Đớn đau thân phận cô gái 2 lần bị đẩy vào đống rơm đang cháy

Thứ Tư, 07/03/2012, 08:55

Những ngày nước nổi, vùng Đồng Tháp Mười mênh mang. Những mái nhà như trơ trọi giữa bốn bề sông nước. Những tia nắng soi xuống mặt nước lấp lánh, bập bềnh theo từng cơn sóng. Mùi hương đồng hắt hiu như gợi lên nỗi buồn man mác. Trở về xóm nghèo xã Vĩnh Bửu (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), ký ức về vụ án em bé 13 tuổi bị đốt và quăng 2 lần vào đống rơm đang ngùn ngụt đỏ lửa vẫn chưa nhạt phai.

Quặn lòng người mẹ hay tin con bị nạn

Con nước nổi mùa này như xóa tan những dấu vết còn lại của hiện trường vụ án. Nhưng có lẽ, quá khứ đắng lòng trong nạn nhân chẳng thể nào xóa nhòa. Cô bé bị nạn khi mới 13 tuổi từng ngày đang phải vật lộn với nỗi đau thân xác, nỗi đau tâm hồn xâm chiếm. Ở cái tuổi vô tư, hồn nhiên đầy trong sáng, em Ngô Thị Bé Hiệp (sinh năm 1997) chỉ còn lại những chuỗi ngày tuyệt vọng. Vết thương bị bỏng trên gương mặt, thân thể của một cô gái đang tuổi lớn đang liền da. Nhưng những vết thương ấy hằn lên những vết sẹo sẽ theo suốt cuộc đời Hiệp ở những năm tháng còn lại. Kẻ thủ ác vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật càng cứa vào lòng gia đình nạn nhân một nỗi đau uất nghẹn.

Hôm xảy ra vụ án, Hiệp nhớ rõ từng chi tiết, những khoảnh khắc vùng vẫy trong đống rơm đang còn đỏ lửa. Em ngậm ngùi nhớ lại cảnh bị một người đàn ông đáng tuổi cha chú sàm sỡ nhiều lần với ý đồ thực hiện hành vi hiếp dâm. Không đạt được thú tính đê hèn, ông ta quăng em vào đống rơm. Lần thứ nhất em vùng vẫy chạy thoát. Đang lờ mờ định hướng, ông ấy tiếp tục lao đến cô bé tội nghiệp, đẩy em ngã vào đống rơm lần nữa. Bản năng sinh tồn của cô bé trỗi dậy, Hiệp nhất quyết phải cố gắng thoát ra và sống để tố cáo tội ác của tên đốn mạt.

Lò dò từng bước, cô gái chạy xuống bờ mương nước gần đó để dập lửa, trên chân em chỉ còn 1 đôi dép và cố lê từng bước về nhà. Cha mẹ Hiệp kinh hoàng khi thấy em biến dạng, tay co quắp rướm máu. Khuôn mặt xinh xắn của cô bé bị nứt nẻ, phồng rộp. Hiệp nói trong sự khó nhọc: “Cha mẹ ơi cứu con” rồi em ngã quỵ trong nỗi đau kinh hoàng của người thân. Chiếc dép còn lại của Hiệp mang trên chân vẫn còn nằm trong đống rơm đang âm ỉ cháy.

Lúc đi cấp cứu, Hiệp luôn miệng đòi uống nước. Chị Võ Thị Cúc (mẹ Hiệp) không dám cho em hớp ngụm nước nào. Nước mắt người mẹ vẫn chảy giàn giụa, chị tâm sự, chỉ sợ Hiệp uống nước rồi trúng bệnh mà chết. Ra đến đoạn trạm xá của xã, thấy con nằng nặc xin nước uống, cầm ca trà đá trên tay, chị Cúc chỉ dám lấy cái thìa để tạo thành một vài giọt nước vào miệng em.

Cháu Ngô Thị Bé Hiệp.

Trong túi người mẹ không còn một xu dính túi, xe cấp cứu đến được khu chợ của xã, chị Cúc phải chạy vạy nhiều nơi mượn thêm vài trăm ngàn đồng để tiếp tục đưa con lên bệnh viện huyện. Đến nơi thì số tiền viện phí ngốn sạch, chị lại nhẵn túi. Người mẹ trẻ lại nuốt nước mắt nghe con than đau đớn rồi dỗ dành. Chị Cúc phải ngồi đợi người thân ở quê chạy đôn chạy đáo để có được thêm khoản tiền nữa và tiếp bước hành trình cấp cứu cho con.

Vụ án xảy ra gần 2 năm, Hiệp trở về quê sống trong nỗi lo sợ tột độ. Nỗi ám ảnh đeo đẳng cô bé vào tận giấc ngủ. Chị Cúc luôn ở bên cạnh để vỗ về em an giấc. Mỗi lần Hiệp cựa mình là đau, những giọt nước mắt lại chực chảy trên gò má hốc hác của người mẹ. Nỗi đau của gia đình nạn nhân như được nhân lên gấp ngàn lần bởi sự “vô cảm” của luật pháp. Cũng có thể, ở cái vùng trình độ dân trí còn thấp, người ta dễ xuề xòa với nỗi đau đồng loại.

Ngày xuất viện, Hiệp phải cùng mẹ đi ăn nhờ ở đậu nhà người quen thêm một quãng thời gian dài. Bác sĩ ở bệnh viện căn dặn, em đang lên da non nên cần được tắm rửa bằng nguồn nước sạch tuyệt đối. Mà ở vùng miền Tây mênh mông sông nước, bà con chỉ quen tắm giặt bằng nguồn nước thiên nhiên ban tặng, chứ nước giếng, nước máy họa chăng chỉ ở những nhà khá giả. Dẫu vậy nhưng tấm lòng làm cha làm mẹ một lần nữa vất vả tìm cho con một chỗ ở để tịnh dưỡng vết thương. Hàng tháng trời, gia đình Hiệp sống trong tình cưu mang của những người đồng cảm, biết sẻ chia, biết đau trước nỗi đau của trẻ thơ đang phải gánh chịu.

Vết thương của em lành sẹo, ở nhờ nhà người quen hàng tháng trời, cha mẹ đánh liều đưa Hiệp về nhà để chăm sóc. Chuyện tắm giặt của cô bé tiếp tục được kiêng cữ. Cứ đều đặn mỗi ngày, chị Cúc lại gõ cửa từng nhà người dân để xin những bát nước sạch. Nguồn nước quý giá nhất của người dân vùng ngập nước chính từ sự kết tinh của thiên nhiên. Những giọt sương đọng trên tán lá cây của đêm hôm trước làm nguồn nước chính sinh sống qua ngày. Chị Võ Thị Cúc cứ chèo ghe đi từng nhà trút những bát nước vào lu rồi mang về cho cháu tắm. Ban ngày trời nóng nực, sợ vết thương hành sưng tấy, từ ngày Hiệp về, người mẹ mua cái quạt máy, tậu bình ắc quy để bật quạt cho con được mát. Chứ thường ngày, cả gia đình chẳng hề biết đến điện đóm là gì. Mái tranh nghèo từng đêm được thắp sáng bằng ánh đèn lập lòe khi tỏ khi mờ.

Ước mơ bình dị của đứa trẻ vùng nước nổi       

Tuần rồi, tìm về tận căn chòi của gia đình Hiệp ở xã Vĩnh Bửu. Nghe những lời tâm sự của cô gái mới lớn có khuôn mặt dị dạng bởi kẻ thủ ác bỗng dưng thấy nhói lòng. Khuôn mặt Hiệp bị hủy hoại gần như hoàn toàn bởi ngọn lửa. Từ ngày bị hãm hại, em nghỉ học hẳn và không dám đến lớp. Cô bé nhớ mái trường xưa, nhớ cái lớp học mà ở nơi ấy có những người bạn với cái tên Nghĩa, Vũ, Tuyết Ly, Quyền…

Hay tin Hiệp bị tai nạn, các bạn đã đến, động viên tinh thần cô bé rất nhiều, nhưng, với gương mặt đầy sẹo, em mặc cảm với bản thân và không dám gặp các bạn. Những cô gái mới lớn thường thích làm đẹp, thích soi gương và đắm mình chải chuốt mái tóc dài tha thướt. Nhưng với Hiệp, đó là niềm vui xa xỉ, là ước mơ đơn giản nhất của những cô gái mới lớn mà bản thân em không thể với tới. Nhắc đến niềm vui làm đẹp, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt lồi lõm đầy sẹo. Em cứ vô tình để những giọt nước mắt ấy chảy trên đôi má, lăn trên bờ môi méo lệch do lửa táp rồi trôi vào miệng. Những giọt nước mắt mặn chát như càng làm đắng lòng của người trong cuộc.

Hiệp rất muốn trở lại mái trường, khát khao đi tìm con chữ. Đấng sinh thành của em vốn mù chữ, anh Ngô Văn Tâm (cha của Hiệp) và chị Võ Thị Cúc mong mỏi những đứa con thơ được cái chữ, con số làm hành trang để bước vào đời. Từng ngày từng tháng, anh Tâm phải làm thuê cuốc mướn cho người dân xung quanh để đổi lấy vài chục ngàn đồng. Không cam lòng để chồng chịu cực, chị Cúc oằn lưng giữa cái nắng, giữa những cơn mưa dầm để cạo sạch vỏ cây cho chủ vựa tràm. Sức khỏe chị yếu, mỗi ngày nhận được khoảng 30 ngàn tiền công mà 2 tay đã mỏi rã rời. Cuộc sống gia đình em Hiệp sẽ cứ bình dị trôi đi trong lặng lẽ nếu không có cái ngày bị người ta đày đọa tấm thân non nớt.

Những chuỗi ngày nặng nề trôi qua, hằng ngày ngồi nấp trong căn nhà xiêu vẹo, ngoài đường đám học sinh í ới gọi nhau đi học, Hiệp nghe lòng như quặn thắt. Em cũng muốn đến trường, muốn được vô tư hồn nhiên tung tăng đến lớp để nuốt từng con chữ của thầy cô. Nhưng tất cả dường như không thể. Hiệp nói trong những dòng nước mắt nghẹn ngào. Em biết sự xuất hiện của mình ở chốn đông người sẽ bị cái nhìn dị nghị, bị chúng bạn soi mói và không nói quá là một sự sợ hãi. Để có được ước mơ giản dị, gia đình Hiệp mong mỏi được đưa em đi chữa trị gương mặt để xóa tan đi mặc cảm của bản thân. Cô bé khao khát từng ngày, từng giờ được hòa mình cùng chúng bạn trên bục giảng, dưới mái trường em đã từng học.

Hoàn cảnh của cô gái 2 lần bị quăng vào đống rơm đang cháy như làm động lòng của những con người có lương tri. Nhiều Mạnh Thường Quân đề nghị sẽ chữa trị miễn phí hoặc hỗ trợ viện phí để em an tâm điều trị. Ngày cuối tuần rồi, một niềm vui chợt ập đến như bao trùm lấy căn nhà xiêu vẹo giữa bốn bề nước lớn. Cháu Ngô Thị Bé Hiệp được đề nghị lên Sài Gòn chẩn đoán và chữa trị gương mặt biến dạng do di chứng để lại của ngọn lửa. Trong niềm vui vỡ òa, Hiệp không muốn xa cha, xa mẹ, xa mái tranh nghèo xơ xác nơi vùng quê. Lời tâm sự của em thốt lên làm ứa nước mắt những người có mặt buổi tiễn đưa hôm ấy.

Gác chuyện kiếm tiền mưu sinh, chị Võ Thị Cúc đi cùng Hiệp để lo lắng cho em trong những ngày ở TP chữa trị. Lúc chuẩn bị hành lý, đôi chân chị Cúc cứ cuống lên, va vào nhau nhiều lần như chực chờ để té. Đôi mắt của người mẹ cứ đỏ au, ngân ngấn lệ. Miệng chị Cúc không thôi lẩm bẩm: “Vậy là con tôi sắp được tiếp tục chữa trị rồi, cuộc đời còn lại của tấm thân này có cực mấy tôi cũng cố chịu”.

Anh Ngô Văn Tâm ngồi thẫn thờ một góc đầu giường, trên đôi môi của người cha như mấp máy để nói lên tâm sự của nỗi lòng. Đăm chiêu nhìn con nước nổi, ánh mắt anh như sáng lên một niềm tin hy vọng vào sự giúp đỡ của tấm lòng nhân ái. Đằng sau đôi mắt ấy là một bờ vai nặng trĩu cho những tháng ngày cơ cực sắp tới

Hà My
.
.
.