngoài chiếc giường ọp ẹp kê ở góc nhà ra thì chẳng còn đồ dùng gì đáng giá, đống quần áo cũ bẩn rách nát được treo trên một sợi dây ngang nhà và ở ngay cửa được khoét một lỗ nhỏ làm bếp.

Cậu con trai vì kém minh mẫn nên cũng chỉ học đến lớp 3 nghỉ ở nhà đi lang thang xin ăn khắp nơi. Rồi khi 18 tuổi, một người trong thôn đã tạo điền kiện cho anh Tâm lên Hà Nội làm giúp việc cho các quán ăn. 

Nhưng có lẽ do tâm trí cũng không bình thường, không được nhanh nhẹn như người khác nên chỉ được vài tháng sau Tâm lại bỏ về quê sống với mẹ. Từ đó cho đến nay, hai mẹ con vẫn chỉ sống dựa vào hai sào ruộng và đi làm thuê làm mướn thời vụ do bà con trong xóm thương tình nên tạo điều kiện.

Và ngoài sự giúp đỡ của bà con xóm làng, chị Được cũng đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương. Gần đây nhất, đã có một số nhà hảo tâm tặng cho hai mẹ con nhiều quần áo, chăn gối để chống chọi với mùa đông và chính quyền địa phương cũng gửi đề xuất lên cấp trên để cấp cho chị Được một mảnh đất nhỏ gần với trường học của thôn. 

Hi vọng rằng, cuộc sống của hai mẹ con người đàn bà điên ấy sẽ khá hơn khi có sự đồng hành của nhiều nhà báo, nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước.

Ngọc Mai - Ngọc Minh
.
.
.