Đời gian truân sáng lại của cô gái có nụ cười nghiêng đồng

Thứ Năm, 26/04/2012, 15:22

Sinh ra từ một làng quê “chiêm khê, mùa thối” của huyện Ứng Hoà, cô bé Hằng càng lớn lại càng xinh. Đôi mắt sáng, nước da bánh mật cứ ánh lên, trông Hằng vừa duyên vừa khỏe mạnh. Cái duyên ấy đã không thầm mà nổi, nổi ngay từ lúc vừa lớn lên. Nụ cười nghiêng đồng, ánh mắt làm sáng đường thôn từng ngất ngây bao trai làng.

Thế rồi Hằng quen biết Minh – người làng bên mà ở nông thôn gọi là thiên hạ. Quê Hằng thời ấy, trai gái lấy người thiên hạ ít lắm. Cái câu “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn” là phương hướng chủ đạo cho các cuộc nhân duyên. Người vượt ra khỏi lũy tre làng bị bàn tán, đàm tiếu đủ điều. Lấy chồng thiên hạ nếu sướng còn đỡ, chứ khổ thì càng chịu nhiều tai tiếng. Nhưng, con người ta khi đã mê nhau rồi thì có trời gàn. Vả lại, trai chưa vợ, gái chưa chồng, không gì có thể ngăn cản nổi. Năm 1985 họ làm đám cưới. Cưới xong, đôi vợ chồng trẻ ở chung với bố mẹ chồng và các em chồng. Bảy, tám con người cùng ở trong căn nhà cấp bốn ba gian nhà ngoài, một gian buồng. Tất nhiên, đôi vợ chồng trẻ được ưu tiên gian buồng.

Mâu thuẫn trong gia đình nảy sinh ngay từ những ngày có nàng dâu mới. Được dăm bữa, nửa tháng, hết “ra đá thúng vào đụng lia” thì bà mẹ chồng bắt đầu khiêu khích mắng chó, chửi mèo. Rồi bà sinh sự đòi cái giường cưới vợ chồng Hằng đang nằm. Không ai chịu ai, Minh vác dao chém tan thành giường rồi khuân ném ra sân. Từ đó, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu ngủ dưới đất. Thua keo này, bày keo khác, bà mẹ chồng gọi người xây bịt cửa buồng. Minh gọi cánh thợ khác đến đục tường mở cửa mới ra sân. Cửa mới chưa mở xong thì mẹ chồng tự tay rào sân. Thế là buồng có cửa mà sân thì không có lối ra vào.

Sau chiến dịch bịt cửa buồng thì bắt đầu sang đến chuyện ăn riêng. Của cải nào có gì cho cam. Chỉ vài bao thóc vừa lép vừa kẹ mà bà đong vào lại chút ra không biết đến bao lần. Dù ăn riêng, ở buồng riêng, rào sân… nhưng vẫn chưa thể xong vì ra vào vẫn nhìn thấy nhau. Những người khác trong gia đình không thể can thiệp. Ông bố chồng thương con trai, con dâu nhưng do có thêm bà hai nên thành ra thấp cổ bé họng. Mấy người em chồng còn nhỏ nên cũng chẳng thể nào can ngăn.

Một mình bà mẹ chồng tác oai, tác quái. Quần áo phơi trên dây thì bà cho rơi xuống đất. Rơm khô bà làm thành ướt… Đến một ngày bà vứt chăn chiếu của vợ chồng Hằng ra vườn. Không còn cách gì khác, vợ chồng Hằng phải bật khỏi “phòng cưới” không giường của mình. Một túp lều hơn chục mét vuông cắm dứng chát bùn được dựng lên vừa làm chỗ ngủ vừa làm bếp đun. Tài sản chỉ có 2 chiếc xoong nhôm và tải thóc được chia. Ban ngày làm bếp đun, tối về trải rơm ra làm ổ vợ chồng ngủ và đứa con trai đầu lòng của họ ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Một lần, bà Lan hàng xóm sang chơi, thấy túp lều của vợ chồng Hằng chân vách thủng nham nhở, phân lợn vương vãi lung tung, bà hỏi: Sao lại lanh tanh bành thế này? Hằng bảo: lợn của bà cháu ũi đấy! Chỉ câu nói thế thôi mà không biết đến tai mẹ chồng thế nào mà bà nổi cơn tam bành bê cả thúng ngô hạt vừa phơi được nắng của con dâu mang đổ tung tóe ra ngõ, hàng xóm lại phải xúm vào nhặt hộ.

“Họa vô đơn chí”, Minh đi trở đất thuê lại đánh nhau, tòa xử hơn một năm tù giam, một mình Hằng vừa chống chọi “phong ba bão táp” vừa đầu tắt mặt tối đồng áng, nuôi con và tiếp tế cho chồng. Hết án, Minh về lại tiếp tục chiến sự. Rồi bà mẹ nổi lửa thiêu rụi gian vừa nhà, vừa bếp của Hằng – Minh. Quần áo, chăn chiếu cháy sạch, đến cả 2 chiếc xoong nhôm méo mó cụt quai cũng chảy thành nước. Không thể ở lại thêm một ngày, mà ở thì biết ở vào đâu? Vợ chồng Hằng bồng bế nhau ra cánh đồng. Vài tay giong tre, vài miếng áo tơi nhựa rách gá vào làm chỗ tá túc cho 3 con người.

Anh em bên nhà Hằng xúm vào, người cây que, kẻ bó rạ làm cho em mình một cái lều mới giữa đồng. Rồi người cho vay vốn bằng đàn vịt, người đứng ra nhận hộ ruộng khoán để cấy lúa lấy gạo ăn… Nhờ chịu thương, chịu khó mà họ đứng vững.  Và  đứa con thứ hai ra đời.

Một chặng đường dăm năm cơ cực mà họ sống được. Tình vợ chồng có lẽ là sức mạnh lớn nhất giúp họ vượt qua khó khăn, ngang trái. Mưa nắng, gió bão, giá rét không chia lìa được họ. Thế mà, vừa mới bớt khổ do người khác gây ra thì lại đến lúc xuất hiện cái khổ mới do chính Minh – chồng Hằng là thủ phạm. Các cụ nói “No cơm, ấm cật, giậm giật ra ngoài” có lẽ không sai. Lúc mới thì Minh chầu rìa những đám bạc. Dần rà thì quăng mình vào đỏ đen. Càng chơi càng say, càng thua càng khát. Thua ít thì bán trứng vịt, thua nhiều thì gán luôn cả đàn vịt. Cờ bạc thâu đêm.

Những hôm trời mưa rét, một mình Hằng với hai con nhỏ giữa đồng, còn Mình vào làng đánh bạc. Đêm hôm, Hằng vừa bế con vừa đuổi chuột vào bắt vịt, bắt gà. Có lẽ chuột vừa nhiều vừa thấy Hằng không làm gì nổi nên chúng kéo nhau lũ lượt tấn công đàn vịt đang gột. Con chết tha đi, con sống ngắc ngoải, Hằng chỉ biết kêu trời. Nửa đêm Minh cháy túi mò về thấy gà vịt bị chuột bắt thì dựng vợ dậy mà chửi bới, nhiếc móc, rồi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Không ít lần như vậy cho đến sáng hôm sau thì có người đến lùa cả đàn vịt vừa mới chéo cánh đi. Đến lúc đó Hằng mới ngã ngửa người ra vì ông chồng thua bạc gán nợ cả đàn vịt.

Không chỉ gà, vịt thấp thỏm nay còn mai mất mà đến cả lúa ruộng, đậu bờ cũng bị gán non. Lúc mới thì bảo quá tam ba bận, sau thì thành cơm bữa, không gì có thể ngăn cản được Minh. Số lần thua bạc tăng thì những trận đòn Hằng phải chịu cũng tỷ lệ thuận.

Đứa con thứ ba của họ sinh ra trong hoàn cảnh bố của nó chìm đắm trong cờ bạc. Mùa đông rét mướt. Lúa sắp gặt nên việc chăn thả vịt khó khăn. Hằng thường phải dậy từ 4 giờ sáng lùa vịt đi ăn một tiếng sau là phải lùa về để tránh bảo vệ đồng phát hiện. Một hôm, vừa lùa vịt ra đồng thì Hằng đau bụng. Là phụ nữ đã hai mặt con nên Hằng biết ngay mình sắp đẻ. Lùa vội đàn vịt về, Hằng chủ động đối phó tình hình. Giữa đồng làm gì có ai mà gọi, mà nhờ. Về làng thì không kịp. Điện thoại ngày đó làm gì đã có như bây giờ. Thế là Hằng đặt vội ấm nước, bày sẵn tã lót rồi tự mình vượt cạn. Đứa con đỏ hon hỏn vừa chui ra, Hằng tự tay cắt rốn, pha nước tắm vội rồi quấn con vào tã. Và cứ thế, lại công việc, một ngày gọi là nghỉ đẻ cũng không.

Được một tuần, hết gạo ăn, Minh vác tải thóc vào làng xát lấy gạo. Minh đi từ sáng đến trưa không thấy về, bốn mẹ con Hằng chờ mỏi mắt. Qua trưa sang chiều vẫn chờ, qua chiều đến tối Minh vác nửa bao gạo về, phần còn lại đã đưa vào đám bạc nào đó. Hằng bảo, anh đi xát gạo gì mà cả ngày không mang được gạo về? Minh chửi ngay: Tiên sư bố mày, nhịn một ngày có chết đâu”. Càng nghĩ Hằng càng thấm thía cái nghĩa bạc trong từ cờ bạc.

Minh vẫn chứng nào tật đấy. Hằng mơ ước sau một đêm ngủ dậy Minh trở lại như xưa thì dù có khó khăn vất vả đến mấy Hằng cũng ngời ngời hạnh phúc. Thế mà, hết đêm nay, lại đêm nay, sáng dậy Hằng lại phải tiếp tục đối mặt với sự thật. Đến mức đứa con gái thứ hai phải giục mẹ bỏ đi nơi khác mà làm ăn, chứ cứ thế này mãi thì mẹ chết mất.

Cái khổ kéo hết những năm cuối của thế kỷ hai mươi, rồi tràn sang thế kỷ hai mươi mốt. Ruộng đồng thu hẹp. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp dần rồi xuống đến mức không thể thấp hơn buộc Hằng phải tìm đường ra thành phố. Lúc đầu thì bán rau, hoa quả và tìm việc cho hai đứa con lớn làm thuê. Ai gọi việc gì làm việc đấy. Mẹ con chắt bóp, có ngày chỉ ăn một bữa để còn tiền nhà, tiền điện, tiền gửi về quê cho mấy bố con ở nhà. Thế mà nào có yên. Minh không ít lần mò ra tận Hà Nội hành hạ vợ. Lần thì đánh Hằng giữa chợ, khi đánh Hằng tại nơi trọ, lại có lần đón đường hành hung…

Không thể chờ đến lúc cả bốn đứa con dựng vợ gả chồng, Hằng viết đơn xin ly hôn trong nước mắt. Viết rồi lại xé, xé rồi lại viết. Viết xong không xé thì cũng chưa gửi, biết đâu Minh ngộ ra mà thay đổi. Sau 26 năm chung sống như thế và không có cơ thay đổi, Hằng đã gửi đơn lên tòa án. Ba lần hòa giải, Hằng lại nguôi. Nhưng Minh đâu có thay đổi. Hòa giải không được thì Minh đe dọa. Nhưng giọt nước thực sự đã tràn ly. Tháng 11/2011, Tòa án đã xử cho họ ly hôn.

Chung sống thì vậy mà khi Tòa quyết định cho họ ly hôn, Hằng mất ngủ hàng tuần. Hai đứa con đã có gia đình, hai đứa nữa thì sao đây? Thời gian, đúng chỉ có thời gian là đồng minh tích cực với những cố gắng không mệt mỏi để Hằng vượt lên số phận. Tiếp tục công việc từ năm 2009, nay Hằng yên tâm trong với hợp đồng chăm sóc người già yếu. Bằng với kinh nghiệm, tình thương, trách nhiệm của mình, của một con người đã khổ đến không thể khổ hơn, Hằng rất có uy tín trong việc chăm sóc người già. Đã vài năm, nhưng Hằng cũng mới chăm sóc vài cụ ông, cụ bà. Vì đã chăm sóc ai thì cả chủ và người làm cùng đi đến cùng. Chỉ đến khi bệnh nhân không qua khỏi thì Hằng mới chia tay và chuyển sang chăm người khác.

Hằng kể, có một cụ ông hơn 90 tuổi nằm liệt giường đã mấy năm. Con cái cụ mải làm ăn nơi xa nên giao tất tần tật việc chăm sóc cụ cho Hằng. Cụ bí tiểu tiện phải nhờ bác sỹ đặt ống xông để nước tiểu tự chảy. Cứ vài ngày bác sỹ lại đến một lần, mỗi lần như thế tốn tiền triệu mà nước tiểu vẫn chảy ra ướt đệm làm cụ hoại tử gần hết phần lưng. Hằng để ý thao tác của vị bác sỹ này rồi xem số của ống dẫn. Hằng mạnh dạn ra hiệu thuốc tìm mua đúng loại về thay cho cụ. Chỉ một động tác xoay kim mà nước tiểu đã không bị chảy ra ngoài. Lưng ông cụ giữ được khô nên khắc phục dần được vấn đề hoại tử. Tuy thế, Hằng giấu không dám nói ngay là mình tự làm được việc này.

Tôi hỏi Hằng có kế hoạch gì về lâu dài chưa? Hằng cho biết mình tuy chưa già nhưng cũng có cháu nội, ngoại cả rồi. Còn khỏe, còn tín nhiệm thì chị dồn tâm lực cho công việc đang làm. Thỉnh thoảng gửi tiền về đỡ đần các con còn lại tích lũy cho tuổi già. Khi nào không làm được nữa thì về với con

Lê Va
.
.
.