Đợi mẹ mỏi mòn ở thung lũng trắng

Thứ Sáu, 20/09/2013, 16:30

"Cháu nhớ mẹ lắm, nhiều lần cháu mơ thấy mẹ về mua áo mới cho cháu…". Đó là lời nói kèm theo những giọt nước mắt, với chút ngây thơ của cậu bé Tiến chưa đầy 5 tuổi. Bố em buôn ma túy bị bắt đi tù, mẹ bỏ sang nước ngoài bặt vô âm tín.

"Đua nhau đưa nhau" vào con đường tù tội

Nằm cách trung tâm xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương) không quá 5km, con đường liên thôn dải đá lởm chởm đưa chúng tôi đến thôn Thàng Chư Pến - Với những nóc nhà cao hơn cây ngô không đáng là bao, với vẻ hoang vu của miền sơn cước dễ khiến cho những ai đến lần đầu đều bị lừa bởi cái vẻ ngoài của nó. Không ai ngờ rằng nơi đây lại chính là điểm nóng về chất trắng của xã Tả Ngài Chồ.

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình nơi đây bỗng giàu lên nhanh chóng, những ngôi nhà được lợp bằng gianh nay đã đổi thành mái tôn, những bức tường trình (tường đất) nay đã đổi thành tường gạch, nền nhà đất nay đã được lát bằng gạch hoa bóng loáng… Những chiếc xe đẹp, thuộc hạng sang ngày một nhiều. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra với sự "phát triển" đó!

Chỉ vẻn vẹn 37 nóc nhà nằm gọn giữa hai dãy núi, nơi đây lại được liệt vào thôn có số người đã và đang thi hành án vì tội vận chuyển, buôn bán trái phép chất trắng cao nhất cả xã. Tiếp chúng tôi, anh Tráng Seo Sùng - Phó trưởng Ban Công an xã  đã phải lục lại trí nhớ của mình để rà soát lại những đối tượng trong thôn. Dường như quá rõ, không cần mất nhiều thời gian anh đã đưa ra danh sách gần một trang giấy A4. Với đầy đủ họ tên những người đã và đang thi hành án vì hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy.

Khi cầm danh sách đó trên tay, chúng tôi không khỏi bàng hoàng và khó có thể tin nổi vào mắt mình với 37 hộ gia đình có tới 10 đối tượng đang và đã từng tù tội vì chất trắng. Những đối tượng này, họ đều có quan hệ họ hàng với nhau.  Sau một hồi lâu anh mới nói thêm đó là chưa kể đến 4 cặp vợ chồng vừa cắt khẩu khỏi thôn rồi bị bắt và có những đối tượng vừa ra tù tại Trung Quốc rồi về Việt Nam tiếp tục rơi vào vòng lao lý vì chất trắng.

Thực tế, trong đó có 2 đối tượng hiện đang thi hành án bên Trung Quốc và một đối tượng đã mãn hạn trở về với gia đình và một đối tượng sau khi về lại tiếp tục thi hành án tại Việt Nam. 14 đối tượng đó không phải là một con số quá "khủng",  nhưng so với một thôn biên giới không đến 40 hộ thì đây quả là một con số đáng để nhìn nhận lại.

Theo nhận định của anh Hảng Seo Sì, Trưởng thôn Thàng Chư Pến, sở dĩ trên địa bàn thôn xảy ra nhiều vụ buôn bán chất trắng bởi đây là địa bàn nằm sâu so với trung tâm và liền kề biên giới. Đã khiến nhiều người lầm tưởng các cơ quan chức năng, lực lượng phòng, chống ma túy không "sờ" đến. Cùng với đó là sự hám lợi ngay trước mắt của một số hộ dân, dẫn đến sai lầm trong phút chốc đã khiến họ phải trả giá đắt cho hành vi của mình.

Bên cạnh đó ông Sì còn cho biết thêm: "Hầu hết những người đi tù đều là những người mới lập gia đình, chúng nó cũng chỉ mười tám đôi mươi. Nhưng chúng nó không chịu được cái nghèo, cái khổ, không chịu được cảnh suốt ngày phải ăn cơm ngô với quả bí đỏ luộc, quanh năm suốt tháng với cây ngô cây lúa như bố mẹ để sống lương thiện. Chúng nó khao khát làm giàu và đua nhau làm giàu rồi dẫn nhau vào làm giàu bất chính, đưa nhau vào con đường tù tội".

Cha mẹ phạm pháp, để con lang thang...

Con đường làm giàu như đám mây trắng trên trời, những đồng tiền từ chất trắng như những dải sương mù làm mờ mắt những kẻ tham vọng. Một phút sai lầm họ đã bỏ lại vợ, bỏ lại con bên ngoài cánh cửa song sắt. Khiến nhiều đứa trẻ chưa kịp nhớ mặt mẹ, chưa kịp biết tên cha đã phải sống trong cảnh "có cha, có mẹ cũng như không".

Anh Hảng Seo Sài đang phải nuôi hai đứa cháu gần 10 năm nay, mà người anh Hảng Seo Lưu để lại với tội danh vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy bị tòa tuyên án 26 năm tù giam. Cũng như bao gia đình khác, gia đình đông con, Hảng Seo Lưu không được học hành đến nơi đến chốn, vội lập gia đình mong có người cùng lao động để có thêm cái ăn, cái mặc. Nào ngờ, sau khi lấy vợ gia đình vốn đã nghèo nay lại còn nghèo hơn. "Cái khó bó cái dại" anh đã lao thân vào con đường tù tội khi đứa con đầu mới đi học mẫu giáo, đứa thứ hai mới biết gọi tiếng bố còn chưa rõ.

Với cây kéo trên tay, Tuấn như người thợ lành nghề.

Cực chẳng đã khi biết chồng phải ngồi 26 năm trong nhà giam, Mỷ (vợ Lưu) đã bỏ hai đứa con ra đi. Đến nay chưa ai biết Mỷ đi đâu về đâu? Ngồi nói chuyện với chúng tôi bên chén rượu ngô thơm nồng, Sài ngà ngà hơi say, như muốn bộc bạch tâm sự: "Nhà báo à! Không biết do cái số mình thì phải? Tôi lấy vợ đã được gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa sinh được cháu nào. Có lẽ ông trời muốn tôi nuôi thằng Minh và thằng Tuấn (con của Hảng Seo Lưu) như con của tôi thì phải?".

Nhìn hai đứa trẻ ngày nào giờ đứa lớn đã học lớp 9 đứa bé đã lên lớp 6. Nhưng trong sâu thẳm đôi mắt của Minh và Tuấn vẫn mang đượm chút buồn, có lẽ do thiếu đi vòng tay của người mẹ, người cha. Với mái tóc đã dài quá mang tai và cứng như chổi tre do lâu ngày không gội.

Tuấn mang trên mình chiếc áo kẻ đã rách một bên hông với chiếc kéo trên tay, như một người thợ lành nghề cậu thoăn thoát cắt từng miếng vải cho cô (vợ Sài) may đồ. Còn Minh nhỏ hơn đang cặm cụi cắt chỉ thừa trước cửa.

Khi nói về mẹ, Tuấn nói: "Mẹ bỏ cháu đi lâu quá rồi, giờ nếu có gặp chắc cháu cũng không nhận ra được". Còn cậu Minh thì lại khác: "Cháu không nhớ mẹ nữa, ở với cô chú thế này cũng được, cô chú cũng thương cháu lắm"!

Không biết đó là lời nói thật hay chỉ nói để không phật lòng cô chú? Nhưng trong sâu thẳm hai đứa trẻ vẫn có sự rụt rè, sợ hãi. Nhiều người trong thôn đều nói: "Hai đứa nó chăm lắm, và cô chú cũng coi như con như cái. Nhưng nói gì đi nữa thì cũng không bằng chính mình đẻ ra đâu chú ạ".

Không may mắn như Tuấn với Minh, hai chị em Phương con của phạm nhân Hảng Seo Chinh. Gia đình họ đã từng có của ăn, của để, gia đình hạnh phúc và là niềm ao ước của bao đôi vợ chồng trẻ trong thôn. Nhưng rồi cái giàu ấy chẳng được bao lâu đã tan thành mây khói, gia đình ly tán khi Chinh nhận bản án 10 năm tù giam do pháp luật Trung Quốc tuyên án.

Sau khi nhận được tin Chinh bị bắt giam, Giàng Thị Cu (vợ Chinh) đã bỏ hai chị em Phương lại đi tìm hạnh phúc mới ở bên kia biên giới. Chúng tôi đến nhà Hảng Seo Sủng (em trai Chinh) khi ánh nắng của buổi xế chiều đã nhạt đi. Trên vai Phương là đứa con thứ 2 của vợ chồng Sủng cùng với em trai đang ngồi nghịch đất ở bờ ruộng cách nhà không xa.

Nói chuyện với chúng tôi, Sủng như nhớ lại: "Khi ấy cái Phương mới được 4 tuổi, còn thằng Tiến mới lên 2. Không có mẹ, tối hai đứa không chịu ngủ, chúng liên tục khóc và đòi mẹ về chúng mới chịu ngủ. Tôi toàn nói dối là ngủ đi rồi mai mẹ về, ngày này qua ngày khác, rồi dần dần cũng quen, ấy vậy mà cũng đã được hai năm rồi đấy chú à!".

Hai đứa trẻ đang chơi, được chú gọi về trong cảnh lấm lem, chân tay dính đầy đất. Thấy tôi đang ngồi nói chuyện với chú, Tiến liền nhảy vào lòng tôi không một chút e ngại. Còn Phương, dường như biết nhiều hơn, vội đưa đứa em đang cõng trên lưng cho cô bế rồi chạy vội vào lấy chậu rửa mặt.

"Chú ơi, chú có thấy mẹ cháu không? Cháu nhớ mẹ lắm, nhiều lần cháu mơ thấy mẹ về mua áo mới cho cháu…". Tiến nói trong sự ngây thơ, kèm theo những giọt nước mắt. Tôi thấy lòng mình quặn thắt lại trước câu hỏi của Tiến, một đứa bé chưa đầy 5 tuổi, 2 năm chung sống với cô chú trong chính ngôi nhà của gia đình mình. Nhưng lại thiếu đi những người được gọi là bố, là mẹ, thiếu đi sự quan tâm chăm sóc, sự chiều chuộng.

Không có cha mẹ, hai chị em Phương phải tự giác trong sinh hoạt cá nhân.

Những đứa trẻ như Tuấn, Minh, Phương, Tiến… chúng có làm gì nên tội nên tình đâu mà phải chịu cảnh không cha, không mẹ? Phải chăng đây là hậu quả từ chính những việc làm của những người được mang danh là cha, là mẹ đã đẩy các em vào chốn không nơi nương tựa, thiếu tình thương?

Ngồi cạnh bếp than hồng đã rực đỏ, chúng như đỏ rực hơn khi màn đêm của núi rừng đã bao trùm lên khắp bản làng. Sủng thủ thỉ tâm sự: "Hai chị em Phương tôi cũng coi như con mình, tôi cũng thương chúng lắm. Nhưng tôi cũng có vợ và hai con nhỏ, đứa bé giờ mới hơn ba tháng. Muốn lo cho chúng đầy đủ cũng khó".

Nhìn những đứa cháu vừa đáng giận nhưng cũng thật đáng thương của mình, Sủng khẽ nói: "Anh em chúng tôi cũng lớn lên trong cảnh không được nuôi nấng trong vòng tay yêu thương của cha mẹ (bố mẹ anh em Chinh và Sủng cũng đã từng đi tù khi hai anh em họ còn bé). Nhưng để giàu có mà phải đi tù, để lại vợ con ở nhà như anh Chinh bây giờ thì thật không đáng".

Tôi nghĩ nếu ở cái thôn này những điều mà Sủng nói là thật lòng và nhiều người nghĩ được như Sủng thì có lẽ nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ đã không như hai chị em Phương, như hai anh em Tuấn

A.Lìn - Ngọc Linh
.
.
.