Đắng lòng phận trẻ nhặt cá nuôi cha mẹ ăn chơi

Thứ Bảy, 15/11/2014, 10:00

Được sự giúp đỡ của ông Ngô Văn Việt - Đội trưởng đội bảo vệ chợ đầu mối Bình Điền, đêm 29/10, chúng tôi đã thức trắng gặp gỡ những trường hợp thuộc diện đặc biệt nhất...

Từ 10 đến 14 tuổi, có đứa do hoàn cảnh gia đình, nhưng cũng có những đứa do một số tay anh chị chuyên chăn dắt ép buộc, bất kể trời mưa bão, cứ 7h tối chúng lại tụ tập về khu vực chợ đầu mối Bình Điền nằm trên địa bàn quận 8, TP HCM chuẩn bị cho một đêm kiếm sống. Chúng rong ruổi nhặt những con cá vương vãi từ những chiếc xe đông lạnh. Đến 5h sáng thì cả đám rời chợ, đem chiến lợi phẩm đi bán lại tại những khu vực lao động ở khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố. Riêng những đứa bị chăn dắt thì ngoài việc đi nhặt, có khi còn phải trộm cắp để đủ số lượng cá do kẻ bảo kê quy định, nhằm đổi đủ hai bữa cơm hàng ngày. Nếu không chúng sẽ phải lĩnh những trận đòn không thương tiếc.

Đi nhặt cá cho ba mẹ ăn nhậu, chơi bài

Được sự giúp đỡ của ông Ngô Văn Việt - Đội trưởng đội bảo vệ chợ đầu mối Bình Điền, đêm 29/10, chúng tôi đã thức trắng gặp gỡ những trường hợp thuộc diện đặc biệt nhất.

Đứa trẻ đầu tiên mà chúng tôi gặp gỡ là cháu Nguyễn Thị Kim Ngân, 11 tuổi. Ngân sinh ra trong một gia đình thuộc diện nghèo có sổ ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Nhà không có đất để trồng tỉa, cha mẹ em từ khi mới lấy nhau đã phải bươn chải hết cuốc ruộng, làm cỏ, gặt lúa mướn cho đến đào đất đắp vuông (ao) nuôi tôm cho các chủ trang trại trong khắp vùng để kiếm cái ăn, cái mặc. Làm việc quần quật suốt ngày đêm nhưng những đồng tiền công thu được vẫn không thể lo nổi cho 8 miệng ăn gồm ông bà nội ngoại, hai vợ chồng cùng Ngân và đứa em trai 4 tuổi.

 

Em Nguyễn Văn Hòa và em Đoàn Quốc Hảo.

Tuy đã 14 tuổi nhưng trông Nguyễn Văn Hòa gầy gò, ốm yếu và nhỏ thó như đứa trẻ 6 tuổi. Việc tìm gặp và thuyết phục được Hòa nói chuyện là rất khó khăn bởi trước khi được ném vào chợ nhặt cá, Hòa được một chủ chăn dắt quy định phải tuyệt đối nghe theo sự chỉ đạo của hắn, cấm không cho tiếp xúc với bất kỳ ai, nhất là không được hé răng để lộ thân phận của mình với lực lượng bảo vệ hoặc Công an phường sở tại. Đặc biệt tuy tuổi còn nhỏ nhưng bị chà xát trong môi trường tạp nhạp của đủ thứ hạng người nên Hòa rành rẽ mọi chuyện và có phần tinh quái như một người trưởng thành. Phải trấn an mãi, Hòa mới chịu chia sẻ chút ít về cuộc đời mình.

Nét mặt tái mét, hai tay run rẩy vò vào nhau, Hòa tâm sự: Từ khi sinh ra em đã được một chủ chăn dắt ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM mang về nuôi cho đến nay tuy đã 14 tuổi nhưng em không hề và không được phép biết cha mẹ mình là ai. Lên 7 tuổi, em cùng một đứa bạn cùng trang lứa bị chủ chăn dắt ném vào chợ đầu mối (lúc đó còn nằm ở đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) với yêu cầu mỗi đêm phải nhặt được 5kg cá các loại mang về thì mới được ăn cơm. Ngày đầu đi nhặt cá có lẽ là vết hằn sâu đậm trong tâm trí Hòa, bởi do chưa quen, em chỉ nhặt được vài ba ký cá ươn, cá thối nên bị chủ chăn dắt bắt phải ăn hết chỗ cá thối còn sống ấy ngay tại chỗ. Không thể ăn được, Hòa bị hắn lôi về phòng trọ lột hết quần áo rồi dùng dây điện đánh cho một trận ở loét hết cả người. Chưa hả cơn giận, hắn còn lấy muối xát vào những vết thương vừa bị đánh và bỏ đói hai ngày liền cho đến khi em không còn hơi nữa mới được hắn cho húp chút cháo loãng. Mấy hôm sau vì không kiếm được con cá ba sa làm mồi nhậu, Hòa bị hắn ném cả cái ly bia bằng thủy tinh vào mặt. Ly bia không hề hấn gì nhưng mặt em bị một vết rách phải khâu 10 mũi và cho đến nay vẫn hằn lên vết sẹo lớn bằng ngón tay cái người lớn. Biết thân phận của mình, sau những lần bị hành hạ không thương tiếc ấy, Hòa chỉ còn biết câm lặng cho dù bệnh tật cũng không dám kêu than, để hàng đêm lủi thủi ra chợ nhặt và có khi phải trộm cá mang về nộp cho tên chủ độc ác.

Nhặt cá đêm nuôi gia đình

12h khuya là lúc hàng ngàn xe hàng từ khắp các nơi nhộn nhịp ra vào đổ hàng cũng là lúc đám trẻ nhặt cá tập trung đông nhất. Tuy nhiên ở góc sạp hàng, thằng bé tay cầm con cá ươn ngồi một mình liên tục quệt hai hàng nước mắt lên ống tay áo. Chủ động tiến lại gần để hỏi chuyện nhưng thằng bé cứ lắc đầu quầy quậy và còn tỏ ra sợ hãi không dám hé răng nói nửa lời. Phải mất hơn 30 phút dỗ ngọt, đứa trẻ mới bình tĩnh đồng ý kể lại chuyện gia đình. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng có lẽ do phải dãi dầu sương gió nên cu cậu nói chuyện có vẻ rất hiểu biết: "Con tên là Đoàn Quốc Hảo, năm nay con được 13 tuổi, quê ở ấp nào, xã nào không biết, con chỉ biết có một căn nhà lá bé tí xíu ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Nhà con còn có anh Hai và em gái được 4 tuổi.

­Một góc khu vực thủy sản ở chợ đầu mối Bình Điền.

Hồi đó ở quê thấy cha mẹ tối ngày đi làm mà sao anh em con chẳng mấy khi được ăn cơm no, mỗi bữa chỉ được một chén rưỡi (bát). Sau đó con được đi học nhưng hết lớp 1 thì cha mẹ bắt nghỉ ở nhà phụ đi bắt cua, bắt ốc. Lúc đó con thấy rất buồn vì không được đến trường học chữ và vui chơi với bạn bè, phải đến khi lớn gần chục tuổi con mới biết vì không có khả năng đóng tiền học nên mới phải nghỉ. Cách đây 5 năm, cha con là Đoàn Văn Tấn đang khỏe mạnh bỗng nhiên bị bệnh tâm thần không làm được gì cả, suốt ngày đi lang thang khắp xóm nhặt những món đồ ăn dơ bẩn của hàng xóm ném đi để ăn. Mẹ con thương cha đem bán căn chòi lấy tiền đưa đi bệnh viện chạy chữa nhưng mãi vẫn không thấy cha hết bệnh. Năm 2013, mẹ con là Trần Thị Trắng kêu anh em tụi con nói mẹ bị bệnh bại liệt không thể ở lại quê làm ruộng được nên phải gửi cha cho bà dì nuôi giúp rồi dắt 3 anh em tụi con lên xe đò đến chợ đầu mối kiếm việc làm và may mắn được các chú bảo vệ chợ thương tình cho ngủ ở mái hiên nhà lồng nên cũng đỡ lắm. Mẹ con bị bại liệt nên hàng ngày phải chống nạng đi vòng quanh chợ nhặt nhạnh những chiếc vỏ lon bia, mấy cái thùng carton, mấy cái bịch nilon phế thải đem bán cho vựa ve chai lấy mỗi ngày 20 ngàn đồng mua gạo nấu cơm cho anh em con ăn…". 

Mặc dù không bị bắt buộc, nhưng vì thương mẹ cực khổ, Hảo đã chủ động rủ anh trai mình học theo đám trẻ khác vào chợ tìm cơ hội và với sự nỗ lực của mình, mỗi đêm anh em Hảo cũng nhặt được từ 5-7kg cá bán được trên dưới 50 ngàn đồng mang về đưa hết cho mẹ.

Gặp gỡ, nói chuyện với những đứa trẻ làm nghề nhặt cá đêm ở chợ đầu mối Bình Điền, hầu hết chúng đều chấp nhận với công việc và cuộc sống hiện tại mà không hề mảy may có chút ước mơ hoài bão nào. Riêng trường hợp Đoàn Quốc Hảo thì khác, khi được hỏi chuyện, em bảo khóc là bởi thương cha mẹ bị bệnh tật chứ không khóc vì cực khổ. "Tuy hiện tại chưa có điều kiện nhưng con sẽ cố gắng vượt qua tất cả để được đi học rồi sau này sẽ tìm được một công việc tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn để chữa bệnh cho cha… rồi mua cái xe lăn để mẹ đi lại cho thuận tiện…", Hảo chia sẻ.

Trời đã gần sáng, cái lạnh sau cơn mưa cuối mùa cứ ào ào ập đến vỗ vào cơ thể mỏng manh của những đứa trẻ tội nghiệp. Song có lẽ vì cuộc sống mưu sinh, vì sự ép buộc nên tất cả đã vội vã tạm biệt chúng tôi để cố gắng lết những bước chân nhỏ xíu đầy mệt mỏi lẩn khuất vào hàng trăm chiếc xe đang xuống hàng với hy vọng sẽ kiếm được chút cá ươn, rau sâu mang đắp đổi qua ngày mà không biết cuộc đời ngày mai sẽ ra sao hay lại tiếp bước những đàn anh đi trước sa chân vào nghề chăn dắt?

Đức Cương
.
.
.